(HBĐT) - "Kết quả kỳ thi tốt nghiệp (KTTN) THPT của tỉnh năm nay đã có chuyển biến tích cực so với vài năm trở lại đây. Với số điểm trung bình là 6,289, tỉnh xếp thứ 33/63 tỉnh, thành phố, tăng 29 bậc so với năm 2021. Kết quả này phản ánh sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao của đội ngũ thầy giáo, cô giáo và học sinh toàn tỉnh trong năm học vừa qua” - đồng chí Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định.


Đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại huyện Tân Lạc.

Những kết quả tích cực

Ghi nhận về kết quả KTTN THPT năm nay, Sở GD&ĐT đánh giá có 3 điểm nổi bật, đó là: Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 99,37% (cao nhất trong nhiều năm qua); điểm trung bình các môn thi của thí sinh toàn tỉnh là 6,289, xếp thứ 33 toàn quốc, tăng 29 bậc so với năm 2021; số bài thi đạt điểm tuyệt đối là 88, xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố về số lượng bài thi đạt điểm 10.

Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ là đơn vị giáo dục có số lượng bài thi đạt điểm 10 cao nhất tỉnh, với 13 điểm 10 tại các môn thi: Ngoại ngữ, Lịch sử, Hóa học, Giáo dục công dân. Cùng với kết quả này, trường có 100% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT, điểm trung bình các môn thi đạt 7,59 điểm, cao hơn mức điểm bình quân của tỉnh.

Ban Giám hiệu (BGH) nhà trường cho biết: Toàn trường có 97 lượt học sinh đạt điểm trần từ 27 điểm trở lên; 497 lượt học sinh đạt điểm trần từ 25 điểm trở lên ở các tổ hợp. Đối với môn Toán và môn Ngữ văn, điểm trung bình toàn trường đạt trên 8,0; riêng môn Ngữ văn có 5 học sinh đạt 9,75 điểm. Đối với môn tiếng Anh, điểm trung bình toàn trường đạt 7,26; riêng môn tiếng Pháp, điểm trung bình đạt 9,66. Đặc biệt, trường có 6 lớp có điểm trung bình môn thi trên 9,0… Đây là những con số "biết nói”, cho thấy chất lượng giáo dục của nhà trường được thể hiện qua kỳ thi cũng như quyết tâm của cả thầy và trò trong suốt năm học 2021 - 2022.

Được biết, đây là năm học thứ 3 Sở GD&ĐT thực hiện việc giao trách nhiệm về chất lượng giáo dục cho các nhà trường. Theo đó, giáo viên chịu trách nhiệm về chất lượng bộ môn mình giảng dạy trước tổ chuyên môn và lãnh đạo nhà trường, tổ chuyên môn chịu trách nhiệm về chất lượng các bộ môn trong tổ trước BGH, hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Sở về chất lượng giáo dục của đơn vị mình. Cùng với đó, Sở GD&ĐT dùng kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các trường và cán bộ quản lý. Đây là giải pháp quyết liệt, cho thấy quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục khối THPT cũng như nâng cao kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Theo kết quả đã được công bố, các đơn vị giáo dục có kết quả thi nổi bật nhất là: Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ (điểm trung bình các môn thi đạt 7,59); trường PTDTNT THCS&THPT huyện Lạc Sơn (điểm trung bình các môn thi đạt 7,45); trường PTDTNT THCS&THPT huyện Tân Lạc (điểm trung bình các môn thi đạt 7,37)… Với điểm trung bình cộng của thí sinh đạt 6,289 điểm (trong đó, môn thi có điểm trung bình cộng cao nhất là Giáo dục công dân 8,06 điểm), tỉnh xếp thứ 33 toàn quốc, cải thiện đáng kể thứ hạng so với những năm trước.

Nỗ lực đồng bộ, quyết tâm cao

Kết quả khả quan trong KTTN THPT đã khép lại trọn vẹn năm học 2021 - 2022. Đây là năm học toàn ngành GD&ĐT đã quyết tâm triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đặt trọng tâm là nâng cao kết quả KTTN THPT. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng các đơn vị, trường học vẫn khắc phục khó khăn, nỗ lực tổ chức dạy học trực tiếp, đồng thời tận dụng "thời gian vàng”, bố trí tăng buổi dạy cho học sinh lớp 12. Đến thời điểm cuối tháng 3 đầu tháng 4, các nhà trường đều kết thúc chương trình học đối với các môn thi tốt nghiệp và dành tháng 4, 5, 6 để ôn tập cho học sinh lớp 12. Các trường tập trung cao cho công tác ôn thi tốt nghiệp THPT với kế hoạch chủ động, sát sao, tích cực, tận dụng thời gian ôn đến sát ngày thi. Nhiều giáo viên bộ môn các trường ngoài những buổi ôn theo giờ học trên lớp còn tận dụng để ôn cho học sinh vào buổi tối, ngày nghỉ, giao bài cho học sinh làm theo ngày trên các ứng dụng như zoom, facebook, zalo…

Về phía ngành chức năng, từ tháng 10/2021 đến hết tháng 5/2022, Sở GD&ĐT đã tổ chức kiểm tra công tác ôn thi tốt nghiệp của 100% trường THPT và PTDTNT trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, tổ chức 2 kỳ thi thử cho 100% trường theo đề chung của tỉnh. Căn cứ kết quả thi thử, đôn đốc các trường phân tích kết quả bài làm của học sinh, xác định những môn học sinh có thể tăng điểm để điều chỉnh nội dung ôn tập theo từng nhóm, BGH phân công giáo viên kèm phụ đạo đối với học sinh có kết quả thi thử kém...

Đồng chí Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở GD&ĐT trao đổi: Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021, chúng tôi đã phân tích kỹ nguyên nhân tại sao kết quả chưa được như mong đợi. Qua phân tích nhận thấy có 1 nguyên nhân là thí sinh khối giáo dục thường xuyên (GDTX) chiếm 10% số học sinh dự thi, điểm bình quân khối GDTX thấp đã kéo điểm bình quân toàn tỉnh xuống. Nhìn nhận yếu điểm này, Sở đã tích cực triển khai các hoạt động nhằm cải thiện, nâng cao hiệu quả ôn thi cho học viên lớp 12 Trung tâm GDTX; đồng thời, Sở tổ chức cho giáo viên cốt cán kiểm tra, dự giờ, tư vấn về nội dung ôn tập, phương pháp ôn tập tại tất cả các Trung tâm GDTX. Bên cạnh đó, Sở cũng xác định cần quan tâm chất lượng giáo dục lớp 12 của các trường trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Từ đầu năm học và trọng tâm là học kỳ II, Sở đã điều động, tăng cường giáo viên cốt cán, giáo viên có năng lực cho các trường vùng xa, trường thiếu giáo viên, trường giáo viên chưa có nhiều kinh nghiệm ôn thi… Những giải pháp này đã được triển khai chủ động, nghiêm túc, góp phần đắc lực nâng cao kết quả KTTN THPT năm 2022. 


Thu Trang

Các tin khác


Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Phát huy sự chủ động của nhà trường trong lựa chọn sách giáo khoa

Năm học tới, với học sinh các lớp 5, lớp 9 và lớp 12 sẽ là năm học đầu tiên thực hiện việc học sách giáo khoa mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cùng với đó sẽ giao quyền tự quyết chọn sách giáo khoa cho các nhà trường.

Đổi mới để giáo dục mầm non phát triển toàn diện

Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách. Những năm qua, giáo dục mầm non đã được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm đầu tư phát triển nhưng vẫn chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục