(HBĐT) - Vừa qua, tại buổi họp báo tổng kết chương trình Vietnam Forward - "Tăng cường phổ cập kỹ năng số và thúc đẩy sự liên tiếp trong giáo dục”, đồng chí Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở GD&ĐT đã có những chia sẻ quan trọng. Trong đó, nhấn mạnh những thách thức mà ngành GD&ĐT tỉnh cần vượt qua để thực hiện thành công lộ trình chuyển đổi số (CĐS).


Lớp học trực tuyến tại trường Phổ thông DTNT THCS&THPT huyện Cao Phong được tổ chức hiệu quả nhờ trang bị đồng bộ cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT: Những năm qua, ngành GD&ĐT tỉnh đã chú trọng triển khai các hoạt động nhằm đặt nền tảng thực hiện CĐS. Để thực hiện CĐS, ngành xác định cần dựa vào các yếu tố quan trọng như: Cơ sở vật chất, hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu số chuyên ngành, đường lối, chủ trương, chính sách, đội ngũ lãnh đạo, cán bộ quản lý, giáo viên, người học… Trước hết, ngành tích cực huy động nguồn lực để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động dạy học. Điều này góp phần đắc lực giúp thay đổi phương pháp giảng dạy từ truyền thống sang tích cực, hiện đại. Ngành hướng tới phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học bằng cách chuyển dần từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức các hình thức học tập đa dạng hơn. Cùng với đó, hành trình CĐS của giáo dục Hòa Bình đang được khởi động với những giải pháp quan trọng như cải thiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; thay đổi phương pháp quản trị và dạy học phù hợp xu thế phát triển của công nghệ; nâng cao năng lực ứng dụng CNTT trong dạy và học; mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục thông minh cho học sinh…   
 
Tại Việt Nam, CĐS được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển giáo dục. Theo hoạch định của "Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, giáo dục là lĩnh vực được ưu tiên CĐS thứ 2 (sau lĩnh vực y tế). Hòa chung quyết tâm thực hiện CĐS của ngành GD&ĐT cả nước, ngành GD&ĐT Hòa Bình đang tích cực thực hiện Đề án "Tăng cường ứng dụng CNTT và CĐS trong GD&ĐT giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” phù hợp với đặc thù từng địa bàn. Về phương hướng chung, ngành phấn đấu 100% cơ sở giáo dục triển khai công tác dạy và học trực tuyến, ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh trước khi đến lớp học.

Hiện nay, toàn tỉnh có 531 cơ sở giáo dục; tổng số 230.334 học sinh và 19.635 cán bộ, giáo viên. Quyết tâm thực hiện Chương trình GDPT 2018 gắn với lộ trình CĐS, ngành GD&ĐT tỉnh tích cực huy động mọi nguồn lực để đầu tư đồng bộ trang thiết bị dạy môn Tin học cho các nhà trường. Tuy nhiên, đến nay, thống kê sơ bộ toàn tỉnh còn 214 cơ sở giáo dục chưa có phòng máy tính (gồm 88 cơ sở giáo dục mầm non, 126 cơ sở giáo dục phổ thông). Số máy tính ngành cần trang bị thêm 12.545 chiếc. Phòng máy tính cần lắp đặt mới và lắp đặt lại là 589 phòng… Đặc biệt, tại các điểm trường thuộc vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học rất hạn chế, chưa sẵn sàng đáp ứng các điều kiện cơ bản để thực hiện CĐS trong giáo dục. 

Chị Bùi Thị Phước, xã Quyết Thắng (Lạc Sơn) có con học lớp 2 tại một trường tiểu học trên địa bàn xã cho biết: Năm học 2021 - 2022 là năm học đầu tiên thực hiện Chương trình GDPT mới đối với lớp 2 nên đặt ra nhiều thách thức cho cả nhà trường và gia đình học sinh. Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trường áp dụng hình thức học trực tuyến kết hợp trực tiếp và giao phiếu bài tập về nhà cho học sinh. Đối với một địa bàn khó khăn như Quyết Thắng, nhiều gia đình không có thiết bị để con học trực tuyến nên hiệu quả không cao…

Trên phạm vi toàn tỉnh, hàng nghìn học sinh không có thiết bị để theo học trực tuyến. Thống kê sơ bộ, trong đợt dịch Covid-19 bùng phát gần đây nhất, số lượng học sinh học trực tuyến toàn tỉnh là 52.267 học sinh, trong đó, trên 4.300 học sinh không có thiết bị để học trực tuyến. Không chỉ khó khăn vì thiếu thiết bị dạy học ứng dụng công nghệ số, giáo dục Hòa Bình còn đối mặt với những thách thức quan trọng như: Sự bất bình đẳng trong giáo dục giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn; tư duy số và năng lực quản lý linh hoạt của người lãnh đạo; kỹ năng số của giáo viên cần được nâng cao; chưa kiến tạo được văn hóa giáo dục số cho học sinh…   

Được biết, Hòa Bình là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn trong phát triển KT-XH. Trong bối cảnh chung, lĩnh vực giáo dục cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là thực hiện CĐS. Theo bảng xếp hạng Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT - Truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Index) năm 2020 vừa được Bộ TT&TT công bố, tỉnh đứng thứ 46/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; riêng về xếp hạng hạ tầng kỹ thuật đứng thứ 31/63 tỉnh, thành phố. Với hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có, tỉnh gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các chương trình CĐS lĩnh vực giáo dục. Đáng ghi nhận là đến thời điểm này, ngành GD&ĐT tỉnh đã khởi động lộ trình CĐS bằng những bước đi bài bản, đúng hướng. Phần mềm SMAS của Viettel và VnEdu của VNPT đã được triển khai đến 100% cơ sở giáo dục, góp phần đắc lực hỗ trợ việc quản lý học sinh, tổng kết điểm và phục vụ cung cấp thông tin cho cơ sở dữ liệu toàn ngành. Tại các cơ sở giáo dục, 94,6% cơ sở sử dụng FTTH (kết nối cáp quang thuần túy được đi trực tiếp từ nhà mạng), số còn lại đang sử dụng 4G, 3G. Đặc biệt, 100% trường THPT; 65% trường THCS, TH&THCS; 75% trường tiểu học và 25% trường mầm non được trang bị phòng học máy tính có kết nối internet phục vụ dạy và học. Đây có thể coi là những bước đi đầu tiên trong lộ trình CĐS, giúp ngành GD&ĐT Hòa Bình tích thêm nội lực, tạo đột phá để đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.      


 Vi Hải Anh
(Học viện Báo chí và Tuyên truyền)

Các tin khác


Triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Ngày 17/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024. Tham dự có đại diện lãnh đạo quản lý của 59 đơn vị, bao gồm 37 trường THPT, 11 trường dân tộc nội trú THCS&THPT, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố và 1 Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh.

Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục