Ruộng đồng ở tỉnh An Huy (Trung Quốc)
bị hạn hán nặng nề.

Ruộng đồng ở tỉnh An Huy (Trung Quốc) bị hạn hán nặng nề.

- LHQ cảnh báo, thế giới đang đứng trước nguy cơ khan hiếm nghiêm trọng nước do bùng nổ dân số, các thành phố mở rộng, quá trình công nghiệp hóa và sự biến đổi khí hậu. Giải quyết những khó khăn về nước mà thế giới đang đối mặt là vấn đề nóng hổi và cấp bách.

Tại hội nghị mới nhất về vấn đề nước do LHQ tổ chức mang tên Diễn đàn thế giới về nước, các báo cáo cho biết, quá trình công nghiệp hóa không chỉ làm gia tăng nhu cầu năng lượng mà còn đòi hỏi có thêm nhiều nước. Trong khi đó, vấn đề ô nhiễm nước hồ, sông và nước ngầm đang làm giảm lượng nước sạch trên hành tinh và quá trình biến đổi khí hậu cũng tác động rất lớn đến sự ổn định của nguồn cung nước sạch. Các chuyên gia cảnh báo, một nửa dân số thế giới - tức là hơn ba tỷ người - có thể bị thiếu nước vào năm 2025. Cùng với những yếu tố như hạn hán, dân số gia tăng, đô thị hóa, biến đổi khí hậu và thói quen sử dụng lãng phí nước sạch, thế giới có thể sẽ tiến tới một thảm họa.


 

Báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) cho biết, nông nghiệp là lĩnh vực tiêu thụ nhiều nước sạch nhất, chiếm khoảng 90% nhu cầu về nước sạch. Khi dân số trên toàn cầu đạt con số chín tỷ người vào năm 2050, nhu cầu lương thực và nước cho nông nghiệp tăng lên sẽ gây ra sự cạnh tranh về nước trong công nghiệp và nước sinh hoạt. Các nhà khoa học cho rằng, để có thể nuôi sống con người đồng thời giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, đòi hỏi phải giải quyết triệt để vấn đề nước. Cũng theo các báo cáo, quá trình khô hạn trên toàn cầu được dự báo sẽ xảy ra thường xuyên hơn tại những khu vực sản xuất lương thực quan trọng trên thế giới như vùng châu thổ sông Cô-lô-ra-đô (Mỹ), sông In-đút (Nam Á), sông Hoàng Hà (Trung Quốc), sông Gioóc-đan (Trung Ðông), sông Nin (châu Phi), sông Mu-rây Ða-linh (Ô-xtrây-li-a). Tất cả những khu vực sản xuất quan trọng này đang và sắp ở trong tình trạng thiếu nước ngọt.


 

Trong khi đó, LHQ cảnh báo, đến giữa thế kỷ 21 sẽ có tới 75% dân số thế giới phải chịu khát, trong khi khoảng một phần sáu dân số toàn cầu (hơn một tỷ người) hiện đang phải chịu cảnh thiếu nước sạch. Các chuyên gia cho rằng, có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này. Trước hết, dân số trên Trái đất sẽ tăng nhanh và họ sẽ không ngừng sáng tạo ra các vật dụng mới của nền văn minh cần tiêu thụ nhiều nước. Tiếp đó là sự biến đổi khí hậu toàn cầu dẫn đến tình trạng sa mạc hóa đất đai lan rộng đến các vùng đất trước kia phì nhiêu, khiến sản xuất nông nghiệp ngày càng khó khăn. Việc cung cấp nước phụ thuộc vào khu vực, bởi việc phân chia nguồn nước trên hành tinh không đồng nhất. Việc cung cấp nước cần thiết cho các vùng khô cằn của các nước kém phát triển hoặc đang phát triển đặc biệt khó khăn, vì mật độ dân số cao và gia tăng thường xuyên. Các nước đang phát triển năng động và dân số đông như Trung Quốc và Ấn Ðộ cũng đang thiếu nước sạch. Các con sông lớn của hai nước này - sông Hằng và sông Dương Tử - đều có mực nước thấp trong phần lớn thời gian của năm. Sự phát triển mạnh mẽ của các thành phố như Niu Ðê-li hoặc Bắc Kinh đã dẫn đến tình trạng lượng nước ngầm luôn thấp dưới mức bình thường. Trong năm 2009, Trung Quốc và Ấn Ðộ đã phải chịu một đợt hạn hán nặng nề. Tại Trung Quốc, khu vực ở miền bắc nước này đã trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng 60 năm qua. Cuộc khủng hoảng nước này làm hơn 4,6 triệu người dân thiếu nước sinh hoạt và khoảng 4,1 triệu gia súc bị ảnh hưởng. Ngoài ra, hạn hán còn gây thiệt hại đến cây trồng trên diện tích 8,7 triệu ha. Trong khi đó, tại Ấn Ðộ, Ủy ban Trung ương phụ trách các vấn đề nước (CWC) của nước này cho biết, so với mười năm gần đây, lượng mưa trung bình trong năm 2009 giảm tới 29%, gây hạn hán từ 20% đến 40% tổng diện tích đất canh tác ở nước này, làm hạ thấp mực nước từ 25% đến hơn 40% của tất cả các con sông chính như sông Hằng, sông Ấn và sông Na-ma-đa cũng như các hồ dự trữ nước lớn ở Ấn Ðộ. Hạn hán ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của 235 triệu nông dân Ấn Ðộ vì chỉ có 40% diện tích đất trồng trọt trong cả nước được tưới nước và làm sản lượng lúa gạo của Ấn Ðộ giảm tới hơn mười triệu tấn. Tại Thái-lan, trong năm 2009, có tới 46 trong số 76 tỉnh thành thiếu nước, trong đó tám tỉnh ở miền bắc và đông-bắc bị thiếu nước trầm trọng.


 

Nước Mỹ cũng không tránh khỏi khó khăn về nguồn nước. Nạn hạn hán lớn trong thời gian qua đã dẫn đến tình trạng thiếu nước tại nhiều thành phố của miền bắc bang Gioóc-gi-a và tại các vùng lãnh thổ lớn ở miền tây-nam nước Mỹ. Theo thống kê của Viện Quản lý nguồn nước quốc tế (IWMI), nếu xu hướng tăng trưởng kinh tế và gia tăng dân số vẫn duy trì như hiện nay, thì nhu cầu về nước từ nay đến giữa thế kỷ này sẽ tăng gấp ba so với hiện nay. Trong bối cảnh này, các chuyên gia cho rằng các nước cần phải tính tới một kế hoạch nghiêm túc nhằm hiện đại hóa cơ sở hạ tầng cung cấp nước. Chẳng hạn, Mỹ và Ca-na-đa phải chi tới 36 tỷ USD trong 25 năm tới để hiện đại hóa hệ thống cấp nước.


 

Tại Mỹ la-tinh, hiện có tới 80 triệu người, chiếm 25% dân số khu vực, thiếu nước sạch cho sinh hoạt và đây là một thách thức lớn đối với các nước trong khu vực này. Việc nước sạch sinh hoạt thiếu nghiêm trọng khiến mỗi năm có khoảng 1,5 triệu trẻ em chết vì những bệnh liên quan nguồn nước bị ô nhiễm. Ðể khắc phục tình trạng này, cách đây hơn một năm, Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (BID) đã tài trợ hơn một tỷ USD cho các dự án cấp nước sạch cho sinh hoạt tại 100 thành phố quan trọng và trên 1.000 quận, huyện ở các vùng nông thôn khu vực Mỹ la-tinh. BID cam kết sẽ tài trợ tiếp 1,5 tỷ USD trong những năm tới cho các dự án này. BID cho rằng để tăng 50% nhu cầu về nước sinh hoạt và nước sạch đến năm 2015, các chính phủ trong khu vực phải đầu tư khoảng 300 triệu USD vào lĩnh vực này.


 

Cách mạng xanh


 

Theo báo cáo của FAO và IWMI, châu Á có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực và bất ổn xã hội thường xuyên nếu không cải thiện việc sử dụng và quản lý nguồn nước tưới tiêu trong nông nghiệp. FAO và IWMI cho rằng châu Á cần tiến hành cuộc "cách mạng xanh" về sử dụng và quản lý nguồn nước dùng cho nông nghiệp, để có thể "nuôi sống" thêm 1,5 tỷ người nữa vào năm 2050.


 

Theo LHQ, nhu cầu lương thực tại châu Á sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050 và điều đó buộc các nước đang phát triển phải nhập khẩu hơn 25% nhu cầu ngũ cốc, trừ phi châu lục này cải tiến hệ thống tưới tiêu rộng lớn trong khu vực, hiện cung cấp nước cho 70% diện tích đất canh tác được tưới nước trên thế giới. Các chuyên gia cho rằng với tốc độ tăng như hiện nay thì trong vòng mười năm nữa, châu Á sẽ có thêm gần 500 triệu người, riêng tại các đô thị ở châu Á, dân số sẽ tăng khoảng 60%. Khi mà dân số và tốc độ đô thị hóa cùng tăng nhanh chóng như vậy, căng thẳng về nguồn nước cũng tăng theo. Thêm vào đó là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sẽ khiến tình hình càng xấu thêm. Tình trạng thiếu nước sẽ dẫn đến một loạt hậu quả như sản xuất lương thực bị suy giảm, hoạt động di cư tại cả trong và ngoài nước,... gây căng thẳng về kinh tế và địa chính trị. Dần dần, những hậu quả đó sẽ tác động sâu sắc đến an ninh toàn khu vực. Vì vậy, cuộc "cách mạng xanh" kể trên được coi là giải pháp hữu hiệu nhằm tìm ra các giải pháp sử dụng nước trong nông nghiệp một cách hiện đại và hiệu quả hơn. Mục tiêu của cuộc "cách mạng xanh" này là tăng gấp đôi sản lượng lương thực và giảm tỷ lệ nước tưới tiêu trong nông nghiệp xuống còn 65% tổng nhu cầu sử dụng nước của châu Á. Hiện tỷ lệ này ở một số nước châu Á lên tới 90%.


 

Phát triển nguồn nước


 

Là một trong những nước thuộc vùng hạ lưu Ðịa Trung Hải bị thiếu nước nặng nề, An-giê-ri đã thực thi chính sách ưu tiên phát triển nguồn nước với những khoản đầu tư khổng lồ cho việc xử lý nước biển thành nước ngọt. Hiện An-giê-ri có 14 nhà máy xử lý nước biển thành nước ngọt có thể cung cấp một triệu m3 nước/ngày. Ngoài ra, An-giê-ri còn có một số chủ trương khác như khai thác mạch nước ngầm, chống thất thoát nước và xây dựng thêm nhiều đập chứa nước mới. Hiện An-giê-ri đã xây được 72 đập chứa nước, trong đó có 12 đập được xây dựng trong năm 2009. Trong kế hoạch từ nay đến năm 2025, An-giê-ri sẽ tiến hành kết nối các đập nước với nhau nhằm bảo đảm việc cung cấp nước ngọt cho người dân ở mọi vùng miền, kể cả những vùng sâu, vùng xa. An-giê-ri cũng đã quyết định đầu tư 19 tỷ USD để phát triển nguồn nước, trong khuôn khổ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2009-2014.


 

Tại Mê-hi-cô, nhằm khắc phục tình trạng thiếu nước, Chính phủ nước này giao cho Ủy ban nước toàn quốc của Mê-hi-cô (CONAGUA) lên kế hoạch xây dựng đập chứa nước, khoan giếng nước ngầm tại các bang, trước mắt khẩn trương khoan 39 giếng khai thác nước ngầm tại khu vực thủ đô, đồng thời kêu gọi người dân tăng cường tiết kiệm nước và hạn chế tối đa tình trạng thất thoát nước.


 

 

                                                    Theo ND

Các tin khác


Tương lai không còn ''ô nhiễm trắng''

"Ngay trong ngôi nhà của mình, bạn có thể thấy rất nhiều thứ, từ vỏ bọc thực phẩm, chậu hoa cho đến các loại dụng cụ, đều bằng nhựa. Nhựa sẽ đi đâu sau khi không được sử dụng nữa? Chúng không bị phân hủy. Kể cả khi được chôn lấp, nhựa vẫn tồn tại hàng trăm năm và các hạt vi nhựa sẽ làm ô nhiễm hệ sinh thái xung quanh".

Tổng tham mưu trưởng IDF phê duyệt kế hoạch tiếp tục chiến dịch ở Gaza

Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Trung tướng Herzi Halevi đã phê duyệt các kế hoạch tiếp tục cuộc chiến chống lực lượng Hamas ở Dải Gaza.

Nổ súng vào đám đông dự tiệc ở Mỹ, ít nhất 2 người thiệt mạng

Ít nhất 2 người đã thiệt mạng và 6 người khác bị thương trong vụ nổ súng tại một bữa tiệc đường phố ở thành phố Memphis, bang Tennessee của Mỹ.

Ít nhất 58 người đi dự đám tang thiệt mạng trong vụ lật thuyền ở CH Trung Phi

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 20/4, giới chức địa phương cho biết ít nhất 58 người đi dự đám tang đã thiệt mạng sau khi chiếc thuyền chở quá tải của họ bị lật úp ở thủ đô Bangui của Cộng hòa Trung Phi trước đó một hôm.

Panama hồi hương nhiều cổ vật thời kỳ tiền Colombo

Phóng viên TTXVN tại châu Mỹ dẫn thông báo ngày 19/4 của Bộ Văn hóa Panama (Micultura) cho biết cơ quan này đã thu hồi thành công 36 cổ vật có từ thời kỳ tiền Colombo từ các nhà sưu tập cá nhân tại Italia và Mỹ.

Động đất có độ lớn 5,6 làm rung chuyển tỉnh Tokat của Thổ Nhĩ Kỳ

AFAD cho biết chấn tiêu của trận động đất được xác định nằm ở thị trấn Sulusaray thuộc tỉnh Tokat, cách thủ đô Ankara khoảng 450 km về phía Đông. Trong khi đó, kênh truyền hình tư nhân NTV đưa tin rung chấn cũng lan đến các tỉnh lân cận của Tokat.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục