(HBĐT) - Trong những năm qua, thể thao thành tích cao của tỉnh đã có nhiều bước tiến mới, thi đấu nổi bật và từng bước đạt được thành tích tại các giải thi đấu trong nước, quốc tế. Hòa Bình đã có vận động viên (VĐV) được phong VĐV cấp I, kiện tướng cấp quốc gia, có VĐV được triệu tập vào đội tuyển quốc gia, góp phần nâng cao vị thế thể thao của tỉnh trên khu vực và toàn quốc.


Đoàn VĐV đội tuyển xe đạp tỉnh ta thi đấu tại giải xe đạp địa hình Dalat Victory Chalengen 2018 đã giành được 4 huy chương vàng, 4 huy chương đồng.

Thành tích nổi trội

Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ III năm 1995, đoàn thể thao tỉnh ta tham dự 3/26 môn gồm: điền kinh, cờ tướng, cờ vua; tranh tài ở 288 bộ huy chương nhưng không giành được huy chương nào. Tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ IV năm 2002, đoàn thể thao tỉnh tham dự 4/30 môn gồm: điền kinh, bắn nỏ, kéo co, cờ tướng; tranh tài ở 526 bộ huy chương đã đạt 1 HCB môn bắn nỏ và xếp thứ 54/64 tỉnh, thành trong cả nước. Đến Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ V năm 2006, đoàn thể thao của tỉnh tham dự 5/40 môn gồm: đẩy gậy, điền kinh, bắn nỏ, kéo co, cờ tướng; tranh tài ở 677 bộ huy chương đã đạt 5 HCV, 4 HCB, 2 HCĐ, xếp thứ hạng 32/66 tỉnh, thành, ngành. Tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI năm 2010, đoàn thể thao của tỉnh tham dự 6/31 môn gồm: xe đạp, đẩy gậy, điền kinh, bắn nỏ, kéo co, cử tạ, đạt 1 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ xếp thứ 49/66 tỉnh, thành. Ngành Đại hội lần thứ VII năm 2014, tỉnh ta tham dự 7/36 môn, gồm: xe đạp, cử tạ, điền kinh, karatedo, boxing, võ cổ truyền, vật; tranh tài ở 743 bộ huy chương đạt 3 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ, xếp thứ 4 trên 19 tỉnh miền núi được Bộ VH - TT&DL tặng cờ là 1 trong 5 tỉnh miền núi có thành tích xuất sắc.

Mới đây nhất, năm 2017, tỉnh tuyển chọn 260 VĐV tham gia thi đấu 8 giải trẻ, 13 giải khu vực và toàn quốc giành được tổng số 20 HCV, 17 HCB, 24 HCĐ. Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2018, tỉnh ta đã tuyển chọn VĐV tham gia 3 giải và giành được 5 HCV, 5 HCB, 2 HCĐ ở các giải: Việt dã Báo Tiền Phong tổ chức tại ĐăKLăk, giải Vô địch cử tạ thanh, thiếu niên toàn quốc tổ chức tại Đồng Nai, giải xe đạp địa hình Dalat Victory Chalengen 2018. Bên cạnh những VĐV tiêu biểu như: Đinh Văn Linh, Bùi Thị Huê, Hà Công Ky, Đinh Tuấn Đạt (kiện tướng cấp quốc gia môn xe đạp), Đinh Thanh Huệ (việt dã), Bùi Thị Thảo (boxing), Nguyễn Hải Uyên (pencak silat)… còn nhiều VĐV trẻ đang được đào tạo tại Trường năng khiếu TDTT tỉnh đã thi đấu đạt thành tích tại các giải trẻ như: Đinh Tuấn Đạt (xe đạp), Bùi Hoàng Sơn, Bùi Thị Luyến (cử tạ), Bùi Thị Việt Nhi, Bùi Quang Khải (boxing), Bùi Văn Hiếu, Bùi Tuấn Thành (pencak silat)…

Phập phù nỗi lo tập luyện

Tuy nhiên, thể thao thành tích cao của tỉnh mới trong giai đoạn bước đầu tiếp cận phát triển, chưa cơ bản và thiếu vững chắc. Thành tích mới chỉ tập trung ở môn thể thao cá nhân như xe đạp, boxing, cử tạ. Chưa có môn thể thao nổi trội trở thành thương hiệu của tỉnh. Môn thể thao tập thể như bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, lực lượng huấn luyện viên, VĐV thiếu về số lượng và hạn chế về chuyên môn. Ngân sách đầu tư thấp, cơ sở vật chất, thiết chế về TDTT xuống cấp, lạc hậu, chưa đảm bảo cho huấn luyện. Công tác xã hội hóa còn hạn chế, chưa có cơ chế chính sách thu hút, đãi ngộ tài năng thể thao. VĐV đội tuyển các môn thể thao của tỉnh chưa được huấn luyện ăn, ở tập trung, thiếu chứ có mục tiêu, định hướng lâu dài.

Thực tế, nhà thi đấu, sân vận động, khu bể bơi, sân quần vợt đều được đầu tư xây dựng từ lâu, đã sửa chữa, nâng cấp nhiều lần nhưng đến nay đã xuống cấp, không còn phù hợp để đăng cai tổ chức thi đấu các giải thể thao khu vực và toàn quốc.

Theo đồng chí Nguyễn Nghĩa Hưng, Phó hiệu trưởng trường năng khiếu TDTT cho biết: Trường hiện nay đào tạo 100 học sinh ở 7 lớp năng khiếu gồm: xe đạp, pencak silat, boxing, điền kinh, cử tại, karatedo. Hiện tại, cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện thiếu, chật chội và xuống cấp, không đảm bảo chỗ làm việc như việc ăn ở, tập luyện, thi đấu của cán bộ, HLV, VĐV và học sinh của trường. Thực tế, ngoài việc 10 học sinh phải ở chung 1 phòng, diện tích khoảng 18 m2, 7 VĐV được ký hợp đồng thi đấu cho tỉnh cũng ở tập trung tại trường. Ngoài ra, sân bãi, dụng cụ, trang thiết bị phục vụ tập huấn, huấn luyện thiếu và lạc hậu. Do phòng tập chưa có nên môn boxing học sinh phải tập luyện trong gầm khán đài sân vận động tỉnh. Đặc biệt, chế độ đối với HLV-VĐV thể thao được tập trung tập huấn và thi đấu theo Quyết định số 32/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ở các tỉnh khác là 90.000 đồng/ngày nhưng ở tỉnh ta chỉ có 70.000 đồng/ngày với VĐV chuyên nghiệp là 120.000 đồng/ngày. Mức tiền này không đảm bảo chế độ dinh dưỡng cung cấp cho VĐV, nhất là trong giai đoạn chuẩn bị tham gia thi đấu các giải.

Đòn bẩy cho thể thao thành tích cao phát triển bền vững

Xác định mục tiêu phát triển thể thao thành tích cao mang tính đột phá, bền vững, chuyên nghiệp, từng bước cải thiện vị trí thể thao của Hòa Bình so với toàn quốc, phấn đấu đưa Hòa Bình trở thành một trong các tỉnh có thể thao thành tích cao khá của khu vực. UBND tỉnh đã xây dựng dự thảo Đề án "Phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2013” để đưa thể thao thành tích cao của tỉnh phát triển đúng hướng, toàn diện, chuyên nghiệp và bền vững, nâng cao thành tích thi đấu, hoàn thiện hệ thống đào tạo VĐV, đảm bảo các nguồn lực cho thể thao thành tích cao phát triển, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển thể thao thành tích cao của tỉnh. Tập trung vào các môn thể thao trọng điểm, nhóm I gồm: xe đạp, pencak silat, cử tạ; nhóm I gồm: điền kinh, boxing, karatedo; thành lập câu lạc bộ bóng đá nữ, câu lạc bộ bóng chuyền chuyên nghiệp; phấn đấu có VĐV thi đấu tại đấu trường Sea Games. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, các công trình TDTT đội tuyển của tỉnh, hướng tới đủ điều kiện đăng cai tổ chức một số giải thể thao thành tích cao quốc gia. Ban hành cơ chế, chính sách và chế độ đãi ngộ đặc biệt với những tài năng thể thao nhằm thu hút VĐV xuất sắc, huấn luyện viên có trình độ cao phục vụ cho phát triển thể thao thành tích cao của tỉnh. Phát triển về số lượng và chất lượng phong trào TDTT trong trường học, lấy học sinh tại các trường làm nền tảng, nguồn tuyển chọn VĐV năng khiếu… Đây kỳ vọng là đòn bẩy để thể thao thành tích cao của tỉnh phát triển bền vững và chuyên nghiệp hơn, góp phần khẳng định vị thế thể thao của tỉnh trên khu vực và toàn quốc.

Đỗ Hà


Các tin khác


Gìn giữ, thúc đẩy thể thao dân tộc

Các trận đấu hấp dẫn Được tổ chức hàng năm, Giải bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy vô địch tỉnh luôn có sức hấp dẫn, thu hút sự quan tâm, cổ vũ của đông đảo người dân. Bởi lẽ đây là giải thể thao quy tụ những hạt nhân xuất sắc của 10 huyện, thành phố trong tỉnh, tạo ra các cuộc tranh tài gay cấn, thú vị.

Huyện Tân Lạc: Bảo tồn và phát triển các trò chơi dân gian

Tân Lạc là một trong những địa phương còn lưu giữ được khá nhiều trò chơi, trò diễn dân gian gắn liền với đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Các trò chơi, trò diễn dân gian, các môn thể thao dân tộc là một phần không thể thiếu tại lễ hội văn hóa truyền thống của các địa phương, cũng như trong sinh hoạt hàng ngày của người dân sau mỗi ngày làm việc, lao động vất vả.

Hàng thủ mắc sai lầm, Việt Nam bị loại tại tứ kết U23 châu Á

U23 Việt Nam có một trận cầu đầy nỗ lực trước đối thủ mạnh Iraq ở tứ kết U23 châu Á 2024.

10 đội tham gia Giải Bóng chuyền hơi nam huyện Lạc Thủy

Ngày 25/4, Liên đoàn Lao động huyện Lạc Thủy phối hợp Hội Nông dân, Huyện Đoàn tổ chức Giải Bóng chuyền hơi nam chào mừng kỷ niệm 49 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 138 năm Ngày Quốc tế lao động; phát động Tháng Công nhân năm 2024.

16 đội tham gia Giải bóng chuyền hơi công nhân, viên chức, lao động thành phố Hòa Bình 

Trong 2 ngày 24 – 25/4, Liên đoàn Lao động thành phố Hòa Bình phối hợp Trung văn Văn hóa - Thể thao và Truyền thông tổ chức Giải Bóng chuyền hơi nam nữ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) thành phố Hòa Bình năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục