Phụ huynh ở Hà Nội đang trải qua cuộc đua đầy căng thẳng để giành một suất vào lớp 10 cho con, trong khi các trường ngoài công lập giở đủ chiêu để "làm giá"

Trước khi Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội công bố điểm chuẩn chính thức vào các trường công lập, hàng chục ngàn phụ huynh đứng ngồi không yên vì phải tìm một trường thích hợp cho con chuẩn bị vào năm học mới.

Nháo nhào tìm trường

Kết quả điểm thi vào lớp 10 của Hà Nội năm nay thấp hơn hẳn năm trước khiến những phụ huynh có con điểm dưới 50 như ngồi trên lửa vì sợ… trượt.

Chị Trần Mai, có con dự thi vào Trường THPT Phạm Hồng Thái, quận Ba Đình, đạt 48,5 điểm, gọi điện khắp nơi quen biết nhờ hỏi điểm chuẩn để tìm phương án khác cho con. "Suốt chục ngày cả nhà mệt mỏi tìm trường. Tôi tính nộp hồ sơ vào Trường Thực nghiệm cho con để an toàn nhưng lại lăn tăn biết đâu trúng tuyển vào Trường THPT Phạm Hồng Thái. Nộp hồ sơ rồi không rút ra được nên cả nhà bất an suốt ngày" - chị Mai tâm sự.

Cũng giống chị Mai, chị Phương Lê có con thi vào một trường tốp đầu của Hà Nội là THPT Yên Hòa với điểm số 50 cũng vội vàng rút học bạ nộp vào một trường ngoài công lập. Chị Lê cho hay nếu tính theo điểm chuẩn năm trước thì con chị "cầm chắc trượt" cả nguyện vọng (NV) 1 lẫn NV2 nên chị không cần công bố điểm chuẩn mà nộp học bạ ghi danh vào Trường Phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm.

 

Thí sinh sau buổi thi vào lớp 10 tại Hà Nội

"Năm "dê vàng" Hà Nội tăng gần 20.000 thí sinh nên các chuyên gia đều dự đoán điểm chuẩn vào trường THPT công lập sẽ tăng lên 1-2 điểm. Chúng tôi nộp hồ sơ trước cho an toàn, vì sợ đến lúc có điểm chuẩn các cháu ồ ạt nộp hồ sơ vào đây thì hết chỉ tiêu. Chẳng ai biết năm nay điểm chuẩn thấp thế, 50 điểm là đủ đỗ Yên Hòa, chúng tôi bây giờ lại đang tiếc vì mất cơ hội vào trường công lập" - chị Lê tâm sự.

Tại Trường THPT Phan Huy Chú, một trường công lập tự chủ tài chính của Hà Nội, nhiều phụ huynh đã xếp hàng ở cổng trường ngay trong đêm để mong được nhập học sớm nhất. Cảnh tượng này khiến người ta liên tưởng đến những năm bao cấp người dân Hà Nội phải xếp hàng từ nửa đêm để mua dầu, gạo, thực phẩm. Ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, cho hay chỉ trong một ngày trường đã hoàn tất việc tuyển sinh.

Đau tim hơn... chơi chứng khoán

Không chỉ khó khăn vào các trường công lập, ngay việc ghi tên vào các trường ngoài công lập cũng khiến phụ huynh điên đầu. Mấy ngày qua, nhiều phụ huynh có con không đỗ vào lớp 10 trường THPT công lập ở Hà Nội đã trải qua cuộc đua đầy căng thẳng và mệt mỏi để giành một suất học cho con ở trường ngoài công lập.

Tâm lý sợ con không có chỗ học của phụ huynh đang tạo điều kiện để một số trường ngoài công lập của Hà Nội hưởng lợi, trong khi phụ huynh và học sinh khốn khổ vì chạy theo các trường. Trường THCS -THPT Lương Thế Vinh công bố mức điểm chuẩn là 51 và nhận hồ sơ của học sinh từ ngày 26-6. Khi nộp hồ sơ, mỗi học sinh phải nộp các khoản tổng cộng hơn 6 triệu đồng cùng học bạ gốc. Điều đáng nói là khi công bố điểm chuẩn công lập, thấy con đủ điểm vào công lập, một số phụ huynh muốn rút đơn tại trường này đều được trả lời trường không hoàn trả số tiền trên. Không ít phụ huynh chấp nhận mất tiền đến trường rút hồ sơ thì thấy trường đóng cửa nghỉ làm việc đến hết ngày 2-7.

Ba ngày qua, cách tuyển sinh của Trường THCS-THPT Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng) đã khiến nhiều phụ huynh bức xúc. Tối 29-6, trường này thông báo mức điểm chuẩn vào trường là 46 điểm. Kèm theo đó là thông báo mức này chỉ có hiệu lực trong nửa ngày (từ 8 giờ sáng đến 11 giờ ngày 30-6). Nhiều phụ huynh lập tức đến xếp hàng nộp hồ sơ vì mức điểm này so với các năm trước không thể vào trường nào khác. Thế nhưng chiều 30-6, trường này lại thông báo mức mới là 49 điểm, đồng thời lưu ý ngày 1-7 sẽ có mức điểm chuẩn mới. Và sáng 1-7, trường này lại thông báo lần thứ 3 điểm chuẩn ở mức 50,5. Việc trường liên tục tăng điểm chuẩn đã khiến phụ huynh rơi vào hoang mang, nhiều người khóc nức nở vì không nộp được hồ sơ nhập học lớp 10 cho con. Theo các phụ huynh, chiêu công bố điểm chuẩn theo giờ và tăng dần đã khiến phụ huynh lập tức phải lao đến nộp hồ sơ ngay vì nếu do dự là hết cơ hội.

Chia sẻ với báo chí ngày 2-7, ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết đã nắm được thông tin Trường THCS - THPT Tạ Quang Bửu thay đổi điểm chuẩn "chóng mặt" chỉ trong 2 ngày. Theo ông, việc thay đổi điểm này tùy quyết định của ban giám hiệu vì đây là trường ngoài công lập. Tuy nhiên, ban giám hiệu của trường cần có cách thức tuyển sinh khoa học hơn, tránh gây nhiều xáo trộn cho phụ huynh học sinh và gây dư luận xấu trong xã hội.

Phải tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh

Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các trường THPT thực hiện nghiêm túc hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2018-2019. Hiệu trưởng phải phân công cán bộ tuyển sinh có đủ thẩm quyền trực trong thời gian tuyển sinh đến hết ngày 15-7 để hướng dẫn, giải quyết kịp thời những vấn đề vướng mắc, tạo thuận lợi cho học sinh và phụ huynh, không được gây khó dễ. Học sinh trúng tuyển đã nộp hồ sơ vào trường, khi có nhu cầu thì được quyền rút hồ sơ, nhà trường phải tạo điều kiện để học sinh rút hồ sơ.

 

          Theo NLD

Các tin khác


Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục