Công an xã Toàn Sơn (Đà Bắc) tham gia ngày công giúp đỡ gia đình khó khăn về nhà ở xóa nhà tạm, dột nát.
Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó, giao tỉnh Hòa Bình khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để phục vụ chiến dịch. Tỉnh ủy đã cụ thể hóa nhiệm vụ quan trọng nhất là phải bảo vệ giao thông vận chuyển thông suốt, huy động lực lượng, phương tiện để phục vụ chiến dịch, bảo vệ các đoàn dân công Khu III, Khu IV lên phục vụ chiến dịch; đẩy mạnh công tác phòng gian, trừ gian, giữ gìn bí mật, kiên quyết làm trong sạch địa bàn, đập tan âm mưu phá hoại của các toán gián điệp, biệt kích do thám, phản động. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân và giao lực lượng Công an tỉnh tham mưu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo, phối hợp các lực lượng tổ chức thực hiện.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Ty Công an tỉnh đã thành lập Ban Công an tiền phương trực tiếp làm nhiệm vụ chỉ đạo công tác bảo vệ chiến dịch. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ty Công an Hòa Bình đã làm tốt công tác nắm tình hình địch, phát động phong trào "phòng gian, bảo mật” rộng rãi trong quần chúng nhân dân. Chủ động phối hợp các lực lượng khác bảo vệ hàng vạn dân công ngày đêm vận chuyển hàng hóa đến Hòa Bình và từ Hòa Bình ra chiến trường; bảo vệ an toàn nơi đóng quân của bộ đội, nơi tập kết vũ khí khí tài, đạn dược để vận chuyển ra tiền tuyến. Các đồn, trạm công an phối hợp bộ đội, dân quân du kích thiết lập vành đai, thường xuyên tuần tra canh gác xung quanh khu vực kho, kịp thời phát hiện bọn phá hoại và chống cháy nổ.
Đẩy mạnh phong trào "phòng gian, bảo mật" trong quần chúng nhân dân, Ty Công an Hòa Bình đã vận động nhân dân thực hiện khẩu hiệu "3 không”, giữ bí mật, che phòng cho bộ đội, tổ chức tuần tra canh gác phát hiện do thám, gián điệp. Thông qua công tác nắm tình hình, quần chúng cung cấp nhiều tin tức có giá trị, giúp cơ quan Công an điều tra, khám phá các tổ chức phản động ở Quỳnh Lâm (thị xã Hòa Bình), Nật Sơn (Kim Bôi), Yên Quang, Tiến Xuân (Lương Sơn), An Bình, Khoan Dụ (Lạc Thủy); bắt gọn toán biệt kích ở Yên Mông, Phú Cường, Thạch Yên (Kỳ Sơn), Bãi Khoai, Thanh Nông (Kim Bôi)... Kịp thời trấn áp, bắt một số tên khác, ổn định tình hình nhân dân. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát bảo vệ các tuyến đường giao thông quan trọng, vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, đưa đón hàng vạn dân công từ Khu III, Khu IV đi qua Hòa Bình lên Tây Bắc phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tấn công cứ điểm Him Lam, mở đầu cuộc công kích vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Trong khi đó, địch cũng ra sức dùng không quân đánh phá các kho tàng, cầu đường trên địa bàn tỉnh. Trong đó, các tuyến đường số 6, 12, 21, bến phà chợ Bờ, Suối Rút là những trọng điểm bị đánh phá ác liệt. Để đảm bảo giao thông thông suốt, lực lượng Công an cùng các lực lượng công binh, dân công ngày đêm thường trực tổ chức tốt công tác bảo vệ giao thông vận chuyển, sẵn sàng gỡ phá bom nổ chậm, sửa chữa cầu, phà, cung đường bị địch phá hỏng... Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu gian khổ, hy sinh, chiều 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi hoàn toàn. Trong chiến thắng vĩ đại ấy có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng Công an Hòa Bình.
Vũ Phong