Sáng 2/2, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 1/2023. Phiên họp được tổ chức trực tuyến với các địa phương nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 2; tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Dự Phiên họp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quang ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Dự họp tại đầu cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố.
 
Tăng trưởng kinh tế cao thứ 2 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương

 

Chú thích ảnhThủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 năm 2023 trực tuyến đến các địa phương. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Tại phiên họp, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội phục hồi tích cực, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát tốt trong năm 2022 và tháng 1 năm 2023 đã tạo điều kiện cho nhân dân cả nước vui Xuân, đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm với không khí phấn khởi, đoàn kết, tương thân, tương ái, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ của năm mới 2023.
 
Tuy nhiên, khó khăn, thách thức đang ngày càng gia tăng cả từ bên ngoài và bên trong nền kinh tế; sức ép điều hành tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô tăng cao; giải ngân đầu tư công, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia chậm. Do đó, cần có các giải pháp chủ động điều hành mới, chính xác, kịp thời, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng, triển khai quyết liệt, hiệu quả hơn, phù hợp với diễn biến tình hình để không làm tăng thêm và hóa giải các khó khăn, thách thức, tận dụng thời gian, cơ hội phục hồi nhanh, phát triển bền vững.
 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận các ý kiến phát biểu tại phiên họp, với tinh thần thẳng thắn, xây dựng, trách nhiệm; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ tổng hợp bổ sung vào dự thảo Nghị quyết của Chính phủ để triển khai thực hiện.
 
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, trong tháng 1/2023, công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ càng ngày càng khoa học, sát thực tế và đạt hiệu quả thiết thực. Sau khi Trung ương có kết luận, Quốc hội có nghị quyết và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có chỉ đạo tại Hội nghị Chính phủ với địa phương đầu năm 2023, Chính phủ đã ban hành, chỉ đạo triển khai Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; với chủ đề năm 2023 là "Đoàn kết, kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; đổi mới, sáng tạo; kịp thời, hiệu quả”; cùng 6 quan điểm, trọng tâm và 11 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, 142 nhiệm vụ cụ thể.

 

"Bộ, ngành, địa phương nào chưa xây dựng, triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ thì khẩn trương thực hiện”, Thủ tướng yêu cầu.
 
Theo Thủ tướng, cả nước đã tổ chức cho người dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; triển khai đúng, đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội; chú trọng các hoạt động tri ân, nghĩa tình đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng theo đúng chỉ thị của Ban Bí thư. Sau Tết, không khí ra quân lao động, sản xuất, kinh doanh sôi động, hào hứng, phấn khởi.

 

Chú thích ảnhBộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Trong tháng 1, tình hình phát triển kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng tích cực, đạt được những kết quả toàn diện. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Các ngành, lĩnh vực chủ yếu như công nghiệp, nông nghiệp, du lịch phát triển ổn định và khởi sắc.
 
Các tổ chức quốc tế vẫn đánh giá tích cực. Trong đó, báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu vừa công bố trong tháng 1/2023, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2023 là 6,3%; tuy thấp hơn 0,2% so với kỳ dự báo trước, nhưng đây là mức cao thứ 2 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
 
Bên cạnh phát triển kinh tế, an sinh xã hội được đảm bảo, hỗ trợ 25 triệu đối tượng chính sách xã hội với kinh phí khoảng 9,5 nghìn tỷ đồng. Các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội được tổ chức sôi động, vui tươi, an toàn, lành mạnh, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
 
"Xuất hiện nhiều hành động, hình ảnh đẹp, thể hiện nghĩa tình, tính nhân văn, tinh thần hết lòng phục vụ nhân dân của lực lượng vũ trang như đưa các cháu bé, cụ già bị lạc về gia đình; giúp đỡ, chia sẻ cùng nhân dân, đặc biệt trong dịp Tết vừa qua - phát thuốc, khám, chữa bệnh miễn phí, tặng quà Tết, áo ấm cho nhân dân gặp khó khăn...”, Thủ tướng cho biết.
 
Cùng với đó, an ninh trật tự, an toàn giao thông cơ bản đảm bảo, nhất là việc tổ chức xử lý nghiêm tình trạng sử dụng bia rượu, mang lại cuộc sống an toàn, an yên cho người dân.
 
Thủ tướng chỉ rõ, bên cạnh những thành tựu, vẫn còn những khó khăn như: ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn tiềm ẩn rủi ro; tác động tình hình thế giới đối với nền kinh tế; hoạt động sản xuất kinh doanh, việc tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản vẫn khó khăn. Việc triển khai một số chính sách của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội còn chậm.
 
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng, đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn; tình trạng lừa đảo, thông tin xấu độc, xuyên tạc, an ninh thông tin, an ninh mạng diễn biến phức tạp...
 
Sau khi phân tích những bài học kinh nghiệm, phân tích tình hình, đưa ra các quan điểm chỉ đạo điều hành, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện trong tháng 2 và thời gian tới.
 
Tiếp tục ưu tiên giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát

 

Chú thích ảnhThủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 năm 2023. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục ưu tiên giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn. Theo đó, theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế, giá cả, lạm phát, thị trường thế giới, trong nước, sự dịch chuyển, các xu hướng lớn toàn cầu; chủ động, kịp thời dự báo, cảnh báo rủi ro, kiến nghị đối sách phù hợp. Thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác.
 
"Phát huy vai trò của cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; trong đó chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng và quyết định, hỗ trợ cho chính sách tiền tệ”, Thủ tướng chỉ rõ.
 
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo, phải bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, an ninh tiền tệ; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phù hợp, hướng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, ưu tiên vốn cho những dự án tốt, doanh nghiệp hoạt động minh bạch, hiệu quả; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tăng cường thu hút đầu tư xã hội, phương thức hợp tác công – tư.
 
Các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời theo quy định pháp luật; tăng cường chuyển đổi số kết hợp dữ liệu dân cư để sớm triển khai thanh toán, thu phí, lệ phí, thuế bằng công nghệ số, nhất là dịch vụ ăn uống; triệt để tiết kiệm chi, chống lãng phí, kiên quyết cắt giảm các khoản chi thường xuyên không thực sự cần thiết; ưu tiên chi đầu tư phát triển các công trình hạ tầng kinh tế-xã hội quan trọng. "Các bộ, ngành, địa phương không điều hành giật cục; chuyển đổi trạng thái phải linh hoạt, mềm dẻo”, Thủ tướng chỉ rõ.
 
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia; khẩn trương hoàn thành kế hoạch phân bổ vốn còn lại của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tăng cường quản lý chặt chẽ, thúc đẩy tiến độ dự án lớn, quan trọng, có tính lan tỏa cao, nhất là công trình giao thông trọng điểm...
 
"Các địa phương cần chủ động hơn trong việc giải ngân đầu tư công và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, tránh dàn trải mà phải có trọng tâm, trọng điểm”, Thủ tướng nhắc nhở.

 

Chú thích ảnhBộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Các bộ, ngành, địa phương phát triển và khai thác hiệu quả thị trường trong nước gắn với thực hiện tốt Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường xuất khẩu; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; khai thác hiệu quả các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới.
 
Cùng với đó, tiếp tục phát triển nông nghiệp, hỗ trợ nông dân sản xuất theo hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”; khơi thông thị trường gắn với tổ chức sản xuất phù hợp, nhất là sản phẩm chủ lực, có thế mạnh, tận dụng hiệu quả cơ hội nhu cầu lương thực đang tăng trên thế giới; bảo đảm hệ thống phân phối, chuỗi cung ứng xăng, dầu ổn định, giảm khâu trung gian…; khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động quốc gia; tiếp tục tập trung công tác xây dựng thể chế, pháp luật, cơ chế chính sách, kiên quyết cắt giảm, sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách, quy định pháp luật không còn phù hợp, cản trở đối với phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh tế mới…
 
Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh; thúc đẩy Chính phủ điện tử, Chính phủ số, công dân số, kinh tế số; sớm hoàn thành xây dựng, kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia; khẩn trương hoàn thành công tác quy hoạch theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả theo phương châm quy hoạch phải đi trước một bước và mở ra cơ hội, không gian phát triển mới; tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu, sử dụng thuốc, trang thiết bị y tế, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh từ nguồn bảo hiểm xã hội; hoàn thiện, phát huy cơ chế tự chủ của các cơ sở y tế; đảm bảo quốc phòng, an ninh; triển khai hiệu quả chương trình đối ngoại; chủ động, tích cực đấu tranh, phản bác thông tin sai sự thật, xấu, độc, các quan điểm sai trái, thù địch...
 
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai, thực hiện các đề án, nội dung trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hội nghị Trung ương, Quốc hội, bảo đảm tiến độ, chất lượng; thể chế hóa kịp thời, tổ chức triển khai hiệu quả các chủ trương của Đảng, các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ theo chức năng, quyền hạn đã được phân công.

 


Theo Báo Tin tức

Các tin khác


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hòa Bình

Chiều 13/4, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác Trung ương đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hòa Bình về việc thực hiện Thông báo số 95/TB-VPCP, ngày 25/3/2023 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình tháng 3/2023. Cùng tham gia buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH; Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, Văn phòng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ khởi công dự án “Nhà máy sản xuất, chế tạo các loại bảng mạch in điện tử” tại Khu công nghiệp Bờ trái Sông Đà

Chiều 13/4, tại Khu công nghiệp Bờ trái Sông Đà, TP Hòa Bình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự và bấm nút khởi công dự án "Nhà máy sản xuất, chế tạo các loại bảng mạch in điện tử” do Tập đoàn Meiko (Nhật Bản) đầu tư tại Hòa Bình.

Lễ phát động phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong cả nước tại tỉnh Hòa Bình

Sáng 13/4, tại sân Nhà văn hóa trung tâm huyện Đà Bắc, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng (TĐKT) Trung ương phối hợp với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua "Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên phạm vi cả nước từ nay đến năm 2025. Sự kiện được kết nối trực tuyến đến điểm cầu 62 tỉnh, thành phố trong cả nước. Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng TĐKT Trung ương chủ trì lễ phát động.

Quốc hội Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ để hợp tác giữa các địa phương Việt Nam với Vân Nam phát triển mạnh mẽ

Sáng 12/4, tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự Diễn đàn Chính sách pháp luật thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại Việt Nam-Trung Quốc với sự tham dự của hơn hơn 450 đại diện doanh nghiệp hai nước.

Công tác nhân sự của Đảng: Coi trọng cả ''tiền kiểm'' lẫn ''hậu kiểm''

Phát biểu tại phiên họp thứ nhất Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở: Cán bộ, đảng viên và nhân dân băn khoăn về việc Đảng ta sắp tới lựa chọn đội ngũ cán bộ lãnh đạo như thế nào để đủ sức gánh vác nhiệm vụ cách mạng to lớn mà lịch sử giao phó.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam, Trung Quốc Vương Ninh

Tiếp tục chương trình chuyến thăm chính thức Trung Quốc, chiều 11/4, tại thành phố Côn Minh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có cuộc hội kiến với đồng chí Vương Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban thường vụ Nhân đại tỉnh Vân Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục