(HBĐT) - Rút kinh nghiệm từ việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với lớp 1 ở năm học 2020 - 2021, công tác chuẩn bị cho việc triển khai chương trình GDPT 2018 đối với lớp 2 từ năm học 2021 - 2022 được chủ động thực hiện từ sớm.


Giáo viên lớp 2, trường tiểu học Yên Lạc (Yên Thủy) sinh hoạt chuyên môn nghiên cứu bộ môn tiếng Việt lớp 2 chương trình giáo dục phổ thông 2018. 

Theo tìm hiểu, vấn đề đầu tiên ngành GD&ĐT rút kinh nghiệm phải chủ động triển khai sớm là rà soát và yêu cầu các nhà trường đăng ký, thống kê nhu cầu mua sắm thiết bị lớp 2 để triển khai chương trình GDPT mới theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Việc này đã hoàn thành trong tháng 10/2020. Dự kiến năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh có 689 lớp với 17.033 học sinh lớp 2, thuộc 224 trường tiểu học và trường phổ thông liên cấp có bậc tiểu học; cần 689 bộ thiết bị dạy học cho giáo viên. Các nhà trường đã báo cáo nhu cầu về phòng GD&ĐT để phòng báo cáo UBND các huyện, thành phố chủ động bố trí ngân sách năm 2021 cho việc mua sắm bộ thiết bị dạy học phù hợp yêu cầu triển khai chương trình GDPT mới. Tránh việc bị động như triển khai chương trình GDPT mới đối với lớp 1 năm học 2020 - 2021, một số địa phương gặp khó khăn trong việc bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho giáo viên và học sinh vùng khó khăn.

Cùng với chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, ngành GD&ĐT chủ động triển khai việc tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên lớp 2. Từ tháng 9 - 12/2020, toàn tỉnh đã tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho 224 hiệu trưởng, 746 giáo viên trực tiếp dạy lớp 2. Qua đó, giúp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên có thể bắt nhịp khi năm học mới chính thức bắt đầu. 

Vấn đề chọn sách giáo khoa (SGK) cũng được triển khai từ sớm với nhiều bước kỹ lưỡng, cẩn trọng hơn từ phía Bộ GD&ĐT, cũng như sự tham mưu của Sở GD&ĐT cho Hội đồng lựa chọn SGK cấp tỉnh. Vừa qua, theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, ngành GD&ĐT tỉnh đã chọn cử mỗi bộ môn 10 giáo viên đọc, cho ý kiến nhận xét, kiến nghị điều chỉnh về nội dung các bộ SGK lớp 2 đang đề nghị Hội đồng thẩm định SGK quốc gia phê duyệt. Dự kiến, sau khi Hội đồng thẩm định SGK quốc gia phê duyệt, công bố các bộ SGK lớp 2 được chọn lựa trong tháng 1/2021, Sở GD&ĐT sẽ yêu cầu phòng GD&ĐT các huyện, thành phố chỉ đạo các nhà trường nghiên cứu, nhận xét, đề xuất chọn lựa bộ sách nào. Sở GD&ĐT sẽ tổng hợp ý kiến đề xuất của giáo viên lớp 2 các trường trên địa bàn tỉnh, tham mưu Hội đồng lựa chọn SGK tỉnh chọn lựa bộ SGK lớp 2 phù hợp để giảng dạy trên địa bàn tỉnh. Trong khoảng tháng 3/3021 sẽ hoàn thành việc lựa chọn SGK; tháng 5 hoàn thành việc đăng ký số lượng sách, tháng 6, tháng 7 sẽ có sách cho giáo viên các nhà trường nghiên cứu trước khi chính thức  đưa vào giảng dạy từ năm học 2021 - 2022. 

Liên quan đến việc biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương cho học sinh lớp 2. Hiện nay, Sở GD&ĐT đã hoàn thành việc tổ chức hội thảo xin ý kiến tác giả, các địa phương về cấu trúc của các chủ đề và cấu trúc các bài học. Dự kiến trong tháng 5/2021 sẽ hoàn thành xong việc biên soạn, thẩm định "Tài liệu giáo dục địa phương cho học sinh lớp 2” trình Bộ GD&ĐT phê duyệt.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Thị Hồng Diễm, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT) cho biết: Rút kinh nghiệm từ việc triển khai chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, việc chuẩn bị triển khai chương trình GDPT mới đối với lớp 2 được thực hiện sớm hơn, chủ động hơn. Bộ GD&ĐT đã sớm có thông tư hướng dẫn nên các địa phương sớm triển khai thực hiện. Đặc biệt là giúp địa phương chủ động trong việc rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị, bố trí nguồn lực; cũng như việc tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên hợp lý, không bị dồn dập. Sau khi kiểm tra, hỗ trợ, đánh giá việc giáo viên giảng dạy chương trình GDPT mới ở lớp 1, chúng tôi cũng đã xác định được những nội dung giáo viên "yếu” và "thiếu”, những vấn đề giáo viên cần tập huấn, bồi dưỡng để triển khai chương trình GDPT mới. Ngoài ra, việc chọn SGK năm nay do Hội đồng SGK cấp tỉnh chọn lựa, nên có sự thống nhất trong việc sử dụng SGK của các trường trên địa bàn tỉnh, không mỗi trường 1 bộ như lớp 1 hiện nay. Điều này thuận lợi cho việc tham khảo, thay thế ngữ liệu trong các bài học, hay tập huấn, trao đổi chuyên môn giữa các nhà trường hoặc học sinh chuyển trường.


Dương Liễu

Các tin khác


Học bạ 6 điểm/môn, thí sinh lưu ý việc cần làm để trúng tuyển đại học

Đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố điểm chuẩn học bạ năm 2024 với mức trung bình từ 5 - 8,5 điểm mỗi môn, phổ biến nhất là 6 điểm. Với mức điểm này, thí sinh cần làm gì để có thể trúng tuyển vào đại học theo phương thức xét tuyển bằng học bạ?

Ký kết phối hợp xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2024 – 2030

Ngày 25/4, tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh, các đơn vị: Hội Khuyến học tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Hội Giáo chức tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động khuyến học, khuyến tài (KHKT), xây dựng xã hội học tập (XHHT) giai đoạn 2024 - 2030.

Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức Gala review “Trang sách và cuộc đời”

Ngày 20/4, Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức chương trình Gala hoạt động trải nghiệm Review "Trang sách và cuộc đời”. 

Hội thảo “Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông”

Chiều 17/4, Sở GD&ĐT phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức chương trình Hội thảo trực tiếp và trực tuyến "Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông” năm 2024 tới thầy, cô giáo, học sinh lớp 12 của các trường THPT, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và Trường phổ thông liên cấp Sao Mai.

Triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Ngày 17/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024. Tham dự có đại diện lãnh đạo quản lý của 59 đơn vị, bao gồm 37 trường THPT, 11 trường dân tộc nội trú THCS&THPT, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố và 1 Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh.

Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục