"Từ năm 1925, Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương (Viện Hải dương học Nha Trang ngày nay) đã đưa tàu De Lanessan ra quần đảo Hoàng Sa (hiện nay thuộc thành phố Đà Nẵng) nghiên cứu khoa học tại các đảo, rạn san hô, dòng hải lưu, nguồn lợi thủy sản, thủy văn... Sau đó, tàu xuống nghiên cứu quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). Qua những đợt nghiên cứu như vậy, đã công bố các báo cáo quan trọng cho cộng đồng thế giới biết về biển, đảo Việt Nam” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang thông tin.


Bộ xương cá voi khổng lồ tại Viện Hải dương học Nha Trang. Ảnh: Hải Luận

Xây dựng ngọn hải đăng đầu tiên ở quần đảo Hoàng Sa

Theo nghiên cứu của Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tác An, kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, nền kinh tế của Pháp gần như bị suy kiệt. Nhằm mở rộng khai phá vùng Biển Đông để đóng góp vào nền kinh tế của Pháp, năm 1922, Chính phủ Pháp cho thành lập Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương, đặt tại Nha Trang (Khánh Hòa).

Chiếc tàu nghiên cứu biển De Lanessan đưa từ Pháp sang, được xem là "xương sống” của Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương ngày đó, các dữ liệu khoa học về biển, đảo Việt Nam được các nhà khoa học thu thập, công bố rất sớm.

Trong những cuốn nhật ký hàng hải của tàu De Lanessan còn lưu trữ ở Viện Hải dương học Nha Trang đã ghi chép khá chi tiết, từ cuối tháng 3-1925, tàu De Lanessan bắt đầu có những chuyến khảo sát, nghiên cứu đầu tiên. Từ năm 1925 đến năm 1930, tàu đã thực hiện 52 chuyến khảo sát, thu mẫu 577 trạm ở vùng biển, đảo Việt Nam.

Dấu ấn đậm nhất là các chuyến khảo sát ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thi thoảng, tàu có hải trình đến vịnh Thái Lan, sông Mekong, biển hồ Campuchia... nghiên cứu theo các chuyên đề.

Câu chuyện các nhà khoa học Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương đặt chân lên các đảo ở Hoàng Sa, chào đón họ "nồng nhiệt” chỉ có các loài chim trời. Đôi khi, họ gặp những người đi biển dài ngày ghé lên đảo. Tiến sĩ P. Chevey kể lại trong báo cáo của Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương năm 1925-1926: "Chúng tôi chỉ thấy có một ít thuyền buồm đến những đảo nhỏ hoang vắng này để đánh bắt rùa biển, trai biển khổng lồ (tridacna), hải sâm và các loài hải sản khác mà người ta chỉ thấy trên những đảo san hô.

Thật ra, đấy không phải là những thuyền buồm của người chuyên đánh cá đến để khai thác hải sản trên dải đá ngầm của quần đảo Hoàng Sa. Đây là những nhà hàng hải ở Đông Dương, hằng năm chúng tôi vẫn thấy họ qua lại vào thời gian gió mùa. Trong khoảng thời gian gió mùa đó, mọi hoạt động hàng hải đều bị cấm, họ đến đây để làm giảm bớt nỗi buồn bã của mùa "chết” này bằng cách tranh thủ đánh cá trên những dải đá ngầm của quần đảo xa xôi”.

Từ quá trình khảo sát, nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy quần đảo Hoàng Sa với 36 đảo lớn nhỏ nổi hoàn toàn khi thủy triều lên cao và có những đảo chìm. Sau nhiều chuyến tàu De Lanessan khảo sát, năm 1937, Viện Hải dương học Đông Dương (đổi tên) đã xác định vị trí xây dựng ngọn hải đăng cho tuyến hàng hải quốc tế xuyên qua Biển Đông tại Hoàng Sa. Để phục vụ công trình này, 70 tấn vật liệu được vận chuyển từ đất liền ra Hoàng Sa, trong đó có 6 tấn kim loại.

Tháng 3-1938, Viện Hải dương học Đông Dương phối hợp với cơ quan khí tượng thành lập trạm quan trắc thủy văn ở quần đảo Hoàng Sa. Sau đó, các nhà khoa học đã công bố với thế giới biết thông tin về nhiệt độ và độ mặn của nước biển. Căn cứ vào các dữ liệu khoa học thu được ở quần đảo Hoàng Sa, các nhà khoa học Việt Nam và Pháp đã có những đề xuất xây dựng quy hoạch Hoàng Sa gồm: Sân bay, tổ chức cư trú cho ngư dân, xây dựng khu neo đậu tàu thuyền...

Điều thú vị, các nhà khoa học đã phát hiện rất sớm hiện tượng nước trồi (nước chảy từ đáy lên) trong khu vực biển Việt Nam. Nước ở tầng sâu, từ vịnh Bắc Bộ, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa... có dòng nước ngầm với nhiệt độ 20-21oC chảy từ Bắc vào Nam, hệ dòng chảy nóng tầng mặt trên 250C. Những kết quả này có thể được coi là những dữ liệu quan trọng đầu tiên để đánh giá được hệ sinh thái biển và trữ lượng nguồn lợi thủy sản.

Vẽ bản đồ đánh cá ở Trường Sa

Trong các chuyến hải trình của tàu De Lanessan nghiên cứu khoa học ở quần đảo Trường Sa dài ngày, năm 1930, các nhà khoa học Viện Hải dương học Đông Dương cùng với lực lượng Hải quân Pháp đã cử tàu La Malicieuse đến khảo sát, nghiên cứu các đảo thuộc quần đảo Trường Sa: An Bang, Đá Đông, Ba Bình, Song Tử, Thị Tứ..., trong đó, đặc biệt chú ý đến nền đáy san hô, thu mẫu sinh vật, thu mẫu cát san hô và phát hiện ra lớp phốt phát dày 30cm và khu hệ chim biển ở đây dày đặc.

Sau những chuyến hải trình khảo sát, nghiên cứu ở quần đảo Trường Sa, các nhà khoa học đã đo đạc độ sâu, dòng chảy, trữ lượng thủy sản và vẽ bản đồ khá chi tiết phục vụ tàu thuyền đi lại vùng biển, đảo này; đánh dấu cảnh báo cho tàu ngư dân không được đến khu vực vũng sâu, dòng xoáy lớn, đá ngầm nằm rải rác, sẽ gây nguy hiểm.

Thời gian sau này, Chương trình Hợp tác nghiên cứu Biển Đông của Viện Hải dương học Nha Trang với Viện Biển Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Viễn Đông - Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (Liên bang Nga ngày nay) sử dụng tàu nghiên cứu cỡ lớn, tiến hành nhiều chuyến nghiên cứu tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa như: Nam Yết, Sơn Ca, Thuyền Chài, Phan Vinh, Song Tử Tây, Chữ Thập...

"Qua hợp tác nghiên cứu giữa các viện, tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước, các nhà khoa học đã đưa ra được những luận cứ khoa học, giúp Chính phủ có những kế sách phát triển kinh tế biển như ngành dầu khí, giao thông vận tải, khai thác thủy sản, du lịch, quốc phòng, an ninh...

Hiện nay, các nhà khoa học đang tập trung nghiên cứu những "hẻm vực” rất sâu ở Biển Đông, ở đó có nhiều khoáng sản, đặc biệt là dầu khí và khí đốt chưa khai thác. Cần ứng dụng công nghệ hiện đại vào nghiên cứu đáy biển sâu mới đưa ra được thông tin mới” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tác An chia sẻ.

Trải qua 1 thế kỷ Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương được thành lập, những hải trình dài ngày khám phá biển, đảo Việt Nam từ vịnh Bắc Bộ kéo xuống vịnh Thái Lan, từ quần đảo Hoàng Sa qua Trường Sa... đã được các thế hệ nhà khoa học nối tiếp nhau thực hiện.

Đến nay, Viện Hải dương học Nha Trang đã có 6.731 chuyến khảo sát, nghiên cứu ở Biển Đông, với 149.000 trạm về điều kiện tự nhiên, nguồn lợi, tài nguyên và môi trường biển, đảo. Đây trở thành kho dữ liệu quốc gia đồ sộ, có trên 10.000 mẫu, đồng thời chia sẻ thông tin và công bố các báo cáo khoa học về chủ quyền biển, đảo và những tri thức khoa học đại dương với cộng đồng thế giới.


                         Theo QĐND

Các tin khác


Hải quân Việt Nam và Thái Lan kết thúc tuần tra chung lần thứ 49

Sáng 10/4, Biên đội tàu 261, 264 Vùng 5 Hải quân nhân dân Việt Nam đã cập quân cảng Vùng 5, kết thúc chuyến tuần tra chung thường niên lần thứ 49 với Biên đội tàu 456, 526 của Hải quân Hoàng gia Thái Lan.

166.782 lượt người tham gia Kỳ 2 Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về biển, đảo Việt Nam

Kỳ 2 Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về biển, đảo Việt Nam do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hoà Bình chủ trì tổ chức bắt đầu từ 0h ngày 18/3/2024 đến 24h ngày 31/3/2024. Ban Tổ chức cuộc thi đã tổng hợp và thông báo kết quả cụ thể.

Cần sớm xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Tam Quan

Hiện nay, nhiều ngư dân ở thị xã Hoài Nhơn và các huyện phía Bắc Bình Định đang bức xúc và khó khăn khi di chuyển từ cửa biển Tam Quan đến cảng cá Tam Quan do luồng lạch và cửa biển bị bồi lắng. Với số lượng tàu lớn nên việc di chuyển ra vào cảng cá rất chật hẹp, nhất là mỗi khi ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và ảnh hưởng của mưa bão trên biển, gây mất an toàn cho người dân.

Hội Chữ thập đỏ thành phố Hòa Bình tặng quà ngư dân nghèo tỉnh Kiên Giang

Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) thành phố Hòa Bình cùng các đơn vị, nhà hảo tâm vừa tổ chức chương trình "An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn”, tặng quà cho ngư dân tại huyện An Biên và Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang.

Vùng 2 Hải quân hỗ trợ ngư dân khắc phục sự cố tàu cá hỏng máy trên biển

Vào lúc 9 giờ, ngày 31/3, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại vùng biển phía Nam, tàu 953, Lữ đoàn 167, Vùng 2 Hải quân nhận được tín hiệu giúp đỡ từ tàu cá mang số hiệu BTh 96313TS.

Biển Côn Đảo... nét trầm lắng thơ mộng

Côn đảo là một quần đảo rộng khoảng 76 km2, gồm 16 hòn đảo, lớn nhất là đảo Côn Sơn. Côn Đảo cách Vũng Tàu 185 km, cách TP. HCM 230 km và cách TP. Cần Thơ khoảng 83 km. Về mặt hành chính, Côn Đảo là huyện thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Với bờ biển dài 200 km, Côn Đảo có tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch; khai thác, chế biến hải sản; phát triển cảng biển, dịch vụ dầu khí và hàng hải. Nơi đây có nhiều bãi tắm đẹp như các bãi Đất Dốc, Bãi Cạnh, Đầm Trầu, Hòn Cau, Hòn Tre...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục