Lãnh đạo của 27 nước thành viên EU vẫn chưa thống nhất được biện pháp kinh tế chung để đối phó cuộc khủng hoảng dịch bệnh ngày càng lan rộng. Trước tình hình đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và một số lãnh đạo EU cũng như các chuyên gia kinh tế kêu gọi các nước trong khu vực đồng tâm, hợp lực nhằm sớm khống chế dịch bệnh và ổn định tình hình kinh tế.


Do bệnh dịch Covid-19, lãnh đạo EU phải họp trực tuyến để bàn biện pháp ứng phó khủng hoảng trên tất cả các lĩnh vực. (Ảnh: EC).

Ngày 26-3, Hội nghị trực tuyến đầu tiên để bàn về nỗ lực tài chính chung của Hội đồng châu Âu, kể từ khi xuất hiện dịch Covid-19 tại khu vực, không có kết quả như mong đợi. Sau nhiều giờ họp, lãnh đạo của 27 nước EU không thống nhất được biện pháp kinh tế để đối phó với cuộc khủng hoảng dịch tễ hiện nay.

Tình hình tiếp diễn nghiêm trọng ở khu vực EU đòi hỏi phải có "các biện pháp đặc biệt" để đối phó vì các phương tiện hiện có ở mỗi nước chưa đủ mạnh để vượt qua cuộc khủng hoảng này. Hai giải pháp chính đã được đưa ra thảo luận ngày 26-3 gồm phát hành trái phiếu của khu vực đồng euro và dùng Quỹ bình ổn tài chính châu Âu, hiện có khoảng 400 tỷ euro, để cấp tín dụng cho các nước đối phó dịch bệnh. Đề xuất phát hành trái phiếu chung (eurobonds) của Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã được tám nước khác ủng hộ trong đó có Tây Ban Nha, Pháp và Bồ Đào Nha. Tuy nhiên Đức cũng như Hà Lan và Áo phản đối vì cho rằng như vậy toàn bộ các nước thành viên của eurozone sẽ phải cùng gánh nợ chung.

Thủ tướng Italy cho rằng các khoản vay là "biện pháp mạnh và tương xứng" với quy mô của dịch bệnh trong bối cảnh Italy và Tây Ban Nha là hai nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất ở châu Âu. Trong khi đó, Thủ tướng Đức chỉ muốn áp dụng Cơ chế bình ổn châu Âu (Quỹ bình ổn tài chính châu Âu - EFSM), một công cụ có mục đích đặc biệt được tài trợ tài chính bởi các thành viên của Liên minh châu Âu để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu. Trong cuộc khủng hoảng của khu vực đồng euro trước đây, Đức cũng đã bác bỏ việc gộp nợ giữa các quốc gia thành viên.

Lo ngại về tình trạng bế tắc như vậy, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí Italy ngày 27-3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng sự đoàn kết và chia sẻ trong EU quan trọng hơn bao giờ hết, nhất là trong vấn đề ngân sách, để đối phó cuộc khủng hoảng bệnh dịch hiện nay. Theo đó, các nước EU cần phải thống nhất về một khoản vay chung cho tất cả Liên minh châu Âu, đó là việc phát hành trái phiếu chung (trái phiếu corona) của khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) nhằm cứu trợ các nước bị đại dịch Covid-19 tàn phá.

"Chúng ta sẽ không vượt được qua cuộc khủng hoảng này nếu không có sự đoàn kết mạnh mẽ của cả châu Âu, về vấn đề sức khỏe cũng như ngân sách", Tổng thống Pháp nói trong một cuộc phỏng vấn với các tờ báo Corriere de la Serra, La Stampa và La Repubblica.

Theo ông Emmanuel Macron, vấn đề quan trọng hiện nay là các nước thành viên của EU và eurozone phải cùng hành động, chia sẻ trách nhiệm và khó khăn trong cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về sức khỏe hiện nay, thay vì tiếp tục tình trạng "mạnh ai nấy làm".

Trước đó, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, cũng đã lên tiếng chỉ trích nhiều nước thành viên EU hành động thiếu đoàn kết, chỉ tính đến lợi ích quốc gia trong lúc cả châu Âu đòi hỏi có một nỗ lực chung để đối phó với đại dịch Covid-19. Đề cập đến sự thay đổi lối sống chưa từng có của châu Âu cũng như khó khăn của một số nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong vài tuần gần đây trong do bệnh dịch Covid-19, bà Ursula von der Leyen cho rằng tất cả các nước phải chia sẻ trách nhiệm và khó một nước nào tự đối phó được cuộc khủng hoảng hiện nay. Ông Jacques Delors, cựu Bộ trưởng Tài chính Pháp và Chủ tịch Ủy ban châu Âu từ 1985 đến 1995, cũng bày tỏ sự lo ngại về tình trạng này và cho rằng đó là nguy cơ khiến nỗ lực khống chế Covid-19 trong khu vực ngày càng khó khăn.

Trong thời gian ứng phó dịch bệnh vừa qua, mỗi nước EU có các biện pháp riêng để chống dịch, hỗ trợ các ngành kinh tế, người lao động trong nước, thay vì gấp rút đề ra chương trình hành động chung cho cả khu vực. Các nước EU mới chỉ có một sự đồng thuận duy nhất, đó là việc đóng cửa biên giới bên ngoài của khối và không gian Schengen từ 12 giờ ngày 17-3 và kéo dài trong 30 ngày. Thực tế, việc tái lập đường biên giới được thực hiện không cùng một lúc, không có sự bàn bạc chung cho tới khi xảy ra tình trạng nước này đóng, nước kia "không đóng không được". Một số nước EU cũng cấm xuất khẩu trang thiết bị y tế đề dự phòng, chứ không dồn lực hỗ trợ những nước khác bị ảnh hưởng nặng nề hơn.

Nhật báo kinh tế Pháp Les Echos dẫn ý kiến của bà Hélène Rey, nhà kinh tế Pháp, cho rằng sức mạnh của khối EU đã không được thể hiện trong cả việc hành động chung ngăn chặn dịch bệnh mà cả việc để nước Italy đơn độc. Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về sức khỏe hiện nay là cú sốc không chỉ đối với châu Âu mà cả thế giới, sẽ để lại hậu quả lâu dài trên tất cả các lĩnh vực. Vì vậy, các nước EU cần phải hành động một cách thống nhất, có các biện pháp tài chính đủ mạnh cho các chi phí về dịch tễ và kinh tế.

Những diễn biến vừa qua trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 đã cho thấy nhiều vấn đề về cấu trúc, xã hội và chính trị ở EU cũng như khả năng về dịch tễ ở mỗi nước EU. Các nước thành viên ở phía bắc và phía nam có quan điểm khác nhau, không có sự đồng thuận về các biện pháp khẩn cấp chung nhằm sớm khống chế bệnh dịch. Bệnh dịch vẫn tiếp tục hoành hành, gây thiệt hại ngày càng lớn về sức khỏe, nhất là các nước ở phía nam gồm Italy và Tây Ban Nha. Vì vậy, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng như nhà nghiên cứu kinh tế Hélène Rey đều cho rằng: Tất cả các nước EU phải chia sẻ trách nhiệm, không một nước nào có thể tự mình đối phó với cuộc khủng hoảng. Chỉ có sự đoàn kết mới giúp các nước EU sớm thoát khỏi một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng do bệnh dịch Covid-19.

TheoNhanDan

Các tin khác


Nga: Nước lũ dâng nhanh, trên 125.000 người phải sơ tán

Ngày 16/4, giới chức Nga cho biết mực nước trên các con sông ở khu vực giao giữa dãy núi Ural và Tây Nam Siberia của nước này tiếp tục dâng nhanh, khiến hàng trăm ngôi nhà chìm trong biển nước, người dân rơi vào cảnh mất điện và phải sơ tán khẩn cấp.

Ai Cập kêu gọi tăng cường viện trợ cho phía Bắc Gaza

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 15/4, Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Shoukry đã kêu gọi tăng cường viện trợ cho Dải Gaza, đặc biệt là ở phía Bắc, trong cuộc họp tại Cairo với Điều phối viên cấp cao về nhân đạo và tái thiết tại Dải Gaza của Liên hợp quốc (LHQ), bà Sigrid Kaag.

Sáng 15/4, giá dầu châu Á đi xuống

Trong phiên giao dịch sáng 15/4, giá dầu châu Á đi xuống, bất chấp mối lo ngại sau cuộc tấn công trả đũa của Iran nhằm vào Israel.

Liên hợp quốc tìm cách tháo ngòi “thùng thuốc súng”Trung Đông

Theo phóng viên TTXVN tại New York, chiều 14/4 (giờ địa phương), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tổ chức phiên họp khẩn về tình hình Trung Đông, trọng tâm là vụ Iran tấn công trả đũa Israel hôm 13/3.

Hệ thống phòng không Israel căng mình chống tên lửa, máy bay không người lái Iran

Tối 13/4, Iran đã phóng loạt tên lửa và máy bay không người lái hướng đến lãnh thổ Israel.

Hàng không Mỹ đề xuất hạn chế cấp phép cho các chuyến bay từ Trung Quốc

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, các hãng hàng không lớn của Mỹ và một số nghiệp đoàn đang yêu cầu chính quyền Tổng thống Joe Biden ngừng phê duyệt thêm chuyến bay giữa Mỹ và Trung Quốc do chính sách "chống cạnh tranh” mà Trung Quốc áp đặt lên các hãng hàng không Mỹ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục