(HBĐT) - "Bình thường họ cũng giống như bao người khác. Nhưng mỗi khi trái gió, trở trời hay khi "lên cơn” thì chẳng ai có thể biết được họ sẽ làm gì”, nói về hành vi của người mắc bệnh tâm thần, bác sỹ Vũ Trung Thành, Trưởng khoa Tâm thần - Trung tâm Phòng, chống bệnh xã hội tỉnh chia sẻ.

Những vụ án đau lòng

"Thời gian qua trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ án đau lòng. Hành vi phạm tội do người mắc bệnh tâm thần gây ra thường là hành vi dã man, tàn độc, gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng, thậm chí là án mạng với bất kể ai. Đáng buồn hơn, bị hại thường là những người thân, quen trong gia đình”, thẩm phán Nguyễn Thị Dụ, Chánh toà Dân sự (TAND tỉnh) - người từng là chủ tọa nhiều phiên toà xét xử những người có tiền sử bệnh lý tâm thần phạm tội vẫn luôn ám ảnh với những vụ án liên quan đến người tâm thần khi còn là Chánh tòa hình sự.

Mới đây, TAND tỉnh đã đưa vụ án Bùi Văn Ịt (SN 1973), trú tại xóm Khang 2, xã Quy Hậu (Tân Lạc) về tội giết người ra xét xử. Theo đó, trong khi đang bổ củi trước sân nhà, bà Bùi Thị Hạnh là mẹ đẻ của Ịt ra sân nhặt củi. Thấy vậy, Bùi Văn Ịt bảo với bà Hạnh "Mẹ không phải làm, việc đấy để con làm”. Nghe con nói vậy, bà Hạnh bỏ vào trong nhà rồi nói vọng ra "Làm thế nào thì làm, không làm được thì thôi”. Trước đây, do hay bị mẹ mắng chửi về việc hay uống rượu, nên sau khi nghe vậy, Ịt đã nổi khùng, cầm đoạn gỗ vào nhà rồi đập mạnh lên đầu bà Hạnh. Cú đập làm bà Hạnh ngã ra đất, bất tỉnh. Dù được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhưng sau đó bà Hạnh đã tử vong. Đáng nói, Bùi Văn Ịt là người có tiền sử bị bệnh rối loạn loạn thần do sử dụng rượu.

Ngoài vụ án trên, mới đây, TAND tỉnh cũng đưa ra xét xử vụ án Bùi Văn Dân (SN 1984), trú tại xóm Xê 2, xã Ngọc Lâu (Lạc Sơn) cũng có hành vi giết người. Đau lòng hơn, nạn nhân chính là bà Bùi Thị Bịm - mẹ đẻ của Bùi Văn Dân. Theo đó, trong khi mâu thuẫn với vợ, Bùi Văn Dân về ở cùng bố mẹ đẻ tại xóm Vín Thượng, xã Hương Nhượng (Lạc Sơn). Trong một lần "lên cơn”, không làm chủ hành vi, suy nghĩ, Bùi Văn Dân đã dùng đoạn gỗ đập liên tiếp vào đầu bà Bịm làm bà tử vong tại chỗ. Quá trình điều tra, cơ quan CSĐT đã xác định Bùi Văn Dân có dấu hiệu về tâm thần. Thời điểm trước và trong khi thực hiện hành vi phạm tội, Bùi Văn Dân bị mắc bệnh rối loạn nhân cách thực tổn. Theo phân loại bệnh Quốc tế lần thứ 10 năm 1992, bệnh có mã số F07.0. Tại các thời điểm trên, bị can hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

Mới đây nhất vào ngày 22/10/2018, tại thôn Bá Lam 1, xã Cao Thắng (Lương Sơn) đã xảy ra 1 vụ án mạng thương tâm làm rúng động dư luận xã hội. Theo đó, vào hồi 1h ngày 22/10/ 2018, trong lúc bị bệnh thần kinh tái phát, Nguyễn Văn Thương (SN 1982), trú tại thôn Bá Lam 1, xã Cao Thắng đã có hành vi đập phá đồ đạc, đánh chửi vợ con. Thấy vậy, bà Nguyễn Thị Hồng, mẹ Thương đang nằm ngủ đã dậy khuyên can. Tuy nhiên, khi đang khuyên can con thì bất ngờ Thương dùng dao chém bà Hồng gây thương tích. Trong lúc hoảng sợ, bà chạy về phía cửa để kêu cứu thì bị Thương dùng dao chém liên tục vào người và tử vong tại chỗ. Sau khi chém chết bà Hồng, Thương đã kéo thi thể ném xuống giếng nước của gia đình cùng nhiều vật dụng, đồ đạc. Khi bị những người xung quanh truy bắt, Thương đã ôm đứa con nhỏ 4 tuổi vào nhà rồi đưa lên tầng 3 cố thủ và dọa ai lên sẽ ném đứa bé xuống đất. Sau hơn 4 giờ đồng hồ vận động, thuyết phục, lực lượng Công an mới giải cứu được cháu bé và bắt giữ đối tượng. Theo những người thân trong gia đình, vào tháng 9/2017, khi thấy Nguyễn Văn Thương có biểu hiện tâm thần nặng, gia đình đã đưa đi điều trị tại Bệnh viện Thần kinh Trung ương Thường Tín (Hà Nội). Sau khi điều trị về, Thương thỉnh thoảng vẫn tái phát bệnh thần kinh và có hành vi đe dọa, làm ảnh hưởng đến những người xung quanh.

Nỗi ám ảnh mang tên "tâm thần”

Trên đây chỉ là một trong những vụ án đau lòng do người tâm thần gây nên xảy ra trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong 5 năm qua (2013 - 2018), trên địa bàn tỉnh xảy ra khoảng 40 vụ án do người có tiền sử mắc các bệnh về tâm thần gây ra. Trong đó khoảng 1/2 là các vụ giết người, gây thương tích với hành vi dã man. Hầu hết các nạn nhân đều là người thân trong gia đình.

Theo thống kê của Trung tâm phòng chống bệnh xã hội tỉnh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 2.000 bệnh nhân tâm thần đang được quản lý và điều trị. Đáng nói, số bệnh nhân mắc các bệnh về tâm thần có xu hướng tăng lên do môi trường xã hội và những áp lực trong cuộc sống.

Thực tế hiện nay, theo bác sỹ Vũ Trung Thành, Trưởng khoa Tâm thần - Trung tâm phòng, chống bệnh xã hội: Việc quản lý người tâm thần ngoài cộng đồng đang là một trong những vấn đề khó khăn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do hệ thống bệnh viện của tỉnh chưa có giường điều trị cho bệnh nhân tâm thần. Cùng với đó còn thiếu cán bộ chuyên ngành tâm thần. Trong khi đó, số bệnh nhân tâm thần ngày càng tăng. Đáng nói, hiện nay đã xuất hiện nhiều bệnh nhân tâm thần, loạn thần do rượu và do sử dụng ma túy tổng hợp đã gây nên những tác động, ảo giác hoang tưởng cho người bệnh. Khi đã xuất hiện những tác động, ảo giác thì không ai có thể biết trước được hành vi của người ta.

Có thể nói, để giải quyết vấn đề người tâm thần trong cộng đồng vẫn luôn được xem là một trong những vấn đề khá phức tạp và gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, điều quan trọng nhất chính là sự quan tâm quản lý của gia đình, cộng đồng xã hội, không có sự kỳ thị, xa lánh người tâm thần. Bên cạnh đó, việc đảm bảo duy trì cho người bệnh sử dụng thuốc đầy đủ, ổn định cũng là một trong những giải pháp tích cực để góp phần phòng ngừa có hiệu quả tình trạng người tâm thần gây mất TTATXH; hạn chế thấp nhất các vụ việc vi phạm pháp luật do người tâm thần gây ra.

P.V


Các tin khác


Bồi dưỡng kỹ năng đưa tin về nhóm dễ bị tổn thương cho 35 phóng viên, biên tập viên

Ngày 17/5, tại Hà Nội, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức bồi dưỡng kỹ năng đưa tin về nhóm dễ bị tổn thương. Tham dự có 35 phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương, địa phương.

Hội thi nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” 

Ngày 17/5, UBND tỉnh tổ chức Hội thi nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) "Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” (PCCC) tỉnh Hoà Bình năm 2024. Tham gia hội thi có 10 đội đại diện cho trên 300 "Tổ liên gia an toàn PCCC” ở 10 huyện, thành phố trong toàn tỉnh.

Tháng Công nhân năm 2024: Thiết thực các hoạt động hướng về người lao động

Tháng 5 - Tháng Công nhân, khắp các công xưởng, nhà máy, xí nghiệp từ thành phố đến nông thôn trên địa bàn tỉnh sôi nổi hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động (NLĐ) về vật chất, tinh thần. Từ đó tạo động lực mới, khí thế mới để cán bộ công đoàn, đoàn viên, NLĐ quyết tâm cao, nỗ lực lớn, cùng hành động đưa Nghị quyết Đại hội (NQĐH) Công đoàn các cấp, NQĐH XVII Công đoàn tỉnh và NQĐH XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028 vào cuộc sống.

Cảnh báo các thủ đoạn mới của tội phạm xâm hại trẻ em

Ngày 16/5, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Thành phố xảy ra 45 vụ bạo lực, xâm hạ

Chập điện gây cháy hoàn toàn ngôi nhà sàn ở xã Mường Chiềng

Theo thông tin từ lực lượng chức năng, khoảng 14h ngày 16/5 đã xảy ra vụ cháy nhà dân tại xóm Bản Hạ, xã Mường Chiềng, huyện Đà Bắc. Đây là ngôi nhà sàn của gia đình ông Xa Văn Rộng, sinh năm 1962.

Thống nhất nội dung tuyên truyền Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lần thứ XVI

Ngày 16/5, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức họp thống nhất nội dung tuyên truyền Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục