Tại cuộc họp báo kết thúc Hội nghị Cấp cao ASEAN 17, liên quan đến quan tâm của dư luận gần đây về việc sử dụng cảng Cam Ranh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thông báo Việt Nam quyết định tự mình xây dựng cảng Cam Ranh thành Trung tâm cảng dịch vụ tổng hợp để bảo đảm phục vụ cho lực lượng hải quân Việt Nam cũng như sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho tàu hải quân của tất cả các quốc gia, kể cả tàu ngầm khi có yêu cầu. Hôm qua 1-11 bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh (ảnh) đã chia sẻ với báo chí về vấn đề này, như sau:

Nhanh nhất 3 năm nữa để hoàn thành việc xây dựng cảng Cam Ranh. Hiện nay mới ở giai đoạn lập dự án chuẩn bị đầu tư. Cam Ranh sẽ trở thành một cảng dịch vụ tổng hợp, phục vụ tàu quân sự, dân sự. Tất nhiên, tàu ra vào phải xin phép theo quy định. Chúng ta có thể phải sẽ thuê tư vấn của nước ngoài, mua các thiết bị công nghệ của Nga. Giai đoạn đầu, có thể phải thuê một số chuyên gia kỹ thuật của Nga giúp chúng ta xây dựng, vận hành hệ thống dịch vụ. Tuy vậy chúng ta làm chủ hoàn toàn về chủ quyền, kể cả việc đầu tư, quản lý. Nếu ta không cho phép thì tàu nước ngoài không thể ra vào được.

Cũng có ý kiến lo lộ bí mật quân sự, tôi nhấn mạnh, căn cứ dành cho tàu nổi và tàu ngầm của Việt Nam là riêng, còn khu vực làm dịch vụ này là riêng, không liên quan đến nhau nên không sợ làm lộ bí mật quân sự của ta. Nhưng đây cũng không phải là một căn cứ quân sự của nước ngoài, không phải cho nước ngoài thuê để làm căn cứ hậu cần kỹ thuật.

° Phóng viên: Nếu tàu các nước đều có nhu cầu vào đó thì chúng ta có hạn chế?

° Bộ trưởng PHÙNG QUANG THANH: Khi làm dịch vụ thì ta sẽ tiếp nhận tàu của các nước. Tuy nhiên, điều kiện trước tiên là phải xin phép và phải làm hợp đồng kinh tế với phía Việt Nam. Ta quản lý và kiểm soát tình hình. Với những nước đang tranh chấp chủ quyền với Việt Nam, chúng ta vẫn sẽ xem xét, vẫn có thể cho tàu vào vì đây là căn cứ để làm dịch vụ kỹ thuật cho tất cả các nước trên thế giới trên tinh thần hết sức bình đẳng. Hiện nay, hàng năm chúng ta vẫn cho tàu quân sự của nước ngoài vào thăm các cảng nước ta theo con đường ngoại giao.

° Việc chọn các chuyên gia Nga hỗ trợ Việt Nam xây dựng trung tâm này được hiểu như thế nào?

° Dễ hiểu thôi. Vũ khí trang bị của ta chủ yếu là của Liên Xô trước đây viện trợ và hiện nay chúng ta vẫn còn đang quản lý, sử dụng rất tốt, dùng bền, an toàn, tiết kiệm. Những vũ khí mới mà chúng ta đã, đang và sẽ mua đều chủ yếu của Nga, vì Nga là đối tác chiến lược tin cậy về mặt chính trị. Về công nghệ thì vũ khí của Nga cũng rất hiện đại, Việt Nam đã quen sử dụng và đã được kiểm chứng trên thực tế. Đó là chưa kể giá cả cũng hợp lý, rẻ hơn nhiều so với các nước phương Tây. Đó là lý do ta thuê chuyên gia Nga tư vấn và vận hành nhà máy thời gian đầu cũng như cung cấp công nghệ.

° Có nhiều nước quan tâm đến việc Việt Nam sẽ xây dựng cảng Cam Ranh thành Trung tâm cảng dịch vụ tổng hợp không? Quan điểm của họ ra sao?

° Đây là chủ quyền của chúng ta. Các nước bạn bè, đối tác đều tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, quyền quyết định là do Chính phủ Việt Nam. Đây là điều bình thường vì các nước trong khu vực họ đã làm việc này rất lâu rồi. Trung Quốc cũng đã có những căn cứ để làm dịch vụ hậu cần cho các tàu thuyền các nước, kể cả tàu của Mỹ. Hiện nay, chúng ta chưa có một trung tâm dịch vụ dành riêng nhưng một số nhà máy sửa chữa tàu biển dân sự của Việt Nam cũng đã cho các tàu thuyền của Mỹ vào để sửa chữa. Điều đó là bình thường, các nước trong khu vực cũng không phản ứng gì vì đó là chủ quyền của mỗi nước.

Cảng Cam Ranh rất hấp dẫn với các nước vì đó là cảng nước sâu, tàu gặp bão có thể vào trú, hoặc vì rất gần đường hàng hải quốc tế nên tàu các nước có thể vào để tiếp tế nhiên liệu, lương thực, sửa chữa, cho thủy thủ nghỉ ngơi... Như thế họ sẽ tiết kiệm rất nhiều so với việc phải trở về căn cứ xa hơn. Với việc triển khai những dịch vụ này, chúng ta sẽ vừa thu lợi vừa học hỏi, nghiên cứu được những kinh nghiệm của họ và tiếp cận được những công nghệ hiện đại về tàu biển của thế giới. Hiện nay, do chúng ta chưa xây dựng dự án cụ thể nên các nước chưa đặt vấn đề nhưng cũng đã có rất nhiều nước bày tỏ quan tâm, trong đó có Nga đã chính thức đặt vấn đề.

° Xin cảm ơn Bộ trưởng!

PHAN THẢO ghi

Cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất trồng rừng: Hiệu quả thấp, bức xúc lớn

Ủy ban Kinh tế của QH vừa có báo cáo về tình hình cho nước ngoài thuê đất, liên doanh trồng rừng tại Việt Nam gửi tới các đại biểu Quốc hội hôm qua (1-11). Theo đó, các địa phương cho thuê 9.777 ha đất trồng rừng trong 35 năm, ngân sách chỉ thu được 35 tỷ đồng (bình quân 1 tỷ đồng/năm). Lợi ích từ các dự án này chủ yếu chỉ tạo việc làm, thu nhập cho người dân tại vùng có dự án. Trong khi đó, việc cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất trồng rừng ở Việt Nam đã gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội.

Theo UB Kinh tế, một số dự án đầu tư quy mô lớn tập trung ở các tỉnh có vùng biên giới, vùng có tính chiến lược về an ninh quốc phòng, thậm chí có dự án đã cấp vào 5 xã biên giới, khu vực điểm cao quân sự, chỉ được rút phép sau khi đoàn công tác liên ngành của Chính phủ đến làm việc với địa phương và công ty nước ngoài...

UB Kinh tế cho rằng, một nguyên nhân quan trọng dẫn đến bất cập này là việc UBND cấp tỉnh được phân cấp phê duyệt, quyết định các dự án có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (theo Nghị định 108/2006 ngày 22-9-2006 để hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư 2005). Chính vì vậy, từ ngày 1-7-2006 đến 9-3-2010 đã phát sinh thêm 9/10 dự án cho doanh nghiệp nước ngoài trồng rừng “có tính chất nhạy cảm”.

UB Kinh tế đề nghị thu hồi các dự án trong khu vực “nhạy cảm” về an ninh, quốc phòng. Với các dự án mới triển khai, diện tích trồng rừng và mức đầu tư còn thấp, đề nghị có biện pháp thanh lý, chuyển giao cho doanh nghiệp trong nước hoặc giao diện tích trồng rừng cho hộ dân tại địa phương. Tới đây, đề nghị QH xem xét để đưa vào nghị quyết về kinh tế - xã hội trong kỳ họp này nội dung quy định các dự án đầu tư trồng rừng thuộc nhóm các dự án đầu tư có điều kiện để Chính phủ triển khai thực hiện và sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan

 

                                                                                      Theo SGGP

Các tin khác


Đoàn Đại sứ quán Nhật Bản thăm và làm việc tại tỉnh Hòa Bình

Ngày 7/5, Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh phối hợp với Sở LĐ-TB&XH làm việc với đoàn Đại sứ quán Nhật Bản và đơn vị tài trợ thực hiện Dự án "Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của NCT tại Việt Nam” (VIE071). Tham dự có đại diện Tổ chức hỗ trợ NCT tại Việt Nam (HAI), lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.

Toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đọc Diễn văn kỷ niệm. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Diễn văn: 

Huyện Lạc Sơn áp dụng sáng kiến, giải pháp thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính (CCHC) trong việc quản lý, điều hành, phát triển KT-XH trên mọi lĩnh vực, huyện Lạc Sơn đã chú trọng xây dựng các sáng kiến, giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng sáng kiến, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC trên địa bàn huyện.

Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục