Những trường ĐH không đảm bảo diện tích đất học cho sinh viên, không có ký túc xá và khu thể dục thể thao...trong khu vực nội thành sẽ di dời ra 1 trong 8 khu đô thị ĐH ngoại thành Hà Nội. Theo khảo sát và tính toán của Bộ GD-ĐT, tổng diện tích dự kiến đầu tư cho một sinh viên dao động từ 45-75m2.

 



SV thi vào Trường ĐH Ngoại thương. Đây là một trong 12 trường thuộc diện di dời. Ảnh: Lê Anh Dũng

Trong đó, dự kiến chỉ tiêu quỹ đất trong khu ĐH cho mỗi sinh viên như sau: đất học tập từ 20-30m2; đất ký túc xá từ 10-15m2; đất thể dục thể thao tối thiểu 10m2; đất công cộng từ 5-10m2.


Sẽ có 8 khu đô thị ĐH được quy hoạch tại Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên và Chúc Sơn.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT đó mới chỉ là những quy hoạch "trên giấy", vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn...


Theo thống kê của Bộ, nội thành Hà Nội hiện có 41 trường ĐH và 21 trường CĐ (không tính trường  công an, quân đội).

Quy mô đào tạo của các trường trong những năm gần đây đều tăng nhưng quỹ đất và cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động đào tạo đảm bảo chất lượng không tăng.


Các trường tập trung chủ yếu ở quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân và quận Cầu Giấy. Hầu hết đào tạo đa ngành, liên ngành và đa trình độ.

Số liệu thống kê từ 51 trường ĐH, CĐ của Bộ cho thấy bình quân chung số m2 diện tích đất/ sinh viên quy chuẩn đạt khoảng 17,6m2, bằng xấp xỉ 70% tiêu chí đất đai để thành lập trường theo quy định.


Trong đó có đến 20 trường chỉ có từ 0,2 m2 - 6 m2/ một sinh viên quy chuẩn.


Thậm chí, có trường ĐH sau 17 năm hoạt động, diện tích đất hiện có là "số không" như ĐH dân lập Đông Đô (thành lập 1994).


Do bình quân diện tích đất quá thấp nên theo kiến trúc sư Trần Thanh Bình - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thiết kế trường học, nhiều trường ĐH , CĐ khu vực nội thành Hà Nội và TP.HCM thiếu các khu chức năng cơ bản, khu học tập có mật độ xây dựng quá cao, cộng với chất lượng quy hoạch thấp dẫn tới mô trường sư phạm không đảm bảo.


Còn Bộ GD-ĐT lý giải thêm cho sự cần thiết phải di dời các trường ĐH, CĐ  ra ngoại thành là hiện nay các trường nằm xen lẫn trong các khu dân cư nên rất khó khăn và tốn kém nếu muốn mở rộng đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật.... Đây cũng là lý do dẫn đến môi trường sư phạm ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, làm hạn chế các hoạt động giáo dục toàn diện và thiếu cơ hội cho sinh viên tổ chức sinh hoạt tập thể, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo và sự phát triển của các trường về mọi phương diện.


Vẫn theo Bộ, việc quá nhiêu trường ĐH ở khu vực nội thành cũng "góp phần" làm cho tình hình an ninh và trật tự xã hội của thành phố đang trở nên phức tạp. Vì vậy, việc đáp ứng quỹ đất để mở rộng diện tích cho các trường ĐH, CĐ trong nội thành đang là đòi hỏi cấp thiết.


Đô thi đại học, bao giờ?


Trong năm 2010, tại hội nghị bàn di dời các trường,Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định, việc di dời ĐH là  "bắt buộc, không bàn lùi".


Theo quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050  mà Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội dự kiến sẽ có 8 khu ĐH tập trung.


Địa điểm, quỹ đất và quy mô đào tạo mỗi khu như sau: Gia Lâm 600-650ha với  60.000sinh viên; Đông Anh 100-200 ha với 30.000 sinh viên; Sóc Sơn 600-650ha với 100.000 sinh viên; Sơn Tây 300-350ha với 50.000 sinh viên; Hòa Lạc 1.200 - 1.500ha với 150.000 sinh viên; Xuân Mai 600-650ha với 100.000 sinh viên; Phú Xuyên 120-150ha với 20.000 sinh viên; Chúc Sơn 150-200ha với  30.000 sinh viên.


'Khu ĐH tập trung" của Hà Nội dự kiến sẽ phát triển theo nhiều mô hình: khu đô thị ĐH, khu ĐH và cụm trường ĐH,CĐ.


"Khu ĐH tập trung" hạn chế việc chia lô cho từng trường xây khép kín mà hình thành tổ hợp trường ĐH,CĐ (mỗi khu không ít hơn 3 trường và không nhiều hơn 7 trường) bao gồm những trường ĐH, CĐ thành lập mới; trường thành lập mới với các trường di dời toàn bộ từ nội thành ra hoặc các trường di dời một phần từ nội thành ra.


Có 34 trường ĐH, CĐ trong nội thành Hà Nội đề nghị cấp bổ sung đất như: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, mỗi trường 300 ha; Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông 125 ha; hai trường ĐH Ngoại thương và ĐH Thủy lợi, mỗi trường 100 ha; ĐH Điện lực 88,8 ha, CĐ Giao thông vận tải  62,84 ha.

Trong khu này, bao gồm cả các trường ĐH trọng điểm, trường công lập, trường tư thục, trường thuộc Bộ GD-ĐT, trường của các Bộ, ngành, địa phương và trường có yếu tố nước ngoài...


Tuy nhiên, một nguồn tin từ Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học (Bộ GD-ĐT) cho biết, sau hội nghị các vấn đề liên quan đến việc di dời mới dừng lại việc lấy ý kiến các trường, Bộ, ngành... 8 khu ĐH tập trung mới chỉ là dự án trên giấy.

   

Mặc dù đã được yêu cầu đăng ký kế hoạch di dời, nhưng đến thời điểm này, các trường hầu như vẫn “án binh bất động” vì “chưa có gì để đăng ký”.

Trao đổi với báo giới, lãnh đạo các trường phân tích, không thể để các trường tự lo đất, tự xây trường vì thực tế  "không thể làm nổi".


Ông Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho hay, dự án ĐHQG tại Láng – Hòa Lạc 10 năm vẫn chưa triển khai được; ĐH Y tế cộng đồng sau 5 năm không giải tỏa được đất khiến nguồn viện trợ cho dự án bị hủy; ĐH Răng hàm mặt đã lập dự án xây dựng nhưng 5-6 năm nay vẫn chưa triển khai xong.

Nói với báo Lao Đông, ông Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương Hà Nội cũng đặt câu hỏi: tiền đầu tư sẽ lấy từ địa phương hay doanh nghiệp, bởi mỗi trường cần hàng nghìn tỷ đồng, và thời gian phải tính bằng 10 năm hoặc lâu hơn nữa.

Trong khi đó, đại diện của Học viện Hành chính quốc gia đề xuất cần có chủ trương xã hội hóa đối với những trường có quyết định di dời, như huy động vốn, liên kết, hợp tác, được phép chuyển đổi công năng quỹ đất đang có để có kinh phí.


"Chấm điểm" để chọn trường di dời

Bộ GD-ĐT cho biết, trường thuộc diện không phải di dời (nếu không muốn di dời) khi tổng số điểm đạt từ 0-15 điểm. Trường thuộc diện di dời một phần khi tổng số điểm đạt từ 16 đến 30 điểm và trường thuộc diện di dời toàn bộ khi tổng số điểm từ 31 đến 40.

Ba tiêu chí chấm điểm: đất đai; Ngành nghề đào tạo; Năm thành lập và xây dựng.


Từng tiêu chí được lượng hóa bằng cách cho điểm từ thấp đến cao theo thang điểm 100.


Nguyên tắc cho điểm là các điều kiện nào của trường tốt (hoặc đầy đủ, ổn định) thì nhận ít điểm, các điều kiện nào còn thiếu hoặc chưa tốt (chưa đầy đủ, chưa sẵn sàng, còn phải phát triển thêm nhiều) sẽ nhận số điểm nhiều hơn.


Tổng điểm cho thấy các trường có số điểm cao hơn sẽ có nhiều khả năng phải di dời nhiều hơn.

 

                                                                         Theo VietNamnet

Các tin khác


Hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024.

Thực hiện các nhiệm vụ đột phá nâng cao chất lượng giáo dục

Toàn ngành Giáo dục Hòa Bình hiện có trên 18.540 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó có 1.466 cán bộ quản lý, 15.038 giáo viên, 2.040 nhân viên. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ với các ban, sở, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố; sự chỉ đạo sát sao của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), ngành đã triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác GD&ĐT, thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.

Học bạ 6 điểm/môn, thí sinh lưu ý việc cần làm để trúng tuyển đại học

Đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố điểm chuẩn học bạ năm 2024 với mức trung bình từ 5 - 8,5 điểm mỗi môn, phổ biến nhất là 6 điểm. Với mức điểm này, thí sinh cần làm gì để có thể trúng tuyển vào đại học theo phương thức xét tuyển bằng học bạ?

Ký kết phối hợp xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2024 – 2030

Ngày 25/4, tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh, các đơn vị: Hội Khuyến học tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Hội Giáo chức tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động khuyến học, khuyến tài (KHKT), xây dựng xã hội học tập (XHHT) giai đoạn 2024 - 2030.

Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức Gala review “Trang sách và cuộc đời”

Ngày 20/4, Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức chương trình Gala hoạt động trải nghiệm Review "Trang sách và cuộc đời”. 

Hội thảo “Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông”

Chiều 17/4, Sở GD&ĐT phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức chương trình Hội thảo trực tiếp và trực tuyến "Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông” năm 2024 tới thầy, cô giáo, học sinh lớp 12 của các trường THPT, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và Trường phổ thông liên cấp Sao Mai.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục