Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã kết thúc tại New Delhi, Ấn Độ mà không đưa ra được tuyên bố chung.



Hội nghị chỉ thông qua tài liệu tóm tắt và kết quả của chủ tọa. Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Jaishankar cho biết, những tài liệu trên phản ánh quyết tâm của G20 trong việc đối phó với những thách thức toàn cầu cấp bách. Ông cũng lưu ý một số lượng lớn các vấn đề đã đạt được thỏa thuận tại hội nghị.

Với hơn 40 phái đoàn tham dự, trong đó có Bộ trưởng Ngoại giao từ các cường quốc như Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc và EU, đây là cuộc họp lớn nhất của các bộ trưởng ngoại giao dưới sự chủ trì của Chủ tịch G20. Bên lề hội nghị cũng đã diễn ra nhiều cuộc gặp song phương, trong đó đáng chú ý là cuộc gặp không chính thức giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.

Ấn Độ nỗ lực xây dựng sự đồng thuận

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20 cũng như Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 diễn ra cách đây ít ngày đều kết thúc chỉ với một tài liệu tóm tắt của chủ tọa. Những sự kiện này đã cho thấy thách thức đặt ra với Ấn Độ trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 là đảm bảo sự đồng thuận giữa tất cả các bên trong bối cảnh đang có sự phân cực toàn cầu.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine bước sang năm thứ hai, quan hệ căng thẳng giữa phương Tây với Nga tiếp tục là nguồn cơn gây chia rẽ tại Hội nghị Ngoại trưởng G20.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói: "Tất cả chúng ta đều có lập trường và quan điểm của mình về cách giải quyết những căng thẳng này. Tuy nhiên, với tư cách là những nền kinh tế hàng đầu thế giới, chúng ta cũng có trách nhiệm đối với những người không có mặt tại đây".

Sự kiện này một lần nữa phản ánh sự phân cực toàn cầu sâu sắc hiện nay. Mỹ, EU, G7 lên án cuộc xung đột Nga - Ukraine, cho rằng nó đang làm trầm trọng thêm những bất ổn hiện có trong nền kinh tế toàn cầu. Còn Nga thì cáo buộc phương Tây dùng các diễn đàn đa phương như hội nghị G20 để chống lại Nga.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi: "Tất cả chúng ta phải thừa nhận rằng chủ nghĩa đa phương ngày nay đang gặp khủng hoảng. Cấu trúc quản trị toàn cầu được tạo ra sau Thế chiến thứ hai là để phục vụ hai chức năng. Đầu tiên, để ngăn chặn các cuộc chiến tranh trong tương lai bằng cách cân bằng các lợi ích cạnh tranh. Thứ hai, thúc đẩy hợp tác quốc tế về các vấn đề cùng quan tâm. Những vấn đề trong hai năm qua, như khủng hoảng tài chính, biến đổi khí hậu, đại dịch, khủng bố và xung đột, cho thấy rõ ràng rằng quản trị toàn cầu đã thất bại trong cả hai nhiệm vụ của mình".

Ấn Độ muốn tận dụng vị thế Chủ tịch luân phiên G20 của mình để truyền đạt quan điểm về các vấn đề quốc tế của mình tới các thành viên khác trong câu lạc bộ các nền kinh tế lớn. Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi muốn tập trung vào các vấn đề như biến đổi khí hậu và nợ của các quốc gia đang phát triển và không muốn vấn đề Ukraine lấn át các vấn đề cấp thiết khác.

Giữa chồng chất các mâu thuẫn, Ấn Độ sẽ phải nỗ lực rất nhiều nhằm hướng tới việc phát huy vai trò nước lớn trong giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu và hàn gắn những rạn nứt giữa các thành viên

Kỳ vọng vào vai trò Chủ tịch G20 của Ấn Độ

Ấn Độ đang thể hiện những nỗ lực bền bỉ trong vai trò Chủ tịch luân phiên G20 nhằm xây dựng sự đồng thuận. Quốc gia Nam Á với vị thế ngày càng được nâng cao, được kỳ vọng sẽ khắc phục được một số thách thức lớn nhất mà thế giới phải đối mặt khi bước vào cuộc sống hậu đại dịch.

Ông Subrahmanyam Jaishankar - Ngoại trưởng Ấn Độ: "Lần đầu tiên chúng ta nhóm họp là giữa một cuộc khủng hoảng toàn cầu và hôm nay chúng ta một lần nữa phải đối mặt với khủng hoảng đa chiều. Chúng bao gồm tác động của đại dịch COVID, lo ngại về đứt gãy chuỗi cung ứng, tác động dây chuyền của các cuộc xung đột đang diễn ra, lo lắng về khủng hoảng nợ và các vấn đề do biến đổi khí hậu. Không phải lúc nào chúng ta cũng hoàn toàn nhất trí về những vấn đề này. Trên thực tế, tồn tại sự khác biệt lớn về quan điểm đối với một số vấn đề. Tuy nhiên, chúng ta phải tìm ra tiếng nói chung và đưa ra phương hướng giải quyết, vì đó là điều thế giới mong đợi ở chúng ta.

Ông Sergei Lavrov - Ngoại trưởng Nga: "Chúng tôi vui mừng khi thấy những tiềm năng kiến thiết to lớn trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Ấn Độ, tôn vinh triết lý của Gandhi và nhấn mạnh sự đoàn kết và tương lai chung của con người. Chúng tôi ủng hộ những người bạn Ấn Độ trong nỗ lực củng cố quan hệ đa cực".

Bà Naledi Pandor - Ngoại trưởng Nam Phi: "Tôi hy vọng G20 có thể đóng vai trò dẫn dắt tới hòa bình cho thế giới vì Ấn Độ được biết đến là một quốc gia ủng hộ các giá trị tốt đẹp và thúc đẩy hòa bình, gắn kết trên toàn thế giới. Vì vậy, chúng tôi hy vọng từ cuộc họp G20 này, chúng ta có thể tạo cơ sở để khuyến khích những nỗ lực lớn hơn trong các cách tiếp cận ngoại giao và hướng tới một giải pháp chấm dứt xung đột Nga – Ukraine".

Ông James Cleverly - Ngoại trưởng Anh: "Chúng tôi cũng muốn nhân cơ hội này để thảo luận về các vấn đề trong chương trình nghị sự của G20 như tăng trưởng kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường. Chúng tôi muốn hỗ trợ Ấn Độ đảm nhận vai trò chủ tịch G20 thành công.

Để đạt được các mục tiêu "Một Trái đất, Một Gia đình, Một Tương lai" - chủ đề về nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Ấn Độ, thế giới cần tìm ra điểm chung ngay cả khi căng thẳng địa chính trị đang gia tăng. Giới quan sát kỳ vọng New Delhi là nhân tố giúp hòa giải các căng thẳng thông qua việc tập trung vào một số vấn đề chính yếu mang tính cấp thiết toàn cầu hiện nay.

Theo VTV.VN

Các tin khác


Kế hoạch phòng thủ dân sự của Thụy Điển cho tình huống xung đột lan rộng ở châu Âu

Thụy Điển đang tăng cường phòng thủ dân sự, đặc biệt là kế hoạch đảm bảo an ninh năng lượng trong giai đoạn khủng hoảng.

Nga và Ukraine nhất trí trao đổi trẻ em di dời do xung đột

Nga và Ukraine đã nhất trí trao đổi khoảng 50 trẻ em phải di dời sau khi xung đột giữa hai nước bùng phát hồi tháng 2/2022.

Tại sao ông Trump không phản đối gói viện trợ mới của Mỹ cho Ukraine?

Ông Trump có thể được hưởng lợi khi để Quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ mới cho Ukraine.

Đức gây áp lực để Mỹ cung cấp thêm hệ thống Patriot cho Ukraine

Dẫn các nguồn thạo tin, Bloomberg cho biết Đức đang gây áp lực buộc Mỹ phải cung cấp thêm ít nhất một hệ thống Patriot cho Ukraine.

G7 có thể mất 10 năm mới bắt kịp sản lượng nhiên liệu hạt nhân của Nga

Chuyên gia hạt nhân Nga nói rằng Mỹ và nhóm G7 đã tuyên bố sẽ chấm dứt nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga, nhưng các nền kinh tế hàng đầu phương Tây vẫn tụt hậu so với Moskva về các công nghệ nguyên tử mới.

Nga mời tất cả các nước tham gia dự án tạo hành lang giao thông Bắc - Nam

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ngày 22/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mời tất cả các quốc gia quan tâm tham gia vào dự án tạo ra hành lang giao thông Bắc - Nam, kết nối Vịnh Ba Tư với Biển Bắc Băng Dương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục