Cuối năm 2017, trong chuyến thăm châu Á, Tổng thống Mỹ D.Trump chính thức gửi đi thông điệp về một khu vực "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Năm 2018, những động thái của Tổng thống D.Trump, dù chưa thật sự rõ nét nhưng cũng phản ánh mối quan tâm và tầm nhìn chiến lược của Washington. Song, cạnh tranh khốc liệt và những mối hoài nghi tại khu vực đang là rào cản với bước chuyển về không gian chiến lược của Mỹ.


Các đại biểu dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Mỹ tại Singapore. Ảnh: asean.usmission

Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Cụm từ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được sử dụng ngày một rộng rãi, với hàm ý về một không gian địa lý, gồm các quốc gia nằm ven biển Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương, cùng vùng biển nối liền hai đại dương. Không gian Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng được hiểu là vùng lãnh hải kéo dài từ bờ biển Đông Phi và Tây Á, vượt Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương, tới bờ biển Đông Á. Khu vực rộng lớn này có ba nền kinh tế hàng đầu thế giới cùng nhiều thị trường có tốc độ phát triển nhanh, nhiều quốc gia có tiềm lực quân sự lớn. Với vị thế và tiềm lực như vậy, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhanh chóng trở thành "điểm nóng” cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc.

Không phải người khởi xướng tầm nhìn về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, song Tổng thống D.Trump ngày càng thể hiện quan tâm và có nhiều bước triển khai chiến lược. Chuyến công du kéo dài 12 ngày tới một loạt nước châu Á và dự Hội nghị cấp cao APEC năm 2017 tại Việt Nam đánh dấu bước chuyển chiến lược của Mỹ, khi Tổng thống D.Trump liên tục nhắc tới cụm từ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thay cho châu Á - Thái Bình Dương. Không gian chiến lược mới trở thành một nội dung quan trọng trong Chiến lược an ninh quốc gia và Chiến lược quốc phòng năm 2018 của Mỹ.

Vậy điều gì khiến Mỹ có bước chuyển không gian chiến lược một cách nhanh chóng đến thế? Giới chuyên gia chỉ rõ hai yếu tố then chốt, gồm nhu cầu nội tại và tác động của bối cảnh bên ngoài. Thứ nhất, nằm ở vị trí chiến lược, tiếp giáp nhiều đại dương và kết nối Mỹ với thế giới, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được Washington coi là khu vực địa chiến lược quan trọng, tác động trực tiếp an ninh quốc gia và vị thế cường quốc hàng đầu thế giới của Mỹ; vì thế, triển khai các bước đi chiến lược tại khu vực này giúp Washington không chỉ bảo vệ lợi ích của Mỹ trong cuộc cạnh tranh kinh tế khốc liệt, mà còn bảo đảm tự do và an ninh cho các tuyến giao thông biển, duy trì thế cân bằng chiến lược, tăng cường "sức mạnh mềm” và ảnh hưởng của Washington. Thứ hai, bất ổn gia tăng tại khu vực, trong đó có Biển Đông, nơi Washington không ít lần khẳng định "có lợi ích”, xuất phát từ những động thái mà Mỹ cho là "sự trỗi dậy mạnh mẽ” của Trung Quốc, có thể cản trở dòng chảy thương mại tự do và an ninh, an toàn các tuyến giao thông biển. Washington không thể phớt lờ các động thái của Bắc Kinh tại Biển Đông hay những bước triển khai sáng kiến Vành đai và Con đường, vốn bị cho là có thể thách thức vai trò và lợi ích của Mỹ tại khu vực.

Bởi thế, theo giới phân tích, duy trì lợi ích kinh tế, sức mạnh chính trị và kiềm chế các đối thủ thách thức vị thế của Mỹ là mục tiêu cao nhất và cũng là nội hàm chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Washington. Trong đó, nhằm bảo vệ thị trường Mỹ và kiềm chế các đối thủ, Washington tăng cường hợp tác với các nền kinh tế và thị trường lớn ở khu vực, triển khai chính sách thuế nhằm giảm thâm hụt thương mại và ngăn chặn cạnh tranh bất bình đẳng. Để bảo toàn vị thế siêu cường, Mỹ củng cố các mối quan hệ đồng minh, xây dựng các liên minh mới nhằm tạo cân bằng chiến lược và cô lập các đối thủ. Washington cũng thúc đẩy hợp tác quốc phòng nhằm bảo đảm an ninh trong toàn khu vực rộng lớn, cùng việc hỗ trợ các đồng minh, răn đe tiến công các đối thủ.

Tham vọng và nghi ngại

Trong "ván bài lợi ích” ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Mỹ chỉ là một "người chơi chính” và cùng Nhật Bản, Ấn Độ và Ô-xtrây-li-a hình thành một "tứ giác kim cương” mới. Dù có lợi ích và ưu tiên khác nhau, song về cơ bản, các thành viên "bộ tứ” này cùng chia sẻ tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, hợp tác dựa trên luật lệ. Tuy nhiên, chiến lược của Mỹ cũng bị nhìn nhận như một công cụ giúp Mỹ và đồng minh chống lại sự trỗi dậy và mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc. Suy luận này có thể hiểu được, nếu nhìn lại những tuyên bố và hành động với Trung Quốc của chính quyền Tổng thống D.Trump trong năm 2018, khi Washington xác định Trung Quốc là "đối thủ chiến lược” và không ngừng leo thang cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh.

Một năm sau khi Tổng thống D.Trump công bố, dường như chưa có nhiều tiến triển lớn trong việc triển khai chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ngoại trừ đóng góp giải quyết các mối quan ngại về an ninh, trong đó có vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, cùng những bước đi bất ngờ trong thương mại phản ánh ưu tiên của Washington nhằm giảm thâm hụt khi sử dụng "cây gậy thuế” và thúc đẩy thương mại song phương hơn là đa phương, khi rút khỏi dự án TPP nhiều tham vọng và xới lại một loạt thỏa thuận thương mại với các đối tác.

Trong thông cáo về chuyến thăm châu Á của Phó Tổng thống M.Pence, đúng thời điểm một năm sau chuyến công du của Tổng thống D.Trump tháng 11-2017, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định lại cam kết của Mỹ với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nêu rõ ba trụ cột chính trong chiến lược của Mỹ ở khu vực này, gồm: thương mại và đầu tư; an ninh; và hỗ trợ xây dựng chính phủ minh bạch. Thương mại giữa Mỹ với khu vực hiện đạt mức 1,8 nghìn tỷ USD, giúp tạo hơn 3,3 triệu việc làm tại Mỹ. Tổng đầu tư của Mỹ ở khu vực cũng đạt gần một nghìn tỷ USD, nhiều hơn cả tổng đầu tư của ba nước Đông - Bắc Á cộng lại. Đó là lý do Mỹ thúc đẩy những thỏa thuận thương mại mới, ưu tiên song phương và trên cơ sở tự do, công bằng và có đi có lại, đồng thời tiếp tục gia tăng đầu tư, cam kết hỗ trợ xây dựng cảng biển, sân bay, đường bộ và đường sắt, cũng như các tuyến truyền dữ liệu tầm cỡ toàn cầu...

Về hỗ trợ an ninh, năm 2018 Mỹ đã cấp hơn 500 triệu USD, trong đó gần 400 triệu USD hỗ trợ các lực lượng quân đội, nhiều hơn cả tổng số viện trợ của cả ba năm gần đây cộng lại. Mỹ cam kết tiếp tục hợp tác với các quốc gia có cùng quan điểm, nhằm đối phó các mối đe dọa cấp bách ở khu vực, như chống khủng bố, chống phổ biến vũ khí hạt nhân... Phát biểu tại các sự kiện lớn ở khu vực dịp cuối năm, Phó Tổng thống M.Pence cam kết Mỹ sẽ hỗ trợ các nước nhằm bảo vệ biên giới, cả trên đất liền, trên biển và trong môi trường số; tiếp tục hợp tác nhằm bảo vệ tự do hàng hải và hàng không ở khu vực.

Tham vọng là vậy, song chiến lược của Mỹ chưa thể thoát khỏi những mối ngờ vực gia tăng, xuất phát từ chính những cam kết còn thiếu nhất quán của Washington với khu vực. Dù Mỹ khẳng định cam kết với khu vực chưa bao giờ mạnh mẽ như hiện nay, song sự vắng mặt của Tổng thống D.Trump và cũng là lần đầu từ năm 2013 một Tổng thống Mỹ không dự các sự kiện lớn ở khu vực là các Hội nghị cấp cao ASEAN và APEC càng khiến những mối hoài nghi gia tăng.

Chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ dường như vẫn dừng lại là tầm nhìn, chứ chưa phải một chiến lược cụ thể với các mục tiêu, biện pháp thực hiện hoặc khung thời gian chi tiết, mặc dù đây tiếp tục là điểm cốt lõi trong chính sách an ninh khu vực của Mỹ. Trong giai đoạn định hình chính sách này, Mỹ được kỳ vọng duy trì hợp tác tạo sân chơi bình đẳng, tự do và cởi mở, nhằm thực thi cam kết thúc đẩy sự "hợp lưu” của hai đại dương và "kết nối năng động” của hai vùng biển tự do và thịnh vượng, tạo không gian hợp tác châu Á rộng lớn hơn.

 

Theo Nhân Dân

Các tin khác


Ai Cập kêu gọi tăng cường viện trợ cho phía Bắc Gaza

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 15/4, Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Shoukry đã kêu gọi tăng cường viện trợ cho Dải Gaza, đặc biệt là ở phía Bắc, trong cuộc họp tại Cairo với Điều phối viên cấp cao về nhân đạo và tái thiết tại Dải Gaza của Liên hợp quốc (LHQ), bà Sigrid Kaag.

Sáng 15/4, giá dầu châu Á đi xuống

Trong phiên giao dịch sáng 15/4, giá dầu châu Á đi xuống, bất chấp mối lo ngại sau cuộc tấn công trả đũa của Iran nhằm vào Israel.

Liên hợp quốc tìm cách tháo ngòi “thùng thuốc súng”Trung Đông

Theo phóng viên TTXVN tại New York, chiều 14/4 (giờ địa phương), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tổ chức phiên họp khẩn về tình hình Trung Đông, trọng tâm là vụ Iran tấn công trả đũa Israel hôm 13/3.

Hệ thống phòng không Israel căng mình chống tên lửa, máy bay không người lái Iran

Tối 13/4, Iran đã phóng loạt tên lửa và máy bay không người lái hướng đến lãnh thổ Israel.

Hàng không Mỹ đề xuất hạn chế cấp phép cho các chuyến bay từ Trung Quốc

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, các hãng hàng không lớn của Mỹ và một số nghiệp đoàn đang yêu cầu chính quyền Tổng thống Joe Biden ngừng phê duyệt thêm chuyến bay giữa Mỹ và Trung Quốc do chính sách "chống cạnh tranh” mà Trung Quốc áp đặt lên các hãng hàng không Mỹ.

Tình hình kinh tế đáng lo ngại ở đất nước có lạm phát cao nhất thế giới

Ngày 12/4, Viện Thống kê và Điều tra quốc gia Argentina (INDEC) cho biết, tỷ lệ lạm phát tại nước này trong tháng 3/2024 đứng ở mức 11% so với tháng trước đó.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục