Số ca mắc COVID-19 đang có dấu hiệu gia tăng rõ rệt tại nhiều quốc gia châu Á trong tháng 5, dù các ca bệnh chủ yếu nhẹ và chưa ghi nhận biến chủng mới nguy hiểm.
Tình trạng này đang thúc đẩy các cơ quan y tế trong khu vực tăng cường giám sát và đưa ra các khuyến cáo phòng chống dịch COVID-19 phù hợp với tình hình hiện tại. Dù chưa có dấu hiệu cho thấy các biến thể hiện tại gây bệnh nặng hơn, giới chức y tế vẫn khuyến cáo người dân - đặc biệt là người cao tuổi và nhóm nguy cơ cao - cần tiêm mũi nhắc lại và tuân thủ các biện pháp phòng bệnh.
Tại Singapore, Bộ Y tế nước này ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng mạnh 28% trong tuần từ ngày 27/4 đến ngày 3/5, với hơn 14.200 trường hợp, so với 11.100 ca của tuần trước đó. Bộ Y tế Singapore cho biết nguyên nhân có thể do miễn dịch cộng đồng suy giảm theo thời gian, trong khi tỷ lệ người cao tuổi tiêm mũi tăng cường vẫn còn thấp.
Biến thể chính đang lưu hành tại quốc đảo sư tử là LF.7 và NB.1.8 - đều là biến thể phụ của JN.1. Đây cũng là chủng được sử dụng để bào chế các loại vaccine hiện nay. Bộ Y tế Singapore nhấn mạnh các vaccine hiện hành vẫn bảo vệ hiệu quả trước nguy cơ chuyển nặng do COVID-19. Singapore hiện khuyến nghị người từ 60 tuổi trở lên, người có bệnh nền hoặc sống tại cơ sở chăm sóc nên tiêm mũi tăng cường sau mỗi 12 tháng.
Một địa điểm xét nghiệm COVID-19 ở Hong Kong (Trung Quốc), tháng 1/2022 (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Thái Lan đã ghi nhận 16.607 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 6 trường hợp tử vong từ ngày 4/5 đến ngày 10/5.
Trong khi đó, Malaysia ghi nhận trung bình khoảng 600 ca nhiễm mỗi tuần và không có trường hợp tử vong nào liên quan đến COVID-19 trong năm nay.
Còn tại Trung Quốc, dịch COVID-19 đang có xu hướng liên tục tăng nhẹ, dù khả năng bùng phát quy mô lớn được cho ở mức thấp. Giới chức y tế Trung Quốc đã khuyến cáo người dân cần duy trì vệ sinh cá nhân tốt, che mũi miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn giấy hoặc khăn tay; rửa tay thường xuyên, tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng; ăn uống cân bằng, vận động hợp lý, nghỉ ngơi đầy đủ.
Ở Hong Kong (Trung Quốc), Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe ghi nhận tỷ lệ mẫu bệnh phẩm hô hấp dương tính với COVID-19 đã tăng gấp 2 lần, từ 6,21% (đầu tháng 4) lên 13,66% (đến ngày 10/5). Có 81 ca nặng được ghi nhận, trong đó 30 người đã tử vong. Phần lớn bệnh nhân là người trên 65 tuổi, có bệnh nền và chưa tiêm mũi nhắc lại trong 6 tháng qua.
Hiện tại, biến thể XDV - một nhánh của JN.1 - là chủng trội tại Hong Kong (Trung Quốc). Tuy chưa có bằng chứng cho thấy XDV gây bệnh nặng hơn, giới chuyên gia vẫn khuyến cáo không được chủ quan trước tốc độ lây lan của virus.
Tại Ấn Độ và Campuchia, số ca nhiễm các biến thể JN.1 và những chủng phụ như KP.2, KP.3 cũng đang gia tăng. Bộ Y tế Campuchia cảnh báo biến thể JN.1 có khả năng lây lan nhanh và tránh né miễn dịch mạnh hơn so với các chủng cũ. WHO hiện đã xếp JN.1 là biến thể đáng quan tâm. Đến giữa tháng 3/2025, biến thể JN.1 đã được xác định ở hơn 15% các trường hợp mắc COVID-19 trên toàn thế giới. JN.1 dường như dễ lây truyền hơn, nhanh hơn và có khả năng xâm nhập vào hệ thống miễn dịch của con người hơn do đột biến ở protein gai.
Bất chấp số ca tăng, các chuyên gia vẫn khẳng định chưa cần hoảng loạn. Dịch COVID-19 chưa hoàn toàn biến mất, và miễn dịch cộng đồng - đặc biệt với người cao tuổi - vẫn cần được củng cố bằng vaccine và ý thức phòng bệnh.
Theo VTV.VN
Chính phủ Trung Quốc đã nhắc nhở đội ngũ cán bộ trên khắp đất nước cắt giảm "chi tiêu lãng phí” cho du lịch, thực phẩm và không gian văn phòng.
Israel cho biết sẽ cho phép hàng viện trợ cơ bản vào Dải Gaza sau gần 3 tháng phong tỏa viện trợ tại vùng lãnh thổ Palestine này.
Nguồn tin từ Trung tâm thông tin COVID-19 của Chính phủ Thái Lan cho biết số ca mắc COVID-19 đã tăng vọt tại Thái Lan.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam (30/4/1975 - 30/4/2025), ngày 14/5, Đại học Tự trị Chiapas (Universidad Autónoma de Chiapas - UNACH) thuộc bang cùng tên của Mexico đã tổ chức hội thảo trực tuyến về Việt Nam nhằm tôn vinh sự kiện lịch sử trọng đại này.
Theo Tổng thống Vladimir Putin, đoàn đàm phán Liên bang Nga sẽ do ông Vladimir Medinsky dẫn đầu, không phải Ngoại trưởng Seigey Lavrov như truyền thông nước ngoài trước đó đưa tin.
Tại phiên họp lần thứ 247/248 của Ủy ban kỹ thuật thường trực (PTC) thuộc Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) vừa kết thúc tại Brussels (Bỉ), Việt Nam đã tiếp tục được các thành viên WCO tín nhiệm tái cử giữ cương vị Chủ tịch PTC nhiệm kỳ 2025-2026.