(HBĐT) - Kiến trúc nhà cửa của đồng bào các dân tộc tỉnh Hòa Bình luôn chiếm được sự quan tâm, chú ý của các nhà nghiên cứu, sưu tầm cũng như du khách gần xa. Mỗi dân tộc có nét riêng, tạo nên sự độc đáo, phong phú cho các làng bản, cộng đồng.

Nhà sàn Mường cổ truyền thường có 2 vì kèo, 4 cột cái tượng trưng cho 4 chân con rùa và 8 cột con, 4 mái tượng trưng cho mu rùa, bởi tín ngưỡng dân gian của người Mường coi rùa là biểu trưng cho sự bền vững. Bốn mái nhà có độ dốc vừa phải, gồm mái trước và mái sau có hình thang cân, hai mái nhỏ hơn ở hai đầu hồi hình tam giác cân. Hai cạnh xiên của hai mái chính (mái trước và mái sau) bao giờ cũng chờm lên các cạnh xiên của hai mái đầu hồi khoảng 30 - 50 cm để tránh mưa gió tạt vào trong nhà. Hai mái chính thường kéo dài xuống sát cửa sổ vốn dĩ ít nên nội thất hơi thiếu sáng. Bộ khung nhà thường có 4 cột cái, 8 cột con, chân cột được chôn thẳng xuống đất hay kê trên phiến đá. Làm nhà nhỏ chỉ cần 2 cột cái, 4 cột con là đủ. Nhà sàn truyền thống của người Mường thường không tạo lối đi hay hàng lan can ở phía trước, nếu làm lối đi thì hạ thấp một bậc và ở phía sau sàn nhà. Trải qua thời gian và di chuyển đến các địa bàn khác nhau, ngôi nhà sàn truyền thống của người Mường cũng có những biến đổi nhất định, song vẫn giữ được những đặc điểm chung dễ nhận biết, như: Cầu thang chính bằng gỗ luôn có số bậc lẻ (5, 7, 9, 11...), đặt tại đầu hồi bên phải của nửa nhà trước hay sau, dưới chân cầu thang thường có một phiến đá hoặc tấm gỗ dày ở bên cạnh một bồn gỗ hay chum, ống bương đựng nước cùng với một cái gáo tre nhỏ để khách rửa chân trước khi bước lên sàn nhà; cầu thang phụ đặt ở đầu hồi trái dành cho phụ nữ đi lại và làm nội trợ. Nhà sàn cổ truyền có 3 mặt bằng: Gầm sàn là nền đất dùng để nhốt gia súc, đặt cối xay thóc, cối giã gạo, củi, nông cụ (cày, bừa, liềm, hái); gác xép giáp mái nhà là kho cất chứa lương thực, dụng cụ xe sợi, dệt vải, những đồ lặt vặt chưa dùng đến; sàn nhà là mặt bằng sinh hoạt chính của cả gia đình, nơi diễn ra các hoạt động ăn uống, ngủ, nghỉ, thờ cúng tổ tiên, bàn bạc việc nhà, dệt vải, khâu quần áo, chăn màn... Các chức năng trên được xếp đặt quy củ tại những vị trí quy định từ đời trước sang đời sau, không hề xáo trộn. Ngày nay, cùng với sự phát triển của mọi lĩnh vực đời sống, khuôn viên, nhà ở của người Mường tại các địa phương có những đổi thay đáng kể. Những nếp nhà sàn cổ truyền hầu như biến mất, tỷ lệ nhà đất tăng, nhà sàn giảm. Những nhà sàn mới được xây cất cũng có những biến đổi quan trọng: Bộ khung nhà, mái nhà, vách nhà trước kia làm bằng gỗ, lá được thay thế bằng các vật liệu mới như: Sắt, thép, ngói, tôn, tấm lợp, kính, nhựa... bền chắc và tiện lợi hơn. Theo đó, việc bài trí không gian sinh hoạt cũng thay đổi…

Người Thái ở Hòa Bình cư trú chủ yếu tại huyện Mai Châu. Người Tày cư trú chủ yếu ở huyện Đà Bắc. Đơn vị dân cư cơ sở của người Thái, người Tày là bản, trên bản là Mường. Bộ khung nhà của người Thái chỉ có 2 kiểu vì cơ bản, từ đó dẫn đến 2 kiểu nhà sàn. Kiểu thứ nhất gồm 2 cột cái và 1 quá giang. Để tạo thành bộ khung nhà phải liên kết các vì kèo với nhau bằng 2 cây đòn tay lắp vào đầu các cột và 2 thanh dầm ở 2 thân cột. Tiếp đến đặt kèo lên các đầu cột, vì vậy kèo thuộc bộ khung mái nhà chứ chưa phải là một bộ phận như thuộc cột. Kiểu thứ hai là kiểu vì mở rộng bằng cách thêm 2 cột con ở 2 bên, bởi vậy kết cấu vì có sự thay đổi: đầu 2 cột cái vẫn giữ theo kiểu thứ nhất, 2 đầu cột con theo quy cách kèo - cột - xà giống vì kèo nhà người Tày. Người Thái, người Tày chủ yếu ở nhà sàn, lên sàn nhà bằng các cầu thang gỗ với số bậc lẻ như của người Mường. Nhìn chung, nhà sàn Thái - Tày cao rộng hơn, nhiều cửa sổ, gầm sàn cao hơn nhà sàn Mường. Đuôi (chân) mái trước, mái sau đều ngắn nên cao hơn thành cửa sổ khiến nội thất có nhiều ánh sáng, ngay cả trong những ngày mưa và khi chưa có đèn điện thì không gian trong nhà cũng không quá tối. Những năm 1970 - 1980 trở về trước, ở Mai Châu còn khá nhiều nhà sàn rất rộng. Vì nhiều lý do, những ngôi nhà sàn truyền thống điển hình hiện không còn nữa.

Người Dao có nhiều ngành nhưng ở Hòa Bình chỉ có hai ngành Dao Tiền và Dao Quần Chẹt. Nhà ở của người Dao có hai kiểu: Nhà nửa sàn nửa đất và nhà đất; mỗi kiểu nhà gắn với một kiểu thôn, xóm của họ. Nhà nửa sàn nửa đất là kiểu nhà của những thôn, xóm phân tán. Nhà đất là kiểu nhà của những thôn, xóm tập trung. Dù là nhà nửa sàn nửa đất hay nhà đất thì vẫn có điểm giống nhau về bố trí nội thất, đó là ngôi nhà nào cũng phải có một gian riêng biệt có vách ngăn bằng ván gỗ hay phên nứa chạy theo chiều dọc nhà, đồng thời có thêm một đoạn vách ngăn với gian bên. Trong một góc của gian này có đặt bàn thờ gia tiên. Sau đoạn vách ngăn dọc là một buồng chứa lương thực, thực phẩm. Nhìn chung, nhà ở của người Dao Tiền cũng như nhà ở của người Dao Quần Chẹt đều đơn giản, ít được trang trí, không có những nét đặc sắc, độc đáo so với kiến trúc nhà ở của đồng bào các dân tộc sinh sống ở Hòa Bình. Do giao lưu kinh tế, văn hóa - xã hội rộng rãi nên từ nhiều năm nay, phần đông người Dao đã làm nhà ở như nhà của người Kinh, trong đó, một số gia đình vẫn phân chia và xếp đặt nội thất theo lối truyền thống. 

Người Mông ở Hòa Bình cư trú tập trung tại 2 xã Pà Cò, Hang Kia (Mai Châu). Từ xưa đến nay, dù thuộc ngành nào thì người Mông cũng chỉ ở nhà nền đất, vách nhà được thưng bằng phên tre, phên nứa hoặc ván gỗ nhưng cũng ít cửa sổ. Nhà thường có 3 - 5 gian, có nhà có chái. Gian giữa nhà là nơi đặt bàn thờ tổ tiên (bàn thờ thường rất nhỏ, được gắn ngay vào vách nhà, có khi chỉ là một mảnh giấy đỏ có những chiếc lông gà được dán bằng tiết gà), đây cũng là nơi tiếp khách, bàn bạc việc nhà; gian này có một cột chống nóc ở giữa nhà gọi là cột trụ hay cột thiêng. Các gian bên phải và bên trái là buồng ngủ, bếp nấu ăn. So với nhà ở của các dân tộc khác ở Hòa Bình, nhà ở của người Mông có kết cấu đơn giản, thường thấp và ít thay đổi theo thời gian.


V.T (TH)

Các tin khác


Thủy điện Hòa Bình - niềm tự hào công trình thế kỷ

(HBĐT) - Xuyên suốt quá trình 135 năm thành lập tỉnh và 30 năm tái lập tỉnh, công trình thủy điện Hòa Bình như một dấu ấn đáng tự hào, ghi dấu mốc son chói lọi trong bản trường ca chinh phục sông Đà, góp sức xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.

Những nét khái quát về sự hình thành tỉnh Hòa Bình

(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh thuộc tiểu vùng Tây Bắc của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, có vị trí quan trọng, chiến lược về kinh tế, chính trị, AN-QP... Tỉnh là nơi có nền Văn hoá Hòa Bình nổi tiếng - cái nôi văn hoá của người Việt cổ.

Tự hào cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910)

(HBĐT) - Hòa Bình là một tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, với truyền thống yêu nước, ngay từ khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ tại đây, Nhân dân Hòa Bình đã tổ chức nhiều cuộc nổi dậy chống thực dân và chế độ lang đạo hà khắc. Trong dòng chảy lịch sử hào hùng 135 năm thành lập tỉnh, cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910) là một mốc son chói lọi về lòng yêu nước của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Đảng bộ tỉnh - những mốc son lịch sử

(HBĐT) - Với truyền thống vẻ vang trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh bằng những hành động, việc làm cụ thể, nắm bắt các cơ hội phát triển, trách nhiệm, nỗ lực thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Hòa Bình giai đoạn từ năm 2015 đến nay - những dấu ấn tự hào

(HBĐT) - Từ năm 2015 đến nay, với sự đoàn kết thống nhất, cùng nỗ lực vượt bậc của toàn tỉnh, Hòa Bình tiếp tục thu được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực KT-XH, QP-AN, xây dựng hệ thống chính trị. Kinh tế tăng trưởng khá và bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; các ngành, lĩnh vực sản xuất đều phát triển. Hoạt động xúc tiến đầu tư trong giai đoạn này được đẩy mạnh, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện; kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, quan tâm với nhiều công trình quan trọng. Hoạt động đối ngoại được mở rộng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục