(HBĐT) - Năm 2015, một số nông dân ở xóm Đam, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) cùng bàn bạc, trao đổi và lựa chọn đầu tư chăn nuôi gà bản địa theo hướng thương phẩm với mục đích phát triển kinh tế gia đình. Năm 2016, xuất phát từ nhu cầu tập hợp lại, họ lập nên nhóm sở thích, đến năm 2017 chính thức thành lập tổ hợp tác (THT) chăn nuôi gà bản địa xóm Đam với 8 hộ thành viên. Từ đó đến nay, mặc dù chưa nhận được sự hỗ trợ nào của Nhà nước nhưng bằng sự hợp lực của các thành viên, THT đã duy trì và phát triển, trở thành địa chỉ tin cậy cung ứng gà bản địa cho thị trường trong, ngoài tỉnh.


Trại gà của tổ hợp tác xóm Đam, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) nuôi thả kết hợp, sản phẩm đảm bảo chất lượng.

Người dành nhiều tâm huyết cho sự phát triển lớn mạnh của THT xóm Đam phải kể đến anh Bùi Văn Linh (sinh năm 1988) với vai trò tổ trưởng. Hơn 30 tuổi, anh Linh đã có hàng chục năm gắn bó với ruộng vườn từ cấy lúa, trồng mía, trồng ngô, nuôi lợn và giờ là gây dựng trại gà. Anh Linh cho biết: Cách đây gần 4 năm, nhận thấy thị trường sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gà bản địa có nhiều triển vọng, tôi đã đi tìm hiểu, học tập cách làm của các hộ sản xuất trong, ngoài xã trước khi quyết định chọn hướng phát triển mô hình gà bản địa thương phẩm, khởi điểm nuôi thử với số lượng 200 con. Trên diện tích đất sản xuất của gia đình, tôi xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi kiên cố, đảm bảo yếu tố vệ sinh môi trường và không làm ảnh hưởng đến khu dân cư. Việc sản xuất chăn nuôi ở những ngày đầu dù đã tính toán kỹ, cẩn trọng từ khâu chọn nguồn giống, thức ăn, vắc xin phòng bệnh nhưng vẫn không tránh khỏi yếu tố thời tiết bất lợi làm ảnh hưởng dẫn đến hao đầu con. Đổi lại, nhờ chất lượng gà ngon, bán được giá nên mô hình nuôi thử gà thương phẩm vẫn đảm bảo có lãi. Điều này giúp tôi thêm niềm tin phát triển và nhân rộng mô hình.

Cùng thời điểm năm 2016, một số hộ thành viên tiêu biểu khác ở xóm Đam cũng khởi nghiệp chăn nuôi gà là hộ anh Dương Văn Tiềm, Bùi Văn Èm, Bùi Văn Vi. Hồi mới thành lập THT, nhóm hộ chủ yếu trồng mía, rau. Sau khi tìm hiểu thị trường thấy có khả năng tiêu thụ và sinh lời chuyển hẳn sang đầu tư chăn nuôi. Về phương pháp kỹ thuật, các thành viên THT chủ yếu tự học hỏi qua bạn bè, người thân, trên sách báo, internet... Ở giai đoạn mới khởi nghiệp, các hộ tận dụng diện tích đất đồi khoảng 2 ha với quy mô nhỏ (tổng đàn của THT mới khoảng 3.000 con/lứa). Gà được chăn thả kết hợp vừa sử dụng thức ăn hỗn hợp, ăn cám ngô, rau, vừa nuôi nhốt, thả tự do lên đồi.

Cùng tham gia sinh hoạt trong THT, tổ trưởng là người quản lý, phân công công việc hàng ngày cho các thành viên. Đồng thời, các thành viên trong tổ phát huy tinh thần học hỏi, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau sao cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ thuận lợi, suôn sẻ. Theo tổ trưởng Bùi Văn Linh, về giống, các hộ thành viên mua chung một điểm cung cấp giống là trại gà giống có uy tín lâu năm của huyện Lạc Thủy. Nhóm sử dụng chung cám và thuốc thú y của công ty dưới hình thức bán trả chậm. Về máy móc, công nghệ, các thành viên tự đầu tư trang trại. Tổng tài sản hiện có khoảng 800 triệu đồng, trong đó 400 triệu đồng là tài sản cố định (đất và trang trại), 400 triệu đồng là tài sản lưu động (giống gà và thức ăn).

Đồng tâm hiệp lực để cùng phát triển, các hộ thành viên THT xóm Đam không chỉ trợ giúp nhau về kỹ thuật mà còn ở khâu giống, vốn, kinh nghiệm, liên kết thị trường tiêu thụ. Qua kênh tổ chức Hội Nông dân, các thành viên được tập huấn hướng dẫn sản xuất sạch, kỹ thuật và phòng chống dịch bệnh đảm bảo vệ sinh môi trường và sức khỏe người tiêu dùng. Nhờ uy tín, chất lượng sản phẩm luôn được các thành viên THT đặt lên hàng đầu nên trong thời gian qua, giá bán sản phẩm do THT sản xuất ra khá ổn định, dao động 75.000 - 80.000 đồng/kg. Tổ cũng xây dựng kế hoạch sản xuất chung để cung cấp cho thị trường đều đặn, không để tình trạng lúc sản phẩm khan hiếm, lúc lại ế đọng, dư thừa.

Với mùa vụ kinh doanh tập trung chủ yếu vào tháng 4, tháng 9 và vào vụ Tết, các thành viên trong nhóm phát triển sản lượng gà căn cứ kế hoạch đã định ra. Hình thức tiêu thụ qua khách buôn và người mua tự tìm đến chiếm khoảng 90%, 10% còn lại được bán cho khách lẻ hoặc đám cưới. Toàn THT có 15 trại gà, bình quân mỗi trại duy trì nuôi từ 1.500 - 2.000 con/lứa, mỗi năm xuất 4,6 - 4,7 vạn con. Trong quá trình phát triển, THT vẫn còn nhiều khó khăn về nguồn vốn, chủ yếu từ vay mượn, xoay sở để đầu tư cho sản xuất, đầu ra sản phẩm phụ thuộc vào thị trường tự do. Để vững vàng trên bước đường cùng khởi nghiệp, các thành viên trong tổ mong muốn thời gian tới được hỗ trợ các điều kiện cần và đủ để phát triển lên hợp tác xã, áp dụng các quy trình, tiêu chuẩn chăn nuôi gà thương phẩm sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm, có lô gô, tem nhãn nhận diện để khẳng định thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng lòng tin của người tiêu dùng. Mặt khác, THT được tiếp cận, tham gia các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để tạo nên giá trị chăn nuôi bền vững.

Bùi Minh


Các tin khác


Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp

(HBĐT) - Thời gian qua, cùng với thực hiện hiệu quả hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã triển khai đồng bộ, hiệu quả 3 chương trình đồng hành với thanh niên trong học tập; khởi nghiệp, lập nghiệp; rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa, tinh thần trong đoàn viên thanh niên (ĐVTN). Trong đó, chương trình "Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp” tạo thành phong trào có sức lan tỏa rộng, hàng trăm mô hình phát triển kinh tế của thanh niên đã được xây dựng đạt hiệu quả cao.

Đoàn Thanh niên thị trấn Hàng Trạm hỗ trợ thanh niên lập nghiệp

(HBĐT) - Phong trào "Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp” được Đoàn Thanh niên thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy) chú trọng thực hiện trong thời gian qua. Với sự ủng hộ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương và nỗ lực từ đoàn viên thanh niên (ĐVTN) đã xuất hiện nhiều gương thanh niên làm kinh tế giỏi tiêu biểu.

Đoàn xã Phú Nghĩa: Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp trong thanh niên

(HBĐT) - Những năm qua, Đoàn xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy) đã triển khai nhiều hoạt động đồng hành, hỗ trợ đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trong phát triển kinh tế, tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, đầu tư xây dựng mô hình. Qua đó tạo điều kiện cho ĐVTN phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân, gia đình, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Thắp lửa tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên xã Ngọc Lương

(HBĐT) - Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, tuổi trẻ xã Ngọc Lương (Yên Thủy) luôn khát khao lập thân, lập nghiệp với nhiều cách làm hay, sáng tạo, không ngừng đóng góp ý tưởng khởi nghiệp, thi đua lao động sản xuất trên các lĩnh vực nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuổi trẻ tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong, gương mẫu, tích cực đóng góp công sức xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Tuổi trẻ thị trấn Mãn Đức thi đua khởi nghiệp sáng tạo

(HBĐT) - Có lợi thế vị trí địa lý nằm ở khu vực trung tâm huyện với hệ thống đường giao thông thuận tiện, dân cư đông đúc, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) không ngừng nỗ lực sáng tạo, thi đua lao động sản xuất, cải thiện chất lượng cuộc sống. Qua đó đã triển khai xây dựng nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương. Đồng thời tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của tuổi trẻ trong xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

Đoàn phường Thái Bình tiếp lửa phong trào khởi nghiệp sáng tạo

(HBĐT) - Phường Thái Bình (TP Hòa Bình) có trên 2.000 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), trong đó khoảng 400 ĐVTN là lực lượng nòng cốt trong thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo của tuổi trẻ, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Đồng thời khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của thế hệ trẻ trong xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục