(HBĐT) - Nhắc đến giáo dục ở xã nghèo Tân Dân (Mai Châu), câu chuyện những thầy, cô giáo ngày dạy chữ, đêm ra sông Đà đánh cá để cải thiện bữa ăn cho học trò đã trở thành câu chuyện cổ tích giữa thời hiện đại. Trong đó, thầy Hiệu trưởng Hà Mạnh Quyết được ví như người mở đường để giáo dục vùng khó từng ngày khởi sắc.


Thầy giáo Hà Mạnh Quyết luôn hết lòng vì học sinh thân yêu.

Trong một ngày tiết trời khô ráo, từ TP Hòa Bình, chúng tôi vượt quãng đường dài 110 km với hành trình hơn 3 tiếng đồng hồ đi xe máy mới tới được trung tâm xã nghèo Tân Dân. Những ngày mưa gió, cung đường ngoằn ngoèo trở nên trơn trượt, đường về Tân Dân như xa hơn. ấy vậy mà, từ những năm 2009, đường về Tân Dân toàn là đất, đá lởm chởm, thầy Hà Mạnh Quyết đã lên "nằm vùng”, gieo chữ ở xã vùng cao này. Trước đó, thầy Quyết công tác ở xã Ba Khan, rồi Xăm Khòe, đều là những xã đặc biệt khó khăn của huyện Mai Châu. Thế nhưng, lên đến Tân Dân, mảnh đất khi đó còn nhiều hoang sơ, đời sống của bà con gặp vô vàn khó khăn. Do đó, hành trình "gieo” chữ gian nan hơn nhiều so với hai ngôi trường thầy đã công tác trước đó.

Thầy Quyết nhớ lại: Năm 2009, tôi về nhận công tác tại trường THCS xã Tân Dân. Đây là xã đặc biệt khó khăn, giao thông trắc trở. Xã có hai khu dân cư, một ở ven hồ sông Đà, khu còn lại ở trên cao. Có xóm cách xa trung tâm đến 15 km nên việc vận động học sinh đến lớp gặp rất nhiều khó khăn. Để con em mình có điều kiện đi học, phụ huynh phải dựng các lán trại bằng tre nứa ở quanh trường, rồi cho gạo, mắm muối xuống dưới này học. Nhìn các em thiếu thốn cái ăn, chỗ ở, chúng tôi thương lắm. Trăn trở mãi thì nhận thấy, ban đêm, bà con đi cất vó, quăng chài được khá nhiều tôm, cá nên tôi nảy ra ý định mua vó ra sông bắt cá để cải thiện bữa ăn cho các em. ý tưởng này nhận được sự đồng tình, ủng hộ, các thầy, cô giáo góp tiền mua một cái vó ở xã Tiền Phong (Đà Bắc) với giá 5 triệu đồng.

Ngày lên lớp, tối miệt mài bên những trang giáo án. 23 giờ, khi những trang giáo án gấp lại, thầy Quyết cùng các thầy, cô ra sông kéo vó, kiếm tôm, cá cho học trò. Đến 5 giờ sáng hôm sau, các thầy lại thức dậy kéo vó một lần nữa. Đã thành quen, ngày này qua tháng nọ, hôm may mắn bắt được nhiều tôm, cá, có hôm chẳng được gì nhưng các thầy vẫn cần mẫn với mong muốn bữa ăn của học trò đủ đầy hơn. Thầy Quyết cho biết, sắp tới, nhà trường sẽ đề xuất với các cấp, xin tài trợ lồng cá để thầy, trò cùng tăng gia, cải thiện bữa ăn.

Nhà ở xã Xăm Khòe, cách nơi công tác gần 80 km, quãng đường xa xôi là vậy nhưng vì học sinh thân yêu, thầy Quyết không quản ngại. Lên công tác từ ngày con trai mới chập chững vào lớp 1, đến nay, con đã vào lớp 10 với nhiều sự thay đổi. Sự nghiệp giáo dục ở mảnh đất nghèo Tân Dân cùng sự quan tâm của ngành hữu quan, cấp ủy, chính quyền cấp trên nên cũng từng ngày đổi thay.

Thầy Quyết phấn khởi cho biết: "So với 5 năm trước, chất lượng giáo dục của nhà trường đã có những chuyển biến tích cực. Khi mới lên nhận công tác, tôi luôn đau đáu làm thế nào để nhà trường có học sinh giỏi các cấp, vì trước đó chưa từng có. Đến năm 2011, niềm mong mỏi đó trở thành hiện thực khi có học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp huyện. Thêm nữa, dù đường sá đi lại rất khó khăn nhưng từ năm học 2015 – 2016 đến nay, nhà trường không có học sinh bỏ học. Nhận thức của bà con về việc học ngày được nâng cao, công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội được thực hiện thường xuyên hơn. Vừa rồi, nhà trường đã có giáo viên đoạt giải nhì của tỉnh về công tác chủ nhiệm lớp”.

Đó là những thành tích đáng ghi nhận của thầy và trò ở mảnh đất khó Tân Dân. Tháng 9/2017, nhà trường là đơn vị đầu tiên thực hiện mô hình trường bán trú của huyện Mai Châu. Nhờ đó mà mỗi tháng, 85 học sinh ở nội trú được Nhà nước hỗ trợ 25 kg gạo, 520.000 đồng tiền ăn. "Các thầy, cô luôn yêu thương, chỉ dạy cho chúng em, không chỉ về kiến thức, mà còn dạy các kỹ năng sống. Nhờ đó, lực học của em và các bạn ngày càng tiến bộ hơn”, em Quách Thị Hằng, lớp 8 vừa đạt giải học sinh giỏi môn văn cấp huyện, trường PTDT bán trú TH &THCS xã Tân Dân chia sẻ.

Theo đồng chí Đinh Văn Kiệm, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Dân, ở đây giáo viên đều từ xa về công tác, dù khó khăn, thiếu thốn nhưng các thầy, cô luôn hết lòng thương yêu, dạy dỗ học sinh. Chính từ câu chuyện thầy Quyết cùng các thầy, cô đêm đêm xuống sông đánh cá được chia sẻ trên mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng mà nhiều người biết đến những khó khăn của giáo dục Tân Dân. Từ đó đã có nhiều tập thể, tổ chức, cá nhân ủng hộ xây dựng cơ sở vật chất cũng như quyên góp thực phẩm, quần áo, đồ dùng học tập giúp học sinh nơi đây.

                                                                                   Viết Đào

 


Các tin khác


Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông

Trong tháng Tư vừa qua, Sở GD&ĐT phối hợp Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo "Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông” với mục đích trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh THPT trên địa bàn tỉnh; phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có đam mê trong lĩnh vực khoa học công nghệ và khơi dậy tinh thần, khát vọng khởi nghiệp trong giới trẻ.

Hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024.

Thực hiện các nhiệm vụ đột phá nâng cao chất lượng giáo dục

Toàn ngành Giáo dục Hòa Bình hiện có trên 18.540 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó có 1.466 cán bộ quản lý, 15.038 giáo viên, 2.040 nhân viên. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ với các ban, sở, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố; sự chỉ đạo sát sao của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), ngành đã triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác GD&ĐT, thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.

Học bạ 6 điểm/môn, thí sinh lưu ý việc cần làm để trúng tuyển đại học

Đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố điểm chuẩn học bạ năm 2024 với mức trung bình từ 5 - 8,5 điểm mỗi môn, phổ biến nhất là 6 điểm. Với mức điểm này, thí sinh cần làm gì để có thể trúng tuyển vào đại học theo phương thức xét tuyển bằng học bạ?

Ký kết phối hợp xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2024 – 2030

Ngày 25/4, tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh, các đơn vị: Hội Khuyến học tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Hội Giáo chức tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động khuyến học, khuyến tài (KHKT), xây dựng xã hội học tập (XHHT) giai đoạn 2024 - 2030.

Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức Gala review “Trang sách và cuộc đời”

Ngày 20/4, Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức chương trình Gala hoạt động trải nghiệm Review "Trang sách và cuộc đời”. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục