Các trường trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị tốt chào đón năm học mới.

Các trường trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị tốt chào đón năm học mới.

(HBĐT) - Ngày 5/9, gần 18,6 vạn học sinh, sinh viên của 703 trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và các trung tâm GDTX sẽ tưng bừng bước vào năm học mới. Trước ngày khai giảng, phóng viên Báo Hoà Bình điện tử đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Minh Thành, Giám đốc Sở GD& ĐT tỉnh về công tác chuẩn bị của tỉnh ta cho năm học 2010-2011.

 

PV: Thưa đồng chí, năm học 2009-2010 đã qua đi với những thành tựu nổi bật nhất mà toàn ngành đã nỗ lực đạt được. Đồng chí có thể khái quát về điều đó.

 

 Đồng chí Nguyễn Minh Thành: Năm học 2009-2010, có chủ đề “Năm học đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục” đã khép lại với những kết quả tốt đẹp. Các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành đã từng bước đi vào chiều sâu, có hiệu quả rõ rệt.

 

 Công tác đổi mới chương trình giáo dục phổ thông được chỉ đạo chặt chẽ, tổ chức thực hiện nghiêm túc và đã đạt được kết quả nhất định. Chất lượng giáo dục đại trà được chú trọng, chỉ đạo có chiều sâu, đánh giá thực chất chất lượng học tập của học sinh, sinh viên. Một số kết quả cụ thể. Giáo dục tiểu học, tỷ lệ học sinh đạt loại giỏi môn toán chiếm 41%; với môn tiếng Việt chiếm 31%. Về THPT, tỉnh ta có 40 học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia (4 giải nhì, 20 giải ba và 16 giải khuyến khích, có 8 học sinh dân tộc đoạt giải). Ngoài ra, tỉnh còn đoạt giải nhất toàn đoàn tại kỳ thi giải toán trên máy tính cầm tay Vinacal; có trên 2.000 học sinh giỏi cấp tỉnh của các ngành học, bậc học. Tại kỳ thi tốt nghiệp phổ thông năm 2010, tỉnh ta đỗ tốt nghiệp đạt tỷ lệ 95,45% đối với THPT (đứng thứ 26/63 tỉnh, thành) và 95,69% đối với giáo dục thường xuyên. Ngành đã được Bộ GD&ĐT tặng cờ đơn vị xuất sắc, khen thưởng ở 6 lĩnh vực công tác.     

    

PV: Năm 2010-2011, ngành GD&ĐT Hòa Bình cần hướng vào các nội dung chính nào trong hoạt động, để từng bước nâng cao chất lượng GD-ĐT tỉnh nhà?

 

Đồng chí Nguyễn Minh Thành: Năm học 2010 - 2011 có chủ đề “Năm học tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục". Để thực hiện tốt chủ đề này, ngành tập trung chỉ đạo và phấn đấu làm tốt  một số nội dung sau:

 

Thực hiện tốt hơn quyền chủ động của cơ sở trong phân cấp quản lý giáo dục và phối hợp quản lý hệ thống giáo dục quốc dân. Hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ tổ chức bộ máy, biên chế đối với đơn vị sự nghiệp công lập GD&ĐT.

 

Tổ chức tổng kết Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2001-2010. Hoàn thiện và triển khai Chiến lược phát triển giáo dục tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2011- 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Chỉ đạo xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục  các cấp.

 

Đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác thông tin cho toàn xã hội về phát triển sự nghiệp GD&ĐT trong điều kiện mới; lắng nghe ý kiến xã hội, thông qua trang thông tin điện tử của ngành GD&ĐT.

 

Coi trọng, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong Giáo dục và Đào tạo, công tác thanh tra, công tác pháp chế.  Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính trong toàn ngành, đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Tổ chức đánh giá kết quả 10 năm công tác xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia.

 

Triển khai thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi theo Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 27/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân 2008 - 2020 (Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ) trong giáo dục phổ thông (trước hết từ tiểu học) giáo dục nghề nghiệp, đại học, cao đẳng; Triển khai thực hiện Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 - 2020 (ban hành kèm theo Quyết định số 959/QĐ-TTg ngày 24/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ). 

 

Tiếp tục triển khai dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng phù hợp với từng đối tượng học sinh. Tập trung chỉ đạo đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá; Triển khai thực hiện các giải pháp nhằm giảm tỷ lệ học sinh yếu kém, khắc phục tình trạng học sinh bỏ học. Tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng dạy học 2 buổi/ngày ở những nơi có điều kiện, nhất là ở cấp tiểu học.

 

Tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 112/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005 - 2010; xây dựng Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2011-2020” và Đề án Xoá mù chữ giai đoạn 2011-2020.

 

PV: Trong thời gian qua, ngành GD&ĐT toàn tỉnh đã có những bước chuẩn bị toàn diện như thế nào để năm học mới đạt kết quả cao nhất? Đồng chí có thể nói rõ về điều này.

 

Đồng chí Nguyễn Minh Thành: Chuẩn bị cho năm học mới và “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường” năm học 2010- 2011, từ nhiều tháng nay, toàn  tỉnh đã và đang tích cực chuẩn bị về mọi mặt cho khai giảng năm học. 

Ngành đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành Chỉ thị về nhiệm vụ trọng tâm năm học 2010 - 2011 đối với giáo dục  mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục thường xuyên và  giáo dục chuyên nghiệp năm học 2010 - 2011; Quyết định số 871/QĐ-UBND ngày 10/6/2010 về Kế hoạch thời gian năm học 2010-2011 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Hoà Bình. Chỉ đạo các trường tiểu học, THCS, PTCS, THPT tiến hành học tập từ ngày 16/8/2010.   

Bên cạnh đó, Ngành đã tổ chức công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên hè 2010, với nhiều nội dung, chuyên đề khác nhau (45 lớp với hơn 2.000 lượt học viên). Thực hiện điều tra và huy động tối đa trẻ  5 tuổi  đến trường; huy động với tỷ lệ cao nhất trẻ 6 tuổi vào lớp 1; hoàn thành công tác tuyển sinh vào lớp 6, lớp 10 theo đúng kế hoạch.         

Ngành cũng đã chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, sách giáo khoa và các tài liệu khác. Toàn tỉnh hiện có 8.488 phòng học trong đó có 5.532 phòng kiên cố chiếm 65,17%; 1988 phòng bán kiên cố chiếm 23,42%; 968 phòng tạm, phòng khác chiếm 11,41%. Ngoài ra có 1.172 phòng ở của giáo viên; 467 phòng thư viện, 394 phòng thí nghiệm và phòng học bộ môn. Triển khai thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008-2012 với mục tiêu xóa phòng học tạm thời, phòng bán kiên cố xuống cấp. 

Mua sắm thiết bị cho nhiều trường thuộc các  ngành  học, bậc  học  hết  7600 triệu  đồng. Về sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy: tổng số các loại sách đã phát hành phục vụ cho năm học mới là 3.693.361 bản, cùng nhiều văn phòng phẩm, đồ dùng giảng dạy của giáo viên, đồ dùng học tập của học sinh.   

Ngành GD&ĐT đã phối hợp với các cấp, các ngành chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, cổ động về khai giảng và “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường” năm học 2010 - 2011 trong toàn tỉnh.... Ngày 5/9/2010 tiến hành khai giảng đồng loạt ngành học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên.   

 

PV: Xin cám ơn đồng chí

 

 

                                                                         Bùi Huy

                                                                       (Thực hiện)

\

 

Các tin khác


Ký kết phối hợp xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2024 – 2030

Ngày 25/4, tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh, các đơn vị: Hội Khuyến học tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Hội Giáo chức tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động khuyến học, khuyến tài (KHKT), xây dựng xã hội học tập (XHHT) giai đoạn 2024 - 2030.

Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức Gala review “Trang sách và cuộc đời”

Ngày 20/4, Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức chương trình Gala hoạt động trải nghiệm Review "Trang sách và cuộc đời”. 

Hội thảo “Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông”

Chiều 17/4, Sở GD&ĐT phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức chương trình Hội thảo trực tiếp và trực tuyến "Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông” năm 2024 tới thầy, cô giáo, học sinh lớp 12 của các trường THPT, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và Trường phổ thông liên cấp Sao Mai.

Triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Ngày 17/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024. Tham dự có đại diện lãnh đạo quản lý của 59 đơn vị, bao gồm 37 trường THPT, 11 trường dân tộc nội trú THCS&THPT, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố và 1 Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh.

Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục