(HBĐT) -Cần tiền cấp bách, tin tưởng cán bộ tín dụng, nhiều người quyết định ký giấy ủy quyền vay mà không biết nguy cơ gánh nợ rất cao.

Tháng 4/2018, do cần tiền để sửa nhà, bà Bùi Thị Mão ở xã Thung Nai (Cao Phong) có nhu cầu vay 30 triệu đồng. Vì là cán bộ hưu trí, hàng tháng vẫn lấy lương qua điểm Bưu điện văn hóa xã, vì vậy, bà Mão quyết định vay theo hình thức thế chấp sổ lương hưu tại một ngân hàng trong hệ thống trả lương hưu. Hàng tháng, bà Mão trả góp qua lương cả gốc và lãi. Theo kế hoạch, đến tháng 11/2019, bà Mão hoàn thành trả nợ. Tuy nhiên, đến tháng 9, gia đình bà Mão mới tá hỏa khi được biết vẫn đang gánh khoản nợ 150 triệu đồng. Lý do ngân hàng đưa ra là bà đã cho một cán bộ Bưu điện huyện Cao Phong trước đây vay ké số tiền 120 triệu đồng.

Trao đổi về vấn đề này, bà Mão cho biết: Vì tin tưởng nhân viên bưu điện nhiều năm phát lương hưu nên khi có ý định vay, tôi đã trao đổi với nhân viên Bưu điện văn hóa xã Thung Nai, qua đó, tôi được một người xưng là Thảo, làm ở Bưu điện huyện Cao Phong hướng dẫn chỉ cần gửi chứng minh nhân dân, cô Thảo sẽ làm toàn bộ hồ sơ giúp tôi. Tôi gửi chứng minh nhân dân, sau đó nhận tiền về qua bưu điện, còn hồ sơ vay vốn tôi không được ký.

Sau khi sự việc xảy ra, gia đình bà Mão đã làm đơn khiếu nại gửi các cấp có thẩm quyền về việc cán bộ lợi dụng chức quyền, giả mạo hồ sơ, chữ ký vay ké khách hàng làm thiệt hại kinh tế, chính sách cán bộ nghỉ hưu. Trong lúc chờ cơ quan chức năng vào cuộc, hàng tháng, bà Mão vẫn phải nai lưng đóng trả số tiền vay mà bản thân bà không được sử dụng. Bà Mão chia sẻ: Lương tháng được hơn 4,7 triệu đồng mà tháng nào cũng chỉ cầm về hơn 400 nghìn đồng, chỉ vì tin tưởng cán bộ mà giờ khổ đến thân. 

Trường hợp bà Mão không phải là duy nhất bị lừa thông qua hình thức ủy quyền thế chấp vay ngân hàng. Thực tế, có nhiều vụ việc liên quan đến đối tượng gom sổ đỏ tín chấp vay vốn ngân hàng rồi bỏ trốn. Nhiều người chỉ vì cần một khoản tiền gấp nhưng ngại làm thủ tục vay vốn, tin vào lời hứa trả hộ lãi vay hàng tháng nếu đồng ý cho vay ké, đã giao sổ đỏ của mình cho người khác để làm thủ tục vay vốn và bị lừa đến mất nhà, mất đất. 

Đồng chí Bùi Duy Thương, cán bộ Đội Điều tra tổng hợp - Công an huyện Cao Phong cho biết: Hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua ủy quyền tín chấp vay vốn ngân hàng là loại tội phạm đã xuất hiện nhiều năm nay. Hình thức chủ yếu lợi dụng sự tin tưởng của người khác, đối tượng lừa đảo đứng ra ủy nhiệm tín chấp vay vốn ngân hàng với lời hứa thủ tục giải quyết nhanh chóng. Có 2 hình thức thế chấp là sổ đỏ và lương. Thậm chí nhiều người đã mất nhà, vì tin tưởng giao sổ đỏ ủy nhiệm thế chấp vay vốn. Những người thường dễ bị mắc lừa là cán bộ hưu trí hoặc người già ở nông thôn. Ngoài ra, việc vay nợ qua các tổ chức tín dụng đen cũng dễ có nguy cơ mất tài sản. Vì lãi suất qua tín dụng đen rất cao, tính lãi theo thang bậc. Nhiều người dù có tài sản, nhưng vì ngại "đụng" các thủ tục vay vốn đã lựa chọn vay ngoài, dẫn đến mất tài sản. 

Theo đồng chí Đinh Hữu Hạnh, Chánh Thanh tra Sở Tư pháp, việc vay nợ bằng hợp đồng ủy quyền tính rủi ro rất cao. Nếu gặp đối tượng lừa đảo, người vay dễ có nguy cơ mất trắng. Vì nếu chứng minh được hợp đồng ủy quyền vay là giả thì hợp đồng mới được vô hiệu hóa, còn trong trường hợp hợp đồng ủy quyền vay là thật thì rủi ro pháp lý cao hơn nhiều. Từ thực tế đó, người dân, nhất là cán bộ hưu trí, người già có tài sản cần hết sức chú ý khi làm thủ tục vay vốn. Cần nghiên cứu, đọc kỹ hồ sơ trước khi đặt bút ký, trong đó đặc biệt quan tâm số tiền vay, thời hạn và kế hoạch trả nợ, tránh bị lừa mất tài sản hoặc gánh nợ oan. 

P.L

Các tin khác


Triệu tập người bán dứa cho du khách nước ngoài với giá "cắt cổ"

Sau khi yêu cầu Công an của 18 phường trên địa bàn quận rà soát, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã xác định và mời người bán hàng rong lên trụ sở để làm rõ việc bán 3 quả dứa cho khách du lịch nước ngoài với giá 500.000 đồng.

Cảnh báo nguy cơ tấn công mã hoá đánh cắp dữ liệu nhân sự

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông - TT&TT), chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đang điều tra một cuộc tấn công mạng sau khi các tác nhân đe dọa vi phạm hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) để đánh cắp dữ liệu nguồn nhân lực.

Quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên gây rối trật tự công cộng

Thời gian qua, lực lượng Công an toàn tỉnh liên tiếp phát hiện, ngăn chặn nhiều nhóm đối tượng thanh, thiếu niên (TTN) điều khiển phương tiện không chấp hành quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, mang theo hung khí nguy hiểm gây rối trật tự công cộng (TTCC). Điều này gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Đâu là nguyên nhân và làm gì để quản lý, giáo dục, phòng ngừa tội phạm vi phạm pháp luật (VPPL) trong TTN?

Tìm người bị hại trong vụ án “Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép”

Ngày 25/4, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh cho biết, đơn vị hiện đang điều tra vụ án "Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép”, xảy ra trên địa bàn tỉnh theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 01/QĐ-ANĐT-Đ2 ngày 14/02/2024.

Phường Thống Nhất cần sớm giải quyết dứt điểm trường hợp xây dựng lấn chiếm đất

Qua đường dây nóng, Báo Hòa Bình nhận được thông tin kiến nghị của bà Đỗ Thị Dung, trú tại xã Tinh Nhuệ, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ); đại diện hộ ông Đỗ Văn Tuận và bà Nguyễn Thị Liễu, tổ 6, phường Thống Nhất đề nghị UBND phường Thống Nhất và các cơ quan chức năng TP Hòa Bình giải quyết dứt điểm việc hộ ông Vũ Công Tuyên xây dựng nhà xưởng trái phép, lấn chiếm đất của các hộ giáp ranh ở thửa đất tại tổ 6, phường Thống Nhất.

Công an thành phố Hòa Bình bắt đối tượng trộm từng có 3 tiền án

Nhận tin báo của người dân về việc bị kẻ gian đột nhập trộm nhiều tài sản có giá trị, Công an TP Hòa Bình nhanh chóng vào cuộc xác minh, truy xét. Sau 3 giờ tích cực điều tra, đối tượng thực hiện vụ đột nhập trộm tài sản đã được làm rõ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục