Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 6/5, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận tổ về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).



Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình phát biểu thảo luận tại tổ.

Cần chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ

Thảo luận về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Bích Ngọc cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành dự án Luật theo Tờ trình của Chính phủ. Dự án Luật đã cơ bản thể chế được đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với nghị quyết của Quốc hội vừa được ban hành trong kỳ họp bất thường vừa qua.

Đồng tình với quy định tại Điều 9 của dự án Luật, ĐBQH Đặng Bích Ngọc cho rằng, điều này phù hợp với Nghị quyết số 193 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Theo đại biểu, tại Khoản 1, Điều 9 quy định tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo không bị truy cứu trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại gây ra cho Nhà nước nếu đã tuân thủ đầy đủ quy trình, quy định. Đề nghị dự thảo Luật bổ sung, nghiên cứu cụm từ "đã áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu tối đa rủi ro, thiệt hại gây ra”. Bởi thực tế thời gian qua cho thấy đây là điểm nghẽn rất lớn trong hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Việc quy định trong dự thảo Luật sẽ là cơ sở để giải phóng tối đa tiềm năng sáng tạo của các nhà khoa học.

Thực tiễn qua lấy ý kiến của địa phương như Hòa Bình, dự thảo Luật cần quy định nhấn mạnh vai trò của chính sách vùng, chính sách ưu đãi đặc thù cho vùng Trung du và miền núi. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ phục vụ nông, lâm nghiệp bền vững để bảo tồn thiên nhiên. Đây là một trong những mong muốn của những tỉnh còn khó khăn.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc cũng cho rằng, dự thảo Luật cần quy định rõ hơn các chính sách về đào tạo nhân lực tại chỗ, thu hút nhân lực trẻ, nhân tài làm việc cho các địa phương, đặc biệt là cần có chương trình phối hợp giữa Trung ương và các địa phương trong hỗ trợ chuyên sâu và đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh còn khó khăn. Về tài chính cho khoa học, công nghệ, cần tăng cường phân cấp giao quyền tự chủ tài chính cho địa phương trong việc thành lập các Qũy Khoa học, công nghệ cấp tỉnh. Đồng thời, có hướng dẫn cụ thể về Quỹ Trung ương với địa phương để trong quá trình tổ chức thực hiện bảo đảm hiệu quả.

Bảo đảm sự thống nhất về quy định về xử phạt vi phạm hành chính

Góp ý về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đại biểu hoàn toàn đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đặc biệt trong thời gian qua đã phát hiện nhiều vụ việc lớn về hàng giả, hàng kém chất lượng. Do vậy, việc ban hành Luật sẽ góp phần quản lý tốt hơn các sản phẩm hàng hóa để bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng.

Về quy định chức năng thanh tra tại Khoản 32, Điều 1, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 70, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định: Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá theo lĩnh vực được phân công, có trách nhiệm "Thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật” (điểm đ, khoản 1). Bên cạnh đó, tại Mục 2, Chương IV, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định thanh tra chuyên ngành về chất lượng sản phẩm hàng hóa (Điều 52, Điều 53).

Căn cứ các quy định pháp luật nêu trên, đại biểu Ngọc đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, chỉnh sửa các quy định về thanh tra nêu tại Điều 70, dự thảo Luật theo hướng tách bạch trách nhiệm của bộ quản lý ngành, lĩnh vực (không còn thực hiện chức năng thanh tra) với các bộ, cơ quan, đơn vị còn thực hiện chức năng thanh tra. Đồng thời, rà soát kỹ các quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa liên quan đến quy định về thanh tra chuyên ngành để bảo đảm chất lượng, hiệu quả, góp phần tổ chức thực hiện thuận lợi.

Về tính thống nhất của dự thảo Luật với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020), Khoản 18, Điều 1, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 29, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, trong đó sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:  "Chính phủ quy định cụ thể trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất và xử lý vi phạm trong quá trình kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất.” 

Khoản 20, Điều 1, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 34, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, trong đó khoản 4, Điều 34 quy định: "Chính phủ quy định chi tiết Điều này và quy định cụ thể trình tự, thủ tục kiểm tra, việc miễn, giảm kiểm tra, xử lý vi phạm trong quá trình kiểm tra chất lượng hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu.”

Khoản 22, Điều 1, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 2 và bổ sung khoản 3, Điều 38, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, trong đó khoản 3, Điều 38 quy định: "Chính phủ quy định cụ thể trình tự, thủ tục kiểm tra và xử lý vi phạm trong quá trình kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường.”

Khoản 3, Điều 66, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định: Chính phủ quy định cụ thể về hành vi, hình thức và mức xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chất lượng sản phẩm, hàng hóa và cách xác định giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm.

Có thể thấy, tại các điều cụ thể của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đang giao Chính phủ quy định về việc xử lý vi phạm. Đồng thời, tại Điều 66, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa cũng giao: "Chính phủ quy định cụ thể về hành vi, hình thức và mức xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chất lượng sản phẩm, hàng hóa và cách xác định giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm. Trong khi đó, khoản 1, Điều 4, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định: Căn cứ quy định của Luật này, Chính phủ quy định hành vi vi phạm hành chính; hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc và hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; đối tượng bị xử phạt; thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh và thẩm quyền lập biên bản đối với vi phạm hành chính; việc thi hành các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, các biện pháp khắc phục hậu quả trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước.

Như vậy, việc Quốc hội giao Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chất lượng sản phẩm, hàng hóa chưa có sự thống nhất với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Để bảo đảm sự thống nhất giữa quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị dự thảo Luật sẽ nghiên cứu các nội dung và rà soát để quá trình tổ chức thực hiện bảo đảm yêu cầu.


Bùi Hiển
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Hòa Bình

Các tin khác


Chi bộ Trạm y tế xã Bảo Hiệu học tập và làm theo Bác

Những năm qua, Chi bộ Trạm y tế (TYT) xã Bảo Hiệu (Yên Thủy) đẩy mạnh thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với các phong trào thi đua của ngành, của địa phương và đạt nhiều kết quả nổi bật, góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân trên địa bàn.

Bộ CHQS tỉnh: Giao nhiệm vụ cho lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9

Hướng tới kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, chiều 4/5, Bộ CHQS tỉnh tổ chức Hội nghị giao nhiệm vụ cho lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành trong chuỗi sự kiện trọng đại cấp quốc gia.

Giáo hội Phật giáo tỉnh Hòa Bình kỷ niệm Đại lễ Phật đản 2025

Ngày 4/5 (tức mùng 7/4 năm Ất Tỵ), tại chùa Hoà Bình Phật Quang, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam tỉnh Hòa Bình tổ chức Đại lễ Phật đản Vesak Phật lịch 2569 - Dương lịch 2025. Dự lễ có các đồng chí: Bùi Thị Minh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện Ban Trị sự GHPG Việt Nam; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh và đông đảo tăng ni, phật tử.

Chương trình ''Côn Đảo - Hùng ca ý chí Việt Nam'': Ngọn lửa của lòng yêu nước và ý chí kiên trung tiếp tục soi đường cho hôm nay và mai sau

Tối 3/5, tại Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chỉ đạo, Đài Truyền hình Việt Nam và tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu phối hợp tổ chức Chương trình nghệ thuật chính luận "Kỷ niệm 50 năm Giải phóng Côn Đảo (1/5/1975 - 1/5/2025)” với chủ đề "Côn Đảo - Hùng ca ý chí Việt Nam".

Thư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi cán bộ, chiến sĩ tham gia Lễ duyệt binh tại Quảng trường Đỏ

Nhận lời mời của Bộ Quốc phòng Liên bang Nga, Bộ Quốc phòng Việt Nam cử lực lượng tham gia Lễ duyệt binh kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại (9/5/1945 - 9/5/2025) tại Liên bang Nga.

Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình gặp mặt, biểu dương lực lượng tham gia diễu binh trong Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Ngày 2/5, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Hòa Bình tổ chức gặp mặt cán bộ, chiến sĩ tham gia diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước hoàn thành nhiệm vụ trở về đơn vị. Thượng tá Bùi Văn Mai, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh chủ trì buổi gặp mặt.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục