Mời quý vị cùng điểm lại 10 sự kiện, vấn đề quốc tế nổi bật trong bức tranh thế giới năm 2021 do Đài Truyền hình Việt Nam bình chọn.


Dịch bệnh tiếp tục chi phối tình hình thế giới trong năm 2021 vừa qua. Các biến thể xuất hiện gây nên những cuộc khủng hoảng, ảnh hưởng tới sự phục hồi và các kế hoạch mở cửa.

Tuy nhiên, điều tích cực là bên cạnh đó, các chuyển động quốc tế vẫn diễn ra rất sôi động với sự hình thành của những lực lượng mới tập trung tại điểm nóng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

1. CUỘC CHIẾN VỚI NHỮNG BIẾN THỂ MỚI

Năm 2021, cuộc chiến chống dịch COVID-19 vẫn tiếp tục với sự xuất hiện của các biến thể mới. Biến thể Delta trở thành mối quan ngại toàn cầu khi gây ra những làn sóng dịch bệnh nghiêm trọng.

Một chiến dịch tiêm chủng lớn nhất được triển khai trên toàn cầu. Thế giới đã có 10 loại vaccine được WHO phê chuẩn và các loại thuốc điều trị, nhưng tình hình vẫn rất khó lường trước các biến thể mới.

Cuối năm 2021, nhiều nước trên thế giới tái phong tỏa, hủy bỏ hoạt động mừng năm mới vì lo ngại trước biến thể mới Omicron. Cuộc chiến chống COVID-19 vẫn chưa thể kết thúc.

2. CÚ SỐC KINH TẾ TRONG ĐẠI DỊCH

Các lệnh phong tỏa chống dịch COVID-19 khiến sản xuất bị đứt gãy. Kinh tế thế giới năm 2021 phục hồi trong sự bấp bênh, ước tính ở mức 5,9%.

Giá dầu vượt mốc 80 USD/thùng, cao nhất trong 7 năm. Giá khí đốt châu Âu trong một năm tăng gấp 4 lần, lên mức cao kỷ lục. Khan hiếm năng lượng, cắt điện luân phiên, một cuộc khủng hoảng năng lượng khiến nhiều quốc gia lao đao.

3. ASEAN KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ

Năm 2021, ASEAN khẳng định vị thế với việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc và Australia, trao quy chế đối tác đối thoại đầy đủ cho Vương quốc Anh.

ASEAN cũng đạt được đồng thuận 5 điểm về giải quyết tình hình Myanmar, nhất trí thúc đẩy hợp tác ứng phó với COVID-19. Với việc Hiệp định thương mại điện tử có hiệu lực đầu tháng 12, ASEAN đã trở thành khu vực đầu tiên ký kết, triển khai một hiệp định về thương mại số.

Trong khó khăn dịch bệnh, ASEAN vẫn khẳng định được vai trò trung tâm và kiên định với các mục tiêu xây dựng cộng đồng.

4. TẬP HỢP LIÊN MINH MỚI

Chuyển động chính trị thế giới tiếp tục với tâm điểm là khu vựcẤn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Nhóm Bộ tứ Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia lần đầu nhóm họp. Liên minh mới AUKUS (Anh, Mỹ, Australia) được thành lập, tập trung vào hợp tác quân sự.

Một sân chơi chính trị của thế kỷ 21 dần hình thành với nguy cơ xung đột lợi ích.


Binh sĩ Ukraine sử dụng bệ phóng tên lửa Javelin của Mỹ trong cuộc tập trận quân sự ở vùng Donetsk, Ukraine, ngày 23/12/2021. (Ảnh: AP)

5. "MỒI LỬA" CĂNG THẲNG NGA - PHƯƠNG TÂY

Năm 2021, căng thẳng giữa Nga với Ukraine và phương Tây lên cao. Các bên tăng cường triển khai lực lượng quân sự tới sát khu vực biên giới của nhau, cả trên bộ cho tới biển Baltic và Biển Đen.

Giữa tháng 12 này, lần đầu tiên Nga nêu dự thảo Hiệp ước 8 điểm nhằm giảm căng thẳng với phương Tây. Nếu không sớm có lối thoát, chỉ một "mồi lửa" cũng khiến quan hệ Nga - phương Tây bị đẩy đến bờ vực đổ vỡ.

6. BƯỚC NGOẶT VỚI AFGHANISTAN

Chiếc máy bay C-17 sơ tán công dân Mỹ cuối cùng rời Afghanistan vào ngày 30/8/2021, khép lại cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ sau 20 năm.

Taliban lên nắm quyền, tuyên bố xây dựng một nhà nước mới với tên gọi Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan. Sau 2 thập kỷ xung đột, Afghanistan giờ là mảnh đất của nghèo đói, 22 triệu người thiếu lương thực, viện trợ bị cắt, tài sản ở nước ngoài bị phong tỏa và vẫn chưa có quốc gia nào chính thức công nhận chính quyền Taliban.

7. KHỦNG HOẢNG DI CƯ

Đói nghèo, xung đột và giờ là cả khó khăn dịch bệnh thôi thúc dòng người di cư đi tìm miền đất hứa, từ Trung Đông qua Belarus để tới các nước châu Âu, hay từ Trung Mỹ qua Mexico để tìm đường vào Mỹ.

Năm 2021, vấn đề người di cư bùng nổ thành căng thẳng ngoại giao, một cuộc tranh cãi không hồi kết giữa nhân đạo và an ninh quốc gia. Bất chấp hiểm nguy, hành trình tới miền đất hứa vẫn tiếp diễn, giấc mơ đổi đời nhiều khi trở thành ác mộng cuối đời.

8. ĐIỂM GIỚI HẠN CỦA KHÍ HẬU

Tháng 7/2021 trở thành tháng nóng nhất trong lịch sử. Mật độ khí gây hiệu ứng nhà kính trong khí quyển tăng lên mức kỷ lục. Thiên tai nối tiếp thiên tai. Trái đất bước tới điểm giới hạn buộc phải hành động ứng phó.

Tại Hội nghị COP26, 100 quốc gia đạt cam kết chấm dứt nạn phá rừng, cắt giảm 30% lượng phát thải khí methane vào năm 2030.

9. THỂ THAO ĐỈNH CAO TRONG ĐẠI DỊCH

Từ Euro 2020 tại châu Âu cho tới Olympic Tokyo 2020 ở Nhật Bản, các sự kiện thể thao quy mô lớn vẫn diễn ra dù trong không khí trái ngược nhau, cho thấy nỗ lực lớn của thế giới để tìm ra cách thích ứng và sống chung với dịch bệnh.

10. PHÁ BỎ MỌI GIỚI HẠN

Một góc nhìn về tương lai có thể thấy được trong năm 2021 này, một thế giới nơi con người sống, làm việc và tương tác với nhau qua thế giới ảo Metaverse, một thế giới mà tài sản thật được mã hóa và mua bán nhờ công nghệ blockchain. Những chuyến bay tư nhân đầu tiên đưa người lên không gian với tham vọng tìm kiếm một ngôi nhà mới ngoài Trái đất.

Công nghệ đang phá bỏ mọi giới hạn về cách mọi người hình dung tương lai loài người sẽ như thế nào.


Theo vtv.vn

Các tin khác


Đức gây áp lực để Mỹ cung cấp thêm hệ thống Patriot cho Ukraine

Dẫn các nguồn thạo tin, Bloomberg cho biết Đức đang gây áp lực buộc Mỹ phải cung cấp thêm ít nhất một hệ thống Patriot cho Ukraine.

G7 có thể mất 10 năm mới bắt kịp sản lượng nhiên liệu hạt nhân của Nga

Chuyên gia hạt nhân Nga nói rằng Mỹ và nhóm G7 đã tuyên bố sẽ chấm dứt nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga, nhưng các nền kinh tế hàng đầu phương Tây vẫn tụt hậu so với Moskva về các công nghệ nguyên tử mới.

Nga mời tất cả các nước tham gia dự án tạo hành lang giao thông Bắc - Nam

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ngày 22/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mời tất cả các quốc gia quan tâm tham gia vào dự án tạo ra hành lang giao thông Bắc - Nam, kết nối Vịnh Ba Tư với Biển Bắc Băng Dương.

ASEAN tăng cường hợp tác về sở hữu trí tuệ

Ngày 22/4, tại thành phố Đà Nẵng, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức cuộc họp lần thứ 72 Nhóm Công tác về Hợp tác Sở hữu trí tuệ các nước ASEAN (AWGIPC 72) và các sự kiện bên lề. Hoạt động nhằm thực hiện nghĩa vụ của nước thành viên ASEAN trong hợp tác ASEAN về sở hữu trí tuệ.

Tương lai không còn ''ô nhiễm trắng''

"Ngay trong ngôi nhà của mình, bạn có thể thấy rất nhiều thứ, từ vỏ bọc thực phẩm, chậu hoa cho đến các loại dụng cụ, đều bằng nhựa. Nhựa sẽ đi đâu sau khi không được sử dụng nữa? Chúng không bị phân hủy. Kể cả khi được chôn lấp, nhựa vẫn tồn tại hàng trăm năm và các hạt vi nhựa sẽ làm ô nhiễm hệ sinh thái xung quanh".

Tổng tham mưu trưởng IDF phê duyệt kế hoạch tiếp tục chiến dịch ở Gaza

Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Trung tướng Herzi Halevi đã phê duyệt các kế hoạch tiếp tục cuộc chiến chống lực lượng Hamas ở Dải Gaza.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục