Năm 2018, một trong những cái tên xuất hiện nhiều nhất trên các phương tiện thông tin đại chúng, khiến dư luận đặc biệt quan tâm, chính là Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ "nhôm,” Chủ tịch Công ty Cổ phần Nova Bắc Nam 79.


Bị cáo Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm”) tại phiên tòa. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN )

Dư luận đặc biệt quan tâm trước hết vì những hành vi phạm tội của Phan Văn Anh Vũ là rất nghiêm trọng, gây hậu quả nặng nề cho Nhà nước và xã hội.

Liên quan đến đối tượng này, còn có hàng loạt cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo một số tỉnh, thành phố, đã và đang công tác trong lực lượng công an vướng vào lao lý, do những sai phạm về quản lý đất đai, công sản.

Những sai phạm của Phan Văn Anh Vũ và các tổ chức, cá nhân liên quan không chỉ gây thất thoát nguồn lực đất đai và ngân sách Nhà nước, làm méo mó môi trường kinh doanh và sự cạnh tranh lành mạnh, mà còn gây ra hàng loạt vụ khiếu kiện, tố cáo vượt cấp, tụ tập phản đối đông người, gia tăng bức xúc, căng thẳng và mất trật tự an ninh, an toàn xã hội...

Ngày 20/12/2017, Phan Văn Anh Vũ, sinh năm 1975, trú tại số 82 Trần Quốc Toản, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, bị cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can về tội "Cố ý làm lộ tài liệu bí mật Nhà nước” theo Điều 263 Bộ luật Hình sự.

Tuy nhiên, khi đó Phan Văn Anh Vũ đã bỏ trốn. Ngày 21/12/2017, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an ra quyết định truy nã đối với Phan Văn Anh Vũ; khi bỏ trốn, Phan Văn Anh Vũ đã vi phạm Luật Di trú của Singapore và bị trục xuất.

Ngày 4/1/2018, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã tiến hành tiếp nhận bắt bị can Phan Văn Anh Vũ.

Tiếp đó, ngày 7/2/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, Quyết định khởi tố bị can đối với Phan Văn Anh Vũ về hành vi "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” để điều tra, làm rõ toàn bộ hành vi vi phạm pháp luật của Phan Văn Anh Vũ và các cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc mua, bán các nhà, đất công sản tại địa bàn thành phố Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố khác.

Trục lợi từ nhà, đất công sản


Theo kết luận thanh tra năm 2013, trong khoảng thời gian từ năm 2000-2015, Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm”) và các công ty được cho là của Vũ "nhôm" đã lần lượt thâu tóm cả trăm nhà, đất công sản ở những vị trí đắc địa tại trung tâm thành phố Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố khác.

Đáng lưu ý, việc mua bán, chuyển nhượng các công sản này phần lớn không được công khai, không qua đấu giá và có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật...

Lợi dụng chính sách Nhà nước, hàng loạt nhà, đất công sản mà các doanh nghiệp nhà nước thuê, sử dụng lâu dài làm trụ sở, kho bãi, cửa hàng... đã bị các doanh nghiệp này xin ưu tiên mua lại (không qua đấu giá), sau đó cùng với Công ty Quản lý nhà công sản tiếp tay cho Phan Văn Anh Vũ thâu tóm.

Ngay sau khi được chính quyền phê duyệt cho bán thì lập tức khối công sản này về tay Vũ "nhôm" bằng cách sang nhượng kiếm lời ngay hoặc đầu tư, chia lô bán thu lời cao hơn.

Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công an xác minh, làm rõ dấu hiệu cố ý làm trái, vi phạm các quy định của pháp luật đất đai và đầu tư xây dựng; hành vi chuyển nhượng đất trái pháp luật thu lợi số tiền lớn, gây thất thu ngân sách Nhà nước trong một số dự án liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ tại thành phố Đà Nẵng.

Nhưng phải đến năm 2017, khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát hiện một số sai phạm liên quan đến nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, các dự án mua bán, chuyển nhượng bất động sản có dấu hiệu bất thường của Vũ "nhôm” đã dần được phát lộ.

Giữa tháng 9/2017, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an ra Văn bản 817/ANDT (P4) đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng phối hợp điều tra, xác minh, làm rõ những sai phạm trong việc thực hiện 9 dự án và mua, chuyển nhượng 31 nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước tại thành phố Đà Nẵng.

Hàng loạt quan chức vướng sai phạm

Sau khi Vũ "nhôm” vướng lao lý, hàng loạt cán bộ, quan chức, cựu quan chức của Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, cũng lần lượt bị khởi tố. Tính đến nay, đã có hơn 20 người bị khởi tố vì vướng vào sai phạm liên quan tới Vũ "nhôm."

Trong đó, ông Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng (giai đoạn 2006-2011); Văn Hữu Chiến, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng (giai đoạn 2011-2014) bị khởi tố về các hành vi: "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 và "Vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai” quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an cũng đã ra các quyết định khởi tố bị can đối với nhiều cán bộ khác của thành phố Đà Nẵng như Nguyễn Điểu, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường thành phố Đà Nẵng; Trần Văn Toán, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường thành phố Đà Nẵng; Lê Cảnh Dương, nguyên Giám đốc Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư thành phố Đà Nẵng; Đào Tấn Bằng, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, nguyên Bí thư Đảng ủy khối các Khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng cùng về hành vi "Vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai.”.

Ngoài ra còn có Nguyễn Viết Vĩnh, nguyên Trưởng phòng Quản lý đô thị, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, nguyên Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa; Nguyễn Văn Cán, nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng; Phan Xuân Ít, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng...

Tiếp tục mở rộng điều tra vụ án Vũ "nhôm” xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong tháng Chín vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố vụ án cùng một số cán bộ, gồm: Nguyễn Hữu Tín, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; Đào Anh Kiệt, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh; Lê Văn Thanh, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; Nguyễn Thanh Chương, nguyên Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Không chỉ các quan chức, cựu quan chức tỉnh, thành phố, nhiều cán bộ thuộc lực lượng vũ trang cũng bị kỷ luật, phải đối diện với pháp luật trong các sai phạm liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm).

Ông Phan Hữu Tuấn, nguyên Tổng cục phó Tổng cục của Bộ Công an; ông Nguyễn Hữu Bách, cán bộ Bộ Công an cùng bị khởi tố về hành vi Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước.

Hai người này sau đó lần lượt lĩnh án tù tại phiên tòa cuối tháng Bảy vừa qua cùng Vũ "nhôm.” Tiếp đó, hai cựu Thứ trưởng Công an Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân bị khởi tố do liên quan đến Phan Văn Anh Vũ về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng."

Cũng trong năm 2018, vào cuối tháng 11 vừa qua và đầu tháng 12 này, Vũ "nhôm” tiếp tục phải hầu tòa trong vụ án xảy ra thiệt hại hơn 3.600 tỷ đồng của Ngân hàng Đông Á (DAB).

Tại phiên tòa lần này, Vũ "nhôm" bị tuyên phạt 17 năm tù về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”./.

 

             TheoVietnamplus

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật giao thông cho học sinh

Thời gian qua, Công an huyện Tân Lạc đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) cho học sinh, nhất là học sinh tại các xã vùng cao, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật giao thông cho lứa tuổi học đường.

Triệu tập người bán dứa cho du khách nước ngoài với giá "cắt cổ"

Sau khi yêu cầu Công an của 18 phường trên địa bàn quận rà soát, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã xác định và mời người bán hàng rong lên trụ sở để làm rõ việc bán 3 quả dứa cho khách du lịch nước ngoài với giá 500.000 đồng.

Cảnh báo nguy cơ tấn công mã hoá đánh cắp dữ liệu nhân sự

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông - TT&TT), chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đang điều tra một cuộc tấn công mạng sau khi các tác nhân đe dọa vi phạm hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) để đánh cắp dữ liệu nguồn nhân lực.

Quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên gây rối trật tự công cộng

Thời gian qua, lực lượng Công an toàn tỉnh liên tiếp phát hiện, ngăn chặn nhiều nhóm đối tượng thanh, thiếu niên (TTN) điều khiển phương tiện không chấp hành quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, mang theo hung khí nguy hiểm gây rối trật tự công cộng (TTCC). Điều này gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Đâu là nguyên nhân và làm gì để quản lý, giáo dục, phòng ngừa tội phạm vi phạm pháp luật (VPPL) trong TTN?

Tìm người bị hại trong vụ án “Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép”

Ngày 25/4, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh cho biết, đơn vị hiện đang điều tra vụ án "Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép”, xảy ra trên địa bàn tỉnh theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 01/QĐ-ANĐT-Đ2 ngày 14/02/2024.

Phường Thống Nhất cần sớm giải quyết dứt điểm trường hợp xây dựng lấn chiếm đất

Qua đường dây nóng, Báo Hòa Bình nhận được thông tin kiến nghị của bà Đỗ Thị Dung, trú tại xã Tinh Nhuệ, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ); đại diện hộ ông Đỗ Văn Tuận và bà Nguyễn Thị Liễu, tổ 6, phường Thống Nhất đề nghị UBND phường Thống Nhất và các cơ quan chức năng TP Hòa Bình giải quyết dứt điểm việc hộ ông Vũ Công Tuyên xây dựng nhà xưởng trái phép, lấn chiếm đất của các hộ giáp ranh ở thửa đất tại tổ 6, phường Thống Nhất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục