Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.


Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đề xuất tuyển dụng dưới chuẩn được nhiều người quan tâm trong tình hình thiếu giáo viên ngày càng tăng, nguồn tuyển không đáp ứng nhu cầu.

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.


Ảnh minh họa Giaoduc.net.vn

Bộ giáo dục và Đào tạo kiến nghị tuyển dụng dưới chuẩn những môn nào?

Tại dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội, được Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi Chính phủ và công bố ngày 22/3.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết hiện số lượng giáo viên chưa đáp ứng định mức; tình trạng thừa, thiếu cục bộ diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương, đặc biệt ở các môn tích hợp (Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên), môn học đặc thù (tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật). Dự báo tới năm học 2024-2025, ở cấp tiểu học, cả nước thiếu 12.400 giáo viên, còn ở trung học cơ sở là gần 18.200.

Luật giáo dục 2019 có hiệu lực từ tháng 7/2020 quy định giáo viên tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên. Trước đó, giáo viên tiểu học chỉ cần tốt nghiệp trung cấp sư phạm, giáo viên trung học cơ sở có bằng cao đẳng. Do đó, các địa phương chỉ được tuyển mới giáo viên là cử nhân đại học; những người chưa đạt sẽ phải học để có bằng cấp như quy định.

Hai năm qua, ngành giáo dục được giao bổ sung hơn 27.800 biên chế giáo viên mỗi năm, nhưng chỉ tuyển được hơn một nửa. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, một nguyên nhân chính là số sinh viên tốt nghiệp hạn chế (chủ yếu với các môn tích hợp, nghệ thuật); nhiều cử nhân sư phạm Tin học, Ngoại ngữ không có nhu cầu theo nghề.

Trong khi đó, số học sinh ngày càng tăng. So với năm học 2015-2016, bình quân cấp tiểu học tăng 3,7 học sinh một lớp, trung học cơ sở tăng 4.

Để khắc phục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất cho phép địa phương được tuyển giáo viên có trình độ cao đẳng, sau đó nâng chuẩn. Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng với các môn Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc và Mỹ thuật). Đây cũng là kiến nghị của nhiều địa phương trong thời gian qua.

Theo dự thảo, nếu được thông qua, việc tuyển dụng dưới chuẩn được thực hiện đến hết năm 2028, dự tính thu hút khoảng 10.000 giáo viên trình độ cao đẳng.

Dự thảo được lấy ý kiến từ nay tới hết ngày 22/4.

Tính đến cuối năm học trước, cả nước có 1,33 triệu giáo viên và cán bộ quản lý, trong đó gần 90% làm việc ở trường công lập. Tổng số giáo viên cả nước còn thiếu là 118.000 người. [1]

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Do tình hình thiếu giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã nhiều lần đề xuất được tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, cũng như giải quyết việc làm cho một số người trước đây đạt chuẩn, nay theo Luật Giáo dục mới trở thành dưới chuẩn, mất nhiều cơ hội tuyển dụng, cũng như gỡ khó cho các địa phương trong việc tuyển dụng một số giáo viên hợp đồng còn dưới chuẩn,…

Tuy nhiên, nếu được các cấp có thẩm quyền chấp thuận thì phải sửa đổi nhiều quy định về bổ nhiệm, xếp lương, cũng như có chính sách khuyến khích, hỗ trợ nâng chuẩn,…nếu không sẽ khó giữ chân những đối tượng này.

Một số vấn đề cũng được đặt ra khi tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn.

Một là, bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp cho giáo viên dưới chuẩn trúng tuyển ra sao?

Theo quy định hiện hành tại các Văn bản hợp nhất 09,10/VBHN-BGDĐT về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn, nếu trúng tuyển thì sẽ được bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp hạng III có hệ số lương 2,34-4,98, sau khi đủ thời gian giữ hạng chức danh nghề nghiệp, nếu đủ điều kiện sẽ được dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp lên hạng II có hệ số lương 4,0-6,38.

Tuy nhiên, tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn hiện nay chưa có quy định xếp lương đối với trường hợp này.

Muốn được tuyển dụng và xếp lương phải sửa đổi, bổ sung các quy định tại các Văn bản hợp nhất 09,10/VBHN-BGDĐT.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn có thể xem là tuyển dụng đặc cách nếu không được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp theo quy định hiện hành, xem như họ đạt chuẩn thì họ sẽ hưởng lương thấp, khó thu hút họ đến với nghề.

Ba là, quy định kinh phí học nâng chuẩn ra sao?

Tuyển dụng dưới chuẩn, cho nợ chuẩn nhưng họ phải cam kết học nâng chuẩn.

Cùng với đó, trong thời gian giảng dạy họ phải học nâng chuẩn để đạt chuẩn theo lộ trình của Nghị định 71/2020/NĐ-CP quy định về lộ trình nâng chuẩn.

Về lộ trình được thực hiện theo Điều 4 Nghị định 71/2020/NĐ-CP quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non

"1. Lộ trình thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2030.

2. Lộ trình được thực hiện thành hai giai đoạn:

a) Giai đoạn 1: Từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025, bảo đảm đạt ít nhất 60% số giáo viên mầm non đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm;

b) Giai đoạn 2: Từ ngày 01 tháng 01 năm 2026 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2030, thực hiện đối với số giáo viên còn lại để bảo đảm 100% số giáo viên mầm non hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm."

Nên về cơ bản, họ vẫn thuộc đối tượng được miễn học phí khi được cơ quan có thẩm quyền cử đi học nâng chuẩn.

Tuy nhiên, hiện nay việc các cơ sở giáo dục cử giáo viên học nâng chuẩn để giáo viên được miễn học phí rất ít, đa số giáo viên phải tự bươn chải, tự đăng ký, tự đóng học phí và chịu thêm nhiều chi phí khác khi học nâng chuẩn như chi phí đi lại, ăn uống,…

Mong các cơ quan chức năng có chế độ hỗ trợ phần nào chi phí đi lại, lưu trú,…cho giáo viên học nâng chuẩn, trong đó có giáo viên dưới chuẩn, khi đó mới mong giữ chân họ gắn bó lâu dài với nghề.

Tất nhiên, khi bỏ kinh phí học nâng chuẩn phải đi kèm với cam kết phục vụ có thời hạn trong ngành giáo dục.

Bốn là, có thể bổ nhiệm giáo viên dưới chuẩn làm cán bộ quản lý không?

Câu trả lời hiện nay là không. Nếu họ dưới chuẩn thì hiện nay tại các cơ sở giáo dục sẽ không thể bổ nhiệm giữ các nhiệm vụ, chức vụ,… như hiệu trưởng, phó hiệu trưởng.

Nếu họ có nhiều thành tích, năng lực, uy tín,..được tập thể tín nhiệm thì mong có cơ chế đặc thù để họ có được cơ hội để bổ nhiệm chức vụ cán bộ quản lý để tạo động lực phấn đấu cho họ.

Năm là, Bộ Giáo dục đề xuất tuyển dụng dưới chuẩn những môn nào?

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất cho phép địa phương được tuyển giáo viên có trình độ cao đẳng, sau đó nâng chuẩn. Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng với các môn Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc và Mỹ thuật).

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của người viết, tại nhiều địa phương vẫn còn thiếu nhiều giáo viên ở các môn khác như Ngữ Văn, Giáo dục thể chất cũng như các Hoạt động Trải nghiệm, hướng nghiệp,…

Ngay tại trường trung học cơ sở nơi người viết công tác hiện nay thiếu đến 4 giáo viên môn Ngữ văn và gần như cả huyện đơn vị nào cũng thiếu giáo viên Ngữ văn nhưng thiếu nguồn tuyển nghiêm trọng.

Nên xin nghiên cứu cho phép các địa phương được tuyển dụng dưới chuẩn ở những môn thiếu, địa phương có nhu cầu. Cho phép tuyển giáo viên dưới chuẩn môn Ngữ văn và các môn khác sẽ gỡ khó cho địa phương, thêm nguồn tuyển,...

Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp, mở ra cơ chế tuyển dụng phù hợp thì không những giải quyết bài toán thiếu giáo viên mà còn giúp giáo viên được tuyển dụng gắn bó lâu dài với nghề, tạo mọi cơ hội để họ cố gắng phấn đấu, phát triển.

Theo giaoduc.net.vn

Các tin khác


UBND tỉnh làm việc về công tác giáo dục và đào tạo tại huyện Lạc Sơn

Ngày 8/4, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND huyện Lạc Sơn về công tác giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Tham gia đoàn có lãnh đạo các Sở: GD&ĐT, LĐ-TB&XH, Nội vụ, Văn phòng UBND tỉnh.

Hội thảo nhân rộng mô hình đổi mới sáng tạo trong quản lý dạy và học tại huyện Tân Lạc

Tại Trường TH&THCS Do Nhân, xã Nhân Mỹ (Tân Lạc), Sở GD&ĐT tỉnh vừa tổ chức Hội thảo Nhân rộng mô hình đổi mới sáng tạo trong quản lý dạy và học. 

Khi nào chính sách giáo dục thôi ‘phanh gấp’?

Mới đây, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu địa phương dừng hệ tuyển sinh lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và dừng tuyển thẳng vào lớp 10 bằng chứng chỉ IELTS đã gây bất ngờ cho các thí sinh và gia đình - những người đã có định hướng từ trước.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Tưng bừng Ngày hội Tư vấn Tuyển sinh - Hướng nghiệp - Việc làm "AJC OPEN DAY - JOB FAIR 2024"

Sáng 07/4/2024, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tưng bừng tổ chức Ngày hội Tư vấn Tuyển sinh - Hướng nghiệp - Việc làm "AJC OPEN DAY - JOB FAIR 2024". Đây là cơ hội để học sinh THPT có thể cập nhật thông tin nhanh chóng, đầy đủ và chính xác nhất về tất cả các ngành nghề đang được đào tạo tại Học viện. Sự kiện này còn tạo điều kiện để sinh viên tiếp cận với các nhà truyền thông, doanh nghiệp và nhà tuyển dụng uy tín trên cả nước để tìm hiểu sâu hơn những nhu cầu thực tế của các nhà tuyển dụng.

Đắk Lắk: Thay đổi hình thức tuyển sinh lớp 10 Trung học Phổ thông

Năm học 2024 - 2025, tỉnh Đắk Lắk dự kiến có khoảng 31.000 học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở, tăng hơn 2.000 em so với năm học trước.

Ngành Giáo dục huyện Cao Phong - bước chuyển trong chất lượng chuyên môn

Cùng với sự lãnh đạo thường xuyên của Sở GD&ĐT, sự chỉ đạo toàn diện của Huyện ủy và UBND huyện, sự phối hợp ủng hộ của các ban, ngành, đoàn thể, nhân dân, đặc biệt là sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường học, công tác GD&ĐT của huyện Cao Phong dần tháo gỡ khó khăn và đạt được những kết quả nổi bật, phát triển toàn diện cả về quy mô, chất lượng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục