(HBĐT) - Hỏi: Người ứng cử (NƯC) đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và HĐND các cấp phải đáp ứng các tiêu chuẩn nào? Trả lời: NƯC ĐBQH, đại biểu HĐND phải đáp ứng các tiêu chuẩn của ĐBQH, tiêu chuẩn của đại biểu HĐND quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Theo các quy định mới được sửa đổi, bổ sung của 2 đạo luật nói trên, ĐBQH, đại biểu HĐND phải có các tiêu chuẩn sau đây:


- Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

- Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.

- Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

- Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ ĐBQH, đại biểu HĐND.

- Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.

- Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội, hoạt động của HĐND.

Người tự ứng cử, người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND của địa phương nào thì phải là người đang cư trú hoặc công tác thường xuyên ở địa phương đó.

Ngoài ra, đối với người được giới thiệu ứng cử ĐBQH đang công tác tại cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước, ngoài việc đảm bảo các tiêu chuẩn chung còn phải là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tiêu biểu, xuất sắc; có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, có năng lực phân tích, hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, có chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với vị trí dự kiến, thể hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, không vi phạm quy định về những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm. 

Đối với người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp đang công tác tại cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước nói chung phải là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tiêu biểu; có tư tưởng chính trị vững vàng; có năng lực xây dựng chính sách và khả năng tổ chức hoạt động giám sát, có chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với vị trí dự kiến; thể hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, không vi phạm quy định về những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm.

Không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết; những người vi phạm Quy định số 126-QĐ/TW, ngày 28/2/2018 của Bộ Chính trị, hoặc có vấn đề về chính trị chưa được kết luận. Kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền tham gia Quốc hội, HĐND.

Ngoài các tiêu chuẩn chung nói trên, người được giới thiệu ứng cử để làm làm ĐBQH, đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách còn cần đáp ứng thêm một số tiêu chuẩn cao hơn về trình độ chuyên môn, vị trí công tác đang đảm nhiệm, về tình hình sức khỏe và độ tuổi ứng cử, tái cử (nêu cụ thể tại Hướng dẫn số 36-HD/BTCTW, ngày 20/1/2021).

Đ.H (TH)

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tăng cường công tác tuyên truyền bầu cử

(HBĐT) - Từ trung tâm thị trấn Mãn Đức đến các xã vùng cao của huyện Tân Lạc những ngày tháng 4 rợp trong cờ hồng, cờ đuôi nheo, pa nô, khẩu hiệu hướng về ngày hội lớn của dân tộc - ngày bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tại các khu dân cư, hệ thống loa phát thanh cơ sở thường xuyên phát những nội dung hướng về ngày bầu cử. Công tác tuyên truyền đã, đang được huyện Tân Lạc xác định là một trong những nội dung quan trọng, chuẩn bị cho ngày bầu cử.

Huyện Lạc Sơn: Phấn đấu cử tri đi bỏ phiếu đạt tỷ lệ cao nhất

(HBĐT) - Bên cạnh việc thành lập các Ban chỉ đạo, Uỷ ban Bầu cử (UBBC), các tiểu ban và các tổ giúp việc, UBBC huyện Lạc Sơn đã thành lập tổ chỉ đạo và phân công phụ trách công tác bầu cử (CTBC) từng xã, thị trấn. Theo đó, giao cho mỗi đồng chí cấp phó các phòng ban, đoàn thể huyện trực tiếp phụ trách CTBC tại mỗi xã và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBBC huyện về CTBC của xã đó.

Giao ban Ủy ban Bầu cử tỉnh: Tập trung kiểm tra trực tiếp các tổ bầu cử, điểm bỏ phiếu tại các xã vùng khó khăn

(HBĐT) - Ngày 22/4, Ủy ban Bầu cử (UBBC) tỉnh tổ chức hội nghị giao ban đánh giá tiến độ công tác bầu cử (CTBC) đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch UBBC tỉnh chủ trì hội nghị.

Chốt danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp

(HBĐT) - Hội nghị hiệp thương (HNHT) lần thứ ba là bước và vòng hiệp thương cuối cùng trong quy trình 5 bước, 3 vòng hiệp thương giới thiệu người ứng cử (NƯC) đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đây là bước rất quan trọng để lựa chọn, lập danh sách chính thức những người đủ tiêu chuẩn ứng cử. Thời gian ấn định cho bước này từ ngày 14 - 18/4. MTTQ các cấp trong tỉnh với vai trò chủ trì hội nghị đã chủ động, tập trung hoàn thành tổ chức đúng tiến độ.

Hỏi đáp về bầu cử: Về danh sách người ứng cử

(HBĐT) - Hỏi: Người tự ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH), tự ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) đã qua hiệp thương và được đưa vào danh sách sơ bộ những người ứng cử thì có được đưa vào danh sách chính thức những người ứng cử không?

Nhiều điểm mới trong tổ chức Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, tổ chức của Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 có sự thay đổi so với nhiệm kỳ 2016-2021 về số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân, số lượng cấp phó và cơ cấu của Thường trực Hội đồng nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục