(HBĐT) - Mo Mường là loại hình di sản văn hóa đặc biệt của người Mường, có dung lượng lớn, ảnh hưởng sâu sắc và chi phối đến mọi mặt đời sống của người Mường bao đời qua, chứa đựng những giá trị nhân văn, văn hóa, lịch sử, nhân sinh quan, vũ trụ quan, ngữ văn dân gian của người Mường. Có thể coi mo Mường như "bộ bách khoa thư dân gian” về người Mường. Mo Mường gồm 3 lĩnh vực chính cấu thành: Lời mo, diễn xướng, môi trường diễn xướng và con người thực hành diễn xướng mo, trong đó lời mo gắn liền với người diễn xướng chiếm vị trí quan trọng nhất. Chính các bài mo, kát mo, roóng mo (các chương, hồi) hay nói cách khác, các bài văn vần được dân gian truyền miệng, sử dụng làm lời khấn trong các nghi lễ tín ngưỡng, lễ cầu mạnh khỏe, đặc biệt là trong tang lễ... đã tạo nên ngôn ngữ của mo Mường.

Nhìn tổng thể, mo Mường được làm nên và kết cấu bởi rất nhiều bài văn vần truyền miệng. Mỗi một bản mo, một dòng mo lưu giữ đều có những điểm giống hay khác nhau, mỗi vùng Mường việc diễn xướng mo, lời mo đều có khác nhau đôi chút. Điều này chứng tỏ yếu tố dị bản, sự phong phú và rất đa dạng của mo. 

Mo Mường có 3 loại chính cùng được sử dụng là mo nghi thức, mo kể chuyện và mo nhòm. 

Nghệ nhân mo là người nắm giữ các bài mo và là người trực tiếp thực hành diễn xướng mo Mường. Trong dân  gian người Mường gọi họ rất tôn kính là các thâi mo (thầy mo), pổ mo (bố mo), ôông ậw (ông ậu)... Trong đó, danh xưng thầy mo là phổ biến hơn cả. Các nghệ nhân mo trong lịch sử cho đến ngày nay đều là những người có vai trò như điểm tựa tinh thần trong các cộng đồng người Mường trước các biến động của cuộc sống.

 Nghề mo là chỉ chung những thầy mo sinh sống bằng công việc đi làm mo. Đã gọi là nghề thì phải có công cụ. Có thể chia công cụ hành nghề của thầy mo thành 2 loại: Loại thứ nhất phải nhớ trong đầu là các bài cúng, các bài mo; loại thứ hai là đồ vật được cầm, khoác lên người khi hành lễ, hay khi cần dùng trong hành nghề. Thầy mo càng có nhiều đời làm mo thì càng được dân gian tôn sùng và đánh giá cao về năng lực "pháp thuật”, dân gian Mường còn gọi là các dòng mo. Nghề mo cũng phải học, những người có cha, chú làm nghề mo thì việc học có phần đơn giản và thuận lợi hơn vì họ được trực tiếp truyền nghề. Trang phục thầy mo Mường đặc biệt là chiếc mũ. Ở vùng Lạc Sơn, các thầy mo khi tiến hành chủ tế các nghi lễ mo trong tang lễ, họ đội chiếc mũ tạo hình hai chiếc sừng bò tót hướng về phía trước rất oai linh. Trên mũ màu đỏ và dải mũ được thêu trang trí những linh vật như rùa, rồng, phượng, chim, cá... các linh vật thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan của người Mường. Túi khót của thầy mo Mường là những túi vải đựng những công cụ, vật thể được cho là linh thiêng, được dùng làm vật hộ thân, là công cụ trấn trị ma quỷ trong hành nghề của mình; trong đó đồ chế tác bằng kim khí, bằng đá chiếm vị trí quan trọng, chiếm trên dưới 50% số lượng đồ có trong túi khót của các ông mo.

Có thể nói, mo Mường như bộ "bách khoa thư” về người Mường. Trong mo chứa đựng những tinh hoa văn hóa Mường. Trong các bài văn vần, thơ mo chứa nhiều câu chuyện cổ, truyền thuyết dân gian, thần thoại, sử thi. Các câu chuyện đó phản ánh lịch sử, giải thích sự vật, hiện tượng trong cuộc sống thời xa xưa. Đặc biệt, hệ thống tiếng Mường cổ được lưu giữ khá trọn vẹn trong mo Mường. Đây là tài sản, di sản phi vật thể vô giá của người Mường nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung. Các địa danh, tên các loài thực vật, sông, suối... trừ một số địa danh thần thoại ở trên trời, trong mường ma..., tất cả được nói đến trong mo Mường đều có thật trên thực địa vùng người Mường sinh sống. Mo Mường lưu giữ hệ thống địa danh cổ ngày nay nhiều nơi không sử dụng nữa. Điều này rất có ích trong việc nghiên cứu địa chí vùng người Mường sinh sống. Trong mo Mường phản ánh nhân sinh quan, phản ánh mọi góc cạnh các quan niệm về cuộc sống của người Mường, quan niệm về vũ trụ 3 tầng 5 thế giới, vạn vật xung quanh..., kinh nghiệm sản xuất, lịch pháp, phân loại thực vật, kinh nghiệm ứng xử với tự nhiên... Môi trường diễn xướng mo Mường trong tang lễ cổ truyền Mường và hệ thống các nghi lễ, biểu tượng văn hóa, nhà táng, mộ... có trong tang lễ phục vụ cho diễn xướng mo, chứa đựng và phản ánh trang phục dân gian, âm nhạc dân gian (giai điệu các bài mo, nhạc lễ trong mo, lễ hội dân gian, kiến trúc dân gian...). Mo Mường cũng chứa đựng tín ngưỡng dân gian, gồm các tục thờ tổ tiên, thờ tổ nghề (thờ tổ nghề thầy mo), tục thờ người sống (các nghi lễ làm vía, có nơi gọi là mo vía), tục thờ cây (các nghi lễ làm vía Kéo Si), tục hiến sinh (mo trâu, bò, gà...).

Ngày nay, mo vẫn được người Mường trân trọng và việc tổ chức   tang lễ theo nếp sống mới, người Mường vẫn tổ chức mo cho người đã khuất. Số lượng các roóng mo được cắt giảm tối thiểu, chỉ mo những roóng cơ bản, rất cần thiết trong thực hiện các nghi lễ. Các giá trị của mo mãi còn đồng hành cùng người Mường đi tới tương lai với tư cách là một di sản văn hóa, một yếu tố nền tảng cấu thành văn hóa Mường…

V.T (TH)


Các tin khác


Tỉnh Hòa Bình thời sơ sử, thời kỳ Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc

(HBĐT) - Sau thời đại đá (thời tiền sử) là thời đại kim khí (thời sơ sử). Thời đại kim khí chính là thời kỳ hình thành và phát triển của nhà nước Văn Lang - Âu Lạc.

Dấu ấn nền văn hóa Hòa Bình

(HBĐT) - Trong thời kỳ tiền sử của Hòa Bình, nổi bật nhất và đặc trưng nhất là nền "Văn hóa Hòa Bình". Người Hòa Bình tự hào về lịch sử lâu đời của mình, tự hào là địa điểm đầu tiên được phát hiện và được mang tên của một nền văn hóa đặc trưng không chỉ cho riêng Việt Nam, mà cho cả các nước Đông Nam Á lục địa và phía Nam Trung Quốc: Văn hóa Hòa Bình. Kể từ năm 1927, chúng ta đã bắt đầu biết đến một "Thời đại đá trong tỉnh Hòa Bình - Bắc Kỳ” của M.Colani. Ngày 30/1/1932, nền "Văn hóa Hòa Bình” đã được Đại hội các nhà tiền sử Viễn Đông lần thứ nhất họp tại Hà Nội thừa nhận.

 Tỉnh Hòa Bình thời kỳ tiền sử

(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh thuộc tiểu vùng Tây Bắc của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, có vị trí quan trọng và chiến lược về kinh tế, chính trị, AN-QP... Tỉnh Hòa Bình là nơi có nền văn hoá Hòa Bình nổi tiếng - cái nôi văn hoá của người Việt cổ; là vùng đất của sử thi Đẻ đất đẻ nước. Hòa Bình còn là vùng đất âm vang tiếng cồng, chiêng của những lễ hội dân gian truyền thống của các dân tộc Tây Bắc; là quê hương của những làn điệu dân ca, trường ca, truyện thơ mang đậm nét văn hóa dân tộc và giàu chất nhân văn sâu sắc.

Các dân tộc ở Hòa Bình

(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Do đó, kết cấu dân số theo dân tộc (tộc người) được xem là một trong những nét nổi bật trong dân số học ở Hòa Bình. Theo số liệu của cuộc Tổng điều tra dân số năm 2009, Hòa Bình có 6 dân tộc có số dân đông hơn cả là dân tộc Mường (64%), dân tộc Kinh (26%), dân tộc Thái (4%), dân tộc Tày (3%), dân tộc Dao (2%), dân tộc Mông (0,3%); các dân tộc khác chiếm tỷ lệ rất thấp (cộng chung là 0,7%).

Những nét tổng thể về sự hình thành tỉnh Hòa Bình

(HBĐT) - Năm 2021, tỉnh sẽ có nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 135 năm thành lập tỉnh và 30 năm tái lập tỉnh. Nhân dịp này, Báo Hòa Bình mở chuyên mục trên các ấn phẩm Báo in và Báo Hòa Bình điện tử, đăng tải nhiều tuyến bài viết về đất và người Hòa Bình, truyền thống lịch sử tỉnh Hòa Bình qua nhiều thời kỳ; nét bản sắc văn hóa và những phong tục tập quán, danh lam thắng cảnh tỉnh Hòa Bình. Bên cạnh đó là những ghi nhận, đánh giá về thành tựu to lớn, những bước phát triển KT-XH của tỉnh hiện nay.

Hòa Bình khí thế sục sôi giành chính quyền trong Mùa Thu lịch sử

(HBĐT) - "Lệnh khởi nghĩa phát đi đến đâu là ở đó cán bộ và quần chúng phấn khởi, khẩn trương hành động. Khắp núi rừng trong tỉnh dấy lên khí thế cách mạng sục sôi chưa từng có…”, đó là lời kể của các vị lão thành cách mạng, các bậc cao niên được cầm dao, nỏ, gậy gộc… tham gia cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong Mùa Thu lịch sử tháng 8/1945.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục