Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường (Ảnh: Đăng Khoa).

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường (Ảnh: Đăng Khoa).

Trong Báo cáo tình hình triển khai thi hành luật, pháp lệnh, ban hành văn bản hướng dẫn tại Quốc hội sáng 22-10, cho thấy, tình trạng nợ đọng văn bản vẫn còn phổ biến; hơn 50% văn bản hướng dẫn chưa được ban hành.

 

Luật vẫn chờ văn bản

Báo cáo “Tình hình triển khai thi hành luật, pháp lệnh, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội được ban hành từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến hết tháng 7-2013” do Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày sáng 22-10 trong khuôn khổ Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII cho thấy, đến hết tháng 7-2013, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 46 văn bản, trong đó, Chính phủ trình 44 văn bản. Đến ngày 15-10 vừa qua, 37/46 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực. Chín luật, pháp lệnh sẽ có hiệu lực trong thời gian tới.

Báo cáo cũng cho biết, số văn bản chưa được ban hành là 102/200, chiếm khoảng 51%, quy định chi tiết 132/280 nội dung được giao. Trong đó, có 58 văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và 44 văn bản của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Trong hai năm đầu của nhiệm kỳ, văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được ban hành nhanh hơn, số văn bản nợ đọng giảm theo từng năm. Thống kê kết quả ban hành văn bản quy định chi tiết đối với 37 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực cho thấy, nhiều luật, pháp lệnh đã được ban hành tương đối đầy đủ các văn bản quy định chi tiết như Luật Giá, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Đo lường, Luật Thủ đô, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Khiếu nại, Nghị quyết số 29/2012/QH13 về việc ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân…

Đối với những luật, pháp lệnh phải ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết như Bộ luật Lao động, Luật Xử lý vi phạm hành chính hoặc có quy định về chế độ, chính sách như Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ ban hành để các đối tượng được thụ hưởng chế độ, chính sách kể từ khi văn bản có hiệu lực.

Về các vấn đề phát sinh khi chưa kịp ban hành văn bản quy định chi tiết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kịp thời có giải pháp để xử lý.

Thí dụ, Nghị định số 31/2013/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng được ban hành ngày 9-4-2013 và có hiệu lực kể từ ngày 1-6-2013. Nhưng nhằm bảo đảm quyền lợi cho các đối tượng chính sách, Chính phủ đã quy định việc áp dụng chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân của họ áp dụng ngay từ ngày 1-1-2013; chế độ đối với người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù, đày, trợ cấp người phục vụ đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên được áp dụng từ ngày 1-9-2012. Đồng thời, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có văn bản hướng dẫn các địa phương tổng hợp, dự trù kinh phí tăng thêm để thực hiện các chế độ, chính sách đối với người có công theo quy định của Pháp lệnh.

Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành chưa được giải quyết cơ bản, vững chắc. Từ đầu năm 2013 đến nay, tình trạng nợ đọng văn bản đã tăng đột biến. Có luật, pháp lệnh đã có hiệu lực nhưng vẫn chưa ban hành được văn bản quy định chi tiết nào, một số luật, pháp lệnh khác còn có số lượng lớn văn bản quy định chi tiết chưa được ban hành.

Nguyên nhân chính là do số lượng văn bản quy định chi tiết lớn, nhiều nội dung khó, phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức tổ chức nghiên cứu, khảo sát thực tế nhưng thời gian dành cho việc ban hành văn bản thường chỉ từ sáu tháng đến một năm. Thí dụ, Luật Khoa học công nghệ (sửa đổi) giao quy định chi tiết 31 nội dung, Bộ luật Lao động giao quy định chi tiết 22 nội dung, trong đó có nhiều nội dung phức tạp như lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, tuổi nghỉ hưu, lao động giúp việc gia đình…; Luật Xử lý vi phạm hành chính phải ban hành 55 nghị định quy định nhiều vấn đề phức tạp, có ảnh hưởng rộng, nội dung liên quan đến nhiều cơ quan, nhiều lĩnh vực, tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp như xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, thương mại...

Nhiều văn bản chưa đi vào cuộc sống


Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý (Ảnh: Đăng Khoa).

Báo cáo Thẩm tra các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tình hình triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, chất lượng một số văn bản chưa cao, vẫn còn những nội dung quy định chưa đầy đủ, chưa cụ thể.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết, tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành quá lớn làm cho nhiều quy định của luật, pháp lệnh, nghị quyết chưa được thực thi, vi phạm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, làm mất ý nghĩa thực tiễn của các văn bản pháp luật do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành. Đây là vấn đề cần được xem xét một cách toàn diện, nghiêm túc để sớm khắc phục.

Thực tế thời gian qua cho thấy, có nội dung trong văn bản quy định chi tiết thiếu phân tích chính sách bài bản, thiếu nghiên cứu cụ thể, thiếu căn cứ thực tế nên ngay cả cơ quan ban hành văn bản cũng thiếu tự tin, dẫn đến tình trạng “văn bản vội ban hành” rồi “vội phải bãi bỏ”. Thí dụ như, Thông tư số 24/2013/TT-BGDĐT ngày 4-7-2013 về việc sửa đổi, bổ sung nhóm đối tượng hưởng chính sách ưu tiên trong tuyển sinh của Bộ Giáo dục - Đào tạo, trong đó bổ sung đối tượng được ưu tiên là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Chỉ 12 ngày sau khi ban hành, ngày 16-7-2013, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư bãi bỏ quy định ưu đãi đối với các đối tượng này.

* Đến 15-10-2013, đối với 37 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ mới ban hành được 98/200 văn bản (49%) quy định chi tiết 148/280 nội dung được giao; còn lại 102/200 văn bản (51%) quy định chi tiết 132/280 nội dung chưa được ban hành. Nhiều văn bản quy định chi tiết chưa được ban hành là thông tư.

 

                                                                          Theo Báo ND

 

 

Các tin khác


Đổi mới sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh

Những năm qua, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Qua đó góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công đoàn cơ sở

LTS: Hòa chung khí thế cả nước hân hoan kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024); 138 năm ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2024) và hướng đến kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024); 73 năm thành lập Công đoàn tỉnh Hòa Bình (1951 - 2024), phóng viên Báo Hòa Bình có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Mạnh Cương, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh về sự lớn mạnh của đội ngũ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) tỉnh trong phát triển KT - XH địa phương.

Lễ Thượng cờ ''Thống nhất non sông'' tại Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải

Sáng 30/4, tại Kỳ đài ở khu Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức Lễ Thượng cờ "Thống nhất non sông” nhân dịp Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), 52 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972-1/5/2024).

Tuổi trẻ huyện Tân Lạc thắp sáng truyền thống quê hương anh hùng

Tân Lạc là huyện có bề dày lịch sử. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân huyện Tân Lạc đã phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lập nhiều chiến công xuất sắc trong chiến đấu, lao động, sản xuất. Với khẩu hiệu "Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, huyện Tân Lạc đã đóng góp trên 45.000 tấn lương thực, thực phẩm; trên 2.900 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó có 190 gia đình có từ 2 - 4 con đi bộ đội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục