Các chương trình liên kết đào tạo quốc tế ngày càng nở rộ nhưng hiệu quả, chất lượng đến đâu thì người học, thậm chí các trường phía VN, vẫn không nắm rõ

 

Tính đến tháng 8-2009, cả nước có 34 trường ĐH, CĐ được Bộ GD-ĐT phê duyệt chương trình liên kết đào tạo (LKĐT) với các nước: Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Úc, Bỉ, Trung Quốc, Singapore... Mới đây, tháng 3-2010, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã có văn bản yêu cầu các trường báo cáo chương trình LKĐT với những cơ sở giáo dục nước ngoài.


Nhắm mắt theo học


Chỉ mới ra mắt trong hơn một năm nay nhưng chương trình LKĐT quản trị kinh doanh với ĐH Lincoln - Mỹ tại Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM đã thu hút khoảng 150 sinh viên theo học. Tuy nhiên, nhiều sinh viên đang học chương trình này phân vân: “Khi đăng ký học, nhà trường nêu rõ sẽ cấp bằng mang tầm quốc tế nhưng chúng tôi không biết chương trình đào tạo có được tổ chức giáo dục nào công nhận hay không”.


Cũng mới ra đời gần đây nhưng nhiều chương trình LKĐT tại Trường Kinh doanh Miler - 100% vốn nước ngoài - đã thu hút khoảng 300 sinh viên theo học. Đối tác của Trường Kinh doanh Miler là Trường ĐH Central Queensland (CQU, Úc).

Theo quảng cáo của Miler thì “CQU là một trong các trường có tốc độ phát triển nhanh nhất Úc với nền giáo dục chất lượng cao và bằng cấp đạt tiêu chuẩn quốc tế. CQU dẫn đầu bang Queensland trong việc thu hút sinh viên quốc tế”.



Minh họa: NGUYỄN TÀI


Tuy vậy, các học viên theo học trường này vẫn không rõ chất lượng những chương trình LKĐT như thế nào, chương trình được cơ quan kiểm định giáo dục Úc công nhận ra sao... Trong khi đó, Miler chỉ cho biết chung chung: “Bằng cấp danh tiếng của CQU được công nhận rộng rãi trên toàn nước Úc và thế giới. Năm 2007 và 2008, tài liệu hướng dẫn các trường ĐH của Úc đánh giá CQU đạt hạng “5 sao” về các tiêu chí”.


Theo khảo sát của chúng tôi, TPHCM hiện có gần 20 chương trình LKĐT với các trường của Mỹ, như: ĐH Southern Columbia, ĐH Troy, ĐH Lincoln, ĐH Missouri, ĐH Sullfork, CĐ Cộng đồng Houston... Trong đó, chỉ có bằng cấp của vài chương trình LKĐT được một số tổ chức giáo dục ở Mỹ, như: CHEA, SACS, DETC... công nhận; còn phần nhiều đều không được tổ chức giáo dục nào công nhận.


Người học tự “bơi”


Theo TS Nguyễn Diệu Hùng, Giám đốc điều phối chương trình LKĐT với ĐH Lincoln tại Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM, do đây là chương trình đào tạo duy nhất của ĐH Lincoln tại VN nên đã nhanh chóng thu hút sinh viên theo học. Bằng cấp của sinh viên sau khi ra trường do chính ĐH Lincoln cấp, được CHEA - Cơ quan Kiểm định giáo dục của Chính phủ Mỹ - công nhận.


Không được rõ ràng như chương trình LKĐT với ĐH Lincoln, hàng ngàn người theo học gần 20 chương trình đào tạo CĐ, ĐH, thạc sĩ liên kết với các trường ĐH, CĐ của Anh, Úc,  Bỉ, Pháp, Singapore hiện vẫn mờ mịt thông tin về các chương trình này, dù đã bỏ ra một khoản tiền lớn.

Người học hầu như chỉ biết các chương trình LKĐT qua quảng cáo, nào chương trình học quốc tế, bằng cấp giá trị quốc tế, nào ra trường có tấm bằng quốc tế dễ xin việc làm lương cao... Thế nhưng, khi chúng tôi đề cập chuyện chương trình được tổ chức nào công nhận, giá trị bằng cấp đến đâu..., phần đông người học đều không nắm rõ.


TS Trương Quang Được, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TPHCM, bức xúc: “Khi lên internet tìm kiếm các chương trình LKĐT với nước ngoài, nhiều phụ huynh và sinh viên thấy như rơi vào giữa mê hồn trận. Trường nào cũng giới thiệu thông tin tốt về mình, đào tạo hay, bằng cấp tốt. Có thể khi mở chương trình đào tạo, nhiều trường cũng không biết đối tác liên kết ở nước ngoài như thế nào nữa! Các quy định, tiêu chí về chất lượng đào tạo chương trình cũng đều bỏ ngỏ”.


Trong khi đó, TS Nguyễn Diệu Hùng nhìn nhận: “Sinh viên và phụ huynh muốn biết trường tốt cũng không có kênh thông tin nào chính thức công bố. Vì vậy, người học phải tự “bơi”. Thậm chí, tôi biết có những đơn vị chỉ LKĐT trực tuyến trên mạng, mỗi môn học chỉ có giảng viên nước ngoài qua VN dạy vài ngày rồi về. Thế nhưng, người học vẫn được bằng cấp quốc tế hẳn hoi!”.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Theo TS Vũ Thị Phương Anh (ĐH Quốc gia TPHCM), kiểu LKĐT quốc tế như vậy được biết đến trên thế giới với tên gọi chung là giáo dục ĐH xuyên biên giới.

“Trong điều kiện hiện nay của VN, khi việc quản lý các hoạt động giáo dục ĐH xuyên biên giới vẫn chưa thực sự hiệu quả, nếu không muốn nói là gần như hoàn toàn bỏ ngỏ, người học vẫn luôn bị đe dọa bởi các rủi ro tiềm ẩn” – TS Phương Anh nhận xét.


TS Phương Anh cho rằng biện pháp quan trọng và hữu hiệu nhất để bảo vệ quyền lợi người học là họ phải có được thông tin đầy đủ, minh bạch và chính xác.

 

                                                                                       Theo NLĐ

Các tin khác


Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông

Trong tháng Tư vừa qua, Sở GD&ĐT phối hợp Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo "Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông” với mục đích trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh THPT trên địa bàn tỉnh; phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có đam mê trong lĩnh vực khoa học công nghệ và khơi dậy tinh thần, khát vọng khởi nghiệp trong giới trẻ.

Hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024.

Thực hiện các nhiệm vụ đột phá nâng cao chất lượng giáo dục

Toàn ngành Giáo dục Hòa Bình hiện có trên 18.540 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó có 1.466 cán bộ quản lý, 15.038 giáo viên, 2.040 nhân viên. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ với các ban, sở, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố; sự chỉ đạo sát sao của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), ngành đã triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác GD&ĐT, thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.

Học bạ 6 điểm/môn, thí sinh lưu ý việc cần làm để trúng tuyển đại học

Đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố điểm chuẩn học bạ năm 2024 với mức trung bình từ 5 - 8,5 điểm mỗi môn, phổ biến nhất là 6 điểm. Với mức điểm này, thí sinh cần làm gì để có thể trúng tuyển vào đại học theo phương thức xét tuyển bằng học bạ?

Ký kết phối hợp xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2024 – 2030

Ngày 25/4, tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh, các đơn vị: Hội Khuyến học tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Hội Giáo chức tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động khuyến học, khuyến tài (KHKT), xây dựng xã hội học tập (XHHT) giai đoạn 2024 - 2030.

Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức Gala review “Trang sách và cuộc đời”

Ngày 20/4, Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức chương trình Gala hoạt động trải nghiệm Review "Trang sách và cuộc đời”. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục