Tiếp tục kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII, chiều ngày 22/3, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều khiển phiên họp.


 

 Các đại biểu thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô. (Ảnh: TTXVN)


Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung như: Đối tượng áp dụng của dự thảo Luật; Về danh hiệu công dân danh dự Thủ đô; Cơ chế, chính sách trong quản lý, thực hiện quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng Thủ đô; Cơ chế, chính sách trong quản lý dân cư và bảo đảm an ninh và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô; Cơ chế, chính sách khai thác, phát huy, sử dụng có hiệu quả nguồn lực về tài chính; Trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội; Nhiệm vụ xây dựng và phát triển Thủ đô; Điều khoản chuyển tiếp; Về tính thống nhất trong hệ thống pháp luật...

Dự thảo Luật Thủ đô đã được trình tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XII và được các đại biểu thảo luận, cho ý kiến. Sau Kỳ họp, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Thủ đô gồm 4 chương, 33 điều quy định vị trí, vai trò của Thủ đô; mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô; một số chính sách đặc thù trong xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô và trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô.

Thảo luận về dự thảo Luật thủ đô, các đại biểu đều nhất trí về sự cần thiết phải ban hành luật riêng Thủ đô để Hà Nội phát huy một cách cao nhất vai trò là trung tâm chính trị của cả nước.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (đoàn Hà Nội) có ý kiến: Đây là một luật đặc thù, vì vậy, Luật Thủ đô cần có một điều, khoản quy định: mọi cơ chế chính sách, tiêu chí do Hà Nội ban hành không được vi phạm các nguyên tắc, quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành. Dự thảo Luật này cần phải được thảo luận thấu đáo và kỹ càng hơn để khi thông qua không phải băn khoăn về tính khả thi và hợp hiến của luật. Đại biểu Đào nhấn mạnh: Hà Nội là một đô thị đặc biệt thì nó phải có những điểm khác biệt về những quy định chung về quản lý hành chính, trật tự an ninh xã hội ... ở các tỉnh, thành phố khác như dự thảo.

Nhất trí với ý kiến của đại biểu Đào, đại biểu Đặng Như Lợi (đoàn Cà Mau) cho rằng, việc quy định những đặc thù cho Thủ đô là cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu Lợi lưu ý, Thủ đô có những đặc thù nhưng những quy định về phát triển Thủ đô thì cần phải tính toán phù hợp với chiến lược phát triển chung của cả nước.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn) tán thành việc dự thảo Luật giao cho Thủ đô cơ chế đặc thù về tài chính. Tuy nhiên cần phải quy định thật cụ thể, và nên qui định rõ mức phân bổ ngân sách, tránh tình trạng xin - cho khi Luật được ban hành.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết nhất trí về việc xây dựng cơ chế đặc thù về trật tự an ninh cho Thủ đô. Tuy nhiên, theo đại biểu Thuyết, quy định về cơ chế này tại điều 23 trong dự thảo Luật mới chỉ tập trung vào việc tăng mức phạt tiền mà không có thêm cơ chế nào khác. Nếu như vậy thì các đô thị khác cũng có thể áp dụng để đảm bảo tính nghiêm minh trong việc đảm bảo an ninh trật tự chứ không riêng gì Hà Nội.

Về một số cơ chế, chính sách đặc thù khác như danh hiệu công dân danh dự Thủ đô (Điều 7), một số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tán thành với quy định như trong dự thảo Luật vì cho rằng đây là một hình thức khen thưởng nhằm vinh danh đối với những người có công lao đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. Tuy nhiên, để tránh hiểu nhầm là người được tặng danh hiệu này được hưởng quốc tịch Việt Nam (đối với trường hợp là người nước ngoài) thì cần phải chỉnh lý lại quy định này theo hướng khẳng định đây chỉ là danh hiệu vinh dự và danh hiệu này được tặng nhằm ghi nhận sự đóng góp của cá nhân đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô; việc tặng danh hiệu vinh dự này không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ pháp lý của người nhận danh hiệu.

Về một số cơ chế, chính sách khác quy định trong dự thảo Luật, bao gồm chiến lược phát triển kinh tế (Điều 10), phát triển giáo dục và đào tạo (Điều 15), phát triển khoa học và công nghệ (Điều 16), bảo tồn và phát triển văn hóa (Điều 17), quản lý và bảo vệ môi trường (Điều 18), phát triển, quản lý nhà ở (Điều 19) quản lý giao thông vận tải (Điều 21), đa số ý kiến trong Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành với việc cần thiết phải quy định cơ chế, chính sách đặc thù trong các lĩnh vực này với những chỉnh sửa như trong dự thảo Luật.

Về nội dung Chương III - Trách nhiệm xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô, có ý kiến cho rằng quy định trong dự thảo Luật chưa thể hiện được tính đặc thù, hầu hết vẫn chỉ nhắc lại những quy định hiện hành và nhắc lại cũng chưa đủ (ví dụ như quy định về thẩm quyền giám sát của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội). Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho rà soát, chỉnh lý các nội dung này để quy định cho hợp lý, rõ ràng và cụ thể hơn trách nhiệm của các chủ thể trong xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan tổ chức hữu quan nghiên cứu để tiếp thu, báo cáo lại với Quốc hội để Quốc hội có căn cứ xem xét quyết định tại phiên họp cuối cùng của Kỳ họp này.

Ngày mai (23/3), buổi sáng, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về dự án Luật phòng, chống mua bán người; buổi chiều, Quốc hội làm việc ở tổ, thảo luận về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2007-2011 của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ./.

                                                                               Theo Báo ĐCSVN


Các tin khác


Đoàn Đại sứ quán Nhật Bản thăm và làm việc tại tỉnh Hòa Bình

Ngày 7/5, Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh phối hợp với Sở LĐ-TB&XH làm việc với đoàn Đại sứ quán Nhật Bản và đơn vị tài trợ thực hiện Dự án "Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của NCT tại Việt Nam” (VIE071). Tham dự có đại diện Tổ chức hỗ trợ NCT tại Việt Nam (HAI), lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.

Toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đọc Diễn văn kỷ niệm. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Diễn văn: 

Huyện Lạc Sơn áp dụng sáng kiến, giải pháp thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính (CCHC) trong việc quản lý, điều hành, phát triển KT-XH trên mọi lĩnh vực, huyện Lạc Sơn đã chú trọng xây dựng các sáng kiến, giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng sáng kiến, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC trên địa bàn huyện.

Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục