Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh Đàm Huy.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh Đàm Huy.

Sáng 13/9, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có buổi làm việc với Hội Nông dân Việt Nam về tình hình nông dân hiện nay và hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam. Dự buổi làm việc có lãnh đạo các ban Đảng Trung ương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; đại diện các bộ, ban, ngành liên quan.

Nông dân luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng

Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Nông dân nước ta hiện nay chiếm hơn 70% dân số và trên 50% lực lượng lao động xã hội. Nông dân phấn khởi trước những thành tựu to lớn của đất nước. Sau hơn 25 năm đổi mới, đất nước đã ra khỏi tình trạng kém phát triển. Vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 càng làm cho Hội nông dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước.

Giai cấp nông dân một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và khẳng định: Có được cuộc sống như ngày hôm nay là nhờ có đường lối đổi mới của Đảng; có cơ chế, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân nên đã phát huy vai trò chủ thể và sức sáng tạo to lớn của nông dân. Nông dân vui mừng trước nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm phát triển kinh tế nông thôn, cải thiện đời sống nông dân như: Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và gần đây là Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư về Đề án "Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam", Quyết định số 673-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ tạo cơ chế, chính sách để Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn.

Tỷ trọng sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng. Sản xuất lương thực có bước tiến lớn. Từ một nước nhiều năm thiếu lương thực trở thành một trong những nước đứng đầu thế giới về một số mặt hàng nông sản như: Gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thuỷ sản… Kinh tế nông thôn đang chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề,;các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục được đổi mới; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; bộ mặt nhiều vùng nông thôn đã được khang trang tiến bộ hơn.

Đời sống vật chất, tinh thần của dân cư hầu hết các vùng nông thôn đã có bước cải thiện; dân chủ được phát huy; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Vị thế chính trị của giai cấp nông dân nước ta ngày càng được nâng cao. Người dân có điều kiện, cơ hội để cải thiện đời sống và làm giàu cho gia đình, cho quê hương, đất nước.

Tuy nhiên, nông dân hiện nay vẫn đa số là những hộ sản xuất quy mô nhỏ; có tới 36% số hộ có dưới 0,2 ha đất canh tác. Thu nhập bình quân cư dân nông thôn chỉ bằng 76,6% bình quân chung cả nước. Hầu hết số hộ nghèo và cận nghèo là nông dân...

Nhiều đóng góp tích cực của Hội Nông dân Việt Nam

Trải qua 5 kỳ Đại hội, các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã không ngừng được củng cố, xây dựng và ngày càng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ được giao. Đến nay, tổ chức Hội có hệ thống 4 cấp từ Trung ương đến cơ sở với 63 Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 655 Ban Chấp hành Hội Nông dân quận, huyên, thị, thành phố thuộc tỉnh; 10.474 Ban Chấp hành Hội Nông dân cơ sở (xã, phường, thị trấn…); 92.417 chi hội; 182.924 tổ hội và trên 10 triệu hội viên; 100% xã, phường, thị trấn có nông dân có tổ chức hội; 100% thôn, ấp, bản có chi, tổ hội. Các cấp Hội đã chú ý đổi mới nội dung phương thức hoạt động; tăng cường đoàn kết tập hợp nông dân; coi trọng chất lượng hội viên, đổi mới nội dung sinh hoạt theo hướng thiết thực, hiệu quả gắn với lợi ích của hội viên và nông dân.


Tổng Bí thư trao đổi với các đại biểu bên lề buổi làm việc. Ảnh HH. 


Tổ chức bộ máy Hội Nông dân các cấp từng bước được kiện toàn tinh gọn, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ Hội các cấp được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Số cán bộ tham gia cấp uỷ, Hội đồng nhân dân, là đảng viên và có trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật, năng lực vận động nông dân ngày càng tăng. Nhiều đồng chí cán bộ Hội đã phấn đấu trưởng thành từ phong trào nông dân đã được điều động, luân chuyển, bố trí vào những cương vị trọng trách cao hơn. Năm 2010, Ban Chấp hành Trung ương Hội đã tổng kết 10 năm công tác xây dựng Hội và ban hành Nghị quyết về việc tiếp tục xây dựng tổ chức Hội Nông dân các cấp vững mạnh.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Đảng đoàn, Ban Thường vụ Trung ương Hội đã chỉ đạo các cấp Hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; nâng cao vai trò trách nhiệm của Hội trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi; đoàn kết giúp nhau xoá đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng.

Cùng với phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, cán bộ, hội viên nông dân còn tích cực đóng góp xây dựng quỹ “Ngày vì người nghèo”; tích cực tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau thông qua phổ biến kinh nghiệm làm ăn, cho mượn vốn, cung cấp giống cây con, tạo việc làm tại chỗ… Chỉ tính riêng năm 2010, hội viên, nông dân cả nước đã đóng góp 2 triệu ngày công; trên 4,2 ngàn tấn lương thực, giúp đỡ gần 110.000 hộ nghèo; ủng hộ quỹ "Ngày vì người nghèo" gần 7 tỷ đồng và trên 3 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào lũ lụt; 6,8 tỷ đồng xây tặng nhà tình nghĩa, tình thương cho những hộ không có nhà ở, góp phần giúp trên 10.000 hộ thoát nghèo; xoá 2521 nhà tạm.

Vấn đề bảo đảm an ninh chính trị, xã hội ở địa bàn nông thôn được Hội Nông dân các cấp đặc biệt quan tâm. Các cấp Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân về nhiệm vụ quốc phòng - an ninh trong tình hình mới; nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng trước âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, nhất là âm mưu lợi dụng tôn giáo, dân tộc, dân chủ để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Hướng về người nông dân, tháo gỡ kịp thời những khó khăn cho nông dân

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao báo cáo của Hội Nông dân Việt Nam cũng như những ý kiến đóng góp, thảo luận của các đại biểu tham dự buổi làm việc.

Tổng Bí thư cũng đánh giá cao những kết quả của Hội Nông dân và phong trào nông dân đã đạt được sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Sự ra đời của Nghị quyết là phù hợp với thực tiễn, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của nông dân.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng lưu ý, đây mới chỉ là kết quả bước đầu, không được chủ quan; cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được để xây dựng nông nghiệp, nông dân, nông thôn ngày càng phát triển bền vững.

Tổng Bí thư cho rằng, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí, vai trò rất quan trọng và được xác định rõ ràng trong Nghị quyết. Vai trò của nông dân đã được khẳng định là chủ thể của quá trình phát triển. Trong thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ của nông dân; phát huy vai trò và quyền làm chủ của người nông dân; tạo điều kiện để nông dân phát huy tốt vai trò của mình trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân, nông thôn.


Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh HH. 


Tổng Bí thư nhấn mạnh: Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải đặt trong mối quan hệ tổng thể của quá trình phát triển chung, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cần giải quyết tốt, hài hoà mối quan hệ giữa nông nghiệp và công nghiệp; giữa bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của người nông dân với sự phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Tổng Bí thư hoan nghênh Trung ương Hội Nông dân và các cấp Hội  trong thời gian qua đã tích cực chủ động thực hiện triển khai Nghị quyết, từ việc tuyên truyền, phân công lực lượng, phối hợp với các cơ quan có liên quan để triển khai thực hiện; có nhiều tham mưu, đề xuất cho Đảng và Nhà nước về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tổ chức nhiều phong trào thi đua của nông dân, đồng thời tổ chức đào tạo và bồi dưỡng cán bộ Hội thực sự là cầu nối giữa Đảng với dân.

Để tăng cường hơn nữa hoạt động của các cấp Hội và các phong trào nông dân, Tổng Bí thư yêu cầu cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội, để Hội thực sự là người bạn của nông dân; là nòng cốt trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Các cấp Hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với trình độ của nông dân; đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, dạy nghề, tư vấn hỗ trợ nông dân; chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các doanh nghiệp, tổ chức tập huấn khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công; tổ chức tốt liên kết 4 nhà, tạo điều kiện và tháo gỡ khó khăn cho nông dân.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội cần được quan tâm thường xuyên, góp phần nâng cao năng lực công tác, đội ngũ cán bộ, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ cơ sở, chi hội, tổ hội, cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số, cán bộ ở vùng tôn giáo. Bên cạnh đó, Hội Nông dân cần tích cực mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác với các tổ chức nông dân, tổ chức phi chính phủ các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước; phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến. Các cấp Hội cần có nhiều biện pháp thúc đẩy các phong trào thi đua, chú trọng xây dựng mô hình, điển hình nhân tố mới trong công tác Hội và phong trào nông dân./.

 

                                                                Theo Báo ĐCSVN

Các tin khác


Đoàn Đại sứ quán Nhật Bản thăm và làm việc tại tỉnh Hòa Bình

Ngày 7/5, Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh phối hợp với Sở LĐ-TB&XH làm việc với đoàn Đại sứ quán Nhật Bản và đơn vị tài trợ thực hiện Dự án "Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của NCT tại Việt Nam” (VIE071). Tham dự có đại diện Tổ chức hỗ trợ NCT tại Việt Nam (HAI), lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.

Toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đọc Diễn văn kỷ niệm. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Diễn văn: 

Huyện Lạc Sơn áp dụng sáng kiến, giải pháp thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính (CCHC) trong việc quản lý, điều hành, phát triển KT-XH trên mọi lĩnh vực, huyện Lạc Sơn đã chú trọng xây dựng các sáng kiến, giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng sáng kiến, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC trên địa bàn huyện.

Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục