(HBĐT) - Khác với nhiều gia đình trong dịp nghỉ lễ vừa qua là đến những khu du lịch sôi động ở các tỉnh, thành phố sau thời gian dài "ngủ yên" vì dịch bệnh. Ngọc Lam - học sinh chuyên Sử trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ cùng mấy chị em lựa chọn điểm đến là huyện Lạc Thủy, bởi với em, không có gì ý nghĩa hơn là tìm về những "địa chỉ đỏ” trên chính quê hương mình trong những ngày tháng Tư lịch sử.


Trường Cán bộ dân tộc miền Nam - địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng, đại đoàn kết các dân tộc.

Theo chia sẻ của Ngọc Lam, là học sinh chuyên Sử nên em luôn say mê tìm hiểu về những di tích lịch sử cách mạng. Em đã biết đến Khu di tích Nhà máy in tiền đầu tiên của chính quyền cách mạng Việt Nam tại xã Phú Nghĩa. Và hôm nay, em được đến Khu di tích Trường Cán bộ dân tộc miền Nam (CBDTMN) trên địa bàn thị trấn Chi Nê, một trường học có vai trò hết sức quan trọng, đóng góp công sức cùng với cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Tìm hiểu qua sử sách được biết, việc thành lập Trường Dân tộc T.Ư, sau đó được tách ra thành Khu đào tạo CBDTMN (sau đổi thành Trường CBDTMN) và Trường học sinh Dân tộc T.Ư đã khẳng định tầm nhìn chiến lược của T.Ư Đảng và Bác Hồ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhằm chuẩn bị đội ngũ cán bộ lâu dài, đáp ứng hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng ở 2 miền Nam - Bắc là hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và thực hiện hòa bình, thống nhất đất nước.

Cuối năm 1958, đầu năm 1959, trường được xây dựng tại xã Đồng Tâm (nay là thị trấn Chi Nê) để đón một bộ phận học viên của Trường Dân tộc T.Ư chuyển về. Nhiệm vụ là tiếp nhận cán bộ, chiến sỹ người dân tộc thiểu số (DTTS) các tỉnh miền Nam đang tham gia kháng chiến, tổ chức dạy văn hóa và xây dựng một số cơ sở sản xuất thực nghiệm; tập huấn về quản lý, điều hành tổ chức sản xuất cho các học viên...

Khi đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, cuối năm 1965, Trường CBDTMN được sơ tán lên Nà Giàng, huyện Hà Quảng (Cao Bằng). Năm 1970, trường lại chuyển về thị trấn Chi Nê (Lạc Thủy). Trong giai đoạn 1954 - 1975, Đảng và Nhà nước đã tổ chức đưa hơn 32.000 con em đồng bào miền Nam ra miền Bắc để học tập văn hoá, chuyên môn, nghiệp vụ, trong đó có hàng trăm người là con em đồng bào các DTTS ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên... học ở Trường CBDTMN.

Trong 15 năm trường đứng chân trên địa bàn huyện Lạc Thủy, mặc dù trong điều kiện chiến tranh ác liệt, song cán bộ, học viên luôn nhận được sự quan tâm, đùm bọc của Đảng bộ, Nhân dân trong tỉnh và huyện Lạc Thủy.

Thành quả của mô hình giáo dục học sinh miền Nam trên đất Bắc nói chung và Trường CBDTMN nói riêng đã đào tạo được nguồn cán bộ đáng kể cho các tỉnh miền Nam, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên... Nhiều cán bộ người DTTS đã trưởng thành, trở lại chiến trường miền Nam anh dũng chiến đấu, lập nhiều thành tích xuất sắc, trở thành dũng sỹ diệt Mỹ, anh hùng LLVT nhân dân, cán bộ lãnh đạo chủ chốt của các tỉnh và T.Ư như: Anh hùng Núp, Rơ Chăm Thép (Khu ủy viên Khu V), các đồng chí: Ama Khê, Rơ Chăm Briu, Ama Krih, Măng Thông, Cao Đức Cang... Cũng có rất nhiều cán bộ, học viên là con em các dân tộc: H'Rê, BaNa, Ê Đê, Cà Tu, Tà Ôi, Gia Rai, Vân Kiều, Xê Đăng, Khơ Me... đã trưởng thành từ ngôi trường này và trong thực tiễn xây dựng, bảo vệ Tổ quốc để trở thành những nhà quản lý, nhà khoa học, nhà giáo, thầy thuốc giỏi...

Còn nhớ, trong dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Trường CBDTMN, đồng chí K'sor Phước, nguyên UVT.Ư Đảng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc, cựu học sinh Trường CBDTMN đã tâm sự: Những năm tháng được học tập, rèn luyện dưới mái Trường CBDTMN là dấu ấn chứng minh cụ thể về sự quan tâm của Đảng, Bác Hồ, của đồng bào miền Bắc với cán bộ, chiến sỹ miền Nam nói chung và cán bộ, con em đồng bào DTTS miền Nam nói riêng. Cùng với đó là những nỗ lực vươn lên của mỗi cán bộ, giáo viên và học sinh để có những cống hiến cho Đảng, Nhà nước và Nhân dân sau này...

Lịch sử đã chứng minh, học sinh miền Nam trên đất Bắc nói chung, học sinh của Trường CBDTMN nói riêng không chỉ phục vụ nhiệm vụ của cách mạng, mà còn là sợi dây tình cảm bền lâu để thắt chặt tình thân giữa các DTTS miền Nam, Tây Nguyên với bà con DTTS miền Bắc. Và Trường CBDTMN đã trở thành cái nôi nuôi dưỡng chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần yêu nước, đại đoàn kết dân tộc.

Với giá trị lịch sử vô cùng to lớn đó, theo chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình, tháng 10/2016, UBND huyện Lạc Thủy đã khởi công tôn tạo khu di tích (giai đoạn 1). Năm 2017, UBND tỉnh công nhận và cấp Bằng xếp hạng di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh cho di tích Trường CBDTMN. Cũng trong năm đó, UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích (giai đoạn 2). Khu di tích có nhà rông, biểu trưng của đồng bào Tây Nguyên, nhà sàn của người dân tộc Mường và được trưng bày nhiều tư liệu quý về nhà trường… Công trình khánh thành vào đúng dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Trường CBDTMN (1959 - 2019). Nơi đây đã trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng và tinh thần đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.


Bình Giang


Các tin khác


Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Cao Phong

Chiều 6/5, tại xã Tây Phong, huyện Cao Phong, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tiếp tục tiếp xúc cử tri (TXCT) trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri tại huyện Yên Thủy

Sáng 6/5, tại xã Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh gồm các đồng chí; Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh; Hoàng Đức Chính, Bí thư Huyện uỷ Lạc Sơn đã tiếp xúc cử tri (TXCT) trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV tại huyện Yên Thủy. Dự hội nghị TXCT có các đồng chí: Bùi Văn Thắng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh...

Đổi mới công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi, thời gian qua, công tác dân vận ở vùng ĐBDTTS được hệ thống chính trị các cấp của tỉnh chú trọng thực hiện.

Đảng bộ thị trấn Đà Bắc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ

Đảng bộ thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ (SHCB), lãnh đạo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị.

Những tiếng nói tâm huyết của cán bộ, nhân dân Hòa Bình hướng về ngày kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

LTS: Chiến thắng Điện Biên Phủ là một bản hùng ca bất hủ, mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng Việt Nam; làm tăng niềm tự hào dân tộc, niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện. 70 năm đã trôi qua, nhưng những giá trị lịch sử to lớn của Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị, mãi mãi là niềm tự hào dân tộc. Nhân dịp này, Báo Hòa Bình ghi nhận những ý kiến tâm huyết của cán bộ, nhân dân trong tỉnh hướng về ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước.


Góp bài học kinh nghiệm cho Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chiến dịch Hòa Bình diễn ra từ ngày 10/12/1951 - 25/2/1952, là chiến dịch đầu tiên sử dụng lực lượng lớn nhất về bộ binh và các binh chủng trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954) nhằm tiến công địch phòng ngự theo hình thức tập đoàn cứ điểm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, phá tan kế hoạch chiếm đóng Hòa Bình của quân Pháp, đẩy mạnh chiến tranh du kích vùng sau lưng địch ở chiến trường trung du liên khu 3, góp phần làm thất bại âm mưu giành lại quyền chủ động chiến lược và chia cắt chiến trường Bắc Bộ của quân Pháp. Thắng lợi của Chiến dịch Hòa Bình khẳng định khả năng tác chiến ở địa hình rừng núi và khả năng tiến công hệ thống cứ điểm địch phòng ngự trong công sự vững chắc, tạo bước phát triển mới của nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục