Bác Hồ với nhân dân thủ đô Hà Nội. Ảnh: TL

Bác Hồ với nhân dân thủ đô Hà Nội. Ảnh: TL

Cái tâm thức nào đã khiến vị lãnh tụ của cuộc cách mạng, tại Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào đã đưa ra quyết định sáng suốt chọn Hà Nội làm Thủ đô của nước Việt Nam độc lập, đã nối lại mạch nghiệp xưa của kinh đô Thăng Long-Đông Đô?

Là người làm sử, tôi cứ nghĩ mãi một câu hỏi: Bác Hồ sinh ra từ mảnh đất Nghệ An (1890), lớn lên theo cha vào Huế (1905) rồi đi tiếp về phương Nam, đến thành phố Sài Gòn (1911) để rồi từ đó xuất dương. Bôn ba khắp năm châu bốn biển, 30 năm sau con người ấy trở về với Tổ quốc từ một cửa ngõ địa đầu phía Bắc, Cao Bằng (1941). Con người ấy dường như chưa một lần đặt chân lên Hà Nội. Hơn thế nữa nếu tính từ khi nhà Nguyễn lập triều, Vua Gia Long đã dời đô từ Thăng Long vào Huế (1802) thì Hà Nội đã không còn là kinh đô từ ngót một thế kỷ rưỡi.

Tên gọi Thăng Long bị biến cải chữ (Hán) “Long” là “rồng” thành “Long “là sự hưng thịnh” để xoá bỏ danh tính gắn với vương triều; rồi hạ thấp tường thành; rồi phá bỏ thành quách cũ để xây thành Vauban theo kiểu Pháp làm tỉnh thành Hà Nội…

Thực dân biến nước ta thành thuộc địa còn đang tâm chia nước ta làm ba mảnh, chỉ coi Hà Nội là một trung tâm hành chính của Bắc Kỳ mặc dầu có xây Phủ Toàn quyền toàn Đông Dương ở Hà Nội cũng giống như ở Sài Gòn và một thời ở Đà Lạt…

Vậy mà cái tâm thức nào đã khiến vị lãnh tụ của cuộc cách mạng, tại Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào đã đưa ra quyết định sáng suốt chọn Hà Nội làm Thủ đô của nước Việt Nam độc lập, đã nối lại mạch nghiệp xưa của kinh đô Thăng Long-Đông Đô?

Lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc trở về thủ đô Hà Nội là sau khi thành phố đã giành chính quyền trước khi nhận được bản Quân lệnh số 1. Vì sao nhà cách mạng từng trải ấy lại chọn chỗ ở tại giữa một khu phố giàu nhất Hà Nội, là nhà của một trong những người giàu nhất nhưng hết sức yêu nước, yêu cách mạng là ông bà Trịnh Văn Bô? Cũng tại ngôi nhà này vị Chủ tịch lâm thời đã soạn thảo Bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ, đã chủ trì nhiều cuộc họp quan trọng và tiếp đón nhiều thượng khách…

Tôi nhớ lời của ông Hoàng Tùng, là một nhà báo, nhà tuyên huấn nổi tiếng nhưng đã có một thời gian ngắn sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là Bí thư Thành uỷ Hà Nội, đã nói trong đoạn vidéo clip phát trong đêm truyền hình trực tiếp của Đài Truyền hình Việt Nam nhân kỷ niệm 60 năm Quốc khánh (2.9.2005) mà tôi được tham dự.
 
Trong đoạn băng ghi hình này, ông đi dọc những ngôi mộ trong Nghĩa trang Mai Dịch rồi ngồi xuống cạnh mộ ông Trường-Chinh - một trong những người lãnh đạo quan trọng nhất cuộc Cách mạng Tháng Tám, nhà tuyên huấn lão thành tâm sự: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Có những người lao động, công, nông nghèo nhưng nhiệt tình cách mạng, họ là cái áo giáp bảo vệ cách mạng; lại cả những người giàu có cũng yêu nước làm theo cách mạng. Hồi đó không có người giàu thì ai nuôi cách mạng?”.

Đọc lại hồi ức của những người đương thời, những người giàu như gia đình ông bà Trịnh Văn Bô hay những gia đình giàu có tập trung ở Hà Nội không chỉ lo những việc lớn như góp tiền, góp vàng mua súng ống, trang phục cho bộ đội, góp vốn làm ngân hàng, lập quỹ hộ đê... mà còn lo từng bộ quần áo, từng chiếc ôtô cho cho các nhà lãnh đạo mới ở chiến khu về...

Với Bác, cách mạng là sự nghiệp của toàn dân. Với Bác, tấm áo giáp chở che cách mạng không chỉ là những người cùng khổ mà “hễ là người Việt Nam đều có tấm lòng yêu nước”. Do vậy mà Hà Nội dường như không xa lạ với nhà cách mạng xứ Nghệ. Còn số đông người Hà Nội biết đến Hồ Chí Minh qua những bài báo, bài nói của vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên không phải là... vua và trong những ngày đầu cách mạng lại luôn đi cùng một ông vua đã bỏ ngai vàng để tự nguyện làm “dân một nước độc lập” và nhận làm cố vấn tối cao cho Chính phủ Cách mạng.

Rất đông người dân Hà Nội lần đầu được trông thấy Hồ Chí Minh đứng trên lễ đài Quảng trường Ba Đình trong Ngày Độc lập hỏi rằng: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”, rồi một lần khác, trước Quảng trường Nhà hát Lớn thành phố, sau ngày ký Hiệp định Sơ bộ 6.3.1946 lại sẵn sàng xác tín trước đồng bào rằng: “Hồ Chí Minh không bao giờ bán nước!”.

Trước đó không lâu khi tham gia cuộc tổng tuyển cử, Chủ tịch Lâm thời đăng ký ứng cử tại Hà Nội và đáp lại thịnh tình của đồng bào Hà Nội và nhiều nơi đề nghị tín nhiệm không cần phải bầu cử hoặc mời về ứng cử tại khu vực của mình, Bác có lời bằng văn bản: “Tôi là công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nên tôi không thể vượt qua thể lệ của cuộc tổng tuyển cử. Tôi ra ứng cử ở Hà Nội nên tôi không thể ra ứng cử ở nơi nào nữa. Xin cảm tạ đồng bào đã có lòng yêu tôi và yêu cầu toàn thể đồng bào hãy làm tròn nhiệm vụ của người công dân trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới”.
 
Và người dân Hà Nội đã biết đến một vị nguyên thủ quốc gia trong đêm giao thừa hoà mình trong dòng người trẩy lễ ở đền Ngọc Sơn rồi lặng lẽ đi chúc Tết những người dân nghèo nhất trong các ngõ phố của 36 phố phường...

Với một “Thăng Long phi chiến địa” trong lịch sử, đã 3 lần Nhà Trần bỏ ngỏ thành quách rồi 3 lần quay về giải phóng kinh đô; một thành Đông Quan bị Nhà Minh chiếm đóng đã được giải phóng không phải bằng binh lực mà bằng “tâm công” của Lê Lợi và Nguyễn Trãi, để rồi tiếp đó trên mặt hồ Lục thuỷ, vị anh hùng dân tộc khai lập triều Lê đã trả lại gươm báu cho Rùa Thần làm nên biểu tượng cho một kinh đô của một quốc gia hoà hiếu ở những thế kỷ xa xưa.

Nhưng ở thế kỷ XX, từ Hà Nội, thủ đô của quốc gia vừa giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải cất lên lời hịch cứu nước: “Hỡi đồng bào! Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
 
Và “Thăng Long phi chiến địa” đã trở thành một “Kinh thành huyết lệ” 60 ngày đêm kìm chân giặc, để 8 năm sau từ 5 cửa ô, những chiến sĩ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của Trung đoàn Thủ đô đã trở thành Đại đoàn Quân Tiên phong trở về Giải phóng Thủ đô.

Rồi trong những ngày chiến đấu căng thẳng nhất của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, Bác vẫn gắn bó với Hà Nội và từ rất sớm tiên đoán rằng, chính bầu trời của Hà Nội sẽ là nơi diễn ra trận quyết đấu định đoạt cuộc chiến…

Hơn 3 năm sau ngày Bác ra đi, mùa Đông 1972, trận “Điện Biên Phủ trên không” với sự liên tưởng hào hùng về hình ảnh rồng lửa Thăng Long quật nhào B52 của đế quốc Mỹ trên bầu trời Thủ đô đã chứng thực cho lời tiên đoán của Bác. Đầu năm 1973, Hiệp định Paris đã “đánh cho Mỹ cút” và 2 năm sau đó, sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước đã hoàn thành… Cả nước vang lên bài ca “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.

Trả lời cho những câu hỏi đặt ra ở đầu bài viết này, có thể tìm thấy dưới chiều sâu của Di chỉ Hoàng thành, pho sử đầy thuyết phục về truyền thống ngàn năm văn hiến của kinh thành Thăng Long xưa. Và có một câu trả lời nữa đã được ghi tạc trong sử sách: Trong lịch sử Việt Nam, có hai triều đại là Nhà Hồ ở đầu thế kỷ XV, và nhà Nguyễn ở đầu thế kỷ XIX, đã nhấc chân khỏi mảnh đất thiêng, rời đô khỏi mảnh đất mà Đức Lý Thái Tổ đã viết trong “Chiếu dời đô”: “Đó là nơi thắng địa, tụ hội nhìn khắp bốn phương, là nơi đô thành bậc nhất của đế vương muôn đời… mưu toan nghiệp lớn, tính kế lâu dài cho con cháu đời sau”. Và lịch sử cả hai triều đại ấy, dài ngắn khác nhau đều không tránh khỏi sự suy vong trước nạn ngoại xâm.

Thật dễ hiểu, Bác Hồ đã từng mở đầu một bài diễn ca bằng lời căn dặn “Dân ta phải biết sử ta”.

 

                                                                         Theo LĐ

Các tin khác


Huyện Lạc Sơn áp dụng sáng kiến, giải pháp thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính (CCHC) trong việc quản lý, điều hành, phát triển KT-XH trên mọi lĩnh vực, huyện Lạc Sơn đã chú trọng xây dựng các sáng kiến, giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng sáng kiến, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC trên địa bàn huyện.

Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Cao Phong

Chiều 6/5, tại xã Tây Phong, huyện Cao Phong, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tiếp tục tiếp xúc cử tri (TXCT) trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri tại huyện Yên Thủy

Sáng 6/5, tại xã Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh gồm các đồng chí; Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh; Hoàng Đức Chính, Bí thư Huyện uỷ Lạc Sơn đã tiếp xúc cử tri (TXCT) trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV tại huyện Yên Thủy. Dự hội nghị TXCT có các đồng chí: Bùi Văn Thắng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục