Các đại biểu QH thảo luận tại hội trường

Các đại biểu QH thảo luận tại hội trường

Ngày 21-5, buổi sáng, các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Ngân hàng nhà nước (NHNN) Việt Nam (sửa đổi). Phó Chủ tịch QH Nguyễn Ðức Kiên điều khiển phiên họp.

Mở đầu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Hà Văn Hiền trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật NHNN Việt Nam (sửa đổi). Báo cáo cho biết, trên cơ sở ý kiến các vị đại biểu QH tại kỳ họp thứ sáu và ý kiến góp ý của các đại biểu QH, các Ðoàn đại biểu QH các tỉnh, thành phố trước kỳ họp thứ bảy, Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo Ủy ban Kinh tế phối hợp cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổng hợp ý kiến, nghiên cứu, tiếp thu, và chỉnh lý dự thảo Luật NHNN Việt Nam (sửa đổi). Dự thảo Luật sau khi chỉnh sửa gồm bảy chương, 66 Ðiều.

Ða số ý kiến phát biểu đồng tình với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ QH. Về nội hàm chính sách tiền tệ quốc gia (CSTTQG) và thẩm quyền quyết định thực hiện CSTTQG, một số đại biểu đề nghị cần diễn đạt chính xác, rõ hơn và thống nhất một số khái niệm đề cập trong Ðiều 3, không nên đồng nhất CSTTQG với chỉ tiêu lạm phát. Có đại biểu đề nghị cần phân định rõ vai trò của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN trong việc quyết định sử dụng các công cụ và biện pháp điều hành để thực hiện mục tiêu CSTTQG theo quy định của Chính phủ.

Về vấn đề lãi suất. Ðại biểu Nguyễn Ðăng Trừng (TP Hồ Chí Minh) và một số đại biểu đồng ý như dự thảo Luật là không quy định về lãi suất cơ bản (LSCB), NHNN điều hành thị trường tiền tệ bằng các công cụ chính sách như: lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn... Các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ thực hiện chính sách lãi suất thỏa thuận theo nguyên tắc thị trường. Khi có diễn biến bất thường trên thị trường tiền tệ, NHNN quy định cơ chế điều hành lãi suất áp dụng trong quan hệ giữa các tổ chức tín dụng với nhau và với khách hàng, các quan hệ tín dụng khác. Ðại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) phân tích, bình thường, những năm trước đây NHNN không can thiệp trực tiếp vào hoạt động lãi suất của các ngân hàng thương mại, nhưng trong trường hợp bất bình thường, có những biểu hiện không lành mạnh trong hoạt động thị trường tiền tệ thì NHNN phải can thiệp vào thị trường tiền tệ thông qua lãi suất do NHNN chỉ đạo để các ngân hàng thương mại làm căn cứ thực hiện, nếu không sẽ rối loạn thị trường tiền tệ. Do đó, phải hiểu lãi suất khác quy định trong Khoản 1, Ðiều 12 dự thảo Luật: "NHNN công bố lãi suất tái cấp vốn và các loại lãi suất khác để điều hành chính sách tiền tệ" đã có LSCB, đồng thời phải giữ nguyên Khoản 2, Ðiều 12 "Trong trường hợp thị trường tiền tệ có diễn biến bất thường, NHNN quy định cơ chế điều hành lãi suất áp dụng trong quan hệ giữa các TCTD với nhau và với khách hàng, các quan hệ tín dụng khác". Như vậy, vừa bảo đảm được tính ổn định của luật, phù hợp thông lệ quốc tế và theo nguyên tắc hoạt động của thị trường, vừa có điều kiện giải quyết việc quản lý của NHNN trong điều kiện thị trường tiền tệ bất ổn. Ðại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) cũng cho rằng, điều tiết lãi suất trong điều kiện bình thường phải theo thị trường, quan hệ cung cầu, không thể dùng biện pháp "hành chính" đề kìm hãm thị trường tiền tệ, trừ trường hợp thị trường có diễn biến bất thường. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến đề nghị cần tiếp tục sử dụng công cụ LSCB để bảo đảm nguyên tắc Nhà nước quản lý đối với thị trường tiền tệ và làm cơ sở cho việc thực hiện các quy định của Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật khác. Sau khi nêu dẫn chứng việc đổ vỡ tín dụng những năm trước đây, đại biểu Lê Thị Thu Ba (Ðồng Nai) đề nghị cần quy định theo hướng thường xuyên phải có LSCB, vì không chỉ góp phần giữ vững ổn định tiền tệ mà còn chống được nạn cho vay nặng lãi. Nếu bỏ LSCB sẽ làm rối loạn thị trường tiền tệ vì các TCTD sẽ lợi dụng, tùy tiện định mức lãi suất cho vay rất cao. Ðại biểu Phan Trung Lý (Nghệ An) đề nghị cần tổng kết thực tiễn trước khi quyết định có bỏ LSCB hay không.

Nhiều đại biểu lại tán thành với dự thảo Luật là Thủ tướng quyết định việc sử dụng dự trữ ngoại hối Nhà nước cho các nhu cầu đột xuất, cấp bách của Nhà nước. Trường hợp sử dụng DTNH Nhà nước dẫn đến thay đổi dự toán ngân sách thì thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Các đại biểu: Trần Thị Dung (Ðiện Biên), Trần Ðình Long (Ðác Lắc) cho rằng, cán bộ, công chức NHNN cũng như cán bộ, công chức bình thường, phải thực hiện sự điều chỉnh của Luật Cán bộ, công chức, không nên có quy định riêng trong dự thảo Luật này. Ðại biểu  Lê Việt Trường (An Giang) cho rằng, cần nghiên cứu, chỉnh sửa Khoản 1, Ðiều 38 quy định bảo vệ bí mật thông tin về tiền tệ, ngân hàng cho thống nhất với quy định trong pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước. Theo đại biểu Ðinh Văn Nhã (Phú Yên), không nên quy định "cứng" ở Ðiều 27 về tiền gửi kho bạc Nhà nước (KBNN), nên chỉnh sửa theo hướng KBNN mở tài khoản tại NHNN và ngân hàng thương mại theo quy định của Chính phủ. Một số đại biểu cũng đồng tình với quy định về giám sát, thanh tra ngân hàng trong dự thảo luật vì đây là một lĩnh vực đặc thù.

Buổi chiều, các đại biểu QH làm việc tại tổ, thảo luận về chủ trương đầu tư xây dựng Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội-TP Hồ Chí Minh. Nhiều đại biểu phát biểu ý kiến cho rằng, về lâu dài,  việc đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - TP Hồ Chí Minh song song với việc nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống đường sắt hiện có là rất cần thiết. Việc phát triển đường sắt hiện đại, đồng bộ, bảo đảm hoạt động giao thông đường sắt thông suốt, an toàn, chính xác và hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường là phù hợp với chính sách của Ðảng và Nhà nước ta. Có ý kiến nhận định, đến bây giờ Việt Nam mới nghĩ đến việc hiện đại hóa đường sắt là muộn. Tuy nhiên, cũng có đại biểu cho rằng, việc xây dựng đường sắt cao tốc chỉ được thực hiện khi đất nước đang trong giai đoạn phát triển với hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng tương đối hiện đại.

Tờ trình của Chính phủ nêu 4 phương án đầu tư đường sắt trên trục dọc bắc - nam, trong đó Chính phủ kiến nghị chọn phương án 4. Thảo luận về vấn đề này, có ý kiến nhất trí với phương án như Chính phủ đề nghị, vì việc đầu tư mới theo hướng hiện đại là cần thiết, đáp ứng được nhu cầu vận chuyển sau này và góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, có đại biểu đề nghị xem xét lựa chọn phương án nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại để đáp ứng nhu cầu vận tải, sau đó khi đủ điều kiện sẽ phát triển thành đường sắt cao tốc. So với phương án 4 Chính phủ đề nghị thì phương án này sẽ giải quyết được cả việc vận chuyển hành khách và hàng hóa vì vận chuyển hàng hóa cũng rất quan trọng và cần thiết, chi phí ban đầu thấp hơn, không gây áp lực lớn về vốn đầu tư và sẽ khả thi hơn.

Tổng mức đầu tư của Dự án sơ bộ được xác định là gần 56 tỷ đô-la Mỹ (USD), suất đầu tư bình quân vào khoảng 35,6 triệu USD/1 km. Về vấn đề này, có ý kiến cho rằng, với việc xây dựng chủ yếu là hầm, cầu cạn, cầu vượt sông, cầu ở các nút giao với đường bộ thì tổng mức đầu tư sẽ vượt xa so với dự kiến. Hơn nữa, nhu cầu vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nói chung trong thời gian tới cũng rất lớn. Có đại biểu nêu rõ, với tổng mức đầu tư của Dự án riêng cho giai đoạn đầu là 21 tỷ USD, thì mỗi năm bình quân cần tới 2,63 tỷ USD, phụ thuộc chủ yếu (khoảng 2/3) vào vốn vay nước ngoài. Trong bối cảnh hiện nay nợ nước ngoài của Việt Nam vào khoảng 38,9% GDP, nợ Chính phủ đã ở mức hơn 42% GDP, tích lũy nội địa và dự trữ ngoại tệ thấp thì việc vay thêm để đủ vốn đầu tư cho Dự án này sẽ làm gánh nặng nợ quốc gia tăng lên đáng kể.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, Báo cáo đầu tư của Dự án chỉ thiên về phân tích các lợi thế cho việc lựa chọn phương án 4. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cung cấp thêm thông tin so sánh lợi thế giữa các phương án để có đủ cơ sở quyết định, đồng thời làm rõ việc đầu tư xây dựng mới đường sắt cao tốc thì phương án đầu tư, nâng cấp tuyến đường sắt hiện có sẽ như thế nào, chức năng vận chuyển và mối liên hệ giữa tuyến đường sắt hiện có với đường sắt cao tốc khi đi vào khai thác.

Một số ý kiến nhất trí lựa chọn công nghệ động lực phân tán đối với đường sắt cao tốc ở nước ta. Tuy nhiên đề nghị Chính phủ phân tích cụ thể, chi tiết hơn về ưu điểm, nhược điểm của hai loại công nghệ này để thấy rõ ưu thế của việc lựa chọn công nghệ động lực phân tán. Hơn nữa, lựa chọn công nghệ cần tuân thủ nguyên tắc hiện đại, hiệu quả, an toàn, không lệ thuộc, tiến tới làm chủ công nghệ.

Theo Báo cáo đầu tư Dự án, ước tính có 16.529 hộ gia đình sẽ bị ảnh hưởng bởi dự án, trong đó 9.480 hộ gia đình sẽ bị ảnh hưởng do mất đất ở và 7.049 hộ gia đình sẽ bị ảnh hưởng do mất đất sản xuất. Báo cáo cũng dự trù việc đền bù cho những hộ gia đình nói trên. Về vấn đề này, có đại biểu nêu rõ, Tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo đầu tư đề xuất phương án di dân còn rất sơ bộ, cần tiếp tục xây dựng phương án thật cụ thể, tính toán đến tính phức tạp của công tác này. Ðặc biệt là, đối với những địa phương hiện đã không còn quỹ đất dự trữ để quy hoạch đô thị.  Báo cáo đầu tư dự kiến tổng chi phí giải phóng mặt bằng và tái định cư là 30.437 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế sẽ phải lớn hơn nhiều bởi còn chi phí đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho các hộ dân mà Dự án chưa tính đến. Có đại biểu nêu giải pháp, để giảm phức tạp, giảm chi phí cho công tác di dân, đền bù, nên chọn hướng tuyến phù hợp hơn.

Một số đại biểu cho rằng, Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo đầu tư chưa phân tích những khả năng xảy ra rủi ro đối với hiệu quả kinh tế của Dự án do thời gian dự kiến thực hiện rất dài, với những biến động khó lường. Ðó là những rủi ro trong quá trình xây dựng dẫn tới tăng vốn đầu tư vì tăng khối lượng và đơn giá xây dựng cơ bản, phát sinh những vấn đề liên quan đến thiết kế, biến động về tỷ giá, giá cả, thị trường... Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần lượng hóa tác động của những rủi ro này cũng như đánh giá mức độ nhạy cảm của các chỉ tiêu kinh tế ảnh hưởng tới Dự án để đánh giá mức độ rủi ro khi quyết định đầu tư.

Nhiều đại biểu QH đề nghị, các Ủy ban khác của QH cần tham gia đánh giá, thẩm tra tính khả thi của dự án này, nếu cần có thể lấy ý kiến góp ý của các nhà khoa học và trưng cầu ý kiến của nhân dân để làm cơ sở cho QH quyết định về chủ trương.
 
 
 
 
                                                                               Theo ND

Các tin khác


Toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đọc Diễn văn kỷ niệm. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Diễn văn: 

Huyện Lạc Sơn áp dụng sáng kiến, giải pháp thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính (CCHC) trong việc quản lý, điều hành, phát triển KT-XH trên mọi lĩnh vực, huyện Lạc Sơn đã chú trọng xây dựng các sáng kiến, giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng sáng kiến, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC trên địa bàn huyện.

Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Cao Phong

Chiều 6/5, tại xã Tây Phong, huyện Cao Phong, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tiếp tục tiếp xúc cử tri (TXCT) trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục