(HBĐT) - Ngày 13/2, Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN THỊ KIM NGÂN đã tới dự và có bài phát biểu phát động hưởng ứng "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” mừng xuân Kỷ Hợi 2019 tại tỉnh ta. Báo Hòa Bình xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát động hưởng ứng Lễ ra quân hưởng ứng Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" mừng xuân Kỷ hợi năm 2019 tại xã Lâm Sơn (Lương Sơn). Ảnh: P.V

Kính thưa các vị đại biểu; 

Thưa toàn thể đồng bào, đồng chí,

Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, mỗi người dân Việt Nam lại luôn nhớ đến lời dạy của Bác Hồ "Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Sáu mươi năm qua, trồng cây đầu Xuân đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta được các thế hệ kế thừa, phát huy và trở thành việc làm thiết thực vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Hôm nay, trong không khí hân hoan mừng Đảng, mừng Xuân, hoà cùng khí thế nô nức hưởng ứng Tết trồng cây, tỉnh Hòa Bình long trọng tổ chức Lễ ra quân hưởng ứng Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” mừng Xuân Kỷ Hợi 2019 nhằm tuyên truyền, giáo dục mục đích, ý nghĩa của việc trồng cây; tạo phong trào mạnh mẽ và vận động đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhân dịp năm mới, thay mặt lãnh đạo Ðảng và Nhà nước, tôi thân ái gửi tới đồng bào, đồng chí; Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình, các vị đại biểu khách quý có mặt tại đây những tình cảm thân thiết, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất cho một năm mới dồi dào sức khoẻ, gia đình hạnh phúc và luôn thành công trong công việc cũng như trong cuộc sống.

Thưa các vị đại biểu,

Thưa toàn thể nhân dân,

Ngay từ khi mới về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam, trong bài "Năm mới, công việc mới” viết cho Báo Việt Nam độc lập, số 114, ngày 01 tháng 01 năm 1942, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã sớm nhận thấy tính tất yếu "Muốn ăn quả thì phải trồng cây” và Người luôn nhắc nhở Đảng, Chính phủ phải có chính sách đúng đắn động viên bà con nông dân tích cực khai khẩn đất hoang; khôi phục diện tích và phát triển cây công nghiệp; khai thác gỗ đi đôi với tu bổ và bảo vệ rừng; chú ý trồng cây gây rừng ven biển; tích cực phòng, chống thiên tai, hạn hán, bão tố, úng lụt.

Với tầm nhìn sâu rộng về phát triển bền vững, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái, người đã phát động toàn dân tham gia Tết trồng cây để phát huy sức mạnh tổng hợp trong phát triển cây xanh để phong cảnh ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Lời phát động của Người ngắn gọn nhưng bao hàm đầy đủ ý nghĩa to lớn, đó là:

"Mùa xuân là Tết trồng cây.

Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”

Qua 60 Tết trồng cây nhân dịp Xuân mới do Người phát động, chúng ta càng thấy rõ hơn ý nghĩa to lớn về tư tưởng, triết lý sống gần gũi với thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái và tài nguyên thiên nhiên để phát triển bền vững của Người. Đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang trở thành thách thức nghiêm trọng đối với toàn nhân loại trong thế kỷ 21; các loại hình thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan ngày một gia tăng để lại hậu quả rất nặng nề; là một trong 16 quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất thế giới với hệ sinh thái bao gồm: rừng, biển, đất ngập nước; sự phong phú và giàu có về các loài và nguồn gen sinh vật, dịch vụ sinh thái - môi trường do chúng mang lại, cùng hệ thống các kiến thức truyền thống và văn hóa địa phương về quản lý và sử dụng tài nguyên đã làm cho đa dạng sinh học có vai trò và giá trị vô cùng to lớn trong việc đảm bảo an ninh lương thực và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tình trạng suy giảm và suy thoái tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học của Việt Nam đang bị suy giảm, môi trường đang bị suy thoái.

Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trên thế giới và là xu thế tất yếu của thời đại. Đồng thời, đây cũng là mục tiêu mà Việt Nam đang hướng tới trong quá phát triển, chuyển dịch mô hình tăng trưởng. Việc trồng thêm cây xanh sẽ khắc phục, giảm nhẹ sức tàn phá của thiên tai, chống xói mòn, hạn chế lũ lụt; bảo vệ, cải thiện môi trường sống.

Trước những thực tiễn đặt ra chúng ta lại một lần nữa thấy được tầm nhìn rộng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi phát động "Tết trồng cây”, với nhận định "việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều”. Và Chương trình Lễ ra quân hưởng ứng Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” mừng Xuân Kỷ Hợi 2019 hôm nay là hoạt động hết sức ý nghĩa nhằm ghi nhớ Lời dạy của Người, tạo ra tác dụng vô cùng to lớn tới công cuộc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Tôi nhiệt liệt hoan nghênh các cấp, các ngành và đồng bào các dân tộc tỉnh Hoà Bình trong những năm qua đã đẩy mạnh phong trào trồng cây, trồng rừng. Đến nay, phong trào đã liên tục phát triển và lan toả sâu rộng, hiệu quả, góp phần xoá đói, giảm nghèo và bảo vệ môi trường. Tôi cũng hoan nghênh Uỷ ban nhân dân tỉnh Hoà Bình đã sớm ban hành Chỉ thị số 02 về phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Kỷ Hợi 2019 với nhiều nội dung thiết thực, phấn đấu trong năm 2019 toàn tỉnh thực hiện kế hoạch trồng 5.790 ha rừng tập trung và 150 ngàn cây phân tán các loại; tổ chức chăm sóc tốt diện tích rừng trồng, quản lý bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có.

Nhân dịp này, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tôi đề nghị Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các Sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể của tỉnh tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch Tết trồng cây Xuân Kỷ Hợi 2019, trong đó lưu ý các công việc sau đây:

Thứ nhất, là tập trung làm tốt công tác quy hoạch, trong đó cần xác định rõ các khu vực cần bảo vệ nghiêm ngặt diện tích đất rừng, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn sinh thuỷ; các khu vực cần phát triển rừng; mảng xanh đô thị để đảm bảo yêu cầu về sinh thái, môi trường cho phát triển bền vững đất nước.

Thứ hai là, đề nghị cấp uỷ, chính quyền các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục sâu rộng tới quần chúng nhân dân về ý nghĩa, mục đích của Tết trồng cây, về vai trò, tác dụng, lợi ích to lớn, lâu dài, giá trị nhân văn của việc trồng cây, trồng rừng; chỉ đạo, hướng dẫn và vận động mọi tầng lớp nhân dân, các tổ chức đoàn thể tích cực tham gia để "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” thực sự là ngày hội của toàn dân. Có biện pháp, kế hoạch để trồng phủ xanh hơn 1,7 triệu ha đất đồi núi chưa sử dụng. Các hoạt động trồng cây phải được triển khai một cách thường xuyên, liên tục với sự tham gia rộng rãi của các cấp chính quyền, cộng đồng dân cư.

Thứ ba là, tăng cường các nguồn lực xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực hiện các chương trình trồng cây xanh theo quan điểm "Trách nhiệm chung, lợi ích chung, đồng hành cùng phát triển”. Các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp đóng trên địa bàn nào thì tích cực tham gia Tết trồng cây theo địa bàn đó, đối với các khu đô thị, công viên, các khu di tích, công sở, trường học, đường đi, bãi rác, các khu, cụm công nghiệp, nhà máy thì trồng cây lấy gỗ, cây phong cảnh có bóng mát để tạo cảnh quan và bảo vệ môi trường; đối với các khu vực có thể trồng rừng tập trung thì cần tích cực trồng cây gây rừng theo phương châm "trồng cây nào sống cây ấy, trồng cây nào là chăm sóc và bảo vệ chu đáo cây đó”; đồng thời tích cực tham gia trồng rừng, bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái pháp luật.

Từng cấp, từng ngành, tổ chức, doanh nghiệp cần xác định phương châm bảo vệ môi trường chính là đầu tư cho sự phát triển, quyết liệt thực hiện hành động bảo vệ môi trường để giữ vững thành quả phát triển và nâng cao chất lượng cuộc sống; tăng cường công tác vận động, truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng để mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân thấy rõ bảo vệ môi trường, trồng cây, gây rừng không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi để tạo dựng môi trường sống của chúng ta được tốt hơn. Làm tốt điều này là làm tốt lời dạy của Bác Hồ, vừa góp phần phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, vừa giữ gìn môi trường sống cho chúng ta hôm nay và cho muôn đời con cháu sau này.

Một lần nữa thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi xin chúc các vị đại biểu, cùng toàn thể nhân dân trong tỉnh luôn mạnh khỏe, gặt hái nhiều thành công mới để xây dựng tỉnh nhà ngày một phát triển, nhân dân có đời sống ấm no, an toàn, hạnh phúc.

Xin trân trọng cảm ơn./.

(*) Đầu đề do Báo Hòa Bình đặt.

Các tin khác


Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” tại Hòa Bình

Sáng 24/4, tại Tượng đài Bác Hồ trên công trình Thủy điện Hòa Bình, Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp cùng Hội LHTN tỉnh Hòa Bình tổ chức Hành trình "Tôi yêu Tổ quốc tôi” nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Ban chấp hành T.Ư Đoàn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam; Nguyễn Kim Quy, Ủy viên Ban Thường vụ T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHTN Việt Nam; lãnh đạo các ban, văn phòng, đơn vị trực thuộc T.Ư Đoàn, T.Ư Hội LHTN Việt Nam và lãnh đạo Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các tỉnh: Hòa Bình, Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nam...

Báo Lạng Sơn kỷ niệm 60 năm ngày xuất bản số đầu tiên

Ngày 24/4, Báo Lạng Sơn tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày xuất bản số đầu tiên (1/5/1964 - 1/5/2024). Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn; lãnh đạo các sở, ngành tỉnh; các cơ quan thông tấn, báo chí T.Ư và 17 Báo Đảng địa phương...

Sẵn sàng tổ chức đại hội Mặt trận Tổ quốc cấp huyện

Đến thời điểm này, các xã, phường, thị trấn trong tỉnh cơ bản hoàn thành tổ chức Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam cấp xã, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Công tác tổ chức đại hội tại các xã, phường, thị trấn đều trang trọng, đảm bảo nguyên tắc dân chủ, đạt yêu cầu về nội dung, chương trình, kế hoạch, đúng điều lệ, quy định, hướng dẫn. Sau thành công của Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam cấp cơ sở, các địa phương quyết tâm tổ chức thành công Đại hội MTTQ Việt Nam cấp huyện theo đúng kế hoạch đề ra.

Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Trong những năm qua, người có uy tín (NCUT) trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh đã phát huy vai trò nòng cốt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua đó góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội trong cộng đồng.

Tỉnh Hòa Bình dẫn đầu cả nước 2/8 chỉ số thành phần cải cách hành chính

Theo báo cáo kết quả Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2023) của Bộ Nội vụ công bố mới đây, tỉnh Hòa Bình dẫn đầu cả nước 2/8 chỉ số thành phần xếp hạng Chỉ số CCHC các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tập trung thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định cải cách hành chính (CCHC) là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp, ngành, hướng tới mục tiêu xây dựng bộ máy phục vụ tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp và người dân. Theo đó, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các nội dung CCHC gắn với công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục