Sáng 23/5, Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013.
Quốc hội Biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận quan trọng, nền tảng của hệ thống chính trị
Phát biểu đề dẫn, Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam cho biết, Quốc hội đã tiến hành nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 và đang tiến hành kế hoạch lấy ý kiến nhân dân với 2 nhóm vấn đề: Một là, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ (sửa đổi, bổ sung Điều 9 và 10). Hai là, về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Trong điều kiện tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp lại các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị, cần vượt qua và thay đổi được các thói quen tư duy về vị trí, vai trò và cơ chế hoạt động của các tổ chức trong các giai đoạn cách mạng trước đây để xác lập tư duy tái cấu trúc hệ thống cũng như tổ chức (bỏ khâu trung gian, giảm bớt đầu mối, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản…) để hoạt động hiệu quả hơn, thúc đẩy phát triển. Sự phát triển có tính kế thừa nhưng mỗi mô hình tổ chức phải có tổ chức và hoạt động phù hợp, tránh tư duy cơ học trong công tác tổ chức và cơ chế hoạt động. Việc sửa đổi Hiến pháp là rất cần thiết để có cơ sở pháp lý thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng.
Về sửa đổi các quy định liên quan đến MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên (sửa đổi, bổ sung Điều 9 và Điều 10 Hiến pháp), ông Tuấn cho rằng, việc sửa đổi các điều này nhằm khắc phục tình trạng hệ thống các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, chức năng, nhiệm vụ còn có sự giao thoa, trùng lắp; có lúc, có nơi chưa thực hiện sâu sát cơ sở, nắm tình hình nhân dân chưa kịp thời. Để không còn tồn tại tình trạng một việc nhiều tổ chức cùng làm, một người tham gia nhiều tổ chức; nguyên tắc hiệp thương dân chủ - một trong những nguyên tắc hoạt động cơ bản, nền tảng thể hiện bản chất liên hiệp tự nguyện của MTTQ Việt Nam vẫn chưa được quy định cụ thể trong Hiến pháp.
Cơ bản tán thành các nội dung sửa đổi liên quan đến MTTQ Việt Nam, Tiến sĩ Trần Anh Tuấn cũng góp ý, phải xác định MTTQ Việt Nam là bộ phận quan trọng, nền tảng của hệ thống chính trị… Như vậy MTTQ mới là "cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân”.
Về nội dung đưa "các tổ chức chính trị xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam… phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của MTTQ Việt Nam”, theo ông Tuấn, dự thảo quy định cụm từ này là phù hợp với tư tưởng tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm bớt đầu mối, đúng với chủ trương của Đảng tại Kết luận 137-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư là "sắp xếp lại các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (đồng bộ với cơ cấu tổ chức Đảng hiện nay)”. Khi đã là trực thuộc và dưới sự chủ trì của MTTQ Việt Nam thì chỉ nên có một đầu mối tổ chức là MTTQ Việt Nam trình dự án Luật.
Chỉ sửa những vấn đề liên quan trực tiếp đến việc xây dựng bộ máy của hệ thống chính trị
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Đường cho rằng, "Hiến pháp được ví như là một báu vật quốc gia, được Nhà nước và nhân dân tuân thủ, tôn thờ”. Vì thế, những vấn đề dự kiến đưa ra sửa đổi, bổ sung phải thực sự là những vấn đề tối cần thiết; nếu không được sửa đổi, bổ sung thì việc tổ chức thực hiện trên thực tế sẽ vi phạm Hiến pháp. Còn những vấn đề sửa đổi, bổ sung để làm rõ hơn, cụ thể hơn, chưa nên đặt ra.
Sửa Hiến pháp lần này chỉ tập trung sửa những vấn đề liên quan trực tiếp đến việc xây dựng bộ máy của hệ thống chính trị theo chủ trương "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”. "Không nên nhân sửa lần này thêm bớt câu này, câu kia trong Hiến pháp. Việc thêm bớt đó sẽ dẫn đến phá vỡ sự thống nhất của bản Hiến pháp. Sửa Hiến pháp phải bảo đảm tính thống nhất và phục vụ mục đích chủ yếu là tinh giản bộ máy”, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Đường nhấn mạnh.
Liên quan đến nội dung các tổ chức chính trị xã hội "trực thuộc MTTQ Việt Nam”, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Đường nêu rõ, nếu như chỉ trực thuộc về tổ chức bộ máy hành chính, tức là các cơ quan thuộc các tổ chức chính trị đưa về Mặt trận để tinh giản bộ máy hành chính tổ chức của các tổ chức chính trị xã hội và Mặt trận thì không cần sửa, hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội vẫn độc lập tương đối so với Mặt trận. Nếu sửa thì chỉ cần thêm câu "các tổ chức chính trị xã hội tổ chức và hoạt động thống nhất trong MTTQ Việt Nam”.
Nêu quan điểm về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thống nhất chủ trương làm sao đảm bảo được vai trò của Mặt trận là liên hiệp chính trị, là trung tâm, nhưng đồng thời phải bảo đảm vai trò của các tổ chức chính trị xã hội.
"Vì xã hội ta là xã hội dân chủ, không có chuyện gộp hết các tổ chức vào trong một tổ chức. Sửa đổi Hiến pháp lần này phải bảo đảm 2 điều. Thứ nhất là phải bảo đảm tính thống nhất của MTTQ và bảo đảm được tinh gọn bộ máy, tinh gọn hệ thống. Tôi rất tán thành sửa đổi này, hệ thống trong xã hội ta quá cồng kềnh. Nhưng phải bảo đảm vai trò của Mặt trận, các tổ chức chính trị xã hội vẫn bảo đảm tính độc lập của họ, đại diện cho các tầng lớp xã hội”, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý nêu.
Ông cũng cho rằng, sửa Hiến pháp lần này chưa phải là sửa toàn diện, do vậy chưa nên sửa đổi nhiều, nhưng sắp tới dần dần cũng không nên quy định quá chi tiết trong Hiến pháp.
Ngoài ra, về Điều 110, Điều 111, Chương 9 về chính quyền địa phương, ông tán thành việc bỏ cấp trung gian là cấp huyện, chỉ còn 2 cấp chính quyền địa phương là cấp tỉnh và cấp cơ sở. Song, bày tỏ không thống nhất khi viết rằng cấp thứ 2 là "cấp dưới tỉnh”, "lại tạo điều kiện cho việc sắp tới cấp dưới tỉnh là mấy cấp, là cấp nào”, ông cho rằng, để tạo điều kiện phân cấp cho cấp cơ sở (cấp xã) là cấp độc lập, bảo đảm thực hiện chủ trương mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: Chính quyền địa phương, việc của địa phương do địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, không có chuyện đơn vị hành chính dưới tỉnh là "cánh tay vươn dài" của tỉnh, mà phải là cấp độc lập.
"Sửa Điều 110 không nên bỏ quy định Hiến pháp hiện hành là việc tách, lập đơn vị hành chính mới phải lấy ý kiến của nhân dân. Nên giữ! Còn cách lấy như thế nào, dài hay ngắn thì do luật định nhưng phải lấy ý kiến nhân dân”, ông nói.
Theo TTXVN
Chiều 22/5, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì buổi làm việc với Ban Nội chính Trung ương về kết quả công tác từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay và phương hướng công tác trong thời gian tới.
Chiều 22/5, tiếp tục Chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 9, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14.
Sáng 22/5, đồng chí Nguyễn Tiến Sinh, Ủy viên Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy chủ trì Kỳ họp thứ 35, UBKT Tỉnh ủy khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Suốt cuộc đời hoạt động của mình, trong bất kỳ hoàn cảnh, cương vị công tác nào, đồng chí Trần Đức Lương cũng luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân.
Sáng 22/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức Phiên họp giải trình về "Công tác quản lý, vận hành và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh Hòa Bình”. Đồng chí Bùi Thị Minh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì phiên giải trình. Tham dự có các đồng chí lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, huyện Kim Bôi, Lương Sơn, Lạc Sơn và các Ban của HĐND tỉnh.
Cùng với thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), Đảng bộ xã Tiền Phong (Đà Bắc) tập trung xây dựng Đảng trên các lĩnh vực, qua đó góp phần xây dựng Đảng bộ xã vững mạnh toàn diện.