Trong khi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang sôi nổi chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), ở một số trang báo, trang mạng phản động, các thế lực thù địch lại ra sức chống phá, xuyên tạc, bóp méo Chiến thắng Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam.

Đấu tranh phản bác lại những luận điệu xuyên tạc, bóp méo đó không chỉ tiếp tục khẳng định tầm vóc, ý nghĩa và giá trị to lớn của Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, mà còn trực tiếp bảo vệ chân lý lịch sử, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.



Buổi hợp luyện diễu binh, diễu hành tại sân vận động tỉnh Điện Biên (ngày 28-4) hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN

Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong những ngày gần đây, nhiều clip, video được chia sẻ trên mạng xã hội; nhiều trang báo phản động của các thế lực thù địch đăng tải các thông tin về Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 của nhân dân Việt Nam. Trong đó, các thế lực thù địch xuyên tạc, bóp méo rằng, "chiến thắng Điện Biên Phủ không gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh”; "Chiến thắng Điện Biên Phủ giành được khi thực dân Pháp mắc những sai lầm chiến lược”... Đây là những lời lẽ bóp méo sự thật lịch sử. Bởi thực tiễn đã minh chứng, để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, vai trò lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh là đặc biệt quan trọng.

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 11-5-1954, Ban Chấp hành Trung ương Đảng có thư gửi các cấp ủy và tất cả các đồng chí tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó nêu rõ những nhân tố dẫn đến thắng lợi; trước hết là "có sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch; Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh đã chỉ huy kiên quyết vững vàng và chính xác”[1]. Còn Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp có sự tổng kết sâu sắc và nêu rõ: "Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, qua 9 năm kháng chiến, nhân dân ta đã làm nên trận Đại thắng Điện Biên Phủ giải phóng nửa nước, tạo điều kiện để 21 năm kháng chiến tiếp theo, làm nên trận toàn thắng mùa xuân 1975, giải phóng nửa nước còn lại, đưa giang sơn về một mối”[2].

Thực tiễn đó có thể khẳng định, thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt nguồn từ nhiều nhân tố, trong đó sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh giữ vai trò quyết định. Đâu đó có những luận điệu cho rằng thắng lợi Điện Biên Phủ không gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là xuyên tạc, là phủ nhận lịch sử, cần phải kiên quyết bác bỏ!

Sức mạnh nội sinh là quan trọng nhất

Thực tế, sự ủng hộ, giúp đỡ của bè bạn quốc tế là quan trọng, nhưng nó chỉ phát huy tác dụng khi kết hợp với sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam.

Các thế lực thù địch còn xuyên tạc rằng, nếu không có sự giúp đỡ của nước ngoài, nhân dân Việt Nam không thể làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây là sự phủ nhận trắng trợn lịch sử. Bởi để đi tới Chiến thắng Điện Biên Phủ, bằng đường lối kháng chiến "toàn dân”, "toàn diện”, "tự lực cánh sinh”, "dựa vào sức mình là chính”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã xây dựng tiềm lực đất nước về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, để phát huy sức mạnh tổng hợp đánh thắng thực dân Pháp xâm lược, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn chú trọng tranh thủ tối đa sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, kể cả nhân dân Pháp, đặc biệt là các nước xã hội chủ nghĩa, đứng đầu là Liên Xô và Trung Quốc.

Nói cách khác, Việt Nam đã kết hợp tốt sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để giành chiến thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong đó, sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam là quan trọng nhất. Điều đó được minh chứng bằng sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh của thế trận chiến tranh nhân dân, sức mạnh của thế trận lòng dân trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Một điểm cần được nói thêm và cũng là cơ sở để bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch là, Chiến thắng Điện Biên Phủ còn khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và sức sáng tạo của con người Việt Nam. Do tình hình lúc đầu binh lực của địch còn hạn chế, trận địa phòng ngự của địch còn sơ sài; bộ đội ta sau chỉnh huấn chính trị và học tập kỹ thuật, chiến thuật mới đang sung sức, xét thấy có nhiều điểm thuận lợi nên Trung ương và Tổng Quân ủy xác định phương châm tác chiến của chiến dịch là "Đánh nhanh, thắng nhanh”. Phương châm đó có lợi là cuộc chiến đấu không kéo dài nên ít tiêu hao, mệt mỏi, việc bảo đảm hậu cần chiến dịch bớt khó khăn trở ngại. Đầu tháng 1-1954, khi tiễn đồng chí Vi Quốc Thanh, Trưởng đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc và Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường đi Tây Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao quyền chỉ huy chiến trường cho Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và căn dặn: "Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh. Không chắc thắng không đánh”[3]. Sau khi nghiên cứu, đánh giá kỹ tình hình, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp nhận thấy, phương châm "Đánh nhanh, thắng nhanh” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là quá mạo hiểm.

Để bảo đảm thắng lợi: Một mặt, Đại tướng tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của Trưởng đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc; mặt khác, quán triệt sâu sắc sự chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và trước tính mạng của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp quyết định chuyển phương châm từ "Đánh nhanh, thắng nhanh” sang "Đánh chắc, tiến chắc”. Quyết định đó đã nhận được sự đồng tình của đồng chí Vi Quốc Thanh, Trưởng đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc: "Tôi đồng ý với Võ Tổng. Tôi sẽ làm công tác tư tưởng với các đồng chí trong đoàn cố vấn”[4].

Nhờ thay đổi phương châm từ "Đánh nhanh, thắng nhanh” sang "Đánh chắc, tiến chắc”, chúng ta đã giành thắng lợi vang dội trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tướng Pháp De Castries khẳng định: "Quân đội viễn chinh Pháp và các tướng tá Pháp chúng tôi là một đội quân nhà nghề, thiện chiến và trang bị hiện đại. Sự kiện tướng Giáp thắng chúng tôi ở Điện Biên Phủ làm chúng tôi ngạc nhiên về tài năng của ông… Tôi thừa nhận tướng Giáp rất sành sỏi binh nghiệp và khôn ngoan hơn tôi đã đành, mà còn hơn cả tướng Cônhi và Đại tướng Nava. Tôi hân hạnh làm đối thủ của tướng Giáp, được làm kẻ chiến bại trực tiếp của một người tài giỏi như tướng Giáp. Tôi ngưỡng mộ và kính phục ông”[5].

Như vậy, với thực tiễn đã diễn ra, Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng vang dội của dân tộc Việt Nam, trong đó có sự ủng hộ, giúp đỡ của bè bạn quốc tế. Chúng ta không bao giờ quên sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của bè bạn quốc tế, đặc biệt là của Liên Xô và Trung Quốc, qua đó góp phần làm nên chiến thắng, nhưng sức mạnh nội sinh của dân tộc là quan trọng nhất. Chính do nội lực được tăng cường, chúng ta có điều kiện tiếp nhận sự ủng hộ, giúp đỡ và sử dụng có hiệu quả các nguồn viện trợ đó trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bởi vậy, đâu đó có những luận điệu xuyên tạc, phản động cho rằng, "nếu không có sự giúp đỡ của nước ngoài, nhân dân Việt Nam không thể làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ” là hoàn toàn không chính xác, là không thừa nhận chiến thắng của nhân dân Việt Nam phải đổ biết bao mồ hôi, công sức mới giành được. Những luận điệu lạc lõng đó cần phải đấu tranh, bác bỏ để Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi âm vang, là động lực và tạo sức mạnh tổng hợp "phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao; xây dựng đất nước Việt Nam ta ngày càng cường thịnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”[6].

----------

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.97.
[2] 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và sự nghiệp đổi mới phát triển đất nước, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004, tr.16.
[3] Võ Nguyên Giáp, Thế giới còn thay đổi, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi, Ban Khoa học xã hội Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, 1991, tr.79.
[4] Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên, Bộ Tư lệnh Quân khu 2, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử, chân lý thời đại, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.646-647.
[5] Peter Mcdonald, Tướng Giáp qua hai cuộc chiến tranh Đông Dương, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.376.
[6] Nguyễn Phú Trọng, Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng, Báo Nhân Dân, ngày 1-2-2024.



                               Theo Hanoimoi

Các tin khác


70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Nền tảng để dân tộc Việt Nam có được những thành tựu vĩ đại

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), phóng viên TTXVN tại Lào và báo chí địa phương đã phỏng vấn đồng chí Phankham Pheuyavong, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào về ý nghĩa của sự kiện "chấn động địa cầu” này; những thành tựu mà Đảng và nhân dân Việt Nam giành được sau 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, cũng như những bài học quý giá mà Lào đã rút ra được từ sự kiện lịch sử này.

Ổn định chính trị - Vốn quý để phát triển đất nước

Đối với đất nước ta, ổn định chính trị là tài sản vô giá. Điều này đã được minh chứng qua kết quả của gần 40 năm đổi mới, ổn định chính trị là nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế đất nước, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Ổn định chính trị - Vốn quý để phát triển đất nước

Đối với đất nước ta, ổn định chính trị là tài sản vô giá. Điều này đã được minh chứng qua kết quả của gần 40 năm đổi mới, ổn định chính trị là nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế đất nước, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Trị bệnh giáo điều của cán bộ, đảng viên ở cơ sở

Cán bộ, đảng viên là hạt nhân xây dựng tổ chức cơ sở đảng, là cầu nối giữa Ðảng với nhân dân; thực hiện và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Sáng ngời tâm thế, bản lĩnh, bản sắc ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh

Sáng 25/4, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/7/1954 - 21/7/2024).

Cảnh giác trước những luận điệu giả danh phản biện xã hội

Phản biện xã hội là một hình thức thể hiện tự do ngôn luận, bày tỏ ý kiến một cách có cơ sở khoa học nhằm thực hiện quyền dân chủ và ý thức trách nhiệm của công dân. Ở Việt Nam, phản biện xã hội ngày càng được mở rộng nhằm thúc đẩy việc xây dựng nhà nước pháp quyền và quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội, cũng như phát huy trí tuệ cộng đồng. Tuy nhiên một số tổ chức, cá nhân đã và đang lợi dụng quyền này để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước gây bức xúc dư luận, đòi hỏi cần phải kịp thời vạch trần và lên án.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục