Nội dung đề thi có ý nghĩa thực tế, phù hợp với hoàn cảnh, lứa tuổi của học sinh là nhận định của nhiều thầy cô giáo và học sinh về đề thi Ngữ văn của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.



Tình nguyện viên hỗ trợ thí sinh vào phòng thi trong điều kiện thời tiết mưa tại Thanh Hóa. Ảnh: TTXVN/phát


Đề thi Ngữ Văn hay

Đây là nhận xét của nhiều học sinh khi làm xong bài thi Ngữ văn sáng 28/6.

Tại Thanh Hóa, kết thúc buổi thi đầu tiên, đa phần các thí sinh đều có tâm thế thoải mái và nhận xét đề thi Ngữ văn năm nay hay, vừa sức.

Em Lê Kim Khánh, học sinh lớp 12B2, Trường Trung học Phổ thông Hàm Rồng cho biết, em thích nhất câu nghị luận xã hội bài học về lẽ sống, tiếc là câu này chỉ có 2 điểm. Câu phân tích tác phẩm Vợ Nhặt em không ôn "tủ”, nhưng cũng làm khá tốt. Em nghĩ với dạng đề này, nhiều bạn sẽ giành được điểm cao.

Tại điểm thi Trường Trung học Phổ thông Triệu Sơn 4 (huyện Triệu Sơn), sau khi kết thúc bài thi môn Ngữ văn, nhiều thí sinh bày tỏ sự hào hứng vì đề thi không quá khó với học lực của đa số học sinh. Em Lê Trần Thanh Huyền, học sinh lớp 12C1, Trường Trung học Phổ thông Triệu Sơn 4 cho biết, cấu trúc đề thi năm nay khá giống với cấu trúc đề thi tham khảo các em đã được các thầy cô cho làm quen trước đó. Với đề chính thức này, em tự tin đạt điểm 8 vì đề khá "dễ thở" và có thể dễ dàng đạt mức điểm khá trở lên.

Tại Hải Phòng, theo ghi nhận nhanh tại Hội đồng thi số 3, giáo viên và thí sinh đều nhận định đề thi Ngữ văn năm nay vừa sức. Các em đều có thể đạt điểm trung bình từ 6 - 7 điểm. Những thí sinh đạt điểm cao hơn sẽ phải có vốn sống phong phú và khả năng diễn đạt tốt.

Thí sinh Trần Trúc Quỳnh, dự thi tại Hội đồng thi Trường Trung học Phổ thông Lê Chân (quận Lê Chân) chia sẻ, đề thi năm nay rất hay vì ai cũng có thể viết được. Thí sinh được điểm cao phụ thuộc rất nhiều vào vốn sống, kỹ năng làm bài. Ai càng đọc nhiều, hiểu biết về những thứ đang vận động, diễn ra xung quanh mình, dữ liệu đưa vào bài càng sinh động, có sự hấp dẫn và thuyết phục cao.

Tại điểm thi trường Trung học Phổ thông Lương Văn Can (Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh), nhiều thí sinh nhận xét đề Ngữ văn nằm trong chương trình cơ bản. Em Ngọc Hân, học sinh trường Trung học Phổ thông Lương Văn Can cho biết, đề thi năm nay không quá khó, nếu bám sát chương trình, học theo hướng dẫn của giáo viên rồi áp dụng vào có thể làm được. Em Vĩnh Hiếu cho rằng, phần nghị luận xã hội kết nối liền ý với phần đọc hiểu, bàn về câu chuyện cân bằng cảm xúc trong cuộc sống. Đây là một vấn đề đáng được suy nghĩ với các trong các bạn trẻ hiện nay, đặc biệt khi người trẻ ngày nay thường gặp các vấn đề cảm xúc.

Bám sát cấu trúc đề minh họa

Theo nhận định của các giáo viên, đề thi môn Ngữ văn khá hay, vừa sức và nằm trong dự đoán của học sinh. Mốc điểm trung bình thí sinh có thể đạt từ 6 điểm trở lên. Thí sinh học ở mức độ khá, giỏi sẽ có thể đạt trên 7 điểm.

Thầy Trần Văn Đúng, giáo viên môn Ngữ văn, Trường Trung học Phổ thông Lương Thế Vinh (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, đề văn năm nay tương đối cơ bản. Thí sinh có thể dễ dàng làm được các câu 1,2,3 trong phần đọc - hiểu. Riêng câu 4 yêu cầu thí sinh rút ra bài học về lẽ sống cho bản thân từ suy ngẫm của tác giả trong dòng thơ "Ai cũng đi qua cơn giông của riêng mình” yêu cầu cao hơn. 

Theo thầy Đúng, ở câu hỏi nghị luận xã hội, yêu cầu của đề khá rõ ràng, việc cân bằng cảm xúc trong cuộc sống cũng là đề tài gần gũi với thí sinh và mang tính thời cuộc. Ở câu hỏi nghị luận văn học, việc yêu cầu thí sinh phân tích đoạn trích trong tác phẩm "Vợ nhặt” chính là yếu tố thuận lợi cho các em có thể lấy điểm cao. Phần còn lại của câu hỏi này có độ phân hóa cao, dành cho học sinh khá - giỏi.

Tương tự, thầy Nguyễn Phước Bảo Khôi, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đề thi không quá bất ngờ, cấu trúc phù hợp. Ngữ liệu ở phần Đọc - hiểu được lựa chọn khá tinh tế, những câu hỏi thành phần đúng các mức tư duy. Bên cạnh đó, vấn đề nghị luận ở phần Nghị luận xã hội khá hay, có ý nghĩa thực tế, phù hợp với hoàn cảnh, lứa tuổi của học sinh. Đối với phần Nghị luận văn học, tác phẩm "Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân nằm trong nhóm văn bản có nhiều khả năng xuất hiện trong đề thi. Tuy nhiên, tính phân hóa của đề thi nằm trọn vẹn ở phần này.

Theo cô Lê Thị Thoa, giáo viên Ngữ Văn, Trường Trung học Phổ thông Triệu Sơn 4, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa, đề thi năm nay bám sát cấu trúc đề minh họa và có tính phân loại ở câu nghị luận văn học. Với phần đọc hiểu, đề năm nay khác biệt khi ra thơ chứ không phải văn bản văn xuôi nên không dễ với nhiều thí sinh. Tuy nhiên, các thí sinh nếu được ôn tập kỹ về phương pháp, có thể làm tốt. 

Chia sẻ chung của giáo viên đang giảng dạy môn Ngữ văn, đề thi năm nay có cấu trúc, dạng câu hỏi quen thuộc, các thày, cô giáo đã giảng dạy kỹ lưỡng cho các em. Nội dung trong các phần thi đều gần gũi với cuộc sống hàng ngày. Do đó, thí sinh thể hiện được chính kiến, vốn kiến thức liên quan đến nội dung đề thi đề cập. Câu 4 trong phần đọc hiểu của bài thi "Từ suy ngẫm của tác giả trong dòng thơ Ai cũng qua cơn giông của riêng mình, anh/chị hãy rút ra bài học về lẽ sống cho bản thân” là câu hỏi yêu cầu ở mức độ vận dụng cao, giúp thí sinh thể hiện suy nghĩ của mình trong cuộc sống. 

Buổi chiều, các thí sinh tiếp tục làm bài thi môn Toán dưới hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài 90 phút.

                                                        TheoBaotintuc

Các tin khác


Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông

Trong tháng Tư vừa qua, Sở GD&ĐT phối hợp Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo "Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông” với mục đích trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh THPT trên địa bàn tỉnh; phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có đam mê trong lĩnh vực khoa học công nghệ và khơi dậy tinh thần, khát vọng khởi nghiệp trong giới trẻ.

Hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024.

Thực hiện các nhiệm vụ đột phá nâng cao chất lượng giáo dục

Toàn ngành Giáo dục Hòa Bình hiện có trên 18.540 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó có 1.466 cán bộ quản lý, 15.038 giáo viên, 2.040 nhân viên. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ với các ban, sở, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố; sự chỉ đạo sát sao của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), ngành đã triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác GD&ĐT, thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.

Học bạ 6 điểm/môn, thí sinh lưu ý việc cần làm để trúng tuyển đại học

Đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố điểm chuẩn học bạ năm 2024 với mức trung bình từ 5 - 8,5 điểm mỗi môn, phổ biến nhất là 6 điểm. Với mức điểm này, thí sinh cần làm gì để có thể trúng tuyển vào đại học theo phương thức xét tuyển bằng học bạ?

Ký kết phối hợp xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2024 – 2030

Ngày 25/4, tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh, các đơn vị: Hội Khuyến học tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Hội Giáo chức tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động khuyến học, khuyến tài (KHKT), xây dựng xã hội học tập (XHHT) giai đoạn 2024 - 2030.

Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức Gala review “Trang sách và cuộc đời”

Ngày 20/4, Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức chương trình Gala hoạt động trải nghiệm Review "Trang sách và cuộc đời”. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục