(HBĐT) - Năm cũ qua đi với nhiều biến động, sáng đầu xuân năm mới, trước khi về bên gia đình nội ngoại, người thân, nhiều người chọn hướng xuất hành khai xuân là đi lễ chùa. Bên cạnh xin lộc cho gia đình, ai cũng mong một năm không Covid-19, quốc thái dân an. Năm nay, để phòng, chống dịch (PCD) Covid-19, chùa Hòa Bình Phật Quang không tổ chức các lễ hội xuân tập trung đông người, nhưng cổng chùa vẫn luôn rộng mở chào đón phật tử và du khách đến lễ chùa.


Các phật tử đến chùa Hòa Bình Phật Quang lễ Phật được nghe Thượng tọa Thích Đức Nguyên thuyết giảng về Phật pháp ngày đầu xuân.

Năm qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để đảm bảo công tác PCD, hoạt động Phật giáo nói riêng cũng như các tôn giáo khác nói chung diễn ra khá trầm lắng. Các nghi thức quan trọng trong năm vẫn được trang trọng diễn ra nhưng ở quy mô nhỏ, ít người tham gia và thực hiện nghiêm ngặt các quy định PCD. Thượng tọa Thích Đức Nguyên, Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, trụ trì chùa Hòa Bình Phật Quang cho biết: Đầu xuân năm mới, mặc dù diễn biến dịch Covid-19 còn phức tạp, nhưng để đáp ứng nguyện vọng của phật tử và Nhân dân, nhà chùa vẫn mở cửa đón khách thập phương hành lễ. Để đảm bảo an toàn cho người dân và tín đồ phật tử về dâng hương, nhà chùa có các phương án chia nhỏ, phân luồng từng nhóm nhỏ 5 - 10 hộ gia đình lần lượt vào cầu an và dâng hương. Nhà chùa cũng chuẩn bị khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, thường xuyên nhắc nhở khách ra vào phải đeo khẩu trang phòng dịch, thực hiện nghiêm túc việc giữ khoảng cách, không tập trung đông người… vừa đảm bảo việc cầu an, cầu phúc đầu xuân vừa đảm bảo PCD.

Mọi năm, du khách đến chùa đầu xuân sau khi hành lễ cầu an, cầu tài sẽ giành nhiều thời gian để thăm thú, vãn cảnh chùa, ghi lại những khoảnh khắc đẹp cùng người thân và gia đình trong khuôn viên của nhà chùa nhưng trong bối cảnh hiện nay, đa số phật tử, người dân sau khi hành lễ đã khẩn trương rời chùa. Bà Hoàng Thị Lan, phường Dân Chủ (TP Hòa Bình) cho biết: Đi lễ chùa sáng mồng 1 Tết đã là truyền thống, thói quen của gia đình tôi từ nhiều năm nay. Ngày mồng 1 Tết là khởi đầu cho một năm mới, gia đình tôi tin rằng đây là thời điểm phù hợp nhất để về với đức Phật, nguyện cầu những điều bình an. Năm nay, ngoài việc cầu mong cho gia đình mạnh khỏe, con cái làm ăn phát đạt, các cháu chăm ngoan, học giỏi, tôi cũng như nhiều người khác đến chùa đều chung ước nguyện dịch bệnh sớm chấm dứt, cuộc sống trở về bình thường.

Đón xuân trong bối cảnh đặc biệt, dịch bệnh diễn biến phức tạp nên nhiều người không thể trực tiếp đến chùa. Chị Bùi Thị Hoa, thị trấn Mường Khến (Tân Lạc) chia sẻ: Năm nào gia đình tôi cũng đi chùa dịp đầu năm, nhưng năm nay do dịch bệnh nên gia đình chọn phương án đi chùa online. Tất nhiên đi chùa theo cách truyền thống vẫn thích hơn nhưng trong điều kiện dịch bệnh, chùa là nơi đông người qua lại nên đi chùa online cũng là một lựa chọn để đáp ứng nhu cầu tâm linh đầu năm. Phật ở muôn nơi, trong tâm có sẵn tính thiện, luôn hướng về đức Phật và chỉ làm những điều thiện đó mới là điều quan trọng nhất. Hiện nay, rất nhiều địa phương, gia đình trên địa bàn tỉnh hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Do đó, tuy không đến chùa được nhưng tôi chọn cách ủng hộ, phát tâm giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Theo tôi, đó cũng là một việc làm ý nghĩa nên làm trong những ngày đầu xuân.

Vãn cảnh chùa là đến một không gian thiêng. Các chùa trên địa bàn tỉnh như Hòa Bình Phật Quang, chùa Tiên, Kim Sơn Lạc Hồng, chùa Hang… đều có phong cảnh đẹp gắn với những tích ý nghĩa, linh thiêng, là nơi để ai đến cũng thấy lòng dịu nhẹ. Được đến chùa, trực tiếp thỉnh cầu lên đức Phật và các vị Bồ tát những mong ước của mình, nếu may mắn, có cơ duyên gặp được các nhà sư, chư tăng và nghe thuyết giảng về Phật pháp thì thêm hoan hỷ biết bao. Một năm mới đã đến, những thử thách, khó khăn đang ở phía trước. Nếu không đến được chùa thì hãy thành tâm hành thiện, Phật ở trong tâm và sẽ luôn minh chứng cho những việc làm tốt đẹp của mỗi chúng ta.


Dương Liễu


Các tin khác


Bồi dưỡng kỹ năng đưa tin về nhóm dễ bị tổn thương cho 35 phóng viên, biên tập viên

Ngày 17/5, tại Hà Nội, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức bồi dưỡng kỹ năng đưa tin về nhóm dễ bị tổn thương. Tham dự có 35 phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương, địa phương.

Hội thi nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” 

Ngày 17/5, UBND tỉnh tổ chức Hội thi nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) "Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” (PCCC) tỉnh Hoà Bình năm 2024. Tham gia hội thi có 10 đội đại diện cho trên 300 "Tổ liên gia an toàn PCCC” ở 10 huyện, thành phố trong toàn tỉnh.

Tháng Công nhân năm 2024: Thiết thực các hoạt động hướng về người lao động

Tháng 5 - Tháng Công nhân, khắp các công xưởng, nhà máy, xí nghiệp từ thành phố đến nông thôn trên địa bàn tỉnh sôi nổi hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động (NLĐ) về vật chất, tinh thần. Từ đó tạo động lực mới, khí thế mới để cán bộ công đoàn, đoàn viên, NLĐ quyết tâm cao, nỗ lực lớn, cùng hành động đưa Nghị quyết Đại hội (NQĐH) Công đoàn các cấp, NQĐH XVII Công đoàn tỉnh và NQĐH XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028 vào cuộc sống.

Cảnh báo các thủ đoạn mới của tội phạm xâm hại trẻ em

Ngày 16/5, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Thành phố xảy ra 45 vụ bạo lực, xâm hạ

Chập điện gây cháy hoàn toàn ngôi nhà sàn ở xã Mường Chiềng

Theo thông tin từ lực lượng chức năng, khoảng 14h ngày 16/5 đã xảy ra vụ cháy nhà dân tại xóm Bản Hạ, xã Mường Chiềng, huyện Đà Bắc. Đây là ngôi nhà sàn của gia đình ông Xa Văn Rộng, sinh năm 1962.

Thống nhất nội dung tuyên truyền Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lần thứ XVI

Ngày 16/5, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức họp thống nhất nội dung tuyên truyền Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục