(HBĐT) - Đi tìm ký ức về chiến dịch giải phóng Hòa Bình lần thứ 2 năm 1951 - 1952, chúng tôi may mắn được kết nối và trò chuyện với cựu chiến binh (CCB) Đỗ Hạp, Trưởng Ban liên lạc CCB Trung đoàn 88 - đơn vị vinh dự được Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ nổ phát súng đầu tiên tiêu diệt đồn Tu Vũ mở đầu chiến dịch Hòa Bình khi xưa...



Đoàn viên thanh niên và Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình thắp nến tưởng nhớ các liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ chiến dịch Hòa Bình (TP Hòa Bình).

Dù năm tháng đã mờ xa, trong ký ức của người CCB vẫn còn in đậm hình ảnh trận đánh mở màn cho chiến dịch Hòa Bình: tiêu diệt đồn Tu Vũ - nay thuộc xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy (Phú Thọ).

CCB Đỗ Hạp kể: Chiến dịch Hòa Bình diễn ra cuối năm 1951, đầu năm 1952 là chiến dịch giải phóng tỉnh Hòa Bình lần thứ 2 (chiến dịch giải phóng Hòa Bình lần thứ nhất vào năm 1949 mang tên Lê Lợi). Đây là chiến dịch có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Để chuẩn bị mở chiến dịch, nhiều lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp đi thị sát tình hình địch, nắm đời sống của người dân, tình hình bộ đội ta. Sau những chuyến thị sát, nắm tình hình thực tế, Đại tướng đã chọn đồn Tu Vũ nằm án ngữ như một cái gai chặn con đường nối liền thủy - bộ ngay bên bờ sông Đà là nơi mở đầu chiến dịch.

Tỉnh Hòa Bình khi ấy là vùng tự do an toàn và rộng lớn của Liên khu 3, đang được xây dựng để trở thành căn cứ địa của một vùng kháng chiến rộng lớn. Với ý nghĩa đó, đối với giặc Pháp, nếu tái chiếm được khu tam giác Hòa Bình - Trung Hà - Xuân Mai sẽ củng cố được tuyến phòng thủ Sơn Tây, chiếm được đài quan sát Ba Vì, chiếm được "thủ phủ” của xứ Mường. Chính vì thế Pháp đã chọn Hòa Bình làm điểm quyết chiến mở đầu cho cuộc phản công giành lại thế chủ động. Để thực hiện cuộc tấn công tái chiếm Hòa Bình, giặc Pháp đã huy động 20 tiểu đoàn cơ động, chiếm phần lớn lực lượng tinh nhuệ của Pháp ở chiến trường Bắc Bộ. Cuộc tiến công do đích thân tướng Sa-lăng, Phó Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương trực tiếp chỉ huy. Theo đó, ngày 10/11/1951, 12 tiểu đoàn bộ binh và 5 cụm pháo binh của Pháp bất ngờ chiếm chợ Bến, cắt đường di chuyển của bộ đội ta từ Việt Bắc xuống đồng bằng. Ngày 14/11, tướng Sa-lăng chỉ huy 16 tiểu đoàn, 8 cụm pháo binh, 2 tiểu đoàn công binh, 2 đại đội xe tăng cùng 3 tiểu đoàn nhảy dù xuống thị xã Hòa Bình. Ngay trong đêm, 2 binh đoàn cơ động của Pháp chia thành 2 hướng, một theo đường 6 tiến về thị xã Hòa Bình, một theo sông Đà tiến chiếm Tu Vũ nhằm mục đích buộc "chủ lực đối phương phải tham chiến”...

Với quyết tâm giải phóng Hòa Bình, dưới sự lãnh đạo của T.Ư Đảng, Bác Hồ và do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tổng Tư lệnh kiêm Chỉ huy trưởng chiến dịch. Ngày 18/11/1951, những đơn vị chủ lực của Đại đoàn Đồng Bằng mở màn chiến dịch bằng những trận đánh các cụm quân địch ở Tứ Đền, Đồi Sim trên đường 21 (thuộc huyện Lương Sơn); Thu Đồng, Lai Cúc (Thanh Thủy, Phú Thọ). Tiếp theo đó, bộ đội của Đại đoàn quân tiên phong đánh vị trí Tu Vũ, chiếm cao điểm 400, 600 núi Ba Vì, chọc thủng phòng tuyến sông Đà, diệt địch ở Giang Mỗ. Với phương châm chỉ huy "đánh điểm, diệt viện”, chỉ sau 3 đợt công kích, ta đã đập tan phòng tuyến sông Đà, cắt đứt tuyến giao thông đường sông lên Hòa Bình của địch. Đồng thời uy hiếp tuyến giao thông đường 6 lên sông Đà mà địch đang kiểm soát. Đứng trước thực tế đường sông bị cắt đứt, đường 6 bị uy hiếp, thị xã Hòa Bình liên tục bị tập kích. trước nguy cơ cô lập và bị tiêu diệt, từ ngày 22 - 24/2/1952, quân Pháp buộc phải rút chạy khỏi Hòa Bình.

Tổng kết chiến dịch Hòa Bình ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6 nghìn quân Pháp, bắn rơi 9 máy bay, bắn chìm 17 tàu chiến, phá hủy 12 khẩu pháo và hàng trăm xe vận tải, thu 24 khẩu pháo, giải phóng khu vực Hòa Bình - sông Đà, giữ vững đường giao thông liên lạc giữa Việt Bắc với các liên khu 3, 4, góp phần đẩy mạnh chiến tranh du kích vùng sau lưng địch. Trong chiến dịch này, quân và dân các dân tộc tỉnh đã đóng góp hàng nghìn ngày công chi viện lương thực, thực phẩm cho bộ đội, tham gia, phối hợp hàng chục trận đánh, tiêu diệt một lượng lớn sinh lực, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch.

           Mạnh Hùng

Các tin khác


Lễ Thượng cờ ''Thống nhất non sông'' tại Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải

Sáng 30/4, tại Kỳ đài ở khu Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức Lễ Thượng cờ "Thống nhất non sông” nhân dịp Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), 52 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972-1/5/2024).

Tuổi trẻ huyện Tân Lạc thắp sáng truyền thống quê hương anh hùng

Tân Lạc là huyện có bề dày lịch sử. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân huyện Tân Lạc đã phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lập nhiều chiến công xuất sắc trong chiến đấu, lao động, sản xuất. Với khẩu hiệu "Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, huyện Tân Lạc đã đóng góp trên 45.000 tấn lương thực, thực phẩm; trên 2.900 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó có 190 gia đình có từ 2 - 4 con đi bộ đội.

Chuyển động trong công tác xây dựng Đảng

Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trong đó đặc biệt quan tâm công tác cán bộ, lấy sản phẩm để đánh giá năng lực cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhờ vậy đã tạo nên sự chuyển động của bộ máy cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Nhịp sống mới ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng

Đà Bắc là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, với nhiều chiến công trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Nhiều năm qua, đất và người Đà Bắc luôn nỗ lực vượt lên khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng no ấm, hạnh phúc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục