Yêu cầu điều tra nguồn gốc đại dịch COVID-19 chỉ cần thiết nếu như các bên rút ra được những bài học quan trọng.



Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (phải) tại cuộc họp báo ở Washington, DC ngày 27/4/2020.

Những nhà sử học trong tương lai có thể ghi rằng COVID-19 đánh dấu điểm khởi đầu của một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc. Ngay cả trước khi đại dịch xuất hiện, căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington đã gia tăng. Trung Quốc thách thức ảnh hưởng của Mỹ tại Thái Bình Dương, với việc xây dựng một chuỗi căn cứ quân sự ở Biển Đông. Tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Trump khởi xướng cuộc chiến tranh thương mại.

Giờ đây, khi đại dịch gây ra những tổn thất lớn đối với kinh tế thế giới, với hơn 1/4 số người tử vong trên toàn cầu là ở Mỹ, ông Trump ngày càng chú ý tới Trung Quốc. Tổng thống Mỹ ủng hộ ý tưởng cho rằng virus SARS-CoV-2 khởi nguồn từ một viện nghiên cứu ở Vũ Hán (Trung Quốc). Ông cũng phỏng đoán rằng chủng virus này có thể do con người tạo ra có chủ ý, dù các cơ quan tình báo Mỹ phản bác quan điểm này. Bắc Kinh cũng lên tiếng phản bác cáo buộc trên.

Nhà Trắng hiện cũng quan tâm đến việc vô hiệu hóa một học thuyết luật về "miễn trừ quốc gia” vốn ngăn cản việc kiện đòi bồi thường đối với Trung Quốc tại các tòa án ở Mỹ.

Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) nói rằng nguồn gốc virus SARS-CoV-2 xuất phát từ Mỹ, song không đưa ra chứng cứ cụ thể. Bắc Kinh cũng phản kháng vô lý trước những ý kiến đề nghị quốc tế điều tra về đại dịch toàn cầu này. Khi Thủ tướng Australia đưa ra đề xuất trên, Đại sứ Trung Quốc tại Australia đã nói rằng người tiêu dùng Trung Quốc có thể tẩy chay hàng hóa của Australia để trả đũa.

Đại sứ Trung Quốc tại Pháp tấn công "thói ác cảm” của truyền thông Pháp và cho rằng người dân ở các nước phương Tây đang mất niềm tin vào nền dân chủ. Theo mạng FT, số nhà ngoại giao theo đuổi chủ nghĩa dân tộc, kiểu như ông Triệu Lập Kiên, được thăng chức. Nhưng những nỗ lực đó là phản tác dụng, chỉ làm tăng thêm làn sóng bài Trung Quốc.

Nếu chọn một cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn để bảo vệ hình ảnh của mình, Bắc Kinh sẽ đồng ý tiến hành một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2. Một cuộc điều tra như vậy, với các điều tra viên là các nhà khoa học uy tín trên toàn thế giới, có cả của Mỹ và Trung Quốc, sẽ giúp loại bỏ các thuyết âm mưu mang màu sắc suy diễn, đối lập nhau đang phát tán ở cả hai nước. Trên tất cả, một cuộc điều tra độc lập sẽ cho ra được những bài học quý giá để tránh đại dịch tiếp theo.

Đương nhiên, Bắc Kinh nhiều khả năng không chấp nhận yêu cầu này. Số theo chủ nghĩa dân tộc sẽ cho rằng, việc đồng ý để nước ngoài điều tra các sự kiện tại Trung Quốc chẳng khác gì bị ức hiếp. Chính phủ Trung Quốc cũng bằng mọi giá bảo vệ hình ảnh của nước này. Cũng có thể, Trung Quốc có trong tay những bí mật gây hại cho mình, không muốn lộ ra.

Trung Quốc có lý do hợp lý để nghi ngờ về thiện chí của ông Trump, người thường xuyên đưa ra những thuyết âm mưu, lặp lại luận điểm "tin giả” khi lên tiếng chỉ trích Trung Quốc. Hành động này có thể sẽ còn tệ hơn khi kỳ bầu cử tổng thống tháng 11 đang đến gần. Thế nhưng, trong trường hợp Trung Quốc chấp nhận để quốc tế điều tra, ông Trump không phải là người định ra các điều khoản tham chiếu. Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu (EU) sẽ giúp định ra mục tiêu của tiến trình điều tra này.

Một cuộc điều tra như vậy là khó. Nhưng nếu không có, trò chơi đổ lỗi giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ leo thang và ngày càng nguy hiểm. Trước khi dịch bùng phát, thế giới đã chứng kiến phương Tây theo đuổi cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc trong một loạt các vấn đề, từ tình hình ở Hong Kong (Trung Quốc) cho tới đầu tư trong các ngành kinh tế chiến lược. Nhưng mối nguy hiện tại nằm ở chỗ công cuộc tái khởi động quan hệ với Trung Quốc sẽ trượt sang hướng khác nguy hiểm hơn.

Trong thế giới phương Tây, xuất hiện một bộ phận bài Trung Quốc không thể phủ nhận được, vốn là nhân tố dẫn đến các cuộc khẩu chiến và bạo lực nhằm vào số người Mỹ gốc Á ở Mỹ. Một số chính trị gia cao cấp của Mỹ, như Thượng nghị sĩ Tom Cotton, đang mở chiến dịch đòi cấm các sinh viên Trung Quốc đăng ký theo học các ngành khoa học tại các trường Đại học Mỹ, như ngành trí tuệ nhân tạo, khoa học máy tính. Thậm chí, một số "cái đầu nóng” ở Washington đang kêu gọi Mỹ bùng các khoản tiền nợ Trung Quốc.

Tại Trung Quốc, những người theo khuynh hướng chủ nghĩa dân tộc sẽ nhanh chóng có động thái phản công các cáo buộc từ nước ngoài và nôn nóng muốn thể hiện sức mạnh của Trung Quốc.

Trong trường hợp xấu nhất, tâm lý giận dữ từ cả hai phía sẽ dẫn đến không chỉ một cuộc chiến tranh lạnh, mà còn cả xung đột nóng – một cuộc đụng độ vũ trang thực sự. Cả Mỹ và Trung Quốc cần loại bỏ con đường nguy hiểm đó. Và bước đầu tiên là đồng ý tiến hành một cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc của COVID-19.


Theo Baotintuc

Các tin khác


Nga: Nước lũ dâng nhanh, trên 125.000 người phải sơ tán

Ngày 16/4, giới chức Nga cho biết mực nước trên các con sông ở khu vực giao giữa dãy núi Ural và Tây Nam Siberia của nước này tiếp tục dâng nhanh, khiến hàng trăm ngôi nhà chìm trong biển nước, người dân rơi vào cảnh mất điện và phải sơ tán khẩn cấp.

Ai Cập kêu gọi tăng cường viện trợ cho phía Bắc Gaza

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 15/4, Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Shoukry đã kêu gọi tăng cường viện trợ cho Dải Gaza, đặc biệt là ở phía Bắc, trong cuộc họp tại Cairo với Điều phối viên cấp cao về nhân đạo và tái thiết tại Dải Gaza của Liên hợp quốc (LHQ), bà Sigrid Kaag.

Sáng 15/4, giá dầu châu Á đi xuống

Trong phiên giao dịch sáng 15/4, giá dầu châu Á đi xuống, bất chấp mối lo ngại sau cuộc tấn công trả đũa của Iran nhằm vào Israel.

Liên hợp quốc tìm cách tháo ngòi “thùng thuốc súng”Trung Đông

Theo phóng viên TTXVN tại New York, chiều 14/4 (giờ địa phương), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tổ chức phiên họp khẩn về tình hình Trung Đông, trọng tâm là vụ Iran tấn công trả đũa Israel hôm 13/3.

Hệ thống phòng không Israel căng mình chống tên lửa, máy bay không người lái Iran

Tối 13/4, Iran đã phóng loạt tên lửa và máy bay không người lái hướng đến lãnh thổ Israel.

Hàng không Mỹ đề xuất hạn chế cấp phép cho các chuyến bay từ Trung Quốc

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, các hãng hàng không lớn của Mỹ và một số nghiệp đoàn đang yêu cầu chính quyền Tổng thống Joe Biden ngừng phê duyệt thêm chuyến bay giữa Mỹ và Trung Quốc do chính sách "chống cạnh tranh” mà Trung Quốc áp đặt lên các hãng hàng không Mỹ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục