(HBĐT) - Đại dịch Covid-19 đến đường đột, bất ngờ, làm cho cuộc sống của mọi người dân bị đảo lộn. Cách ly xã hội, giúp nhiều người có thời gian để "sống chậm”, tận hưởng những giá trị cốt lõi của cuộc sống gia đình, nhưng cũng làm nhiều người phát "cuồng” vì sự bức bách, ngột ngạt, và không ít người buôn bán nhỏ, lao động tự do rơi vào nỗi lo đứt bữa khi không có việc làm, không có thu nhập. Nhưng trên hết cả là nhiều thói quen, nếp nghĩ của mỗi con người đã được thay đổi theo… guồng quay của đại dịch!


 Đoàn viên Công đoàn khối MTTQ, đoàn thể huyện Kim Bôi làm mũ chắn giọt bắn phòng, chống dịch Covid-19 tặng đội ngũ y, bác sỹ làm việc tại các cơ sở y tế.
 
Ý thức phòng ngừa dịch bệnh được nâng cao

Điều này có thể thấy rõ khi cả người giàu lẫn người nghèo, người sống ở nông thôn cũng như thành thị đều coi khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn là vật dụng thiết yếu trong mỗi gia đình. Người có điều kiện thì mua cả hộp khẩu trang y tế dùng dần, còn phần đa người dân làm theo khuyến cáo của Bộ Y tế mua dăm, bảy chiếc khẩu trang vải giặt mỗi ngày để thay đổi sử dụng. Thói quen đeo khẩu trang tại những nơi đông người, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng dần hình thành và ngày càng trở nên phổ biến. 

Chị Trần Thị Tú, tiểu thương bán hàng ở chợ Nghĩa Phương (TP Hòa Bình) chia sẻ: Chúng tôi kinh doanh mặt hàng thực phẩm phục vụ ăn uống, nên vẫn được phép hoạt động bình thường trong những ngày cách ly xã hội. Ngồi bán hàng, chúng tôi vẫn thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh trên hệ thống loa phát thanh và trên điện thoại. Được các cháu thanh niên hỗ trợ, chúng tôi cũng thực hiện nghiêm túc việc khai báo y tế tự nguyện trên ứng dụng NCOVI để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Khi bán hàng, tôi quan sát thấy, từ khi liên tục xuất hiện các ca nhiễm Covid-19 mới trên cả nước, người dân khi đến chợ đeo khẩu trang nhiều hơn, và chính các tiểu thương cũng hạn chế việc tụ tập trò chuyện để phòng, chống dịch. Tại gian hàng của tôi và các tiểu thương gần đó, khi thấy khách không đeo khẩu trang đều chủ động nhắc nhở để mọi người cùng nêu cao ý thức phòng, chống dịch bệnh.

Vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Hùng, ở Phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) cùng làm việc ở bộ phận Văn phòng của cơ quan, đơn vị nên khá bận rộn. Thông thường, bữa sáng anh Hùng thường tự túc ở… quán cho tiện. Thế nhưng, từ khi có dịch Covid-19, hàng ngày nghe khuyến cáo không tụ tập nơi đông người, anh thay đổi hẳn cách sinh hoạt. Sáng dậy cắm nồi cơm, hấp vào đó quả trứng, thịt trưng mắm tép, hay chuẩn bị trước lọ ruốc, muối vừng…, tập thể dục xong đã có bữa sáng chắc dạ. Cách làm đó được lan truyền tới các anh chị em trong cùng cơ quan, và bỗng chốc trở thành phong trào cùng thực hiện. Để chung tay phòng, chống dịch bệnh, anh Hùng tham mưu với lãnh đạo cơ quan trang bị nước rửa tay sát khuẩn, mua thuốc khử khuẩn về phun toàn bộ cơ quan, đề nghị phương án ứng dụng công nghệ thông tin, thay phiên nhau làm việc ở nhà để đảm bảo giãn cách cần thiết.

Lan tỏa những hành động đẹp

Trong cuộc sống hối hả mọi người hay nói câu "Nhàn cư vi bất thiện”, hay " Nhàn rỗi sinh nông nổi”… nhưng khi dịch bệnh hoành hành thì nhiều người lại sử dụng thời gian rảnh rỗi một cách có ích, lan tỏa được nhiều hành động đẹp trong xã hội. Ví như một số chị em phụ nữ làm nghề may mặc, trong lúc dịch dã không có khách liền quay sang may khẩu trang để tặng miễn phí cho người nghèo. 

Tháng 3 là "Tháng thanh niên”, do dịch bệnh, các cấp bộ Đoàn được định hướng không tổ chức các hoạt động bề nổi: mít tinh, giao lưu, tọa đàm, hay thực hiện các công trình thanh niên có tập trung đông người. Không có những hoạt động bề nổi, nhưng tinh thần xung kích của thanh niên vẫn được thể hiện. Đó là việc tích cực tham gia hiến máu tình nguyện, cùng các lực lượng phòng dịch ở cơ sở dọn dẹp vệ sinh môi trường, phun thuốc khử khuẩn, quyên góp, kêu gọi hỗ trợ để phát khẩu trang, nước rửa tay miễn phí cho người dân. Chuẩn bị pa nô, áp phích, loa đài để tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh. Đi đến từng nhà, từng ngõ để hướng dẫn, hỗ trợ người dân khai báo y tế tự nguyện. 

Trong điều kiện vật tư y tế khan hiếm, đông đảo đoàn viên Công đoàn các cơ quan, đơn vị tranh thủ làm mũ chắn giọt bắn phòng, chống dịch Covid-19 tặng đội ngũ y, bác sỹ bệnh viện, cán bộ, chiến sỹ đang làm việc tại các khu cách ly. Nhiều người đứng ra kêu gọi bạn bè, người thân ủng hộ góp tiền, góp gạo, để giúp đỡ những người nghèo. 

Là trưởng chi nhánh quỹ xã hội từ thiện Hành Trình Xanh tại Hòa Bình, bà Nguyễn Thị Na tích cực kết nối, xây dựng kế hoạch phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh và thành phố tổ chức hoạt động tiếp sức vượt qua đại dịch Covid-19. Theo đó, trung tuần tháng 3 vừa qua, đoàn đã tổ chức phát 500 suất ăn, 300 khẩu trang y tế, tổng trị giá 20 triệu đồng cho người lao động khó khăn, thất nghiệp trong mùa dịch Covid-19 tại bưu điện phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình). Tiếp đó, đoàn đã đã đi thăm, tặng quà và nhu yếu phẩm gồm tiền, gạo, mì tôm, bánh kẹo cho 30 hộ khó khăn tại các phường Tân Thịnh, Tân Hòa của TP Hòa Bình. Tự lái xe chở 500 kg gạo đến hỗ trợ cho khu cách ly tập trung của tỉnh tại Trung đoàn T14, ông  Nguyễn Xuân Trung, Giám đốc Công ty TNHH Thành Trung, phường Tân Hòa chia sẻ: Chúng tôi là doanh nghiệp nhỏ nên cũng bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19. Nhưng khi nghe Ủy ban MTTQ phường tuyên truyền, vận động quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch, chúng tôi đã cố gắng thu xếp "của ít, lòng nhiều” để cùng đất nước vượt qua đại dịch.

Dõi theo cuộc chiến chống dịch Covid-19 trong hơn 3 tháng qua có thể thấy, đâu đó trên địa bàn tỉnh vẫn còn có những cá nhân thờ ở, vô cảm, thậm chí có người còn lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi cá nhân, nhưng nhìn tổng quan trong xã hội đã nổi lên hàng nghìn hành động đẹp, những việc làm ý nghĩa. Đó là những hành động được xuất phát từ những trái tim biết rung động, sẻ chia, mong muốn một phần sức lực của mình để tạo sự đồng tâm hiệp lực mạnh mẽ, chung tay phòng chống, đẩy lùi đại dịch.
                                                                                     
Thúy Hằng

Các tin khác


Bồi dưỡng kỹ năng đưa tin về nhóm dễ bị tổn thương cho 35 phóng viên, biên tập viên

Ngày 17/5, tại Hà Nội, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức bồi dưỡng kỹ năng đưa tin về nhóm dễ bị tổn thương. Tham dự có 35 phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương, địa phương.

Hội thi nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” 

Ngày 17/5, UBND tỉnh tổ chức Hội thi nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) "Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” (PCCC) tỉnh Hoà Bình năm 2024. Tham gia hội thi có 10 đội đại diện cho trên 300 "Tổ liên gia an toàn PCCC” ở 10 huyện, thành phố trong toàn tỉnh.

Tháng Công nhân năm 2024: Thiết thực các hoạt động hướng về người lao động

Tháng 5 - Tháng Công nhân, khắp các công xưởng, nhà máy, xí nghiệp từ thành phố đến nông thôn trên địa bàn tỉnh sôi nổi hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động (NLĐ) về vật chất, tinh thần. Từ đó tạo động lực mới, khí thế mới để cán bộ công đoàn, đoàn viên, NLĐ quyết tâm cao, nỗ lực lớn, cùng hành động đưa Nghị quyết Đại hội (NQĐH) Công đoàn các cấp, NQĐH XVII Công đoàn tỉnh và NQĐH XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028 vào cuộc sống.

Cảnh báo các thủ đoạn mới của tội phạm xâm hại trẻ em

Ngày 16/5, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Thành phố xảy ra 45 vụ bạo lực, xâm hạ

Chập điện gây cháy hoàn toàn ngôi nhà sàn ở xã Mường Chiềng

Theo thông tin từ lực lượng chức năng, khoảng 14h ngày 16/5 đã xảy ra vụ cháy nhà dân tại xóm Bản Hạ, xã Mường Chiềng, huyện Đà Bắc. Đây là ngôi nhà sàn của gia đình ông Xa Văn Rộng, sinh năm 1962.

Thống nhất nội dung tuyên truyền Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lần thứ XVI

Ngày 16/5, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức họp thống nhất nội dung tuyên truyền Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục