Bác Hồ thăm trường Thanh niên Lao động xã hội chủ nghĩa Hòa Bình ngày 17/8/1962.         

ảnh:TL

Bác Hồ thăm trường Thanh niên Lao động xã hội chủ nghĩa Hòa Bình ngày 17/8/1962. ảnh:TL

(HBĐT) - Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, dù bận rộn nhưng Bác Hồ vẫn dành thời gian, tình cảm đối với nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình. Bác đã 4 lần về thăm tỉnh. Đến đâu, gặp ai, Bác cũng để lại tình cảm sâu đậm và những lời căn dặn của Người mãi khắc ghi trong lòng dân, thôi thúc mọi người sống và làm việc tốt hơn.

 

Dù đã bước vào tuổi xưa nay hiếm nhưng chưa dịp Tết nào ông Nguyễn Văn Nông ở xóm Chu, xã Trung Minh (thành phố Hòa Bình) quên việc lau bàn thờ và bức tượng Bác Hồ trên đó. Nhìn cách ông trân trọng, nhẹ nhàng lau từng góc, cạnh bức tượng mới thấy tình cảm của ông với Bác dạt dào đến nhường nào. Dù chỉ gặp Bác một lần tại Trường Hợp tác hóa nông nghiệp ở bến Ngọc (Kỳ Sơn) ngày 19/10/1958 nhưng đã trở thành kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời ông. “Ai cũng háo hức xếp thành 2 hàng trước cửa hội trường chờ đón Bác. Không ngờ, Bác đi thẳng xuống nhà bếp, đến chỗ rửa rau hỏi các anh chị nhà bếp rửa mấy lần và đi xem chỗ úp bát. Bác dặn bếp trưởng phải giữ gìn vệ sinh mới đảm bảo sức khỏe cho giáo viên, học sinh. Rồi Bác đi cửa khác lên thẳng bục hội trường. Hơn 300 cán bộ, bộ đội,  nhân dân bất ngờ quay vào thì Bác giơ tay chào, ra hiệu cho mọi người ngồi xuống. Một vị lãnh tụ vĩ đại nhưng khi đến với dân chỉ đi đôi dép cao su và mặc chiếc áo nâu, gần gũi, giản dị. Bác đã phân tích nhiều mặt công tác, đặc biệt là vấn đề phát triển sản xuất, cán bộ, kỷ luật lao động. Bác còn hỏi một đồng chí lãnh đạo đã xuống cơ sở mấy lần. Khi nhận được câu trả lời 3 lần. Bác nói thế là quan rồi! Bác cũng nêu những thiếu sót cần khắc phục như tư tưởng ngại khó, ăn uống lãng phí. Bác dặn phải thực hành tiết kiệm, thi đua lao động sản xuất, đoàn kết hơn nữa giữa các dân tộc, giữa quân và dân, lương và giáo... Sau đó, Bác đến thăm một gia đình dân tộc Mường. Bác bỏ dép, lên nhà sàn đi về phía bếp, nắm tay cụ già và ân cần hỏi thăm sức khoẻ, cuộc sống. Một lãnh tụ nhưng gần gũi, hiểu phong tục bản địa và hết lòng thương yêu đồng bào. Tôi thấy nhân dân ta thật hạnh phúc khi có Bác” - ông Nguyễn Văn Nông xúc động tâm sự.

 

Đó cũng là lần đầu tiên, Bác chính thức về thăm Hòa Bình. Trước đó, ngày 21/2/1947, Bác đã đi thăm Nhà máy in tiền ở Chi Nê (Lạc Thủy). Dù đi bí mật nhưng Bác vẫn vào xóm Đồng Thung, xã Cố Nghĩa thăm một số gia đình dân tộc Mường. Bác động viên mọi người cố gắng tăng gia sản xuất. Đến chợ Đầm Đa, Bác hỏi việc học của các cháu nhỏ và gọi mấy thanh niên đứng gần giao trách nhiệm dạy, khi Bác quay lại các cháu phải biết đọc hết. Ngày 17/8/1962, trong lúc Trường Thanh niên lao động XHCN Hòa Bình, trường vừa học, vừa làm đầu tiên ở miền Bắc đang khó khăn về phương hướng phát triển, Bác đã về thăm và nói chuyện. Trước 1.200 cán bộ, giáo viên, học sinh các dân tộc và hơn 400 cán bộ tỉnh, huyện, xã, Bác đã nêu 3 vấn đề: đoàn kết, kỷ luật lao động, thực hành dân chủ. Người nhấn mạnh: Mục đích của trường là dạy cho thanh niên vừa học tập, vừa lao động để trở thành cán bộ ở nông thôn. Vì vậy, phải học những nghề, ngành có liên quan đến phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn, cần gì học nấy. Bác ghi vào sổ vàng lưu niệm của trường: “Phải: Học tập tốt, lao động tốt/Cố gắng mãi, tiến bộ mãi”.

 

Cán bộ và nhân dân trong tỉnh còn vinh dự được đón Bác vào ngày 19/9/1964 khi Bác về thăm Huyện ủy Kim Bôi. Đầu tiên, Bác đi thăm nhà ăn, nhà bếp, nhà vệ sinh, giếng nước. Xem giếng nước, Bác nhắc phải làm nắp đậy, đề phòng các cháu nhỏ chơi đùa rơi xuống. Đến nhà ăn, thấy chiếc chạn đựng thức ăn có tấm lưới bị thủng, Bác nhắc phải giữ vệ sinh. Sau khi nghe Bí thư Huyện ủy báo cáo tình hình sản xuất, đời sống của nhân dân, Bác nhắc nhở: Cần làm tốt việc trồng cây công nghiệp. Mọi người nêu cao ý thức tiết kiệm, tích cực học tập để nâng cao trình độ văn hóa. Huyện ủy cần mạnh dạn chỉ đạo mọi mặt tốt hơn nữa.

 

   

Ông Nguyễn Văn Nông, xóm Chu, xã Trung Minh (TP Hòa Bình) nâng niu bức tượng Bác Hồ.

 

Những người được gặp Bác, nay người còn, người mất nhưng hình ảnh, đạo đức, phong cách và những lời căn dặn của Bác vẫn còn mãi trong lòng cán bộ, nhân dân tỉnh Hòa Bình. Điều đó như thôi thúc mỗi tập thể, cá nhân  không ngừng phấn đấu, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Nhất là trong giai đoạn hiện nay khi thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị, Hòa Bình được đánh giá là một trong những tỉnh thực hiện tốt. Đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy tự hào khi báo cáo với cả nước trong hội nghị đánh giá kết quả 4 năm thực hiện Chỉ thị số 03, tỉnh đã có nhiều biện pháp để việc thực hiện đi vào chiều sâu, sát thực tiễn địa phương. BTV Tỉnh ủy ban hành kế hoạch thực hiện giai đoạn 2011-2015. Hàng năm, các chuyên đề đều được thực hiện nghiêm túc. Trong đó, nổi bật là việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nói đi đôi với làm. Trên tinh thần đó, BTV Tỉnh ủy đã ban hành các chỉ thị về siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức. Chỉ đạo sửa đổi Quy chế làm việc theo hướng gần dân, sát cơ sở, lắng nghe nhân dân để nắm tình hình. Lựa chọn những vấn đề nổi cộm để tập trung giải quyết. Ban hành nghị quyết chuyên đề nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, phát huy lợi thế của từng vùng. Chú trọng thực hiện QCDC ở cơ sở. Phát hiện, cổ vũ, nhân rộng gương người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực. Qua đó, góp phần quan trọng vào sự phát triển KT-XH của tỉnh. Tiêu biểu như mô hình trồng cam, quýt ở Cao Phong; trồng bưởi, vỗ béo bò thịt nông hộ ở Tân Lạc; nuôi cá tầm vùng lòng hồ sông Đà; sản xuất rau hữu cơ ở Lương Sơn... Đó là tấm gương 78 hội viên CCB huyện Lạc Thủy hiến 27.662 m2 đất thổ cư xây dựng các công trình phúc lợi. ông Lường Văn Xuyên, xóm Cải, xã Tân Dân (Mai Châu) hiến 5.000 m2 đất làm đường GTNT. Cô Nguyễn Thị Đông, trường mầm non xã Phú Thành (Lạc Thủy) tặng học sinh 1.400 chiếc mũ len, khăn len, 800 đôi tất, găng tay, đóng tiền ăn trưa cả năm học cho con hộ nghèo. Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, tiền thân là trường Thanh niên lao động XHCN Hòa Bình khẳng định vị trí tốp đầu trong hệ thống các trường đào tạo học sinh dân tộc thiểu số...

 

                                                                                        

                                                                             Cẩm Lệ

 

 

 

  

Các tin khác


Tuổi trẻ huyện Tân Lạc thắp sáng truyền thống quê hương anh hùng

Tân Lạc là huyện có bề dày lịch sử. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân huyện Tân Lạc đã phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lập nhiều chiến công xuất sắc trong chiến đấu, lao động, sản xuất. Với khẩu hiệu "Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, huyện Tân Lạc đã đóng góp trên 45.000 tấn lương thực, thực phẩm; trên 2.900 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó có 190 gia đình có từ 2 - 4 con đi bộ đội.

Chuyển động trong công tác xây dựng Đảng

Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trong đó đặc biệt quan tâm công tác cán bộ, lấy sản phẩm để đánh giá năng lực cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhờ vậy đã tạo nên sự chuyển động của bộ máy cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Nhịp sống mới ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng

Đà Bắc là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, với nhiều chiến công trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Nhiều năm qua, đất và người Đà Bắc luôn nỗ lực vượt lên khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng no ấm, hạnh phúc.

Xã Đồng Tâm thiết thực học tập và làm theo Bác

Sau 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về "đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) trong học tập và làm theo Bác.

Đồng chí Đoàn Tiến Lập được bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn

Chiều 26/4, HĐND huyện Lương Sơn khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức kỳ họp thứ 17 - kỳ họp chuyên đề về công tác cán bộ, bầu Chủ tịch UBND huyện khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục