Đối tượng Lò Văn Sam.

Đối tượng Lò Văn Sam.

Vùng rừng núi phía Bắc nước ta vốn lắm chuyện lạ. Tại đây đã xảy những vụ án mà kể ra có thể người dưới xuôi sẽ cho là "bịa", song lại là thật 100%. PV Chuyên đề ANTG vừa có một thời gian dài lặn lội với lực lượng công an các tỉnh miền núi phía Bắc để thông tin tới bạn đọc những vụ án vào loại "độc nhất vô nhị".

 

Kỳ I: Bị "xử đẹp" do nghi là... ma chài

Chỉ nghi là "ma chài" mà một số người dân ở Lai Châu đã "thế thiên hành đạo", tự cho mình cái quyền tước đi mạng sống của người khác. Khi phải đứng trước vành móng ngựa thì họ mới biết rằng mình đã phạm tội tày đình.

Phá án nhờ Quyết định kỳ quặc

Những ngày đầu mùa hè năm 2000, nhiều hộ dân ở xã Thanh An và Noong Hẹt (huyện Điện Biên, tỉnh Lai Châu cũ) ngơ ngác trước một quyết định có phần... kỳ quặc của Công an huyện. Đó là, mỗi người dân không phân biệt độ tuổi, giới tính... bất kỳ ai biết chữ đều phải viết một lá đơn, trong đó cam kết sẽ không phá mầm của loại "hạt bay" được gieo trên địa bàn xã.

Chả là, thời gian đó Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu thực hiện kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành thí điểm việc gieo cây keo tai tượng bằng cách dùng máy bay thả hạt giống. Không biết loại keo này quý hiếm đến đâu mà lực lượng Công an, dân quân, tự vệ trong xã được huy động tới từng nhà người dân, "canh me" từng người viết đơn một, quyết không để sai sót bất kỳ khâu nào.

Cùng thời điểm, Thượng tá Nguyễn Đình Du, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC14) Công an tỉnh Điện Biên (khi ấy còn là Thiếu tá - Đội trưởng Đội Hướng dẫn điều tra án, thuộc PC14 Công an tỉnh Lai Châu) cùng Ban chuyên án  (BCA) đang hết sức đau đầu vì một vụ trọng án có tính chất man rợ đã kéo dài hàng nửa năm trời mà vẫn lâm vào ngõ cụt.

Trước đó, tháng 4/2000, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lai Châu nhận được tin báo tại đồi cây xóm Đán Đanh (xã Thanh An) phát hiện một xác chết. Cơ quan Công an đã thành lập hội đồng khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi. Kết quả xác minh, nạn nhân là cháu Lò Thị Anh (9 tuổi), con ông Lò Văn Pản và bà Lò Thị Khẹt trú cùng ở địa chỉ trên. Cháu Anh bị mất tích từ ngày 12/3/2000 mà không rõ nguyên nhân. Giám định pháp y kết luận tử thi bị tổn thương cung hàm dưới, mất bàn tay phải, chân trái bị mất 1/3 dưới đùi, mất một bên tai...

Thượng tá Du cho chúng tôi biết, ban đầu hướng điều tra của vụ án là về một loại tội phạm mới xuất hiện. Theo một nguồn thông tin mà BCA nhận được thì có khả năng, cháu Anh bị các đối tượng buôn bán nội tạng trẻ em bán ra nước ngoài. Bọn chúng rêu rao cẳng chân, cẳng tay, tai và... thận của trẻ con là có giá nhất, bán được hàng ngàn USD. BCA đã cử những trinh sát thiện chiến nhất, tiến hành điều tra theo hướng này, kiên quyết phanh phui đường dây nếu quả là có chuyện đó.

Tuy nhiên, sau một thời gian dài tiến hành xác minh, các nguồn tin báo về đều không phát hiện đường dây buôn bán nội tạng trẻ em nào trên địa bàn.

Cán bộ PC21, Công an Điện Biên tiến hành nhận dạng chữ viết

Cuộc điều tra tưởng như đã đi vào bế tắc thì đột nhiên một ngày, BCA nhận được một lá thư tố giác tội phạm nặc danh. Người này khẳng định bà Tòng Thị Em (người cùng bản) chính là thủ phạm của vụ án. Nhưng sau khi tiến hành xác minh, bà Em có những chứng cứ ngoại phạm nên BCA được một phen... mừng hụt.

Nhớ lại thời gian ấy, Thượng tá Du tâm sự: "Vụ án còn bế tắc ngày nào thì chúng tôi mất ăn mất ngủ ngày ấy. Người dân trông chờ, cấp trên tin tưởng, cũng chính là sức ép khiến cho "tướng" lẫn "quân" đều thực sự đau đầu vì chưa thể giải được bài toán trên". Đã có những nghi ngờ về trình độ nghiệp vụ của các cán bộ, chiến sĩ (CBCS).

Trong khi mọi phương án đưa ra vẫn chưa ló được tia hy vọng gì thì một trinh sát trình bày ý kiến: "Hay là ta lần theo người viết lá thư nặc danh". Thượng tá Du như người đang ngủ mơ được đánh thức, lập tức lên kế hoạch tìm manh mối trên. Hàng chục CBCS được cử xuống hai xã, đề nghị người dân viết đơn tố giác tội phạm trên địa bàn. Sau khi thu được kết quả, đem về đối chiếu với lá thư nặc danh, một lần nữa BCA lại thất vọng: "Hàng trăm bản tự dạng viết tay mà không có bản nào giống với lá thư tố giác được gửi qua đường bưu điện".

Ngày đêm trăn trở, lật đi lật lại các bản tự dạng, Thượng tá Du đặt nghi vấn: "Nhỡ có ai đó viết hộ thì sao?". Một câu hỏi các anh đặt ra là: Tại sao không lần tìm từ những lá đơn cam kết không phá mầm “hạt bay” của người dân?(gieo hạt keo tai tượng, như phần đầu bài đã đề cập).

Một hướng đi khác của các điều tra viên được mở ra. Trung tá Hoàng Xuân Châu, Đội trưởng Đội Trinh sát PC14 - Công an tỉnh Điện Biên, nguyên điều tra viên PC14 - Công an tỉnh Lai Châu kể lại: Khi đối chiếu với lá đơn của người dân cam kết "không phá mầm của loại hạt bay" gieo trên địa bàn xã, lúc đồng chí và đồng đội nhìn thấy ông Lò Văn Sam (Đán Đanh, Thanh An, Điện Biên) viết những dòng đầu tiên: "Kính gửi Công an huyện Điện Biên" thì cả nhóm không ai bảo ai đều bật hết cả dậy. Chữ viết trong bản này so với lá thư nặc danh rất giống nhau. Sau khi xin ý kiến BCA, đối tượng Lò Văn Sam lập tức được mời về Cơ quan Công an để xác minh.

Quả là trời muốn thử thách lòng người. Sau khi lấy lời khai và đối chiếu thời gian địa điểm xảy ra vụ án thì cho ra kết quả nghi can số 1 - Lò Văn Sam - cũng lại có chứng cớ ngoại phạm. Lúc đưa được Sam về Cơ quan điều tra, cả "quân" lẫn "tướng" hy vọng bao nhiêu thì lúc phải trả Sam về địa phương họ lại thất vọng bấy nhiêu.

Thế nhưng, một sự kiện mà không ai lường bỗng dưng xảy đến mở ra bước ngoặt cho vụ án...

Lò Văn Chung và Hồ sơ vụ giết người do nghi là ma chài

Hung thủ lộ diện

Sau khi Lò Văn Sam được trả về địa phương một thời gian, bỗng dưng ông này nảy nòi... đánh mắng vợ con tàn tệ. Đặc biệt, theo một nguồn tin từ quần chúng thì Sam còn uống thuốc sâu tự tử và rồi tự châm lửa đốt nhà. Tuy nhiên, may cho ông ta là hôm đó trời mưa, bà con dân bản nghỉ không đi làm nương nên đã sang cứu kịp thời. Những động thái này không thể thoát khỏi con mắt lão luyện của các điều tra viên dày dạn kinh nghiệm. Lập tức, nhiều biện pháp tác động tới Sam và những người thân của Sam, nhằm lý giải hành động khác thường từ người đàn ông này, được các trinh sát khéo léo thực hiện.

Và cho tới ngày 11/9/2000, nguồn tin từ BCA cho biết, vợ của Lò Văn Sam là Lò Thị Chum cùng con trai, con gái do bị dọa giết đã đến Cơ quan Công an tố cáo con, anh mình là Lò Văn Chung chính là thủ phạm gây ra cái chết cho cháu Lò Thị Anh. Qua kiểm tra, xác minh thấy những lời khai của Lò Thị Chum là có cơ sở, ngay hôm sau Cơ quan Công an đã ra lệnh bắt khẩn cấp Lò Văn Chung và Lò Văn Sam.

Tại Cơ quan điều tra, 2 đối tượng đã cúi đầu nhận tội. Nội tình của vụ án đã được làm rõ. Khoảng 12 giờ ngày 2/3/2000, cháu Lò Thị Anh đến nhà Lò Văn Chung chơi, đồng thời bế đứa con nhỏ của Chung (mới 4 tháng tuổi) trêu đùa. Không ngờ cháu bé cứ khóc mãi, ai dỗ cũng không chịu nín. Cho tới 2 hôm sau mà cháu bé vẫn cứ khóc ngằn ngặt.

Nghi cháu Anh là "ma" đã "ám quẻ" con mình, Chung tức lắm. Tới ngày 12/3, Chung cầm cây củi đi đuổi trâu thì thấy cháu Anh một mình hái rau ở khu ruộng gần nhà mình thì nổi cơn điên. Chung cầm gậy đánh 2 nhát vào đầu khiến cháu Anh tử vong ngay tại chỗ. Thấy cháu Anh đã ngừng thở, Chung đưa cháu xuống bờ suối gần đó, lấy bùn đắp lên xác cháu, rồi dùng cỏ rác lấp lên trên để tránh bị phát hiện.

Sáng hôm sau, Chung gặp bố đẻ kể lại chuyện rồi bàn với bố là phải đem đi chỗ khác chôn vì sợ gia đình nạn nhân phát hiện. 12 giờ đêm ngày 14/3, hai bố con Chung mang theo xẻng, bao tải đi lấy xác cháu Anh và khiêng xuống hốc hướng Thanh An cách bản hơn 1km để chôn. Do vội vàng nên đã đào huyệt khá nông. Đêm hôm sau, Chung ra kiểm tra thì thấy một tay, một chân cháu Anh trồi lên do nước mưa xối liền lấy xẻng chặt đứt rồi ném xuống suối, lại khỏa đất lên rồi đi về nhà.

Sau 6 tháng trời ròng rã, vụ án đã được giải quyết. Song đối với Thượng tá Du thì vui vì đã tìm ra thủ phạm thì ít, song buồn nhiều hơn vì chỉ bởi một lý do rất vu vơ mà một cháu bé vô tội đã bị sát hại. Trung tá Đinh Văn Hán nguyên là Phó BCA hồi đó, kể lại: "Ngồi lấy lời khai của Lò Văn Chung mà tôi phải dằn lòng mình, bởi sự thản nhiên trước tội ác của hắn. Đến khi bị bắt, Chung vẫn tự hỏi không hiểu tại sao giết cháu Anh rồi mà con mình không khỏi ốm!?”.

Ngỡ là ma chài - bị ép ăn lá ngón đến chết

Năm 1999, Lầu Thủ Pó trú tại bản Nà Sản (Sa Dung, Điện Biên Đông, Lai Châu) là một thầy cúng "a ma tơ" cũng đã bị "xử đẹp" do bị nghi là "ma chài". Tuy nhiên, vụ án chỉ được làm rõ sau đó tới 2 năm vì Pó sau khi bị hạ sát còn bị ném xuống vực sâu. Phải bằng tinh thần kiên quyết đấu tranh chống tội phạm tới cùng, lực lượng Công an tỉnh Lai Châu đã tìm ra thủ phạm để trừng phạt chúng trước pháp luật, làm gương cho những kẻ khác.

Sự việc bắt đầu khi mà  một người đàn bà đẹp, khỏe khoắn, mới ngày hôm qua còn nhoay nhoáy đi nương - là vợ của Lầu Dúa Khứ ở bản Nà Sản B, xã Sa Dung - bỗng dưng lăn đùng ra ốm. Sau khi chữa trị bằng một vài bài thuốc cổ truyền, thấy vợ không khỏi, Khứ lập tức nghi ngờ Lầu Thủ Pó đã làm ma chài hại vợ mình.

Khám nghiệm hiện trường vụ Lầu Thủ Pó bị ép ăn lá ngón rồi vứt xuống vực sâu

Tự lượng sức mình chưa đủ để bắt được Pó, Khứ liền rủ thêm Lầu Phó, Lầu Vả Mua, Lầu Bua Dơ, Lầu Giống Nếnh, Lầu Giả Nu, Lầu Giống Sùng. Cả nhóm kéo nhau đi huyện Điện Biên Đông của tỉnh Điện Biên, cắt rừng núi đi mãi sang phía Mường Báng (huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La). Nghe tin Lầu Thủ Pó đang ở nhà ông Lầu Khua Sử, bản Tư Làng, Mường Báng cả bọn chạy như cơn gió núi đi tìm bắt Lầu Thủ Pó. Bọn chúng lấy dây thừng trói Lầu Thủ Pó, dong dọc các bản suốt một ngày đường mới về đến Nà Sản B.

Sau khi ép Pó phải chữa khỏi bệnh cho hai phụ nữ ở Nà Sản B nhưng không có kết quả, Khứ ra phán quyết "phải giết con ma chài này". Và cái chết dành cho Pó là phải tự ăn lá ngón. Một nắm lá ngón được hái về và Pó bị ép nhai bằng sạch. Sau ít phút, Pó sùi bọt mép và lăn ra tắt thở. Khứ và đồng bọn liền kéo xác Pó đi, rồi dùng đòn tre khênh vứt xuống vực sâu hàng vài trăm mét, nơi có khoảnh nương của ông Sống Cha. Bọn chúng bảo nhau: “Thằng này nghiện, sống vất vưởng, vứt đi là đúng, chứ ai lại làm ma nó”. Cả bọn lại bàn nhau: “Nếu ai hỏi thằng Pó đi đâu, cứ bảo nó trốn sang bên kia biên giới mất rồi”. Xong, cả lũ kéo nhau về nhà Khứ uống rượu và... quên luôn con "ma chài" ở đó.

Thế nhưng các cán bộ PC14 Công an tỉnh Lai Châu lại không quên. Trung tá Nguyễn Quốc Toản, nguyên điều tra viên PC14 Công an tỉnh Lai Châu - người đã kiên quyết phải "làm cho ra vụ mất tích của Lầu Thủ Pó" chia sẻ. Sau khi thuyết phục một người dân quân kể lại về cái chết của Pó, Trung tá Toản cùng đồng đội tiến hành tìm xác của anh ta. Mặc dầu Pó bị vứt xuống một thung lũng và qua 2 mùa đốt nương, da thịt đã bị cháy gần hết song vẫn là bằng chứng tố cáo tội ác của Khứ và đồng bọn. 5 đối tượng tham gia bắt trói, giết Thủ Pó ở trong rừng rậm đã bị bắt. Riêng Lầu Vả Mua, tên hái lá ngón bắt Pó ăn rồi chết đã bỏ trốn sang bên kia biên giới, hiện đang bị truy nã...

                                                                                Theo Báo CAND

Các tin khác


Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái bị khởi tố, bắt tạm giam

Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang.

Bắt cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Trung tướng Tô Ân Xô cho biết cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Điều khiển xe mô tô lạng lách, quay video tung lên mạng, nam thanh niên bị xử phạt 7,5 triệu đồng

Công an huyện Mai Châu cho biết, đơn vị vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính Đinh Văn D. (SN 2003), trú tại xã Mai Hịch 7,5 triệu đồng về các hành vi vi phạm quy định đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Bắt đối tượng mua bán, tàng trữ ma túy với thủ đoạn tinh vi

Công an tỉnh Hoà Bình cho biết, trong 2 ngày 2 - 3/5, phòng Cảnh sát điều tra tội phạm (ĐTTP) về ma túy đã liên tiếp phát hiện 2 vụ, bắt 3 đối tượng về hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma tuý với thủ đoạn tinh vi.

Xã An Bình đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

Xác định xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc có vai trò quan trọng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm. Thời gian qua, xã An Bình, huyện Lạc Thủy đã có nhiều giải pháp sáng tạo, tích cực nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và người dân tham gia đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Tiếp bước Điện Biên, tiến lên giành “3 nhất”

Trung tá Bùi Mạnh Quyền, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Lạc Sơn cho biết: Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử và niềm tự hào của dân tộc Việt Nam; là sức mạnh tinh thần, nguồn cổ vũ, động viên to lớn, đồng thời để lại nhiều bài học quý giá đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục