Sáng 13/12, Phiên họp thứ tư của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII (UBTVQH) đã khai mạc tại Hà Nội. UBTVQH đã nghe báo cáo và thảo luận đánh giá kết quả Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII, cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau về dự án Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.

 

 

 Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII đã hoàn thành nội dung
chương trình đề ra (Ảnh: CPV)

Tại phiên khai mạc, UBTVQH đã nghe báo cáo và thảo luận đánh giá kết quả Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII. UBTVQH thống nhất đánh giá: Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII (từ ngày 20/10-26/11/2011) là Kỳ họp có ý nghĩa quan trọng, quyết định nhiều chương trình, kế hoạch năm 2012 và 5 năm (2011-2015). Cũng qua Kỳ họp này, cử tri và nhân dân cả nước bước đầu đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước nhiệm kỳ mới. Với công tác chuẩn bị chu đáo, tinh thần làm việc tích cực, khẩn trương, dân chủ, trách nhiệm cao, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã có những cải tiến trong việc chuẩn bị kỳ họp, điều hành các phiên họp, bảo đảm phát huy trí tuệ tập thể, tinh thần trách nhiệm của cơ quan trình, cơ quan  thẩm tra và từng đại biểu Quốc hội.

Thành công của Kỳ họp khẳng định tính đúng đắn trong việc tăng cường đổi mới về nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội; thể hiện sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, sự hoạt động tích cực, trách nhiệm cao của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và sự quan tâm, theo dõi, ủng hộ của cử tri và nhân dân cả nước.

Về Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, dự kiến Quốc hội sẽ làm việc trong 24 ngày. Trong đó, Quốc hội dành 15 ngày cho công tác xây dựng pháp luật; dành 2 ngày xem xét các báo cáo bổ sung của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012; dành 1 ngày xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010; dành 1 ngày để giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân…

Cũng trong phiên họp sáng nay, UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng còn có ý kiến khác nhau về dự án Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Theo bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của dự án Luật, về xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá; về in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá; về Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá và nâng cao sức khỏe.

Trong đó, việc thành lập Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá và nâng cao sức khỏe còn 2 loại ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất: Đồng ý với quy định thành lập Quỹ như dự thảo Luật, vì cho rằng, Quỹ sẽ taọ điều kiện để huy động và thực hiện xã hội hóa nguồn kinh phí phòng, chống tác hại của thuốc lá, không trích từ ngân sách nhà nước. Việc sử dụng kinh phí từ Quỹ sẽ đem lại hiệu quả nhiều hơn trong việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, cai nghiện thuốc lá, chuyển đổi ngành nghề sản xuất, kinh doanh thuốc lá… Mặt khác, đây cũng là loại quỹ mang tính lồng ghép tổng hợp (hạn chế tình trạng mỗi luật một quỹ) để nâng cao sức khỏe, phù hợp với xu thế chung, kinh nghiệm của quốc tế và đây là quyết tâm của Chính phủ. Việc tăng chi thường xuyên hay dự án trong chương trình mục tiêu quốc gia về y tế cho công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá sẽ có thể gặp khó khăn khi các Chương trình mục tiêu quốc gia bị cắt giảm.

Loại ý kiến thứ hai: Không đồng ý thành lập Quỹ vì lo ngại việc hình thành nhiều quỹ, chia cắt ngân sách, khó bảo đảm tính công khai, minh bạch về tài chính. Tuy nhiên, cần đầu tư ngân sách cho công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá và tiếp tục xây dựng lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá; tăng chi thường xuyên hay qua chương trình mục tiêu quốc gia cho phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Thường trực Uỷ ban về Các vấn đề xã hội nhất trí với loại ý kiến thứ 2 và cho rằng, việc tăng nguồn lực từ ngân sách cho công tác, phòng chống tác hại của thuốc lá là cần thiết thông qua việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, đồng thời, chi tiêu qua ngân sách sẽ đảm bảo để kiểm soát việc sử dụng nguồn lực tốt hơn.

Giải trình về việc cần thiết phải thành lập Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Hiện nay, trên thế giới có nhiều quốc gia đã xây dựng quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá. Bộ trưởng “tha thiết” đề nghị Việt Nam nên thành lập Quỹ này.

Ông Ksor Phước - Chủ tịch Hội đồng dân tộc bày tỏ quan điểm, không nên lấy ngân sách nhà nước để lập quỹ mà Nhà nước chỉ hỗ trợ ở một mức độ nhất định. Nguồn thu từ Quỹ này cần bao gồm cả tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến những vấn đề luật cấm; đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo khi trình phải có phương án sử dụng Quỹ.

Đồng tình với quan điểm trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng, phương án chỉ sử dụng ngân sách nhà nước để thành lập Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá là không thực tế. Nhà nước cần bố trí một nguồn ngân sách nào đó để đảm bảo Quỹ hoạt động.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Cần nghiên cứu kỹ, vấn đề cần lưu tâm là quản lý Quỹ có chặt chẽ không, cách thức ra sao ? Lo nhất là tiêu cực, tham nhũng, sử dụng không đúng mục đích, không minh bạch. Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, cần có sự hỗ trợ nhất định của ngân sách nhà nước để Quỹ duy trì hoạt động.

Chiều nay, UBTVQH giám sát chuyên đề việc thực hiện quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân./.

 

                                                                           Theo Báo ĐCSVN


Các tin khác


Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Khảo sát việc thi hành Luật Công đoàn tại Liên đoàn Lao động tỉnh

Chiều 7/5, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do đồng chí Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn đã tiến hành khảo sát việc thi hành Luật Công đoàn tại Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh. Tham dự có đồng chí Nguyễn Thị Cẩm Phương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh.

Đoàn Đại sứ quán Nhật Bản thăm và làm việc tại tỉnh Hòa Bình

Ngày 7/5, Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh phối hợp với Sở LĐ-TB&XH làm việc với đoàn Đại sứ quán Nhật Bản và đơn vị tài trợ thực hiện Dự án "Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của NCT tại Việt Nam” (VIE071). Tham dự có đại diện Tổ chức hỗ trợ NCT tại Việt Nam (HAI), lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.

Toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đọc Diễn văn kỷ niệm. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Diễn văn: 

Huyện Lạc Sơn áp dụng sáng kiến, giải pháp thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính (CCHC) trong việc quản lý, điều hành, phát triển KT-XH trên mọi lĩnh vực, huyện Lạc Sơn đã chú trọng xây dựng các sáng kiến, giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng sáng kiến, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC trên địa bàn huyện.

Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục