(HBĐT) - Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình (TĐHB) được đưa vào danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia (ANQG). Tuy nhiên, quá trình triển khai đã ảnh hưởng đến cuộc sống, việc đi lại của gần 20 hộ dân thuộc tổ 8, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) gây bức xúc trong dư luận. Vấn đề này đã được người dân kiến nghị tới các cấp có thẩm quyền nhưng vẫn chưa được giải quyết...


Đi về nhà mình cũng bị kiểm soát

"Từ khi Công ty TĐHB xây dựng trạm kiểm soát, gần 20 hộ dân ở ngõ 431, đường Hòa Bình không khác gì bị "giam lỏng”. Chúng tôi đi về nhà mình cũng bị kiểm soát. Điều này gây rất nhiều bất tiện và bức xúc cho chúng tôi” - ông Nguyễn Quang Trung một người dân ở ngõ 431 phản ứng gay gắt. Còn ông Hội thì hài hước: "Tôi có quán cà phê, kinh doanh nhà nghỉ ở ngay mặt đường Hòa Bình. Từ khi bị chặn đường, anh em vẫn trêu bây giờ tôi bị đi tù rồi. Hỏi thì họ bảo anh em muốn vào thăm, uống với nhau chén rượu mà cũng bị cấm không cho vào. Tôi có nhiều bạn bè cả xa, cả gần, nhưng từ khi bị cấm đường chẳng còn ai đến chơi với tôi nữa. Việc kinh doanh của tôi được cấp có thẩm quyền cấp phép, có nộp thuế cho Nhà nước, thế nhưng khi Công ty TĐHB đặt trạm kiểm soát, chặn đường vào, việc kinh doanh của gia đình tôi ngừng hoạt động. Chúng tôi từng là công nhân tham gia xây dựng Nhà máy TĐHB, ở đây mấy chục năm rồi, được Nhà nước cắm đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đàng hoàng chứ có phải "nhảy dù” đâu. Từ ngày Công ty TĐHB dựng trạm gác đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của gần 20 hộ dân ở đây. Chúng tôi chỉ có nguyện vọng Công ty trả lại con đường như ngày xưa. Đừng chặn đường đi của chúng tôi”.


Đặt trạm gác sai vị trí của Công ty Thủy điện Hòa Bình ảnh hưởng đến việc đi lại, cuộc sống của gần 20 hộ dân tại ngõ 431, đường Hòa Bình, thuộc tổ 8, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình).

"Chúng tôi ở đây tính đến nay gần 40 năm rồi nhưng từ ngày 1/7/2018, Công ty TĐHB lập trạm kiểm soát và trạm bán vé thăm quan công trình đã gây nhiều bức xúc và sự bất tiện cho người dân. Chúng tôi đồng ý với quan điểm tăng cường bảo vệ an toàn cho nhà máy, nhưng rất bức xúc khi Công ty lập trạm gác, chặn đường đi của người dân. Họ làm như thế là sai, bởi sau khi lập Đề án bảo vệ công trình Nhà máy TĐHB, UBND tỉnh đã phê duyệt. Đồng thời ban hành Quyết định số 1490/QĐ-UBND về phê duyệt phương án cấm đường Hòa Bình qua khu vực công trình Nhà máy TĐHB. Quyết định này của UBND tỉnh được căn cứ trên cơ sở Pháp lệnh "Bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến ANQG”; Nghị định số 126/2008/NĐ-CP của Chính phủ; Quyết định số 99/QĐ-TTg của Thủ tướng về việc đưa công trình Nhà máy TĐHB vào danh mục công trình quan trọng liên quan đến ANQG và trên cơ sở đề nghị của Sở GTVT tại Tờ trình số 104/TTr-SGTVT chứ không phải là tự nhiên mà có. Theo đó, Quyết định số 1490/QĐ-UBND nêu rõ phạm vi cấm đường Hòa Bình từ km 0 + 200 đến km 2 + 900. Thế nhưng việc đặt trạm gác bảo vệ của Công ty lại đặt sai vị trí, ảnh hưởng đến cuộc sống và tự do đi lại của hơn 100 con người”, ông Nguyễn Quang Trung bức xúc.

Lỗi của người dân?!

Tại buổi làm việc với các hộ dân đang sinh sống ở ngõ 431, đường Hoà Bình ngày 21/9/2018, đại diện lãnh đạo Công ty TĐHB thừa nhận: Nhà máy TĐHB là công trình được xây dựng và vận hành gần 40 năm nên việc xen kẽ giữa hành lang công trình và các khu dân cư vẫn tồn tại. Do vậy, quá trình thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh về việc tổ chức bảo vệ vẫn còn một số vấn đề gây ra sự bất tiện, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân thời gian qua.

Trước thông tin về việc Công ty TĐHB đặt các trạm gác sai vị trí, gây ảnh hưởng đến người dân, ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Công ty cho rằng: Quyết định của Thủ tướng đưa Nhà máy TĐHB trở thành công trình quan trọng về ANQG cũng khá lâu rồi. Sau khi UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh phối hợp với Công ty xây dựng phương án cụ thể để triển khai theo yêu cầu thì bắt đầu cấm người và các phương tiện ra vào khu vực nhà máy từ ngày 1/7/2018, Công ty đã triển khai xây dựng các điểm chốt gác bảo vệ trước đó hàng tháng rồi. Khi Quyết định số 1490/QĐ-UBND của UBND tỉnh phê duyệt phương án cấm đường được ban hành ngày 27/6/2018 thì chúng tôi đã triển khai xong việc xây dựng các trạm gác, bảo vệ ở 2 đường vào Nhà máy. Như vậy, Quyết định của tỉnh ra sau khi Công ty triển khai xây dựng các trạm gác, bảo vệ. Các trạm gác của Công ty đều được xây dựng đảm bảo theo đúng Nghị định số 126/2008/NĐ-CP của Chính phủ, đúng ranh giới của hành lang bảo vệ công trình. Đồng thời, các điểm này phù hợp với hồ sơ khi xây dựng phương án về đảm bảo an toàn cho công trình đã được các bộ, ngành và tỉnh phê duyệt. "Việc cấm đường, đặt mình vào địa vị người dân bản thân tôi cũng thấy có sự bất tiện, bất cập. Mình đang ở đấy tự nhiên lại bị kiểm soát, người ta bức xúc là đương nhiên”, ông Minh nói thêm.

Tuy vậy, khi trả lời câu hỏi về việc triển khai xây dựng các trạm gác có tính đến việc sẽ chặn đường đi lại của 18 hộ dân ở ngõ 431, đường Hòa Bình? ông Minh lý giải: 2 trạm gác đã được Công ty xây dựng trước khi có Quyết định số 1490/QĐ-UBND tỉnh hàng tháng. Quá trình xây dựng chúng tôi vẫn nghĩ người dân không đi đường này nữa mà họ đi đường khác. Hơn nữa, khi triển khai xây dựng các trạm gác, địa phương không có ý kiến gì. Phương án xây dựng này đã được tỉnh duyệt và thống nhất với Công an tỉnh để triển khai.

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, đại diện lãnh đạo UBND phường Tân Thịnh cho biết: Quá trình Công ty TĐHB xây dựng, đặt trạm bảo vệ trên đường Hòa Bình thuộc địa phận tổ 8, địa phương hoàn toàn không biết, không được Công ty thông báo. Chỉ đến khi các trạm gác đi vào hoạt động gây sự bất tiện và bức xúc cho người dân thì chính quyền mới được biết.

Trao đổi vấn đề này, đồng chí Phạm Thanh Bình, Phó Ban pháp chế HĐND tỉnh, tổ đại biểu HĐND tỉnh tại thành phố Hòa Bình cho rằng: Việc Công ty TĐHB lập trạm gác, chặn ngõ 431, đường Hòa Bình mà không có sự thông báo, phối hợp với chính quyền địa phương, người dân. Người dân bức xúc là đúng!

"Đề nghị trả lại lối đi cho người dân”

Trao đổi với chúng tôi, thượng tá Hà Tiến Hùng, Phó trưởng Phòng An ninh kinh tế (PA04) - Công an tỉnh cho biết: Vừa qua, Công an tỉnh đã nhận được phản ánh của người dân về vấn đề này. Hiện nay, chúng tôi đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng như Sở GTVT, UBND thành phố Hòa Bình làm việc với Công ty TĐHB bàn phương án giải quyết để đảm bảo hài hòa giữa nhiệm vụ bảo vệ tuyệt đối an toàn công trình, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân; tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật và tích cực tham gia, góp phần bảo vệ an toàn cho công trình.

Để giải quyết vấn đề này, vừa qua, Công ty TĐHB đã phối hợp với các ngành chức năng tính toán phương án mở một con đường về phía taluy dương. Tuy nhiên, người dân không chấp nhận phương án này, bởi sẽ không đảm bảo an toàn giao thông. Họ vẫn giữ quan điểm chỉ đồng tình với phương án di chuyển trạm gác về đúng vị trí theo Quyết định số 1490/ QĐ-UBND tỉnh để trả lại lối đi cho đi như cũ. Việc này không ảnh hưởng đến công tác bảo đảm an toàn cho công trình.

Còn về phía Công ty, ông Nguyễn Văn Minh vẫn giữ quan điểm không di chuyển trạm gác. Để tạo điều kiện cho người dân, hiện nay, Công ty đề xuất với địa phương phương án làm đường riêng cho người dân đi. Tuy vậy, phương án này đã bị người dân phản đối.

Từ thực tế trên, rất mong các ngành chức năng sớm vào cuộc cùng với Công ty TĐHB xem xét, thống nhất phương án giải quyết phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, không để cho bức xúc kéo dài. Bởi việc cấm đường đã ảnh hưởng đến quyền tự do đi lại hợp pháp của người dân. Hơn nữa, đây lại là những người đã có cống hiến, dành cả tuổi thanh xuân trên công trình Nhà máy TĐHB.


P.V


Các tin khác


Bồi dưỡng kỹ năng đưa tin về nhóm dễ bị tổn thương cho 35 phóng viên, biên tập viên

Ngày 17/5, tại Hà Nội, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức bồi dưỡng kỹ năng đưa tin về nhóm dễ bị tổn thương. Tham dự có 35 phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương, địa phương.

Hội thi nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” 

Ngày 17/5, UBND tỉnh tổ chức Hội thi nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) "Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” (PCCC) tỉnh Hoà Bình năm 2024. Tham gia hội thi có 10 đội đại diện cho trên 300 "Tổ liên gia an toàn PCCC” ở 10 huyện, thành phố trong toàn tỉnh.

Tháng Công nhân năm 2024: Thiết thực các hoạt động hướng về người lao động

Tháng 5 - Tháng Công nhân, khắp các công xưởng, nhà máy, xí nghiệp từ thành phố đến nông thôn trên địa bàn tỉnh sôi nổi hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động (NLĐ) về vật chất, tinh thần. Từ đó tạo động lực mới, khí thế mới để cán bộ công đoàn, đoàn viên, NLĐ quyết tâm cao, nỗ lực lớn, cùng hành động đưa Nghị quyết Đại hội (NQĐH) Công đoàn các cấp, NQĐH XVII Công đoàn tỉnh và NQĐH XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028 vào cuộc sống.

Cảnh báo các thủ đoạn mới của tội phạm xâm hại trẻ em

Ngày 16/5, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Thành phố xảy ra 45 vụ bạo lực, xâm hạ

Chập điện gây cháy hoàn toàn ngôi nhà sàn ở xã Mường Chiềng

Theo thông tin từ lực lượng chức năng, khoảng 14h ngày 16/5 đã xảy ra vụ cháy nhà dân tại xóm Bản Hạ, xã Mường Chiềng, huyện Đà Bắc. Đây là ngôi nhà sàn của gia đình ông Xa Văn Rộng, sinh năm 1962.

Thống nhất nội dung tuyên truyền Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lần thứ XVI

Ngày 16/5, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức họp thống nhất nội dung tuyên truyền Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục