Ngày 15/10 vừa qua, tại California, Hoa Kỳ, Học viện Viettel được vinh danh trong lễ trao giải thưởng quốc tế về đào tạo và phát triển LearningElite Award của tổ chức Chief Learning Officer (CLO) cùng 59 thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như IBM, Dell, Siemens, Johnson & Johnson, KMPG,... Đây là lần thứ hai liên tiếp Học viện Viettel đoạt giải thưởng và là đơn vị đầu tiên, duy nhất tại Việt Nam đoạt giải thưởng này.


Lãnh đạo Học viện Viettel chia sẻ tại lớp nguồn giám đốc Viettel tỉnh/ thành phố năm 2023

Giải thưởng LearningElite Award được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh các tổ chức xuất sắc nhất trong lĩnh vực học tập và phát triển (L&D) trên toàn cầu. Giải thưởng có ý nghĩa quan trọng đối với Học viện Viettel nói riêng và hoạt động học tập, đào tạo của Viettel nói chung, bởi ngoài việc kiểm chứng hoạt động đào tạo của Viettel phù hợp theo chuẩn quốc tế và các xu hướng chuyển dịch trong học tập, đào tạo, còn cho thấy hoạt động này của Viettel sánh với nhiều thương hiệu danh tiếng trên toàn cầu.

Nhiều đổi mới, sáng tạo trong công tác đào tạo

Ngay từ khi tham gia thị trường, Viettel luôn phải đối mặt với những thách thức, những câu hỏi lớn trong việc phát triển đội ngũ như: Làm thế nào để tổ chức cho đông đảo cán bộ, nhân viên Viettel trên toàn cầu, đa dạng ngành nghề, khác nhau về trình độ nhận thức có thể chủ động, duy trì và nâng cao tốc độ học tập? Đâu là những giải pháp để cán bộ, nhân viên có thể chủ động học tập, nghiên cứu? Làm thế nào để xây dựng Viettel thành một tổ chức học tập? Làm thế nào để đưa văn hóa học tập trở thành lợi thế cạnh tranh, góp phần thu hút, gìn giữ nhân tài? Những trăn trở này đặt ra yêu cầu cho Học viện Viettel nói riêng và những người làm công tác đào tạo trong Tập đoàn Viettel nói chung phải có tư duy mới, đổi mới sáng tạo hơn nữa, thực hiện nhanh chóng hơn nữa để tìm ra giải pháp hiệu quả.

Từ nhận thức và những trăn trở ấy, những năm qua, Học viện Viettel đã tích cực, chủ động triển khai hàng loạt giải pháp đổi mới, sáng tạo đồng bộ trong công tác đào tạo nhằm nâng cao năng lực cho người lao động đáp ứng yêu cầu, xu thế chuyển dịch.

Hằng năm, Học viện tổ chức đào tạo hàng trăm khóa học cho hàng vạn nhân sự Viettel tham gia học tập với nhiều nội dung, hình thức; chủ động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số, xây dựng nhiều tính năng ứng dụng và nền tảng (platform) học tập; tăng cường hợp tác với nhiều cơ sở đào tạo uy tín trong và ngoài nước để tổ chức nhiều chương trình đào tạo, hội thảo; cùng các tổng công ty trực thuộc Viettel tổ chức các khóa đào tạo cho nhiều doanh nghiệp là khách hàng, đối tác, đem lại cơ hội, cách tiếp cận kinh doanh mới cho Viettel.

Bên cạnh đó, Học viện Viettel chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo. Giá trị của hoạt động đào tạo được đẩy mạnh qua ứng dụng quản lý sau đào tạo (ATM) do Học viện Viettel nghiên cứu triển khai, qua đó, nhiều hành động cụ thể đã được đăng ký vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn.

Hướng tới một Viettel toàn cầu, Học viện Viettel đã đặt ra nhiệm vụ mới, đầy thách thức, đó là ngoài việc đưa hoạt động đào tạo đem lại những giá trị tích cực cho tập đoàn, còn phải chuyển mình theo chuẩn quốc tế, phù hợp với các xu thế chuyển dịch.

Theo đó, học viện đã chủ động tìm hiểu, nghiên cứu cách thức, mô hình, xu hướng chuyển dịch đào tạo trên thế giới ứng dụng vào thực tiễn. Học viện Viettel đã mạnh dạn tham gia giải thưởng quốc tế LearningElite Award nhằm tạo ra cơ hội học hỏi kinh nghiệm từ các tổ chức, doanh nghiệp và kiểm chứng phương thức, mô hình hoạt động, công cụ triển khai học tập, đào tạo tại Viettel và hơn thế nữa là khẳng định sự tự tin, góp phần xây dựng hình ảnh thương hiệu Viettel nói chung và Học viện Viettel nói riêng ra tầm quốc tế.

Những bước chuyển mình

Học viện Viettel nhận thấy lĩnh vực đào tạo, học tập trong doanh nghiệp đang chuyển dịch theo 5 xu hướng, đó là: Chuyển từ đào tạo truyền thống sang đào tạo kỹ thuật số (digital training); chuyển từ đào tạo định kỳ sang đào tạo liên tục; chuyển từ đào tạo đại trà sang đào tạo cá nhân hóa, riêng biệt dựa trên năng lực, sở thích và mục tiêu của từng nhân viên; chuyển từ đào tạo lý thuyết sang đào tạo thực hành; chuyển từ đào tạo do chuyên gia giảng dạy sang đào tạo chia sẻ trong nội bộ, khuyến khích đào tạo giữa các đồng nghiệp.

Bên cạnh nhận thức về sự cấp thiết thay đổi hoạt động đào tạo nêu trên, Học viện Viettel đã liên tục đổi mới, sáng tạo và tự kiểm chứng hoạt động của mình. Thông qua việc cho ra đời các mô hình học tập có giá trị đáp ứng thực tiễn cao như: Mô hình tổ chức học tập trong doanh nghiệp; mô hình phương thức học tập hằng ngày By Day Learning; hay các tính năng trong ứng dụng công nghệ số, các ấn phẩm có giá trị, đã tạo nên những nét riêng trong hoạt động đào tạo và đem lại giá trị trong phát triển năng lực đội ngũ tại Viettel. Qua đó, Học viện Viettel đã có những bước chuyển mình đáng kể.

Thứ nhất, Học viện Viettel đã chuyển từ đơn vị chỉ sử dụng các phần mềm có sẵn, sang đơn vị chủ động sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, xây dựng nền tảng (platform) như: Quản lý áp dụng sau đào tạo; ứng dụng chatbot/callbot trí tuệ nhân tạo; xây dựng nền tảng học tập hằng ngày By Day Learning...

Trong đó, By Day Learning với các bài học video ngắn được Hội đồng giải thưởng đánh giá cao vì mang lại nhiều lợi ích cho cả tổ chức và người lao động, là môi trường học tập nổi bật tạo ra sự khác biệt, thể hiện sự sáng tạo, cam kết của người đứng đầu với công tác đào tạo trong tổ chức. By Day Learning là minh chứng cho phương thức học tập, đào tạo mới, hiệu quả ra đời trong bối cảnh chuyển đổi số, tạo nên sự khác biệt giữa Viettel và các tổ chức, doanh nghiệp khác.

Hiện, By Day Learning đã có hơn 60 nghìn người dùng, hàng chục triệu lượt học chỉ sau 2 năm ra đời, giúp người Viettel duy trì thói quen học tập hằng ngày. Tiến sĩ Bùi Quang Tuyến chia sẻ: "Trong xây dựng tổ chức học tập, việc ứng dụng công nghệ số là chìa khóa giúp đông đảo người học tiếp cận kiến thức, kỹ năng một cách nhanh chóng, đồng thời có thể chủ động học tập mọi lúc, mọi nơi, tạo thói quen học tập, góp phần xây dựng văn hóa học tập trong doanh nghiệp”.

Thứ hai, Học viện Viettel chuyển từ đơn vị chỉ thuê, hoặc mua nội dung học tập, đào tạo sang đơn vị chủ động xây dựng nhiều nội dung và trực tiếp đào tạo nội bộ trong Viettel, qua đó hàng nghìn nội dung học tập được số hóa. Trước đây, 100% nội dung đào tạo (qua hình thức số hóa) đều do việc phối hợp với đối tác cung cấp, thì giờ đây tỷ lệ này chỉ còn 30%.

Hoạt động này ngoài việc đóng góp vào kho tri thức Viettel, lan tỏa kiến thức, kinh nghiệm còn làm lợi cho Viettel hàng chục tỷ đồng. Học viện cũng đã tích cực, chủ động tham gia hoạt động nghiên cứu, cho ra đời nhiều ấn phẩm có giá trị, được các hội đồng khoa học, các doanh nghiệp đánh giá cao về tính thực tiễn trong hoạt động đào tạo trong tổ chức, doanh nghiệp thời chuyển đổi số như: Cẩm nang "Tư vấn chuyển đổi số cho tổ chức, doanh nghiệp”; các sách chuyên khảo: Năng lực động trong cạnh tranh hiện đại; Hành trình tri thức thời kinh tế số; Phát triển năng lực - Kiến tạo tương lai…

Thứ ba, Học viện Viettel chuyển từ đơn vị chỉ tổ chức đào tạo bên trong nội bộ sang hợp tác tổ chức các chương trình đào tạo và cấp chứng chỉ cho các tổ chức, doanh nghiệp. Thời gian qua, Học viện Viettel nhận được nhiều đặt hàng là các chương trình đào tạo từ các đơn vị trong Viettel nhằm tạo dựng cơ hội kinh doanh, gắn kết với khách hàng tiềm năng.

Bên cạnh đó, Học viện Viettel hợp tác với Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ về năng lực số cho hàng trăm học viên. Nền tảng By Day Learning không chỉ khai thác hiệu quả trong nội bộ Viettel mà nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã đặt vấn đề hợp tác, chuyển giao sau khi được trải nghiệm sử dụng và nhận diện được tính ưu việt của ứng dụng.


Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác


Triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Ngày 17/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024. Tham dự có đại diện lãnh đạo quản lý của 59 đơn vị, bao gồm 37 trường THPT, 11 trường dân tộc nội trú THCS&THPT, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố và 1 Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh.

Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục