Ngày 22-11, tại Phủ Tổng thống ở thủ đô Rô-ma, Tổng thống I-ta-li-a X.Mát-ta-rê-la chủ trì lễ đón chính thức Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, theo nghi thức trọng thể dành đón nguyên thủ quốc gia.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống I-ta-li-a X.Mát-ta-rê-la tại lễ đón. Ảnh: NHAN SÁNG (TTXVN)

Sau lễ đón, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống X.Mát-ta-rê-la đã tiến hành hội đàm. Chủ tịch nước Trần Đại Quang cảm ơn về sự đón tiếp trọng thị của Ngài Tổng thống và nhân dân I-ta-li-a dành cho Đoàn; bày tỏ sự cảm thông và chia sẻ về những thiệt hại do các vụ động đất xảy ra liên tục vừa qua tại miền trung I-ta-li-a. Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với I-ta-li-a trong tổng thể quan hệ với Liên hiệp châu Âu (EU). Tổng thống X.Mát-ta-rê-la đánh giá cao chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, ghi dấu mốc quan trọng tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước được thiết lập năm 2013.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí đánh giá, quan hệ hai nước phát triển tích cực trên mọi lĩnh vực và khẳng định quyết tâm chung đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - I-ta-li-a đi vào chiều sâu và hiệu quả. Hai bên thống nhất tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp, nhất là cấp cao; triển khai các nội hàm của Kế hoạch hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược giai đoạn 2017 - 2018; duy trì trao đổi giữa các chính đảng, thúc đẩy giao lưu nhân dân, coi đây là nền tảng chính trị quan trọng để đưa quan hệ hai nước đi vào thực chất.

Hai nhà lãnh đạo khẳng định hợp tác kinh tế là trụ cột ưu tiên trong hợp tác song phương; nhất trí nâng kim ngạch thương mại lên sáu tỷ USD trong giai đoạn 2017 - 2018; tăng cường đầu tư của I-ta-li-a tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực thế mạnh của I-ta-li-a; tạo thuận lợi cho các mặt hàng nông nghiệp, thủy sản Việt Nam tiếp cận thị trường I-ta-li-a.

Hai bên nhất trí xây dựng định hướng mới về hợp tác phát triển phù hợp quan hệ Đối tác chiến lược, tập trung vào đào tạo nghề, môi trường, quản lý nguồn nước, cảnh báo lũ; thúc đẩy hợp tác văn hóa, giáo dục - đào tạo, du lịch và đưa khoa học - công nghệ thành lĩnh vực ưu tiên hợp tác. I-ta-li-a khẳng định tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực bảo tồn di tích; tăng số lượng học bổng cho sinh viên, nghiên cứu sinh của Việt Nam sang I-ta-li-a học tập và nghiên cứu. Hai bên nhất trí trao đổi để sớm mở đường bay thẳng giữa hai nước và chia sẻ kinh nghiệm thực hiện các dự án đối tác công - tư (PPP) về hậu cần, đóng tàu, đường sắt, cơ sở hạ tầng.

Trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng, hai bên nhất trí tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về phòng, chống tội phạm; tăng cường hợp tác huấn luyện, cứu hộ cứu nạn; rà phá bom mìn; hợp tác về công nghiệp quốc phòng và trong lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Việt Nam và I-ta-li-a nhất trí tăng cường phối hợp tại các diễn đàn đa phương, tiếp tục ủng hộ lẫn nhau nhằm phát triển quan hệ của I-ta-li-a với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và hợp tác giữa Việt Nam và EU, trong đó chú trọng các dự án, chương trình và sáng kiến về ứng phó biến đổi khí hậu gắn với tăng trưởng xanh.

Hai nhà lãnh đạo nêu rõ tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an toàn, tự do hàng hải, hàng không; nhất trí cho rằng các tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), bảo đảm tự do hàng hải, hàng không tại tuyến giao thương quan trọng này của thế giới.

* Sau hội đàm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống X.Mát-ta-rê-la đã phát biểu với báo chí về kết quả trao đổi, cũng như phương hướng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.

* Cùng ngày, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có các cuộc hội kiến Chủ tịch Hạ viện I-ta-li-a Lau-ra Bôn-đri-ni và Chủ tịch Thượng viện Pi-ê-tơ-rô Grát-xô, tại trụ sở Hạ viện và Thượng viện I-ta-li-a.

Hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác giữa hai nước về chính trị, kinh tế, văn hóa và giáo dục-đào tạo, hợp tác khoa học và công nghệ, quốc phòng, an ninh. Hai bên trao đổi tình hình quốc tế và khu vực, nhất trí đánh giá thuận lợi đan xen thách thức và khẳng định cần tăng cường hợp tác trên các diễn đàn đa phương và các diễn đàn liên nghị viện. Quốc hội (QH) I-ta-li-a sẵn sàng hỗ trợ QH Việt Nam nâng cao năng lực, kỹ năng hoạt động, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động lập pháp và giám sát. Các nhà lãnh đạo QH I-ta-li-a đánh giá cao vai trò và đóng góp của cộng đồng hơn 5.000 người Việt Nam tại I-ta-li-a vào đời sống kinh tế, văn hóa sở tại.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã chuyển lời mời của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân mời hai nhà lãnh đạo QH I-ta-li-a thăm Việt Nam. Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch Thượng viện I-ta-li-a vui vẻ nhận lời.

* Tối 22-11, tại Phủ Tổng thống I-ta-li-a, Tổng thống X.Mát-ta-rê-la mở tiệc Quốc yến chào mừng Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân, cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.

* Trước đó, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại I-ta-li-a. Nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán cùng đại diện cộng đồng người Việt Nam tại I-ta-li-a, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, chủ trương, chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là luôn trân trọng những tình cảm quý báu của kiều bào hướng về đất nước, luôn coi bà con là một bộ phận ruột thịt không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Chủ tịch nước mong rằng, mỗi người trong cộng đồng hơn 5.000 người Việt tại I-ta-li-a là một nhịp cầu, góp phần quảng bá về đất nước, văn hóa và con người Việt Nam, đưa hai dân tộc Việt Nam - I-ta-li-a ngày càng gần gũi. Chủ tịch nước mong muốn bà con tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, chấp hành tốt luật pháp nước sở tại, duy trì, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và luôn hướng về cội nguồn, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước…

* Trong khuôn khổ chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao I-ta-li-a P.Gien-ti-lô-ni. Hai bên khẳng định quyết tâm đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - I-ta-li-a tiếp tục phát triển toàn diện, đi vào chiều sâu và hiệu quả; nhất trí tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp, nhất là cấp cao; ưu tiên hợp tác kinh tế trong những lĩnh vực có thể bổ sung cho nhau.

Hai bên nhất trí tăng cường phối hợp tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. I-ta-li-a khẳng định sẽ thúc đẩy sớm ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU. Hai bên nhất trí cho rằng, các tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết thông qua đàm phán hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, ủng hộ duy trì hòa bình, ổn định, an toàn, tự do hàng hải, hàng không tại khu vực và trên thế giới.

 

                                                                       TheoNhandan

Các tin khác


Phát huy nhân tố chính trị, tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ trong xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh

LTS: Chiến thắng Điện Biên Phủ (ĐBP) đã qua 70 năm nhưng bài học quý giá về phát huy nhân tố chính trị, tinh thần (CT, TT) vẫn nguyên giá trị. Đây cũng là nhân tố được vận dụng sáng tạo, hiệu quả vào thực tiễn xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh vững mạnh về chính trị, tư tưởng, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu. Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng ĐBP, phóng viên Báo Hòa Bình đã có cuộc trò chuyện với Đại tá Quách Đăng Phú, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Quân sự tỉnh, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh về nội dung này.

Quy định của Bộ Chính trị về thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ

Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW (ngày 23/4/2024) quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ (Quy định số 142).

Thí điểm người đứng đầu được giới thiệu nhân sự bầu cử, bổ nhiệm cấp phó

Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 142 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.

Chiến thắng Hòa Bình góp phần quan trọng cùng quân và dân cả nước làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”

                             NGUYỄN PHI LONG

Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy 

Tỉnh Hòa Bình có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc, cầu nối giữa vùng Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Hòa Bình là hậu cứ của chiến trường Chiến khu II, Liên khu III, là hành lang giao thông chiến lược giữa Liên khu III, Liên khu IV với Việt Bắc, Tây Bắc.

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Đà Bắc

Sáng 4/5, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri (TXCT) trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV tại huyện Đà Bắc. Đoàn ĐBQH tỉnh gồm các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Ngô Văn Tuấn, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước; Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; Đặng Bích Ngọc, Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh; Hoàng Đức Chính, Bí thư Huyện uỷ Lạc Sơn; Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục