Chiều 5-11, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gặp mặt các thành viên Hội đồng Chức danh giáo sư (GS) nhà nước, các tân GS, đại diện các tân phó giáo sư (PGS) được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh năm 2016.

 

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhiệt liệt chúc mừng các tân GS, đại diện tân PGS được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh năm 2016. Chủ tịch nước nhấn mạnh, dân tộc ta có nền văn hiến lâu đời, trong đó lòng hiếu học, tôn sư, trọng đạo, trọng dụng hiền tài đã trở thành đạo lý cao đẹp, là tài sản vô giá, được giữ gìn, liên tục tiếp nối từ đời này qua đời khác. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến sự nghiệp đào tạo, xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức, phát hiện và trọng dụng nhân tài, coi đó là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của đất nước. Đảng, Nhà nước, nhân dân ta luôn trân trọng ghi nhận, đánh giá cao những công lao của đội ngũ GS, PGS đã góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước, nhất là trong 30 năm đổi mới vừa qua.

 

 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang với các đại biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: TTXVN

 

Chủ tịch nước đề nghị các GS, PGS tiếp tục phát huy trí tuệ, kinh nghiệm, tập trung tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong hoạch định và triển khai các chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế... 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang giao nhiệm vụ cho Hội đồng Chức danh GS nhà nước tiếp tục nghiên cứu, đề xuất chính sách thu hút các GS, PGS là người Việt Nam ở nước ngoài và các GS, PGS là người nước ngoài tham gia đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của Việt Nam. Mục tiêu đặt ra là đưa nhanh các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của nước nhà hội nhập với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra trên toàn cầu, vượt qua thách thức, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến, sớm đưa nước ta thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Trước đó, Hội đồng Chức danh GS Nhà nước đã tổ chức lễ công bố quyết định và trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2016. Năm nay, Hội đồng Chức danh GS Nhà nước xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS lần thứ 25. Trong năm 2016, đã có thêm 65 ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS và 638 ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS.

Tại buổi lễ, chung vui với các tân GS, PGS, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, đội ngũ các nhà giáo, nhà khoa học, đặc biệt là các GS, PGS đã đóng góp to lớn vào sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp phát triển khoa học - công nghệ nói riêng và sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nói chung. Đất nước đang phát triển, xu hướng toàn cầu hóa, phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ càng khẳng định vai trò và tầm quan trọng của tri thức, đội ngũ trí thức, các nhà giáo, nhà khoa học. Theo Phó Thủ tướng, không chỉ là những nhà khoa học, nhà sư phạm giỏi trong nghiên cứu, trong giảng dạy, các GS, PGS còn là tấm gương về nhân cách trong nhà trường, trong nghiên cứu, trong giảng dạy, trong đời sống, trong xã hội. Dù pháp luật đã quy định rõ GS, PGS là chức danh khoa học do cơ sở giáo dục đại học bổ nhiệm nhưng GS, PGS cũng là chức danh được xã hội, được nhân dân đặc biệt tôn trọng.

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, để nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS, Bộ GD-ĐT đang phối hợp cùng Hội đồng Chức danh GS Nhà nước và các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo văn bản mới thay thế các quyết định của Thủ tướng quy định về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS để trình Thủ tướng phê duyệt. Dự thảo văn bản mới sẽ được xây dựng theo hướng tiếp cận với cách làm và chuẩn mực của các nước có nền giáo dục tiên tiến theo lộ trình thích hợp, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Năm nay, tân GS trẻ nhất là TS Trần Đình Thắng (41 tuổi), ngành hóa học, Trường Đại học Vinh, thuộc khu vực miền Trung, có nhiều thành tích khoa học và đào tạo xuất sắc với 75 bài báo quốc tế SCI, SCIE và tham gia ban biên tập của 2 tạp chí quốc tế có uy tín. Tân GS sử học Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH-NV - ĐHQG Hà Nội) có 10 công bố quốc tế, trong đó có 4 ISI và Scopus. PGS trẻ nhất là TS Trần Xuân Bách (32 tuổi), ngành y học, Trường Đại học Y Hà Nội, có 50 bài báo quốc tế SCI, SCIE, SSCI và Scopus, chỉ số H = 22, có nghĩa là tân PGS Trần Xuân Bách có 22 bài báo quốc tế chất lượng cao và mỗi bài trong số đó được trích dẫn 22 lần trở lên (ở Mỹ GS chỉ số H = 18); tham gia ban biên tập 2 tạp chí quốc tế có uy tín. Năm nay có một ứng viên xét đặc cách GS là TS Đào Văn Lập, Trường Đại học Công nghệ Swinburne, Australia, ngành vật lý với nhiều công trình và hoạt động khoa học xuất sắc, 110 bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế có uy tín.

Năm nay cũng ghi nhận những cặp vợ chồng, gia đình cùng được công nhận chức danh GS, PGS như: tân GS Trần Quốc Thành và vợ là tân PGS Dương Hải Hưng người dân tộc Nùng, cả hai cùng là giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội; tân PGS Nguyễn Hoàng Giang, ngành xây dựng, Trường ĐH Xây dựng và vợ là tân PGS Vũ Thu Trang, ngành công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; tân PGS Thái Minh Sâm và vợ là PGS Lê Anh Thư, cả hai đều là bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy. Hai anh em ruột đều là tân PGS là Nguyễn Đăng Hào và Nguyễn Thị Minh Hà, đều là giảng viên Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế…

 

 

                                                                                    Theo SGGP

Các tin khác


Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông

Trong tháng Tư vừa qua, Sở GD&ĐT phối hợp Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo "Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông” với mục đích trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh THPT trên địa bàn tỉnh; phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có đam mê trong lĩnh vực khoa học công nghệ và khơi dậy tinh thần, khát vọng khởi nghiệp trong giới trẻ.

Hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024.

Thực hiện các nhiệm vụ đột phá nâng cao chất lượng giáo dục

Toàn ngành Giáo dục Hòa Bình hiện có trên 18.540 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó có 1.466 cán bộ quản lý, 15.038 giáo viên, 2.040 nhân viên. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ với các ban, sở, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố; sự chỉ đạo sát sao của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), ngành đã triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác GD&ĐT, thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.

Học bạ 6 điểm/môn, thí sinh lưu ý việc cần làm để trúng tuyển đại học

Đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố điểm chuẩn học bạ năm 2024 với mức trung bình từ 5 - 8,5 điểm mỗi môn, phổ biến nhất là 6 điểm. Với mức điểm này, thí sinh cần làm gì để có thể trúng tuyển vào đại học theo phương thức xét tuyển bằng học bạ?

Ký kết phối hợp xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2024 – 2030

Ngày 25/4, tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh, các đơn vị: Hội Khuyến học tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Hội Giáo chức tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động khuyến học, khuyến tài (KHKT), xây dựng xã hội học tập (XHHT) giai đoạn 2024 - 2030.

Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức Gala review “Trang sách và cuộc đời”

Ngày 20/4, Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức chương trình Gala hoạt động trải nghiệm Review "Trang sách và cuộc đời”. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục