(HBĐT) - Những người cao tuổi mới cảm nhận sâu sắc về thị xã Hoà Bình cách đây mấy mươi năm. Khi ấy, thị xã Hoà Bình chỉ bó gọn trên tuyến quốc lộ 6 cũ, nay là đường An Dương Vương, nhà cửa thưa vắng, dăm ba cơ quan hành chính, hợp tác xã, cửa hàng thương nghiệp. Khắp tứ bề toàn núi rừng, lau sậy, nghe kể còn có cả hổ, báo, lợn lòi thỉnh thoảng "lạc rừng” vào quấy phá nhà dân.


Một góc trung tâm thương mại bờ trái sông Đà (TP Hòa Bình).

Bên bờ phải sông Đà là đầm Quỳnh Lâm lau sậy bạt ngàn, hoang vu. Chim, cò tìm về làm tổ, bay lượn từng đàn đen đặc mặt đầm, các loại cá tôm, cua ốc, trăn, rắn, ba ba nhiều vô kể. Người dân quanh vùng sinh sống nhờ nguồn lợi thủy sản từ đánh bắt cá, tôm ở đầm và trên sông Đà… Bên bờ trái cũng vậy, toàn đầm lầy, lau sậy, nối dài xuống tận Ba Vì, khung cảnh hoang vắng, buồn tẻ. Quốc lộ 6 nối từ Hà Đông đến thị xã Hòa Bình ngoằn ngoèo, cả ngày mới có một chuyến xe chật chội chở đầy người và hàng hoá. Khu vực đường An Dương Vương hiện nay chỉ có một vài điểm nhà ở cán bộ, khu dốc mì sợi, cửa hàng thương nghiệp được coi là phố, còn lại tối mịt mùng. Ngay cả những năm đầu tái lập tỉnh, thị xã Hoà Bình dù là trung tâm tỉnh lỵ, trụ sở cơ quan, nhà dân được xây dựng nhiều hơn, cuộc sống có phát triển hơn nhưng vẫn là một thị xã nghèo, nếu không có có công trình xây dựng thuỷ điện Hoà Bình chắc nhiều người cũng không biết đến. Thời gian xây dựng thuỷ điện, người dân được tham gia, tận hưởng không khí công trường, có xi măng, sắt thép để xây dựng nhà cửa. Nhưng vẫn là thời gian khó quên của những ngày gian khó. Hai bờ sông cách trở giao thương, để kết nối duy nhất giữa hai bờ thị xã là chiếc cầu phao dân sinh dập dềnh sóng nước, đi lại rất vất vả, gian nan. Vào mùa mưa lũ, chiếc cầu phao bị cắt, thay vào đó là những chuyến đò ngang qua sông. Nếu may mắn gặp đò còn nhanh bằng không thì phải chờ hàng tiếng đồng hồ để đò quay trở lại đón chuyến tiếp theo. Những kỷ niệm đi lại trên chiếc cầu phao ở khu vực kho muối, đê Đà Giang sang suối Đúng hay những chuyến đó sang sông Đà vẫn không thể nào quên trong ký ức của người dân thuở đó. Thời ấy, thị xã có các chợ là Phương Lâm - chợ chính bên bờ phải, chợ Chăm và bên kia sông Đà có chợ Tổng, chợ Vồ hàng hoá, người mua bán thưa thớt...

Thị xã Hoà Bình năm nào đã phát triển trở thành đô thị loại III, rồi thành phố trực thuộc tỉnh, đang trên đà trở thành đô thị loại II, đô thị ven sông Đà, hiện đại, văn minh, mang bản sắc riêng có, là nơi đáng sống của cư dân. Nhiều nguồn lực đầu tư tạo sự thay đổi mạnh mẽ về hạ tầng đô thị, thương mại, dịch vụ. Thành phố đã có hệ thống giao thông trục dọc, trục ngang đồng bộ, khép kín, tạo ra những đổi thay rõ rệt trong trong diện mạo. Trước thành phố chỉ có khu dân cư Bắc Trần Hưng Đạo là nơi đáng sống, nay đường Chi Lăng kéo dài, bề mặt rộng tới 27m, trở thành trục giao thông chiến lược mở ra không gian phát triển đô thị cho khu vực đầm Quỳnh Lâm. Quảng trường Hòa Bình trở thành địa điểm tổ chức các hoạt động văn hoá, du lịch, thể thao lớn của tỉnh và các sự kiện lớn của đất nước như SEA Games 31, chương trình nghệ thuật "Hòa Bình - Thanh âm xứ Mường" và lễ hội Carnival năm 2022… quảng bá du lịch, văn hoá của tỉnh đối với bạn bè trong nước và quốc tế. Khu vực đầm Quỳnh Lâm xưa đang khởi động hàng loạt dự án giao thông phá vỡ thế độc đạo, tạo sự kết nối hạ tầng với các khu vực phường Dân Chủ, Thống Nhất, Thái Bình… nối tới đường tránh quốc lộ 6, đường Trần Hưng Đạo - Dân Chủ... Nhiều xã được nâng cấp lên phường. Nhiều tuyến đường, khu phố văn minh hình thành, hướng tới đô thị văn minh, sạch đẹp hơn. Trên địa bàn thành phố đã có 3 cây cầu hiện hữu kết nối hai bờ sông Đà, kết nối với các trục giao thông dọc ngang, mở ra không gian phát triển đô thị rộng lớn. Khu bờ trái sông Đà đã hình thành những toà nhà cao tầng hiện đại, hệ thống dịch vụ thương mại, nhà hàng khách sạn, khu vui chơi giải trí; cơ quan, công sở xây dựng mới khang trang, hiện đại. Người dân được hưởng thụ các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, văn hóa, giáo dục chất lượng cao.

Sau sáp nhập địa giới hành chính, TP Hoà Bình được mở rộng đang hội tụ những điều kiện thuận lợi để phát triển khi có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, có đồng bằng, núi non hùng vĩ, hạ tầng giao thông kết nối… Theo quy hoạch đến năm 2045, TP Hoà Bình phát triển dọc hai bên bờ sông Đà gắn với hệ thống đường, cơ sở dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, hệ thống điện chiếu sáng, thoát nước, giao thông đồng bộ, kết nối với hồ Hòa Bình; thu hút đầu tư phát triển đô thị thương mại, du lịch dọc tuyến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình. Phát triển du lịch, dịch vụ chất lượng cao gắn với các dịch vụ đồng bộ, lễ hội, làng nghề, hoạt động văn hóa truyền thống. Trên địa bàn thành phố đang khởi động nhiều dự trọng giao thông quan trọng, các dự án nhà ở đô thị ven sông, sân golf, hệ thống thương mại, dịch vụ... cùng hàng loạt dự án ngoài ngân sách Nhà nước, hiện thực hoá mục tiêu xây dựng thành phố mang bản sắc riêng có, là đô thị sinh thái, phát triển xanh, bền vững.

Lê Chung


Các tin khác


Bồi dưỡng kỹ năng đưa tin về nhóm dễ bị tổn thương cho 35 phóng viên, biên tập viên

Ngày 17/5, tại Hà Nội, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức bồi dưỡng kỹ năng đưa tin về nhóm dễ bị tổn thương. Tham dự có 35 phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương, địa phương.

Hội thi nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” 

Ngày 17/5, UBND tỉnh tổ chức Hội thi nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) "Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” (PCCC) tỉnh Hoà Bình năm 2024. Tham gia hội thi có 10 đội đại diện cho trên 300 "Tổ liên gia an toàn PCCC” ở 10 huyện, thành phố trong toàn tỉnh.

Tháng Công nhân năm 2024: Thiết thực các hoạt động hướng về người lao động

Tháng 5 - Tháng Công nhân, khắp các công xưởng, nhà máy, xí nghiệp từ thành phố đến nông thôn trên địa bàn tỉnh sôi nổi hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động (NLĐ) về vật chất, tinh thần. Từ đó tạo động lực mới, khí thế mới để cán bộ công đoàn, đoàn viên, NLĐ quyết tâm cao, nỗ lực lớn, cùng hành động đưa Nghị quyết Đại hội (NQĐH) Công đoàn các cấp, NQĐH XVII Công đoàn tỉnh và NQĐH XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028 vào cuộc sống.

Cảnh báo các thủ đoạn mới của tội phạm xâm hại trẻ em

Ngày 16/5, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Thành phố xảy ra 45 vụ bạo lực, xâm hạ

Chập điện gây cháy hoàn toàn ngôi nhà sàn ở xã Mường Chiềng

Theo thông tin từ lực lượng chức năng, khoảng 14h ngày 16/5 đã xảy ra vụ cháy nhà dân tại xóm Bản Hạ, xã Mường Chiềng, huyện Đà Bắc. Đây là ngôi nhà sàn của gia đình ông Xa Văn Rộng, sinh năm 1962.

Thống nhất nội dung tuyên truyền Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lần thứ XVI

Ngày 16/5, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức họp thống nhất nội dung tuyên truyền Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục